Báo Việt Nam nói vì khó kết nạp đảng viên mới, Đảng Cộng sản cầm quyền ở nước này nay muốn mở rộng nhận vào nhóm 'trung lưu, khá giả và thành đạt'.
Tờ ZingNews trích thuật phát biểu của một số bí thư Đảng CS ở địa phương nêu ra khó khăn trong việc kết nạp đảng viên mới.
Ví dụ, từ phường Đông Khê, Hải Phòng, bà Bí thư phường Đàm Thị Minh Phương nói:
"Những năm gần đây, Đảng bộ chỉ kết nạp được rất ít Đảng viên mới, chủ yếu là đoàn viên, thanh niên. Rất ít người thuộc các nhóm người kinh doanh, lao động tự do, kỹ sư hay doanh nhân… Nhiều người làm ăn thành đạt, khá giả, có địa vị xã hội nhưng lại không mặn mà vào Đảng."
Còn tin từ thành ủy Hạ Long cho biết nguồn phát triển Đảng viên chủ yếu dựa vào lực lượng đoàn viên thanh niên ở khu phố.
"Mà hiện nay lực lượng này đang ngày càng ít dần. Trong khi những người thuộc nhóm khá giả, trung lưu, làm việc tự do trên địa bàn lại mong muốn có thời gian tập trung làm ăn kinh doanh, không thể dành thời gian để tham gia công tác Đảng."
Tại Bích Động (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), Bí thư Đảng ủy Nguyễn Văn Phương được trích lời nói rằng "khi người dân thu nhập ngày càng cao lên, tốc độ đô thị hóa nhanh, thì có một nghịch lý là việc phát triển Đảng lại càng khó".
Cản trở bởi ý thức hệ cũ kỹ?
Trên nguyên tắc, Đảng Cộng sản Việt Nam từng tự hào là "đội quân tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động" đi lên từ các cuộc cách mạng ở nước này.
'Chán Đảng khô Đoàn' có phải là mới?
Sau câu 'Đảng thật vĩ đại', TBT Trọng ví văn kiện Đảng với văn bia
Đảng CS TQ và VN 'cam kết tăng cường hợp tác'
TQ bắt nhóm sinh viên giúp lập nghiệp đoàn
Nhưng sang thời kỳ Đổi mới, ý thức hệ Leninist kiểu cách mạng truyền thống được diễn giải mở rộng hơn, gắn vào tính dân tộc, tức là gồm mọi thành phần xã hội:
"Đảng lãnh đạo giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, phấn đấu vì mục tiêu: "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", theo một văn kiện chính thức.
Nhưng quan hệ của Đảng Cộng sản với tầng lớp trung lưu, mà theo định nghĩa phổ biến trên thế giới, là nền tảng của chế độ dân chủ tư sản, thì không tốt bằng các giai cấp khác.
Sau giai đoạn cực đoan ban đầu với khẩu hiệu tiêu diệt "trí phú địa hào", Đảng CS VN nhất là thời Chủ tịch Hồ Chí Minh có sử dụng trí thức, các nhà tư sản dân tộc.
Nhưng như nhà báo Trần Tiến Đức, con trai cố thị trưởng Hà Nội, bác sỹ Trần Duy Hưng thì Đảng Cộng sản 'dùng mà không trọng trí thức'.
Trong bài đăng trên BBC hôm 23/09/2021, ông viết: "Tư tưởng 'Trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ' có từ thời Trần Phú vẫn có ảnh hưởng rất lớn đối với suy nghĩ và chính sách của ĐCS VN sau này."
Còn theo ông Lê Quang Thưởng - nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Trung ương - nhắc lại trên tờ ZingNews thì "thời kỳ Cách mạng, các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước rất tin tưởng và trọng dụng những nhà tư sản dân tộc, nhà trí thức thời đó".
"Nhiều người trong số họ sau khi đi theo cách mạng, được giác ngộ lý tưởng rồi đứng trong hàng ngũ của Đảng, có nhiều cống hiến cho đất nước."
Có vẻ như nay Đảng CS VN lại cần đến nhóm cư dân này, theo lời ông nguyên phó ban Tổ chức Trung ương:
"Nhiều người thuộc nhóm khả giả là những người làm kinh tế giỏi, đã khẳng định được địa vị xã hội, nhiều người có kiến thức, được đào tạo bài bản, có lý tưởng sống…"
"Do vậy, nếu phát hiện, bồi dưỡng những người này phấn đấu đứng trong hàng ngũ của Đảng thì giống như tìm được người tài, giúp ích nhiều hơn cho Đảng, cho đất nước..."
Không thích vào vì Đảng thiếu sức sống và tha hóa?
Việc 'chán Đảng khô Đoàn' đã là hiện tượng trong xã hội Việt Nam từ hơn 10 năm qua chứ không có gì mới.
Trong một văn bản giáo dục văn hóa tư tưởng ở Việt Nam năm 2009 cụm từ "chán Đảng khô Đoàn nhạt chính trị" đã được nêu.
Sang năm 2017, chính TBT Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại chuyện này và cảnh báo về nguy cơ "chán Đảng, khô Đoàn, nhạt chính trị" trong chuyến về thăm Hải Phòng (15/11).
"Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý, cần hết sức thấm thía, từ đó ngăn chặn tình trạng "chán Đảng, khô Đoàn, nhạt chính trị", ngăn chặn cho được tình trạng tha hóa, hư hỏng, tư tưởng dao động không vững vàng, kèn cựa nhau...," truyền thông VN khi đó viết.
Cũng hồi 2017, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nêu ra vấn đề số Đảng viên CS ở VN "đông mà không chất lượng".
Bà nói rằng: "Hiện nay số đảng viên của ta có lẽ đông đứng thứ hai trong các Đảng Cộng sản, chỉ sau Trung Quốc."
"Nếu số đông đảng viên là những người đúng tiêu chuẩn như Điều lệ Đảng đề ra, những công dân tốt, gương mẫu, những cán bộ có trách nhiệm, làm việc vì đất nước, vì nhân dân… thì chắc chắn tình hình của đất nước tốt hơn nhiều so với hiện nay."
Mặt khác, công cuộc Đổi mới cũng cho phép người dân Việt Nam có thể sống, làm ăn, thăng tiến và thành đạt mà không nhất thiết phải bám vào bộ máy chính trị.
Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, John Kerry có nhận xét khi thăm lại Việt Nam năm 2016 rằng ở xã hội VN ông chỉ thấy chủ nghĩa tư bản.
Một thống kê cho thấy số đảng viên cộng sản ở VN tập trung nhiều hơn ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ so với miền Nam.
Bloomberg hồi 2015 có đăng bản đồ và số liệu họ nói là tới 70% thành viên ĐCS VN tập trung ở phía Bắc.
Việc chung sống với kinh tế thị trường và một hình thức của xã hội tư bản chủ nghĩa - vừa đem lại lợi nhuận cao cho Đảng CS VN, vừa đặt ra nhiều thách thức.
Ngoài nhu cầu trẻ hóa, thu hút trí thức, tầng lớp trung lưu, Đảng CS cũng bị chỉ trích là bỏ rơi giai cấp công nhân hoặc nông thôn nghèo.
Một bài trên BBC gần đây nêu ý kiến của nhà quan sát hoạt động nghiệp đoàn tại Đức cho rằng vì độc quyền nắm Công đoàn VN, hệ thống chính trị đã không chăm lo được tốt cho công nhân trong đại dịch Covid.
Về đối ngoại, các quan chức, lãnh đạo của ĐCSVN khi ra nước ngoài cũng thích gặp gỡ doanh nhân, nhà đầu tư hơn là giao tiếp với các tổ chức công đoàn, các nhóm đấu tranh, phản đối chủ nghĩa tư bản.
Sự trái ngược giữa tuyên bố và việc làm này khiến ngay cả những nhóm thiên tả mà đáng ra phải yêu quý Đảng CS VN đã không quan tâm nhiều đến mô hình XHCN đặc thù ở nước này nữa.
Giới nghiên cứu xã hội học và tuyên giáo của Đảng CS VN cũng vắng mặt ở những diễn đàn về chủ nghĩa XH mới, về 'Social Europe' (châu Âu xã hội) đang diễn ra sôi nổi.
Việc khô cứng về tư duy này có thể là một lý do khiến những trí thức, người thành đạt quan tâm đến các vấn đề của nhân loại không tìm thấy trong Đảng CS VN câu trả lời mang tính tri tuệ.
Hơn nữa, hiện Đảng CS VN có trên 5 triệu đảng viên nhưng xu hướng dân số phân chia ra các giai tầng mới, theo đúng quy luật của xã hội, lại báo hiệu đảng này sẽ không còn mạnh như vậy trong tương lai.
"Số lượng tầng lớp trung lưu sẽ lên tới hàng chục triệu người, đóng vai trò quan trọng trong sản xuất, tiêu dùng, dẫn dắt nền kinh tế," PGS TS Hoàng Văn Cường - Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân được tờ Zingnews trích lời, đánh giá về hiện tượng mới này.
Ông cho rằng với số lượng lớn như vậy, việc phát triển Đảng trong nhóm dân cư này là một vấn đề thực tiễn đang đặt ra và cần có sự quan tâm đúng mức, tờ báo VN tường thuật.
Xem thêm:
HN có số đảng viên Cộng sản bị kỷ luật 'tăng đều'
John Kerry: 'Chỉ có chủ nghĩa tư bản' ở Việt Nam
Công ty sân sau và tư bản thân hữu từ đâu ra?
VN: Đảng CSVN sẽ chống cả 'tiêu cực' bên cạnh tham nhũng?
1 tháng 11 2021
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-59119604