29 novembre 2021

Vật chất vận động

Thiện Tùng

26/11/2021


Được biết, nhiều triết gia vang danh, không phân biệt khuynh hướng, trong đó có Các Mác, đều cho rằng “vật chất luôn trong trạng thái vận động”.


Không biết tự thuở nào, người ta dùng lập luận 3 đoạn (tam đoạn luận):

Vật chất luôn vận động,

Con người  là dạng vật,

Con người luôn vận động.

 

 Ảnh minh hoạ

Triết gia Heraclitus từng nói: "Cuộc sống là dòng chảy". Triết gia Hy Lạp này, vào năm 500 trước Công nguyên, đã chỉ ra rằng: “Mọi thứ liên tục chuyển động và trở nên khác đi so với nó trước đó. Giống như một dòng sông, cuộc sống trôi chảy mãi về phía trước, và mặc dù chúng ta có thể bước từ trên bờ xuống sông, dòng nước đang chảy qua chân ta sẽ không bao giờ là dòng nước đã chảy qua trước đó, dù chỉ một khoảnh khắc ngắn ngủi”. Heraclitus kết luận: “Vì bản chất của cuộc sống là biến đổi, nên việc chống lại dòng chảy tự nhiên này là chống lại chính bản chất của sự tồn tại. Không có gì vĩnh cửu ngoại trừ sự biến đổi - Hãy chấp nhận thay đổi”…

 

Tiểu thuyết gia Elena Ferrante mới đây nói rằng: "Chúng ta không việc gì phải sợ thay đổi, và không nên hoảng sợ trước những điều khác biệt."

 

Những danh nhân đã nói thế và cả thế giới cũng luôn tôn trọng quy luật “vật chất luôn trong trạng thái vận động” để tồn tại, phát triển, chuyển hoá… Ở Việt Nam có gì khác biệt mà Giáo sư Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng CSVN, suốt hơn 10 năm qua, luôn phê phán, thậm chí lên án không tiếc lời đối với những đảng viên của mình “tư diễn biến”, “tự chuyển hoá”?!.

 

Từ khi ngồi vào ghế Tổng Bí thư Đảng CSVN, có lúc kiêm luôn cá chức Chủ tịch nước, đến nay gần 11 năm (2011-11/2021), ông Nguyễn Phú Trọng gần như dành hết thời gian lo việc chỉnh đốn Đảng cầm quyền.

 

Trong 3 nhiệm kỳ Đại hội Đảng (XI, XII, XIII) mà mình làm Tổng Bí thư, ông Trọng dành riêng hội nghị lần thứ 4 của mỗi nhiệm kỳ bàn sâu chuyên đề “chống thoái hoá, biến chất trong Đảng”. Điều ai cũng thấy lạ là số lượng việc cấm kỵ lần sau cao hơn lần trước, lấy số 9 làm định số nhân lên: Hội nghị lần thứ 4/khoá XI nêu ra 9 điều đảng viên không được làm / Hội nghị lần 4/khoá XII nêu ra 19 điều đảng viên không được làm (9 x 2 = 18 +1) / Hội nghị lần thứ 4/khoá XIII nêu ra 27 điều đảng viên không được làm (9 x 3 = 27).

 

Hội nghị lần 4/khoá XIII nêu 27 điều đảng viên không được làm gồm 3 nhóm, nguyên văn như sau:

 

a) Chống 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị”:

 

1) Phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Marx - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

2) Xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng ; không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; phụ hoạ theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái.

3) Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị ; lười học tập chủ nghĩa Marx - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

4) Không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng ; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác ; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả ; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao.

5) Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm ; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật ; trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh ; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng.

6) Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ;  nói không đi đôi với làm ; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo ; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác ; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu.

7) Duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình ; không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác.

8) Tham vọng chức quyền, không chấp hành sự phân công của tổ chức ; kén chọn chức danh, vị trí công tác ; chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó ; không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi có khó khăn ; tìm mọi cách để vận động, tác động, tranh thủ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cho cá nhân một cách không lành mạnh.

9) Vướng vào "tư duy nhiệm kỳ", chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình ; tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích.

 

b) Chống9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống”:

 

1) Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi ; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể ; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình.

2) Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức ; cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành.

3) Kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

4) Mắc bệnh "thành tích", háo danh, phô trương, che dấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, "đánh bóng" tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi ; "chạy thành tích", "chạy khen thưởng", "chạy danh hiệu".

5) Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình ; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân.

6) Quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên...; đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả ; mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định ; chi tiêu công quỹ tuỳ tiện, vô nguyên tắc ; sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời gian lao động.

7) Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi ; lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.

8) Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội...; sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi.

9) Đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín dị đoan, ủng hộ hoặc tham gia các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp ; sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội.

 

c) Chống 9 biểu hiện ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hoá’ trong nội bộ”:

 

1) Phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ ; đòi thực hiện "đa nguyên, đa đảng".

2) Phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ; đòi thực hiện thể chế "tam quyền phân lập", phát triển "xã hội dân sự" ; phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai.

3) Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.; hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng ; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước ; xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

4) Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ ; lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

5) Phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang ; đòi "phi chính trị hoá" quân đội và công an ; xuyên tạc đường lối quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân ; chia rẽ quân đội với công an ; chia rẽ nhân dân với quân đội và công an.

6) Móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập ; vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước.

7) Đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ; thông tin phiến diện, một chiều về tình hình quốc tế, gây bất lợi trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước.

8) Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học-nghệ thuật ; tác động, lôi kéo, lái dư luận xã hội không theo đường lối của Đảng ; cổ suý cho quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan ; thổi phồng mặt trái của xã hội ; sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hoá, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng.

9) Có tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan ; lợi dụng vấn đề "dân chủ", "nhân quyền", dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ nội bộ, gây chia rẽ giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo, giữa dân tộc và tôn giáo, giữa các dân tộc, tôn giáo với Đảng và Nhà nước.  (hết trích)

Qua quá trình hơn 10 năm, Đảng CSVN ra sức chỉnh đốn, kiện toàn bộ máy lãnh đạo của mình, hiệu quả thế nào đã thể hiện trên thực tế. Về phía dân chúng, lòng tin đối với lãnh đạo ngày càng giảm, chứa đựng trong lòng nhiều trắc ẩn (thắc mắc):

- Đảng CSVN có thần thành hoá đảng viên mình không mà đặt ra những tiêu chuẩn cao siêu như thế? 

- Trước mỗi kỳ Đại hội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tổ chức… Trung ương Đảng dành ít nhứt 1 năm sàn đi, lọc lại, chọn cho kỳ được đội ngũ cán bộ đảng viên chiến lược, để rồi, chưa đầy 1 năm sau mỗi kỳ Đại hội, một số không ít những người được chọn ấy hư hỏng, chẳng những không xứng đáng là cán bộ đảng viên chiến thuật mà chỉ xứng đáng là tù nhân nếu đem ra xét xử công khai, minh bạch?.

- Không biết bằng cách nào Tổng Bí thư, Bộ Chính trị…, có thể kiểm tra, giám sát nổi 27 điều mà trong đó chứa đựng hàng trăm chi tiết cấm kỵ đối với đảng viên như đã trích dẫn ở trên? – Chỉ có việc kiểm kê tài sản, kiểm tra thu nhập của quan chức cấp cao mà làm hoài không xong?!.

- Dân chúng còn có cảm nhận Trung ương Đảng đã và đang lúng túng trong giải pháp kiện toàn Đảng: Đại hội XI, Tổng Bí thư Trọng  dùng đức trị bằng cách “Học tập làm theo tấm gương, tư tưởng, đạo đức… Hồ Chính Minh” để chặn mà tham nhũng vẫn phát triển lan tràn. Đại hội Đảng lần thứ XII, Tổng Bí thư Trọng dùng pháp trị bằng cách “đốt lò” thiêu những đảng viên tham nhũng nhưng đốt hoài vẫn không hết. Giờ đây, Đại hội lần thứ XIII, Tổng Bí thư Trọng dùng 2 mũi giáp công, kết hợp pháp trị (đốt lò) với đức trị (giáo dục truyền thống Văn hoá).

Nếu nền Văn hoá Dân tộc (theo nghĩa rộng) còn lành mạnh thì làm gì có những phần tử bất tài, thất đức “vung râu đá giáp” lộng hành như thế? Văn hoá đã “chết đuối” thì làm sao nó có thể vớt được thằng “chết trôi”?!

 Văn hóa còn là dân tộc còn”- lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong cuộc họp về Văn hoá hôm 24/11/2021 - Ảnh báo Kinh tế & Đô thị

Nói vui, nghe qua có vẻ duy tâm về sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa Trung Quốc và Việt Nam: 

- Ở Trung Quốc: Con số 9 là số đào hoa (số hên). Họ lấy số 9 nhơn cho một số bất kỳ sẽ cho số kết quả cộng 2 số lại bằng 9 (số hên):  (9x1=9  /  9x2=18 / 9x3=27  /  9x4=36  /  9x5=45  /  9x6=54  /  9x7=63  /  9x8=72  /  9x9=81 (các số 9, 18, 27, 36, 45, 54, 63, 72, 81 đều là số hên).

Bởi vậy, trong Truyền thuyết “Tây Du Ký” của Trung quốc, Ngô Thừa Ân viết đại ý: “Theo chiếu chỉ của Thích Ca, phật bà Quan Âm thử thách bầu đoàn Tam Tạng phải vượt qua tận cùng khổ ải (81 khổ nạn) mới thành công trong việc thỉnh kinh. Trong đoàn đi thỉnh kinh, chỉ có Tam Tạng là người trần tục, còn các đồ đệ đều là người phạm tội, bị Thượng đế đày xuống trần, ngay cả con ngựa cũng vốn là Long vương Thái tử hoá ra. Trừ Tam Tạng, còn tất cả đều biết bay. Sau thời gian dài, trải qua 80 khổ nạn (còn thiếu 1 mới đủ 81). Lúc qua sông Nhị Hà, các đồ đệ bay, cònTam Tạng phải nhờ Thần Kim Quy (Rùa) đưa qua. Tiện dịp, Rùa nhờ Tam Tạng hỏi Phật Tổ bao giờ nó hết bị đày. Khi nhận được bộ kinh Phật, mừng quá, Tam Tạng  quên hỏi, lịnh cho đồ đệ cấp tốc hồi hương. Khi về lại sông Nhị Hà, Tam Tạng và kinh kệ chất lên lưng Rùa, vừa rời bãi, Rùa hỏi về việc nó nhờ. Tam Tạng thú thật là quên hỏi, Rùa tức giận lặn xuống đáy sông, Tam Tạng suýt chết, kinh kệ nổi trôi lều bều, các đồ đệ thấy vậy lập tức đáp xuống cứu vớt, xem đây là khổ nạn thứ 81 – khổ nạn tột cùng (9 x 9 =81). Khi Tam Tạng trở lại trạng thái bình thường, kinh kệ được phơi khô, cả bầu đoàn đắc đạo trở thành tiên phật, cùng bay một mạch về diện kiến Đường triều”.

- Ở Việt Nam: Khi thấy tiền nhiệm chống tham nhũng nhậm nhầy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cứ nhơn dần số 9 lên, suốt nay 3 nhiệm kỳ, với sau 3 lần nhơn, hiện nó đã lên 27 điều cấm kỵ đối với đảng viên. – tức là 9x1=9  /  9x2=18  /  9x3=27 (2+7= 9).

 

Dầu ông Trọng có nhơn số 9 lên bao nhiêu lần nữa chắc cũng không đạt được kết quả như mong muốn. Trước đây muốn có con số 9 để làm biển/số hiệu phải bỏ tiền ra mua, giờ đây số 9 đã lỗi thời, vì thiên hạ đã diễn biến, chuyển hoá, đang áp dụng câu: “3 chìm, 7 nổi, 9 linh đinh”. Ở khu vực Nam bộ hiện giờ họ kỵ số 3 vì nó chìm, chán số 9 vì nó linh đinh, chọn số 7 vỉ nó nổi, nó là số đào hoa (số hên).

 

Có câu “Ăn cơm chúa múa tối ngày”, Đảng ăn cơm Dân phải múa cho vừa lòng dân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang dốc hết sức mọn hơi tàn cho việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng, bằng chiến thuật 2 mũi giáp công (pháp trị+đức trị). Mọi việc đã cóĐảng và Nhà nước lo”, không được lộn xộn, hãy cố chờ xem. -/-