Nguyễn Đình Cống
Đó là sự im lặng trước việc nhiều bác sĩ ở các cơ sở y tế đang cùng nhau làm hao mòn sức sống tương lai của dân tộc một cách hợp tình, hợp lý và hợp pháp, chỉ có việc không hợp đạo lý làm người. Việc này trước đây tôi đã có thư cảnh tỉnh và nhờ đại biểu quốc hội chất vần Bộ trưởng y tế nhưng chưa có ai lên tiếng.
Việc gì mà ghê vậy?. Đó là việc mổ đẻ được tiến hành một cách tương đối rộng rãi.
Trước đây vài chục năm việc mổ đẻ rất hiếm, chỉ được chỉ định trong những trường hợp đặc biệt nhằm cứu sống sản phụ hoặc thai nhi. Ngày nay mổ đẻ được xem như một phẩu thuật đơn giản. Tôi nghe dư luận rằng nhiều bác sĩ sản khoa thích mổ đẻ hơn là đỡ đẻ tự nhiên, và họ đề nghị sản phụ chấp nhận mổ với một lý do mà chỉ họ biết là thật hay bịa. Vì sao vậy?. Xin để câu trả lời cho mọi người.
Cũng có những sản phụ và gia đình yêu cầu được mổ trong khi có thể sinh đẻ tự nhiên. Những người này phạm vào một trong hai nhầm lẫn sau. Một là chọn ngày giờ tốt, hai là sợ sinh đẻ phải chịu đau đớn quá mức hoặc ảnh hưởng đến bộ phận sinh dục. Họ không biết rẳng mổ đẻ là việc làm cực bất đắc dĩ vì trái với tự nhiên và suy nghĩ của họ là sai về cơ bản. Riêng chuyện bị đau khi sinh thì một số phim ảnh đã mô tả quá đáng. Tôi biết hàng trăm trường hợp sinh đẻ thì trên 80% không hề đau đớn chút nào.
Tôi không phải chuyên gia y tế, không có số liệu so sánh về sức khỏe và sự phát triển của số đông người được sinh bình thường và người được mổ đẻ. Tôi chỉ quan sát, làm thực nghiệm trên sinh vật, theo dõi sự phát triển của vài chục người được mổ đẻ trong gần một trăm năm qua.
Quan sát các con bướm. Khi thấy nó cắn thủng kén để chuẩn bị chui ra, nếu ta cắt rộng chỗ thủng giúp nó thì con bướm thoát ra dễ dàng, nhưng không bay được và chết. Với gà, vịt, ngan ngỗng cũng tương tự. Trứng được ấp đến kỳ, con vật sẽ từ từ mổ thủng vỏ trứng để tự chui ra và hoạt động được ngay. Nếu giúp làm rộng lỗ thủng, con vật chui ra, tuy không chết nhưng rất yếu.
Những năm đầu đời trẻ được mổ đẻ có sự phát triển bình thường nhưng dễ bị nhiểm bệnh thời tiết hơn các trẻ khác. Lớn lên, khả năng học tập cũng bình thường, nhưng thể chất có phần kém và tôi chưa thấy có trường hợp nào có thể chất tốt, lập được thành tích trong lao động nặng và thể thao, nơi cần có sự gắng sức và dẻo dai. Đó là chưa nói đến sức bền bỉ trong chiến trận.
Vậy phải chăng việc mổ đẻ cho số đông sẽ làm giảm sức mạnh thể chất hay là làm giảm sức sống của họ, kéo theo hậu quả làm giảm sức sống của dân tộc. Tôi nghi ngờ nhưng chưa đủ chứng cứ để nói rằng, không khéo đây cũng là một ý đồ nham hiểm của bọn thù địch, muốn làm yếu dân tộc này. Cũng chưa có nghiên cứu về con cháu của người được sinh ra bằng phẩu thuật có bị ảnh hưởng gì không.
Tôi xin đem toàn bộ tài sản, kể cả tính mạng để đánh cược với những ai cho rẳng mổ đẻ là làm lợi cho dân tộc và đất nước, là cần thiết cho sự phát triển.
Tôi kêu gọi những người có lương tri, còn nghĩ đến tương lai của dân tộc hãy suy nghĩ đến vấn để này, và khi tán thành với tôi thì xin hãy tìm cách lên tiếng, đặc biệt là ở diễn đàn Quộc hội. Khi ứng cử làm ĐBQH tôi đã chuẩn bị để phát biểu về hạn chế mổ đẻ cùng với một số việc quan trọng khác, nhưng việc đã không thành.
Tôi hình dung, nếu cứ để cho các bác sĩ mở rộng việc mổ đẻ cho trên 50% số sản phụ thì sau một thế kỷ dân Việt Nam sẽ được xếp vào loại có sức khỏe kém nhất thế giới. Đúng là “Đường xa nghĩ nổi sau này mà kinh”. Một dân tộc bị làm giảm sút về dân trí, dân khí, bị kìm hãm về tư tưởng, lại bị làm giảm sút về thể lực nữa thì lấy đâu sức lực để vươn lên. Mong lắm thay sự lên tiếng và hành động thiết thực của những người có lương tri, có trách nhiệm