09 février 2016

Hé lộ cuộc hội đàm lịch sử giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ông Obama


Vương Hạnh -Trúc Quỳnh

VietTimes -- Hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phòng Bầu dục, Nhà Trắng, Tổng thống Obama nói Mỹ tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam, tôn trọng quyền của nhân dân Việt Nam quyết định cách tổ chức xã hội của mình; hai bên hợp tác trong mối quan hệ đối tác vì lợi ích chung...
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama trong chuyến thăm Mỹ lịch sử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama trong chuyến thăm Mỹ lịch sử
Đó là chia sẻ của Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Hoàng Bình Quân về chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ đầu tháng 7/2015 và những thành tựu đối ngoại nổi bật của Việt Nam năm 2015.


 “Năm 2015 là năm đầy ắp sự kiện và các hoạt động ngoại giao con thoi cấp cao với những biệt lệ lịch sử”, ông Quân hào sảng nói ngay khi được hỏi về những thành tựu nổi bật của đối ngoại Việt Nam năm 2015. Trong chuyến thăm của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tới Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe và toàn bộ nội các đã dự lễ đón Tổng Bí thư, một động thái biểu lộ sự trọng thị chỉ dành cho quốc khách cực kỳ đặc biệt.
Đặc biệt ở chỗ không chỉ ở những nghi lễ ngoại giao mà nằm trong lộ trình đưa quan hệ Việt-Nhật vốn có quan hệ thâm tình lâu nay bước sang một giai đoạn mới của sự kết nối và bổ sung cho nhau. Nhật Bản có tiềm năng tài chính, khoa học - công nghệ và quản lý, còn Việt Nam có tiềm năng về nguồn nhân lực, tài nguyên… Những yếu tố này đan xen, hỗ trợ, bổ sung cho nhau để hai nước có thể kết nối kinh tế ở mức cao hơn hợp tác kinh tế đơn thuần. Đó thực sự cho thấy lòng tin chiến lược và sự cần nhau của cả đôi bên, Trưởng Ban Hoàng Bình Quân khẳng định.
Thế nhưng ấn tượng sâu đậm nhất, nổi bật nhất chính là chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ. “Tính chất lịch sử của chuyến thăm nằm ở chỗ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư một nước XHCN đến thăm một quốc gia có hệ thống chính trị khác biệt và từng là cựu thù của nhau. Điều đó cho thấy Mỹ công khai thừa nhận hệ thống chính trị của Việt Nam và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng Ban Hoàng Bình Quân cho biết.
Cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo cũng là cuộc hội đàm lịch sử, diễn ra trong phòng Bầu Dục với thời gian dự kiến ban đầu chỉ 45 phút, nhưng thực tế diễn ra trong 90 phút, trong đó 15 phút cuối để trả lời báo chí tại chỗ, còn lại 75 phút trao đổi thực chất. Khi Tổng thống Barack Obama tiếp nguyên thủ các nước trong phòng Bầu Dục, thường chỉ có Tổng thống với các bộ trưởng liên quan, nhưng hôm tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì bên cạnh Tổng thống Barack Obama còn có Phó Tổng thống Joe Biden và bộ trưởng các bộ quan trọng nhất như Cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice, Bộ trưởng Ngân khố...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Obama trong cuộc hội đàm chưa từng có tiền lệ
Ông Quân cho biết, theo nghi thức lễ tân thông thường, tiệc chiêu đãi của Mỹ dành cho Tổng Bí thư và đoàn đại biểu Việt Nam sẽ do Ngoại trưởng Mỹ chủ trì. “Nhưng buổi cuộc chiêu đãi với hơn 200 quan khách hôm đó lại do Phó Tổng thống Joe Biden chủ trì. Và như mọi người biết, ông ấy còn lẩy Kiều để nói về quan hệ hai nước, như một cử chỉ của sự hiểu biết lẫn nhau. Đã từng dự nhiều tiệc chiêu đãi, nhưng tôi cảm nhận không khí hôm đó vô cùng đặc biệt”. Ông Quân nhấn mạnh, chuyến thăm là một dấu mốc lịch sử, mở ra một chương mới trong quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, mở ra một không gian hợp tác rộng lớn cho Việt Nam.  
Ông Quân “bật mí” chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới gia đình cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton nhân dịp này cũng là biệt lệ trong lễ tân của Mỹ. Báo chí đưa tin ông Clinton đón Tổng Bí thư về nhà riêng, nhưng thực tế thời gian đó nhà riêng của ông Clinton đang sửa sang lại nên không tiện. Vì thế, cựu Tổng thống Mỹ mời Tổng Bí thư tới nhà của một người bạn thân – có thể nói là một nhà hàng rất đẹp, nơi ông thường lui tới.
Câu chuyện thân tình chỉ có 4 người, gồm Tổng Bí thư, cựu Tổng thống Mỹ, ông Quân và một cán bộ phiên dịch.  Vị Tổng thống Mỹ từng tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam 20 năm về trước rất đỗi vui mừng bởi quan hệ Việt - Mỹ ngày nào đầy chông gai, trắc trở hiện đang tiến triển nhanh không ngờ. Ông cũng mong muốn hai bên cùng nỗ lực thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới thăm nhà riêng cựu Tổng thống Bill Clinton
Khi được hỏi quan hệ Việt - Mỹ sẽ đi theo hướng nào nếu đảng Cộng hòa thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm sau, liệu có sự chệch hướng nào chăng? Ông Hoàng Bình Quân nhận định, sự phát triển nhanh chóng của quan hệ Việt - Mỹ trong 20 năm bình thường hóa trên hết là do phù hợp lợi ích của hai nước, phù hợp xu thế chung của thế giới, ít phụ thuộc việc đảng Dân chủ hay Cộng hòa lên nắm quyền. Việt Nam đã có quan hệ bước đầu với cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. “Tôi tin rằng, chính trị Mỹ có thể có thay đổi, nhưng dù đảng nào thắng cử trong cuộc bầu cử năm 2016 thì quan hệ Việt - Mỹ vẫn có nhiều cơ hội phát triển theo khuôn khổ đối tác toàn diện. Quan trọng nhất là hai bên cần tôn trọng nhau, tôn trọng thể chế chính trị của nhau, hiểu biết lẫn nhau, chân thành đối thoại thì chắc chắn sẽ vượt qua mọi khó khăn để đưa quan hệ hai nước tiến lên”, ông Quân nói.
Hỏi ông Quân liệu Việt - Mỹ có nâng khuôn khổ hợp tác lên Đối tác chiến lược thời gian tới, ông cho rằng, việc nâng khuôn khổ hợp tác của Việt Nam với quốc gia nào đó cũng là lẽ thường tình. Nhưng vấn đề đặt ra là phải có thực tiễn hợp tác tốt và phải có tương lai hợp tác chiến lược và triển vọng. Tên gọi không phải điều quan trọng nhất.
Trưởng ban Đối ngoại Trung ương chia sẻ rằng, các chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới những nước có thể chế chính trị khác biệt như Mỹ, Bỉ, Anh, Ý, Vatican đều được đón tiếp rất trọng thị, với những chương trình làm việc rất thực chất và với nhiều biệt lệ về lễ tân cho thấy các nước thừa nhận hệ thống chính trị của Việt Nam và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. “Điều này cho thấy trong thế giới ngày nay, các quốc gia có hệ thống chính trị khác nhau cùng tồn tại và phát triển”, ông Quân nói.
Ông Quân cho biết, trong năm 2015, Việt Nam ký một số hiệp định kinh tế quan trọng, gồm Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á-Âu, Hiệp định Thương mại tự do với Hàn Quốc, hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu và hoàn tất đàm phán TPP. Đến nay, Việt Nam đã ký 11 hiệp định thương mại tự do với các quốc gia và các trung tâm kinh tế lớn trên thế giới, mở ra không gian thương mại và đầu tư lớn hơn cho Việt Nam.
Biển Đông: Trung Quốc nói phải đi đôi với làm
Ông Hoàng Bình Quân nêu rõ, với các nước láng giềng, Việt Nam trong năm qua tiếp tục tăng cường, củng cố quan hệ đặc biệt với Lào, với Campuchia. Quan hệ với Trung Quốc có những lúc rất khó khăn, nhưng quan trọng là chúng ta đã xử lý bằng các biện pháp ngoại giao một cách hợp lý, hiệu quả. Quan hệ Việt - Trung đã vượt qua giai đoạn khó khăn, nỗ lực hồi phục theo hướng lành mạnh hơn.
Trong bối cảnh thế giới, đặc biệt bối cảnh khu vực diễn biến rất phức tạp, trong đó có vấn đề tranh chấp trên biển Đông, chúng ta đã kiên quyết, kiên trì đấu tranh để giữ được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam bằng biện pháp hòa bình, đồng thời giương cao được ngọn cờ công lý, ông Quân nói.
Việc Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam vào tháng 5/2014, rồi đơn phương cải tạo các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa gây cho Việt Nam rất nhiều thách thức. Nhưng Việt Nam đã cho thế giới thấy rằng, chúng ta kiên trì nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế, nguyên tắc quốc tế và thỏa thuận khu vực.
Theo ông Quân, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với tất cả các nước lớn trong nhóm P5. Trưởng ban Đối ngoại Trung ương cho rằng, chúng ta phải kết hợp hài hòa đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa với tinh thần vừa hợp tác vừa đấu tranh. Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với các nước lớn, nhưng cũng yêu cầu họ tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền, tôn trọng thể chế chính trị, dựa trên nguyên tắc cùng có lợi. “Nếu họ đi ngược lại những điều đó thì nhất quyết chúng ta phải đấu tranh, cho nên mới gọi là vừa hợp tác vừa đấu tranh, dĩ bất biến ứng vạn biến như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy”, ông Quân nói.
Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Hoàng Bình Quân
Khi được hỏi về khả năng Việt Nam sử dụng cơ chế xử lý tranh chấp quốc tế để phân giải tranh chấp trên biển Đông, ông Quân nói rằng, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, có chế độ chính trị giống nhau - đó là lợi thế nếu biết khai thác sự gần gũi này và hai bên chân thành giải quyết tranh chấp. Vấn đề là Trung Quốc phải “nói đi đôi với làm”.
Chúng ta kiên trì quan điểm giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế; tiếp tục thực hiện tốt và kiên trì vận động các nước liên quan thực hiện tốt các thỏa thuận đã đạt được, đồng thời tiếp tục ghi nhận và mong muốn tiếng nói trách nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với giải quyết tranh chấp ở biển Đông. 
Chúng ta cũng phải quản lý tốt tình hình, quản lý tốt các hoạt động trên thực địa, các hoạt động phát triển kinh tế biển, khai thác biển, đảm bảo lợi ích chính đáng của Việt Nam và các bên. Mặt khác, Việt Nam phải sẵn sàng ứng phó các tình huống phức tạp có thể xảy ra trên biển. “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam cũng bảo lưu quyền sử dụng các biện pháp hòa bình và cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển Đông”, ông Quân nói.
Về vai trò của ASEAN trong tranh chấp biển Đông, Trưởng ban Đối ngoại nói rằng, vấn đề biển Đông là thử nghiệm quan trọng đối với uy tín và vai trò trung tâm của ASEAN, nhất là khi ASEAN trở thành Cộng đồng từ cuối năm 2015. Ông Quân cho rằng, những công cụ hiện nay của ASEAN chưa đủ, nên cần bổ sung. Không còn cách nào khác, ASEAN phải thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp hiện hành, dựa trên nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp, đồng thời sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) để có thêm công cụ giải quyết các vấn đề trên biển. Cần phát huy cơ chế của ASEAN, đẩy mạnh các biện pháp xây dựng lòng tin, giảm căng thẳng, ngăn ngừa xung đột. Việt Nam sẽ kiên trì cùng các nước liên quan thúc đẩy việc thực thi đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), thúc đẩy hoàn tất COC, tiếp tục yêu cầu Trung Quốc nói đi đôi với làm.
Giải quyết tranh chấp biển, cắm mốc biên giới
Về công tác đối ngoại của Việt Nam thời gian tới, ông Hoàng Bình Quân nói rằng, Đại hội Đảng lần thứ 12 sẽ tiếp tục kế thừa và phát triển đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa. Phải đảm bảo lợi ích tối cao của quốc gia dân tộc, trên cơ sở luật pháp quốc tế; phải giữ được môi trường hòa bình, ổn định và tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước; kiên quyết, kiên trì đấu tranh để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, nâng cao vị thế của Đảng và đất nước trên trường quốc tế.  
Theo ông Quân, một trong những trọng tâm đối ngoại của Việt Nam thời gian tới là nỗ lực hoàn thành phân giới, cắm mốc biên giới trên bộ với các quốc gia láng giềng, đồng thời đẩy mạnh giải quyết vấn đề trên biển trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, DOC, thúc đẩy hoàn thành COC.
Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tăng cường, chú trọng quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện với các nước láng giềng, giữ vững môi trường hòa bình cho phát triển; phát huy vai trò tích cực của Việt Nam trong Cộng đồng ASEAN, cùng với các nước trong khối xây dựng cộng đồng vững mạnh. Việt Nam cũng sẽ mở rộng và thúc đẩy quan hệ với các nước lớn, các đối tác quan  trọng; chủ động hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập kinh tế là trọng tâm; nâng cao hiệu quả đối ngoại đa phương, trên tinh thần tích cực, chủ động…

Nguồn : VietTimes