Kính gởi Dân Quyền vn,
“Đến hẹn lại lên!”. Mấy ngày qua, các vị đầu lĩnh bô lô ba la nào là “ăn
trái nhớ kẻ trông cây”.v.v… Nhân ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7/2017, tôi gởi đến trang nhà truyện ký ( ký Văn học)
dưới đây.
Thấn ái
Thiện Tùng
--------
Truyện ký của
Thiện Tùng
Tại băng ngồi chờ ở Phòng Xã hội &Thương binh,
Tâm ngồi bên nạn gỗ, chìa ra cái chân cụt tận đầu gối. Linh xoa bóp cổ tay cụt
của mình. Việc ai nấy làm, họ chẳng nói chẳng rằng gì với nhau.
Hoa, nữ cán bộ Phóng Thương binh & Xã hội từ trong ra, ngồi vào bàn bàn làm việc, mở cập hồ sơ lấy ra xếp giấy, hất hàm hỏi:
- Ai là Nguyễn
thị Linh ?
- Thưa em !… – Linh đáp.
- Lại đây ! –
Hoa nói như lịnh.
Linh đến cạnh bàn làm việc của Hoa. Hoa đưa xếp hồ sơ
cho Linh rồi vắn tắt:
- Trả lại cho
chị đó. Giấy tờ không hợp lệ.
- Khôn hợp lệ
chỗ nào hở chị ?
- Tôi có ghi rõ
ở góc đó – hai người chứng không đủ tư cách.
- Xin chị nói
rõ hơn em chưa hiểu ?
- Chứng nhận người có công với Cách mạng sao lại
một thầy tu, một gã trường phòng Thẩm vấn Ngụy quyền Sài Gòn, họ làm gì có đủ
tư cách?! – Hoa nói với giọng mỉa mai.
- Thưa chị, nhưng họ là những người biết rõ trường
hợp của em kia mà ?
- Sao chị chậm hiểu quá !… Cho dù vậy, nhưng họ
vẫn là những người không đủ tư cách. Xác nhận người có công với Cách mạng phải
là cán bộ Cách mạng hay ít ra cũng là người có công với Cách mạng – hiểu chưa?
- Thưa chị, em đã hiểu. Nhưng trường hợp của em
chị có giúp gì được không?
- Việc làm của chị còn có ai biết ?
- Chỉ còn duy nhứt một người – người mà em cứu
thoát thuở ấy. Nhưng mười mấy năm rồi, em không rõ người ấy sống chết ra sao !.
- Người ấy tên gì, quê ở đâu…?.
- Lúc ấy đâu có thì giờ hỏi những chuyện ấy !.
- Nếu không tìm được ai ngoài 2 người làm chứng
nầy thì đành vậy.
Hoa vừa
nói vừa đứng dậy vào trong. Linh buồn bã cầm xếp hồ sơ ra về. Có tiếng gọi giật
từ phía sau: “Cô Linh !…, đợi một chút, tôi có việc cần bàn với cô”.
Việc gì
với một người cụt giò không hề quen biết ? Thôi đợi thử xem sao – Linh tự hỏi
và chấp nhận chờ.
Khi giải
quyết xong việc riêng của mình, Tâm vội vã đu người trên nạng gỗ đến gặp Linh tại
băng chờ. Tâm chưa hạ bộ, Hoa xuất hiện nói: “Phiền anh chị ra băng đá trước
cổng, tôi đóng cửa – đã hết giờ”.
Tâm hất
hàm hiệu cho Linh ra ngoài. Linh đi trước, Tâm quảy ba-lô lên vai, chóng tó tập
tểnh theo sau.
Khi cả
hai ngồi trên băng đá dưới góc cây Sứ cùi, Tâm móc trong ba-lô ra ổ bánh mì, rứt
hai, nửa để cho mình, nửa ém vào tay Linh nói như buộc: “Ăn đi, đừng phụ lòng
bộ đội”.
Dầu
không muốn Linh cũng phải nhận. Linh cầm khúc bánh mì, dõi theo xem anh ta diễn
tiếp trò gì nữa.
Tâm ngậm
chéo khúc bánh mì, hai tay moi từ ba-lô ra bình-ton và ca, miệng ú ớ: “Ăn
đi! …rồi uống”.
Linh
mĩm cười trước cử chỉ hồn nhiên, chân chất của Tâm, với giọng êm dịu: “Anh
tên gì, quê ở đâu, muốn gặp tôi có chuyện chi?”
Tâm bỏ
miếng bánh mì sau cuối vào miệng, rót nước ngớp một ngụm, thở sảng khoái, vui vẻ
đáp:
- Tên cúng cơm Lê Chí Tâm, nguyên Giải phóng
quân, đang thương binh phục viên, quê ở huyện nầy. Cuộc chiến vừa qua coi như
tôi phủi tay: cha mẹ chết hết, nhà cửa tiêu tan. Tôi về đây định nương tựa với
người cô ruột. Hiện giờ chưa biết cô ấy còn sống hay đã chết, có còn ở chỗ cũ
hay không !. Người yêu của tôi trước đây là cây súng, hiện giờ là cây tó – đại
loại là như vậy đó.
- Anh vui tính dễ nễ, đang như người nông dân vừa
cày xong thửa ruộng! – Linh khen đùa cho vui.
Tâm
nhìn thẳng vào Linh, đặt vấn đề: Cô đã “lấy khẩu cung” về đời tư tôi rồi, giờ
đến lượt cô cũng “khai” đi chớ. Biết đâu, tôi có thể giúp được gì đó cho cô?.
Linh
cúi mặt, buồn bã kể: Số của tôi chẳng hơn anh. Tôi tên Nguyễn thị Linh – đứa
con gái duy nhứt của gia đình. Cha tôi đi Vệ Quốc Đoàn hy sinh trong thời chống
Pháp, mẹ tôi buồn rầu sinh bịnh qua đời sau đó. Mẹ tôi chết lúc tôi lên 9, sống
bơ vơ, xin vào chùa làm công quả. 9 năm sau – khi 18 tuổi, tôi trở thành ni cô,
pháp danh Diệu Linh. Cuối năm 1960, tôi bị bắt ngồi tù. Khi ra tù về lại
chùa, Sư Cả cho rằng tôi phạm luật nhà chùa, buộc tôi hoàn tục.
Vì sao
Linh bị bắt xử án tù ? – Tâm hỏi.
Hồi Đồng
khởi 1960 – Linh kể: Trong một đêm Sư Cả đi vắng, em đốt nhang lễ Phật. Một
tiếng nổ dữ dội từ xa, sau đó, tiếng súng, tiếng la ó ngày một gần, em vội ra
đóng cửa chùa lại. Khi em trờ ra cửa, một người xuất hiện mình bê bết máu, ngã
quỵ trước cửa chùa. Anh ta ôm cuộn dây điện sút sổ lòng thòng, đầu đội mũ tai
bèo có gắn cờ sao Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Em đoán chắc anh ta là Giải
Phóng Quân. Sau giây phút đắn đo, em quyết định cứu anh ta. Em vào trong lấy
khúc vải nâu mới mua để may áo, xé ra băng vết thương và dìu anh vào chùa giấu
sau bàn thờ Phật. Em dùng kéo cắt vạt áo trước của mình lau sạch vết máu rơi
trong chùa rồi gở lấy nón và cuồn dây điện của anh ấy đôi lên đầu, mang lên vai
vọt ra ngoài và đóng cửa chùa lại. Lúc đó, làng lính soi đèn pin theo dấu máu về
hướng chùa. Em dùng kéo, nhắm mắt đâm phập vào lòng bàn tay mình, giựt kéo ra
máu tuông xối xả. Em quăng kéo lên máng xối phi tang. Lúc ấy em bị choáng, nhưng
phải rán bò vào vườn chuối cho xa chỗ giấu anh bộ đội. Em lấy vạt áo lau
máu khi nảy băng vết thương cho mình. Máu em, máu anh bộ đội nối dài đến chỗ em
nằm. Theo dấu máu đến chỗ em nằm, thấy em đội mũ tai bèo, vai mang cuồn dây điện,
máu me bê bết, họ vui mừng và quả quyết rằng em là người đánh mìn, bị thương chạy
vào đây. Họ chửi bới om sòm, nói em là con nữ tu đội lốt…Thế rồi, họ soi đèn
pin qua loa xung quanh thấy không có gì, họ kéo xểnh em về bót.
Linh
nghĩ gì mà hành động táo bạo như thế ? – Tâm xúc động hỏi.
Đơn giản
thôi – Linh nói: Em nghĩ mình không còn người thân, có chết cũng chẳng ai buồn.
Em ở chùa, sống nhờ vào bá tánh, không làm gì có lợi cho xã hội, còn anh bộ đội
sống chắc có ích hơn mình. Hơn nữa, theo nhà Phật “tu hành là để cứu nhân độ thế”,
đối với em, không để câu nói ấy thành lời nói suông. Anh có biết không, khi bị
bắt và những ngày sau đó, họ kết tội gì em cũng nhận cả. Khi đoán chắc anh bộ đội,
nếu sống, đã thoát rồi, em dại gì không phản cung…
Ngắt lời
Linh, Tâm đặt vấn đề: Vật chứng rõ ràng, Linh phản cung dễ gì họ tin?
Không
muốn cũng phải tin – Linh kể: Đúng vậy, lúc đầu họ đâu có tin những gì em
khai nhận, họ dẫn em về chùa chỉ chỗ giấu anh bộ đội và lấy cái kéo. Lúc dẫn đi
em lo quá, sợ anh bộ đội chưa thoát được là hỏng việc. Nhưng rất may, chỗ giấu
anh bộ đội chỉ còn dấu máu, và khi lấy cái kéo trên máng xối xuống cũng còn dấu
máu nữa họ mới tin đó chớ.
Linh phản
cung để làm gì ? – Tâm hỏi .
Linh cười
nói: Bộ tu, ăn chay rồi không sợ chết sao?!. Em phản cung là để cứu lấy mình.
Từ sự thật đó, chắc chắn họ không kết tội em nặng hơn tội giết chết viên Cai Tổng?
Anh biết không, em phản cung làm rõ sự thật, bọn họ tức lồng lộn, nhưng mọi việc
đã muộn màng. Còn em hả, ở tù là cùng, ở tù cũng vừa với việc làm của mình. Từ
khi em phản cung về sau, họ chỉ giam em chớ không hạch hỏi gì nữa. Họ cũng thừa
biết, nếu hỏi thì em cũng nhai đi nhai lại điệp khúc “Tu hành là để cứu nhân độ
thế, khi thấy người ta lâm nạn mà mình không cứu thì đâu phải là người tu hành”
. Gã thiếu tá Oanh, trưởng phòng thẩm vấn, tức ấm ức về câu nói nầy của em. Mỗi
khi vào trại, ông ta thấy em đều nói: “Đồ lẽo mép, thứ nữ tu đội lốt…”. Kệ họ,
đánh thì đánh, chửi bới hay nói gì thì nói, em cứ thí mạng cùi. Cuối cùng họ kết
tội em “đồng phạm chính trị” với án 10 năm tù.
- Chỉ vết kéo sao tay em đến nỗi nầy? – Tâm hỏi.
- Có lẽ họ oán em nên không cho băng bó. Ở trong tù em biết làm sao! Vết
thương nhiễm trùng, cuối cùng, họ
đưa em đi nhà thương tháo khớp.
Tâm
không còn đủ can đảm nghe Linh kể nữa, anh lấy từ ba-lô ra cái gói đưa cho Linh
rồi hất hàm nói:
- Em mở ra xem đi.
- Vải gì đây anh Tâm? – Linh ngạc nhiên hỏi.
- Đó là vải cách đây 15 năm ni cô Diệu Linh
dùng nó băng vết thương ở ngực cho anh bộ đội Giải Phóng mà Linh vừa kể.
Linh sửng
sốt nhìn Tâm như muốn hỏi thêm điều gì. Tâm cầm tay Linh đặt vào vết thương
trên ngực của mình để thay cho lời giải thích.
- Vậy anh là…?
- Đúng, là anh đây – người mà em cứu sống 15
năm về trước.
- Cái giá mà em đã trả cũng chỉ mong anh được sống.
Thế là anh sống và trở về. Nếu anh chết thì em ân hận vô cùng – cứu anh mà anh
không sống thì việc làm ấy trở thành vô nghĩa?
- Khi ra tù, em trở lại chùa?
Chớ biết
về đâu! – Linh kể: Khi về chùa, Sư Cả lạnh nhạt đồi với em, nói em đã
vi phạm luật nhà chùa rồi bảo em hoàn tục – coi như ông ta đuổi khéo em ra khỏi
chùa. Trong lúc em bối rối chẳng biết phải đi đâu, Bà Năm Bánh xèo ở sau chùa bảo
em về ở với bà và sau đó nhận em làm dưỡng tử. Từ đó đến nay, bà chiên bánh
xèo, em gánh đi bán, hai mảnh đời cô độc dựa vào nhau để sống qua ngày. Dầu sao
cuộc sống của em hôm nay như chim có tổ. Nhưng mà anh Tâm nè, khi em bị bắt đi,
anh ở lại rồi ra khỏi chùa bằng cách nào?
Tâm kể:
Anh lần mò ra cửa sau chùa ngay đêm ấy. Trời đêm tối mịt, mắt anh lờ mờ,
chân tay run, cái đầu lịnh cho chân bước tới mà nó từ chối không chịu thi hành.
Đến một lúc nào đó, không còn đi được nữa, anh bò, lết. Khi không còn bò, lết nổi
nữa nằm nghỉ, ngủ. Khi tĩnh ra thấy mình nằm ở Quân Y. Hỏi ra mới biết, đồng đội
tìm gặp khiêng về. Viên đạn ác nghiệt làm anh gãy cọng sườn và lủng phổi, phải
mất nửa năm trời mới khôi phục lại sức. Sau đó, anh được tuyển vào đại đội rồi
bổ sung cho chủ lực Miền, hoạt động ở địa
bàn Đông Nam bộ.
Hèn chi
biệt tăm biệt tích luôn , bộ anh bị thương một lần nữa sao ra nông nỗi ?- Linh
hỏi.
Không
phải chỉ một lần – Tâm cười nói.
Vậy là
sau chiến tranh, chúng mình không ai chết, chỉ bị thương. Dầu sao hai ta cũng còn
được tổ tay, tổ chân, may mắn hơn bao người khác phải không anh?! – Linh an ủi.
Thôi bỏ
qua bao chuyện cũ xa vời, anh muốn biết:
- Vì sao em chọn Sư Cả và gã thiếu tá Oanh, trưởng
phòng thẩm vấn chế độ cũ làm nhân chứng cho mình trong vụ nầy?
- Ngoài anh ra, chỉ có 2 người ấy biết rõ, họ
chứng kiến và truy tố em trước tòa. Nào ngờ người ta đòi hỏi nhân chứng phải là
cán bộ hay người có công với Cách mạng chớ không phải người hiểu biết sự việc?!.
- Phòng Xã hội & Thương loại 2 nhân chứng vừa
kể, không công nhận em là người có công với cách mạng, em nghĩ sao?
Linh
đơn giản: Nếu họ công nhận thì em cám ơn, đỡ tủi thân. Còn họ không công nhận
thì đành vậy. Khi hành động cũng như sau nầy, có bao giờ em nghĩ đến công cán
gì đâu. Cũng tại Bà Năm Bánh xèo xúi bảo em làm “Giấy người có công với Cách mạng”
để dễ xin việc làm cho đỡ cái thân. Thú thật, xin không được cũng buồn, cũng mắc
cỡ. Nhưng thôi anh à, tìm người có công với Cách mạng để đền ơn đáp nghĩa gì đó
là việc làm của cơ quan Xã hội+Thương Binh chớ đâu phải là việc của mình phải
không anh?.
Với vẻ
thương cảm, Tâm nhìn Linh nói: “Thôi việc gì đã qua cứ cho nó qua, việc gì tới
ta sẽ đón nhận nó? Đi em, ta ra quán ăn cái gì đó cho đỡ đói, đã quá nửa
trưa rồi”. Linh lắc đầu: “Em không có tiền”. Tâm vỗ túi nói: “Anh
vừa lãnh tiền xương máu đây, để anh bù đắp phần nào máu em đã đổ vì anh trước cửa
chùa”.
28/01/2016
Thiện Tùng