Từ bài viết "Quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng xã hội hài hòa ở một số nước Bắc Âu và gợi mở chính sách cho Việt Nam" của tác giả Đinh Công Tuấn đăng trên Tạp chí Văn hóa Nghệ an, chúng tôi trích lại phần nói về thể chế và thành quả của nó trong việc xây dựng một xã hội hài hòa được xem là “Chủ nghĩa xã hội Bắc Âu” mà không cần vung vít búa liềm, để giới thiệu với độc giả qua mục Tìm hiểu về Thể chế.
Chúng tôi không lấy lại phần "gợi mở chính sách cho Việt Nam" vì thấy rằng những gợi mở đó thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng từng hô hào nhưng không thể thực hiện được vì một hòn đá tảng đang ghèn chân cả nước mà không ai có can đảm chỉ ra.
Con cáo không thể đẻ trứng gà. Thể chế ta trái ngược với thể chế Thụy Điển, mà theo nhận xét của ông Đinh Công Tuấn là "Hệ thống chính trị đa đảng ở Thụy Điển đề cao vai trò của Nhà nước pháp quyền, đảm bảo các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tam giác phát triển Nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và xã hội dân sự ở Thụy Điển được coi là hình mẫu cho các nước trên thế giới học tập, noi theo."
Bạn đọc có thể đọc toàn bài viết của ông Đinh Công Tuấn theo đường link ở cuối bài.
Dân Quyền
Đinh Công Tuấn
Quá
trình phát triển và hội nhập khu vực của các quốc gia châu Âu trong suốt giai
đoạn từ sau khi kết thúc Thế chiến thứ II đến nay, đã liên tục được thúc đẩy,
và một trong những thành tựu phát triển nổi bật chính là sự thành công của quá
trình liên kết, hội nhập khu vực với sự ra đời của cộng đồng châu Âu (EC).
Đến
nay, tổ chức liên kết này đã được phát triển toàn diện và trở thành Liên minh
Châu Âu (EU) lôi kéo sự tham gia của hầu hết các quốc gia phát triển ở châu Âu.
Tiến trình phát triển của EU trong hơn nửa thế kỷ vừa qua đã đem lại nhiều
thành tựu hết sức ấn tượng. Nổi bật nhất là mức sống gia tăng, an ninh và ổn
định khu vực được đảm bảo, công dân của các nước thành viên EU được sinh sống
và tận hưởng một không gian kinh tế - xã hội rộng mở bao trùm hầu như toàn bộ
lục địa châu âu. Cho dù vẫn còn rất nhiều vấn đề chưa được giải quyết, thậm chí
phải được nghiên cứu và đánh giá lại, song những gì EU đã làm được hơn nửa thế
kỷ qua là rất đáng được ghi nhận. Đó là sự phát triển xã hội hài hòa giữa chính
trị, kinh tế, xã hội, tạo ra sự cân bằng giữa các cá nhân, thị trường và nhà
nước, trong đó các cá nhân được đề cao với trách nhiệm quyền công dân rất rõ
ràng. Mô hình phát triển châu Âu nói chung, đặc biệt là mô hình phát triển các
nước Bắc Âu được coi là mô hình toàn diện nhất với sự quan tâm cao độ dành cho
hệ thống tái phân phối, gắn kết xã hội và các giá trị phổ quát. Các mục tiêu
của mô hình này được thực hiện thông qua một hệ thống hạ tầng vững mạnh, các
dịch vụ xã hội với khả năng đáp ứng nhu cầu tốt và có chất lượng cao. Lợi ích
của mô hình Bắc Âu nói chung mang tính chất phi hàng hóa, có ý nghĩa là các cá
nhân đều được hưởng lợi, mà không phụ thuộc vào việc người đó đang đóng góp như
thế nào. Mối quan hệ lao động – lợi ích thụ hưởng có tính thị trưởng thấp.
Người thất nghiệp cũng được hưởng lợi và tỷ lệ lưu chuyển lao động, việc làm
rất cao. Cùng với trợ cấp thất nghiệp, dịch vụ y tế được tài trợ thông qua hệ
thống thuế... Mô hình phát triển xã hội hài hòa ở Bắc Âu đã thể hiện vai trò
quản lý nhà nước, vai trò quản lý phát triển xã hội của các bên liên quan với
những xu hướng diễn biến trái ngược nhau, bao gồm: (a) Sức ép đòi hỏi khả năng
quản lý phát triển xã hội hiệu quả hơn nữa; (b) yêu cầu phi tập trung hóa và
chuyển giao quyền lực cho chính quyền địa phương; (c) đòi hỏi về sự gia tăng
vai trò quản lý của chính phủ quốc gia trong các lĩnh vực có ảnh hưởng mạnh mẽ
tới đời sống nhân dân; (d) phải đẩy mạnh điều chỉnh, cải cách, đổi mới quản lý,
quản trị nhà nước và xã hội trên các mặt kinh tế, chính trị, xã hội....
1.
Thực trạng phát triển xã hội hài hòa ở các nước Bắc Âu
Thụy Điển |
Trong
thế giới đa màu sắc với những mô hình phát triển khác nhau hiện nay, thì mô
hình phát triển xã hội hài hòa Bắc Âu, được thế giới coi như “Chủ nghĩa xã hội
Bắc Âu”, vẫn đang nở hoa và gây chú ý. Chỉ có khoảng 25 triệu dân, nằm rải rác
ở các rẻo đất lạnh và hẹp, nhưng mô hình nhà nước phúc lợi (Welfare State) ở
các nước Bắc Âu, nhất là ở bốn nước Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển đã gây
ra rất nhiều chú ý với rất nhiều nghiên cứu về mô hình này. Các nước này trong
nhiều năm qua luôn nằm ở top trên trong bảng xếp hạng về mọi tiêu chí từ chính
trị, kinh tế đến xã hội. Đây là những quốc gia có độ ổn định cao về chính trị,
có khả năng cạnh tranh về kinh tế, y tế xã hội và chi số hạnh phúc rất cao. Các
nước này cũng rất khéo léo chế ngự các cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính, nợ
công... Chính phủ các nước này rất năng động, linh hoạt thực hiện các chuyển
đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, do tác động của các cuộc khủng hoảng nợ công
châu Âu (từ 2009 đến nay) đem lại một cách hiệu quả.
Mô
hình phát triển xã hội hài hòa ở các nước Bắc Âu luôn mang đặc trưng của một
nền kinh tế thị trường hỗn hợp. Trong đó các nhà nước phúc lợi đóng vai trò rất
quan trọng trong nền kinh tế, nhằm đảm bảo cho nhu cầu của từng cá nhân trong
xã hội, cung cấp đầy đủ những quyền cơ bản của con người và ổn định của nền
kinh tế. Mô hình nay nhấn mạnh đến sự tham gia tối đa của lực lượng lao động
trong nền kinh tế, thúc đẩy bình đẳng giới, coi trọng việc thực hiện các chính
sách trợ cấp, áp dụng các chính sách tài chính mở rộng. Ba mục tiêu chủ yếu của
mô hình Bắc Âu là:
+
Mức độ phổ quát cao: tất cả công dân đều được đảm bảo các lợi ích và dịch vụ an
sinh xã hội cơ bản.
+
Mức độ bình đẳng cao: phân phối thu nhập tương đối công bằng (thông qua việc áp
dụng mức độ đóng thuế cao), giáo dục miễn phí và cơ hội bình đẳng trong tiếp
cận việc làm.
+
Chính phủ đảm bảo việc làm đầy đủ thông qua việc thực hiện các chính sách thị
trường lao động tích cực.
Với
3 mục tiêu trên, mô hình Bắc Âu chủ yếu dựa trên 3 trụ cột chính: an sinh xã
hội, chăm sóc sức khỏe và giáo dục miễn phí. An sinh xã hội và chăm sóc sức
khỏe là nhằm đảm bảo mức sống cao cho tất cả mọi người dân trong nước, bất kể
tình trạng kinh tế của họ tốt hay xấu. Giáo dục miễn phí là nhằm mục đích đem
lại nền giáo dục tốt hơn cho mọi người dân bằng cách huy động tối đa các lực
lượng xã hội và không dựa vào sự hỗ trợ kinh tế từ gia đình học sinh.
Với
những lợi ích khổng lồ mang lại cho công dân trong nước, mô hình Bắc Âu còn
được gọi với tên khác là mô hình dân chủ xã hội (Social Democratic Model). Mô
hình này mang lại nhiều hơn lợi ích cho người dân hơn mô hình Beveridge của
nước Anh (sử dụng hệ thống thuế để tạo nên sự tái phân phối lớn hơn), hay mô
hình Bismark của nước Đức (sử dụng hệ thống bảo hiểm trên cơ sở hợp đồng giữa
các thế hệ, có ý nghĩa là các thế hệ công nhân trẻ cung của một sự bảo lãnh tài
chính cho tuổi già của cha mẹ, ông bà).
Các
nhà kinh tế học cho rằng mô hình Bắc Âu mang tính đơn giản hơn, nhưng toàn diện
hơn các mô hình khác ở châu Âu. Tại các nước Bắc Âu, hầu hết phúc lợi xã hội
đều do nhà nước và chính quyền địa phương mang lại cho từng cá nhân, gia đình.
Mô hình này đảm bảo một hệ thống hạ tầng vững mạnh, các dịch vụ xã hội với khả
năng đáp ứng nhu cầu tốt và chất lượng cao. Mọi cá nhân đều được hưởng phúc lợi
nhà nước, không phụ thuộc vào việc đó là người đóng góp như thế nào và mô hình
này đảm bảo mức thất nghiệp thấp, cùng với những khoản trợ cấp thất nghiệp
tương đối đầy đủ. Mô hình Bắc Âu dường như tẩy chay với mặt trái của thị trường
(chỉ nghĩ đến lợi nhuận, quên đi các vấn đề về xã hội và môi trường), nó xây
dựng một sự đoàn kết toàn diện cần thiết nhất cho nhà nước phúc lợi. Tất cả lợi
ích đều mang tính phụ thuộc và mang tính thanh toán bắt buộc. Nhà nước có trách
nhiệm chăm lo đến mỗi gia đình (từ trẻ em đến người già), khuyến khích sự độc
lập cá nhân, đặc biệt khuyến khích phụ nữ lựa chọn các cơ hội việc làm. Việc là
đầy đủ là yếu tố trọng tâm của mô hình Bắc Âu, và nó được nhà nước hỗ trợ cả về
thu nhập lẫn thanh toán các chi phí phúc lợi.
Trong
mô hình phát triển xã hội hài hòa ở Bắc Âu, trường hợp điển hình nhất là Thụy
Điển. Nói đến Thụy Điển là nói đến đất nước phát triển hài hòa giữa kinh tế,
chính trị và xã hội. Và ở đó nhà nước có vai trò quan trọng trong việc điều
tiết, quản lý đất nước, người dân tự do, dân chủ hoạt động trong các tổ chức xã
hội dân sự, nền kinh tế thị trường đảm bảo độ cạnh tranh mạnh mẽ. Cụ thể:
-
Cấu trúc kinh tế mang tính chất là nền kinh tế hỗn hợp, chế độ sở hữu pha trộn
giữa chế độ sở hữu công cộng với chế độ sở hữu tư nhân, chế độ phân phối thực
hiện theo lao động kết hợp với theo vốn, phương thức vận hành kinh tế thực hiện
nhà nước quản lý điều tiết vĩ mô kết hợp với nền kinh tế thị trường tự do. Có người
gọi, kinh tế Thụy Điển là nền kinh tế hỗn hợp tiên tiến, hướng ngoại. Năm 2013,
Thụy Điển đứng đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, đứng thứ hai thế giới về hệ
thống giáo dục có chất lượng tốt.
Thụy Điển |
Tuy
vậy, trong quá trình phát triển, đặc biệt do tác động của cuộc khủng hoảng tài
chính – kinh tế toàn cầu (2008), và cuộc khủng hoảng nợ công (năm 2009), nền
kinh tế Thụy Điển có xu hướng bất ổn, tăng trưởng kinh tế dao động thất thường,
thậm chí bị suy giảm nghiêm trọng, tỷ lệ thất nghiệp cao, thâm hụt ngân sách
vượt quá mức cho phép (3%), các chỉ số kinh tế vĩ mô bị tụt giảm. Cùng với
chính sách tiền tệ chưa linh hoạt, các gói kích thích kinh tế tung ra nhằm thúc
đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại, tỏ ra không mấy hiệu quả, rất dễ dàng dẫn đến
nguy cơ nợ công lớn... Đứng trước tình trạng đó, các chính phủ Thụy Điển từ năm
2008 đến nay, đã luôn đặt ra nhiệm vụ phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh
tế, nhằm mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế, tăng tỷ lệ tăng trưởng
GDP, giảm tỷ lệ thất nghiệp, ổn định tỷ lệ nợ công dưới mức cho phép (60% GDP),
đảm bảo bội chi ngân sách dưới 3% như Hiệp ước Tăng trưởng và Ổn định EU đặt
ra. Đồng thời nền kinh tế Thụy Điển hướng tới nền kinh tế tri thức (hàm lượng
chất xám lớn), xanh (chống ô nhiễm môi trường), đề cao mô hình “Nhà nước đầu tư
xã hội” (đưa hạch toán kinh tế chặt chẽ trong mô hình quản trị mới về nhà nước
phúc lợi, đảm bảo sự hợp lý cho chi tiêu ngân sách xã hội). Thụy Điển đề cao mô
hình học tập suốt đời, cải cách giáo dục đề cao học sinh là trung tâm, đặt vấn
đề xây dựng “động cơ lợi nhuận trong giáo dục” với hàng loạt các “Trường học
sinh lời” ra đời, xây dựng các “công ty học đường” dựa trên nền tảng đối tác
công – tư của khu vực tư nhân và lợi ích xã hội. Do những biện pháp cải cách
mạnh mẽ, đồng bộ, vì vậy nền kinh tế Thụy Điển đã có chuyển dịch rõ ràng, theo
hướng tốt đẹp hơn, đã đảm bảo cân đối kinh tế vĩ mô, tăng trưởng GDP tốt hơn,
thị trường lao động khởi sắc, tỷ lệ nợ công giảm, đã đảm bảo thu – chi ngân
sách cân đối, đã xây dựng được mô hình “Nhà nước đầu tư xã hội”, lấy “tăng
trưởng xanh” làm trung tâm để tái cơ cấu kinh tế, duy trì vị thế cạnh tranh của
đất nước sau khủng hoảng nợ công châu Âu ….
-
Cấu trúc chính trị của Thụy Điển là một hệ thống đa đảng. Trong đó, chủ yếu gồm
7 đảng là đảng cánh tả, đảng dân chủ - xã hội, đảng trung tâm, đảng nhân dân tự
do, đảng thiên chúa giáo, đảng số ít (moderate), đảng xanh. Các đảng phái chính
trị ở Thụy Điển có mối quan hệ gắn kết với các nhóm đảng chủ chốt ở Nghị viện
châu Âu (bao gồm các đảng xã hội chủ nghĩa, dân chủ - xã hội, nhóm đảng dân chủ
thiên chúa giáo và bảo thủ, nhóm đảng tự do, đảng xã hội chủ nghĩa cánh tả). Ở
Nghị viện châu Âu, thường có hai nhóm đảng chính trị nổi bật và ảnh hưởng mạnh
mẽ nhất là đảng XHCN châu Âu (gồm có đảng dân chủ - xã hội và XHCN) và đảng
nhân dân châu Âu (gồm có đảng dân chủ thiên chúa giáo/bảo thủ). Đảng dân chủ -
xã hội Thụy Điển được thành lập từ năm 1932, nắm quyền liên tục 44 năm liền,
đến năm 1976 bị đảng nhân dân thay thế một thời gian, hiện nay đảng dân chủ - xã
hội Thụy Điển tiếp tục cầm quyền, có ảnh hưởng rất sâu sắc tới con đường phát
triển kinh tế xã hội và xây dựng nhà nước phúc lợi Thụy Điển. Hệ thống chính
trị đa đảng ở Thụy Điển đề cao vai trò của Nhà nước pháp quyền, đảm bảo các
quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tam giác phát triển Nhà nước pháp quyền,
kinh tế thị trường và xã hội dân sự ở Thụy Điển được coi là hình mẫu cho các
nước trên thế giới học tập, noi theo.
-
Cấu trúc hệ thống phúc lợi xã hội Thụy Điển luôn đi theo phương châm “công
bằng, hiệu quả, đảm bảo quyền lợi cho mọi người”. 3 mục tiêu của hệ thống phúc
lợi xã hội luôn là: mức độ phổ quát cao, mức độ bình đẳng cao, đảm bảo việc làm
đầy đủ. Ở Thụy Điển, nguyên tắc đồng thuận, thương lượng, hòa nhập, hài hòa
giữa các lợi ích dân chủ và nghiệp đoàn đã tạo nên nhận thúc chung trong toàn
xã hội. Xã hội luôn chấp nhận vai trò quản lý của Nhà nước và sự giám sát của
xã hội dân sự. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay, vai trò quản lý của
chính phủ là rất to lớn, đã thích ứng nhanh về phát triển phúc lợi, vẫn duy trì
cấu trúc dịch vụ cơ bản, tạo mọi điều kiện để hòa nhập các xu hướng cải cách,
nhằm nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả, thiết thực, nhưng vẫn ngăn ngừa tình
trạng chia rẽ, phân cực trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị. (Đây là
điểm khác biệt so với các quốc gia khác ở châu Â, rất dễ xảy ra tách biệt giữa
nhà nước và xã hội). Thương hiệu “Mô hình Thụy Điển” với câu nói nổi tiếng
“sướng từ trong bụng mẹ cho đến khi chết” đã trở thành lừng lẫy khắp thế giới.
2.
Vai trò quản lý Nhà nước ở các nước Bắc Âu
(1)
Muốn phát triển xã hội hài hòa (như phân tích ở trên), chính phủ ở các nước Bắc
Âu đã đề ra nhiều đường lối, chính sách, các giải pháp hiệu quả. Đầu tiên, cần
phải dựa vào 3 trụ cột trong quá trình phát triển, đó là, kinh tế thị trường,
nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự. 3 trụ cột này thể hiện những thành tựu
phát triển của văn minh nhân loại, mang tính phổ biến. Kinh tế thị trường ra
đời và phát triển đã tạo ra những tiền đề cần thiết và thúc đẩy nhu cầu hình
thành, sự phát triển của nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự đã và sẽ thúc đẩy
sự phát triển nhanh hơn của kinh tế thị trường. Tam giác phát triển này luôn
gắn bó biện chứng và có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển của
mỗi quốc gia trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập mạnh mẽ hiện nay.
Mô
hình nhà nước phúc lợi Bắc Âu đề cao tính hiệu quả (efficiency), hiệu lực
(effectiveness), công bằng xã hội (social equality), tính bền vững
(sustainability). Phát triển xã hội, phát triển con người là mục đích cao nhất
trong quá trình phát triển. Muốn có thành quả để thực hiện phúc lợi xã hội,
nâng cao đời sống con người, thì cần phải có nhiều của cải vật chất, và muốn có
nhiều của cải vật chất cho xã hội, thì cần phải thúc đẩy phát triển kinh tế.
Điều đó lý giải tại sao nền kinh tế thị trường có vai trò rất quan trọng trong
mô hình phát triển của các nước Bắc Âu. Các nước Bắc Âu dù có muốn thực hiện
chính sách xã hội thế nào, thì vẫn phải duy trì nền kinh tế thị trường. Kinh tế
thị trường sẽ thúc đẩy cạnh tranh và thúc đẩy nền kinh tế các nước phát triển.
Để cho kinh tế thị trường phát triển và phát huy hiệu quả đối với xã hội, cần
phải có một nền pháp quyền và một xã hội dân chủ. Vai trò nhà nước pháp quyền
là phát huy dân chủ, nâng cao khả năng quản lý, điều hành, tăng hiệu quả của hệ
thống thể chế trong tương quan với hoạt động của nền kinh tế thị trường, thực
hiện cân đối giữa tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội với môi trường bền
vững, nâng cao chất lượng sống, phát triển hài hòa, thúc đẩy tính cạnh tranh, năng
động, thực hiện bình đẳng, phổ quát, việc làm đầy đủ, tôn trọng pháp luật đất
nước. Mô hình phát triển của các nước Bắc Âu, đặc biệt đề cao vai trò của xã
hội dân sự. Cốt lõi của tư tưởng về xã hội dân sự là lý thuyết về dân chủ,
quyền con người và quyền công dân, về bản chất tự do của xã hội và của cá nhân
trong mối quan hệ với nhà nước và thị trường. Tư tưởng về xã hội dân sự thừa
nhận rằng trong xã hội có một lĩnh vực rộng lớn tự điều tiết, nơi lưu giữ cơ
bản quyền và tự do cá nhân, các kỹ năng tổ chức họat động sản xuất và đời sống
xã hội dưới hình thức văn hóa và truyền thống cộng đồng … Mỗi người cần phải
được bảo vệ trước sự vi phạm thái quá của Nhà nước và thị trường. Xã hội dân sự
được hình thành trên cơ sở cân bằng giữa bộ phận quyền lực nhà nước, do người
dân ủy quyền hoặc trao quyền, với bộ phận quyền lực do dân tự mình trực tiếp
thực hiện, không thông qua nhà nước, do đó nó thể hiện sự hài hòa giữa nhà nước
và tư nhân, giữa lợi ích chung, lợi ích nhóm và lợi ích cá nhân.
(2)
Trong thời gian gần đây trong các thảo luận về sự phát triển trên thế giới, đặc
biệt là sự phát triển ở các nước Bắc Âu, người ta thường nói nhiều đến vai trò
của nhà nước trong “quản lý kinh tế tốt” và “quản lý xã hội tốt”. Đặc biệt
người ta thường hay nhắc tới cụm từ “Quản trị tốt” (Good Governance). Trong xây
dựng xã hội hài hòa, chính phủ các nước Bắc Âu luôn đề cao vai trò của nhà nước
trong “quản trị tốt” đất nước. “Quản trị tốt” là việc thực hiện quyền lực hay
quyền uy về chính trị, kinh tế, hành chính, hay các quyền lực, quyền uy khác,
nhằm quản lý các nguồn lực, các vấn đề của đất nước. Nó bao gồm các cơ chế, các
quá trình, các thể chế, và thông qua đó, các công dân và nhóm người bày tỏ lợi
ích của mình, thực hiện các quyền theo luật định, thực hiện trách nhiệm của mình
và dung hòa các khác biệt của mình. “Quản trị tốt” có nghĩa là quản lý hiệu quả
các nguồn lực và các vấn đề của đất nước một cách cởi mở, minh bạch, có trách
nhiệm giải trình, công bằng và đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Trong quản lý nhà
nước ở các nước Bắc Âu vừa qua, chính phủ các nước đã rất đề cao “quản trị tốt”
đất nước. Điều đó được thể hiện trong việc thực hiện 5 nguyên tắc chính trị của
“quản trị tốt” và 4 nguyên tắc kinh tế của “quản trị tốt”.
-
Các nguyên tắc chính trị của “quản trị tốt” ở các nước Bắc Âu là:
1/
Quản trị tốt dựa trên sự thiết lập hình thức chính quyền có tính đại diện và có
trách nhiệm giải trình.
2/
Quản trị tốt đòi hỏi một xã hội dân sự mạnh và đa nguyên nơi có sự tự do thể
hiện và tự do hiệp hội.
3/
Quản trị tốt đòi hỏi việc tuân thủ pháp luật là tối cao, được duy trì thông qua
hệ thống pháp lý hiệu quả và công bằng.
4/
Quản trị tốt đòi hỏi các thể chế tốt – bộ quy tắc quy định hành động của các cá
nhân và các tổ chức và sự điều phối giải quyết các khác biệt giữa họ với nhau.
5/
Quản trị tốt đòi hỏi minh bạch và trách nhiệm giải trình cao trong các quá
trình công, cũng như các quá trình của các nghiệp đoàn/tổ chức. Cách tiếp cận
có sự tham gia rộng rãi đối với việc cung cấp dịch vụ công là rất quan trọng để
các dịch vụ này có hiệu quả.
-
Các nguyên tắc kinh tế của “quản trị tốt” ở các nước Bắc Âu là:
1/
Quản trị tốt đòi hỏi các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có cơ sở rộng,
khu vực tư nhân năng động và các chính sách xã hội giúp cho việc xóa đói, giảm
nghèo. Tăng trưởng kinh tế sẽ là tốt nhất trong nền kinh tế dựa trên thị
trường, cởi mở, hiệu quả.
2/
Đầu tư vào con người là ưu tiên cao nhất thông qua các chính sách và có thể
giúp tăng khả năng tiếp cận giáo dục, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ khác là
nền tảng của nguồn lực con người trong đất nước.
3/
Các thể hiện hiệu quả và quản trị nghiệp đoàn tốt là cần thiết để hỗ trợ sự
phát triển khu vực tư nhân có tính cạnh tranh cao. Đặc biệt, để thị trường vận
hành tốt, cần có các chuẩn mực xã hội tôn trọng hợp đồng và quyền sở hữu tài
sản.
4/
Quản lý chu đáo nền kinh tế quốc dân có tính chất sống còn, nhằm tối đa hóa
tiến bộ về kinh tế và xã hội.
“Quản
trị tốt” nhằm đáp ứng xây dựng xã hội hài hòa ở các nước Bắc Âu, phải đảm bảo 4
yêu cầu tối thiểu, có liên quan mật thiết với nhau, có tính hỗ trợ lẫn nhau, đó
là:
1/
Có trách nhiệm giải trình rõ ràng: quan chức quản lý nhà nước Bắc Âu phải chịu
trách nhiệm về việc thực hiện các quyết định quản lý thuộc thẩm quyền của mình
trước nhân dân. Khi cần thiết họ phải có trách nhiệm giải trình rõ ràng. Trách
nhiệm giải trình rõ ràng có nghĩa là phải có tiêu chuẩn rõ ràng để đo lường mức
độ hoàn thành nhiệm vụ, có cơ chế phản hồi ý kiến, khiếu nại cơ chế đáp ứng
nhanh chóng những khiếu nại… Trách nhiệm giải trình là yếu tố quan trọng đem
đến và duy trì sự tin tưởng vào nhà nước của người dân. Đây là điều tối quan
trọng trong quá trình xây dựng, phát triển xã hội hài hòa.
2/
Có sự tham gia rộng rãi của các bên liên quan. Điều này có nghĩa là chấp nhận
sự tham gia của người dân là trọng tâm của sự phát triển. Sự tham gia của người
dân với tư cách cá nhân, nhóm, hoặc thông qua các tổ chức xã hội dân sự. Ở cấp
cơ sở, sự tham gia rộng rãi có nghĩa là cơ chế quản lý nhà nước đã đủ mềm mỏng
để cho phép nguồn hưởng lợi và những người bị ảnh hưởng tham gia vào việc hoàn
thiện thiết kế và việc thực hiện các chương trình/dự án phát triển công. Điều
này sẽ làm tăng tính “sở hữu” các chương trình/dự án phát triển công của nhân
dân, nâng cao hiệu quả, tính bền vững của chương trình/dự án.
3/
Có tính có thể dự đoán được. Điều này có nghĩa là các ứng xử về quản lý phải
dựa trên pháp luật, chính sách, các quy định pháp lý hiện hành và khung pháp lý
này phải được thực hiện một cách công bằng nhất quán. Cả nhà nước, các cơ quan,
người dân đều phải ứng xử theo pháp luật, không có ngoại lệ.
4/
Tính minh bạch, điều này có nghĩa người dân được thông tin đầy đủ và rõ ràng về
các quy định, quyết định, chính sách, pháp luật và việc thực hiện những quy
định, quyết định, chính sách, pháp luật này. Tính minh bạch là điều kiện tiên
quyết giúp giảm thiểu tham nhũng, lạm dụng quyền lực, nâng cao hiệu quả quản lý
nhà nước.
Đặc
biệt gần đây, khi lý giải về những nguyên nhân thành công trong phát triển xã
hội hài hòa ở Bắc Âu, giới nghiên cứu ở Bắc Âu thường nhắc đến khái niệm xây
dựng “chính phủ kiến tạo”. Nội dung của “chính phủ kiến tạo” ở các nước Bắc Âu
tập trung vào việc đẩy mạnh quản lý nhà nước theo hướng hoàn thiện thể chế, cơ
chế chính sách, hành lang pháp lý theo hướng cắt giảm rào cản, tháo gỡ khó khăn
cho người dân, cải thiện môi trường đầu tư, chuyển mạnh từ “chính phủ quản lý”
sang “chính phủ phục vụ người dân và doanh nghiệp”, xây dựng “chính phủ liêm
chính”, thực hiện “quản trị tốt” bộ máy nhà nước các lĩnh vực chính trị, kinh
tế, xã hội, văn hóa… đất nước.
Nguồn: Theo VHNA, Bản gốc