12 novembre 2021

NHÂN NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM 9/11 SUY NGẪM VỀ LUẬT PHÁP VIỆT NAM


Nguyễn Minh Đường

Bộ Luật Hồng Đức kết hợp hài hòa giữa Văn hóa và Pháp luật. Đây là một trong các nguyên nhân cốt lõi làm Đại Việt thời vua Lê Thánh Tông trở thành một cường quốc

Lịch sử cho thấy, luật pháp phù hợp với xu thế phát triển sẽ có tính trường tồn và thúc đẩy Quốc gia tiến bộ. Bộ luật Dân sự Napôlêông năm 1804, nay vẫn hiệu lực nhờ nguyên tắc: “Mọi người đều bình đẳng với pháp luật dân sự”; Quyền tự do ký kết, tính bắt buộc, tính bền vững hợp đồng, Quyền tư hữu tài sản thiêng liêng, đều được pháp luật bảo vệ”. Đây là tiền đề thay thế luật pháp phong kiến và thúc đẩy nước Pháp bước sang thời đại mới. Hiến pháp Hoa Kỳ ban hành năm 1776, đến năm 2020 là 244 năm vẫn hiệu lực, nhờ đó, xã hội Mỹ từ thuộc địa của Anh trở thành cường quốc số 1.  


Bộ luật Hồng Đức 1483 kỷ cương Đại Việt trong 360 năm. Trong khi đó, từ 1945 đến nay ta có 4 Hiến pháp, trung bình 17 năm đổi một lần. Nhiều quy định của Luật Hồng Đức vẫn áp dụng ở thời Nguyễn. Thời Pháp, các thẩm phán người Pháp vận dụng quy định Bộ luật Hồng Đức giải quyết tranh chấp hôn nhân, gia đình, thừa kế. Sự trường tồn của Bộ luật Hồng Đức là dựa trên Văn hóa, ví như:

Về văn hóa, Bộ luật Hồng Đức quy định khuyến khích việc học. Ở thời vua Lê Thánh Tông Đại Việt là xã hội học tập. Tại vị 37 năm, Ngài tổ chức 12 kỳ thi Đình, lấy đỗ 501 hiền tài, bằng một nửa số tiến sĩ thời Lý, Trần, Hồ đào tạo trong 398 năm. Về quốc phòng, Bộ luật Hồng Đức quy định công bằng nghĩa vụ binh dịch. Quân đội thời vua Lê Thánh Tông tiến hành ba cuộc viễn chinh thắng lợi. Nhờ thế nước nhỏ thần phục, nước lớn kiêng dè.

Về đất đai, Luật Hồng Đức phân rõ Ba quyền sở hữu đất đai: Sở hữu Nhà vua, tức sở hữu Nhà nước, Sở hữu làng xã, tức sở hữu tập thể và Sở hữu tư nhân. Ba quyền sở hữu đều được tôn trọng và bảo vệ. Vợ chồng, con trai, con gái, con đẻ, con nuôi, con vợ cả, vợ lẽ, chồng trước, chồng sau, đều bình đẳng về quyền sở hữu chung. Mỗi thành viên gia đình toàn quyền quyết định sở hữu riêng. Các điều luật về sở hữu động sản, bất động sản ở Bộ luật Hồng Đức vượt ý thức hệ phong kiến nhiều trăm năm.

 Trong xã hội Việt Nam hiện vẫn còn nhiều thuần phong mỹ tục được rèn giũa, hun đúc từ thời áp dụng Bộ luật Hồng Đức. Nhờ thế, vương quốc Đại Việt dưới thời trị vì của Vua Lê Thánh Tông đã đạt đến độ hoàng kim của đất nước.

Ảnh số 1: Phụ nữ thời xưa. Trẻ em, phụ nữ được Bộ luật Hồng Đức bảo vệ.


Ảnh số 2: Xử án thời xưa. Nhìn chung Bộ Luật Hồng Đức mang tính nhân đạo.

Ảnh số 3: Xử chém quan tham nhũng. Bộ luật Hồng Đức xử nặng quan lại tham nhũng. Quan tham nhũng từ 20 quan tiền trở lên bị xử chém

--

Nguyễn Minh Đường