Nguyễn Trọng Tín
3. Người mở cửa Đông Du
Tiếng khóc mất nước trước Nhật hoàng
Chiến thắng vẻ vang của Nhật trong cuộc chiến tranh với Nga (1904-1905) dẫn đến hoà ước Postsmouth, đem lại cho Nhật hải cảng Lữ Thuận, phía nam Sakhaline và con đường xe lửa phía nam Mãn Châu. Sự kiện trên khiến các nước châu Âu giật mình vì một châu Á đang trỗi dậy, nó còn đem lại niềm khích lệ lớn cho giới sĩ phu yêu nước Việt Nam là theo gương tự cường của nước Nhật để đánh đuổi thực dân Pháp.
Trong cuộc chiến tranh Nga – Nhật ấy, có một người Việt tham dự trong lực lượng thuỷ quân của Nhật và lập công lớn trong các trận Đại Liên, Lữ Thuận, được nước Nhật thưởng huy chương quân công. Người đó là Tăng Bạt Hổ. Được mời dự trong bữa đại yến do Nhật hoàng đãi các tướng sĩ mừng chiến thắng, khi đỡ chén rượu do vua Nhật ngự rót, Tăng Bạt Hổ uống một hơi cạn rồi khóc lớn. Thấy lạ, Nhật hoàng hỏi, thì ông nói rằng ông khóc mừng cho nước Nhật thắng trận và cũng khóc vì cái nhục của nước ông là Việt Nam còn trong ách xâm lược của thực dân Pháp.
Tăng Bạt Hổ người Bình Định, tham gia quân đội
triều đình, làm đến chức cai cơ, ông cùng với Phạm Toàn mộ nghĩa quân chống
Pháp. Sau nhiều trận thất bại, nghĩa quân tan rã, không chấp nhận dụ hàng, ông
trốn qua Thái Lan, rồi sang Trung Quốc xin làm thuỷ thủ cho một tàu buôn. Nhờ
đó ông thường có dịp qua lại các hải cảng Nhật, tự học và nói thông tiếng Nhật.
Khi chiến tranh Nga - Nhật xảy ra, vì lòng căm hờn người Âu, ông đăng ký vào
thuỷ quân Nhật.
Rước Phan Bội Châu sang Nhật
Dù được an ủi và khen là chân ái quốc, nhưng vua Nhật cũng không hứa hẹn gì.
Nhưng tiếng khóc của ông tại hoàng cung Nhật đã gây được cảm tình lớn với nhiều
tướng lĩnh và chính khách, đặc biệt với hai nghị sĩ Nhật là Khuyển Dưỡng Nghị
và Đại Ôi Trọng Tín. Hai ông nghị này rất muốn tranh thủ Nhật hoàng viện trợ
cho Việt Nam kháng Pháp, nhưng do tình hình khi đó Nhật còn muốn hoà hoãn với
Pháp, nên họ khuyên Tăng Bạt Hổ nên tìm cách phát triển phong trào duy tân
trong nước để nâng cao dân khí, dân trí cho đại sự về sau dễ thành và hứa tận
lực giúp cho học sinh Việt Nam sang Nhật được phép cư trú và miễn học phí.Cuối 1904, Tăng Bạt Hổ về Hải Phòng rồi vào Quảng Nam. Qua giới thiệu của ông Nguyễn Thành (2), ông nhiều lần gặp gỡPhan Bội Châu và Kỳ ngoại hầu Cường Để. Đầu năm 1905, ông đưa Phan Bội Châu sang Nhật bằng tàu thuỷ, từ Hải Phòng.
Mở ra con đường Đông Du
Tượng đúc đồng Phan Bội Châu - cha đẻ của phong trào Đông du. Ảnh : TL |
Sang Nhật, qua Tăng Bạt Hổ, Phan Bội Châu nhiều lần hội kiến với Khuyển Dưỡng Nghị, Đại Ôi Trọng Tín và đại tướng Phúc Đảo. Để tránh những rắc rối về ngoại giao có thể xảy ra với thực dân Pháp, các nhân vật trên nhất trí giao phó việc huấn luyện học sinh Việt Nam cho Đông Á đồng văn hội, vì hội này là hội phi chính phủ, lấy danh nghĩa một tổ chức của dân Nhật giúp đỡ một tổ chức của dân Việt Nam, là một việc làm hợp pháp, không liên can gì tới chính quyền Nhật. Việc học, tập trung vào hai phần: 1/Quân sự chuyên môn; 2/ Phổ thông tri thức. Đông á đồng văn dành năm phòng học để dạy riêng cho học sinh Việt Nam.
Cao điểm của phong trào Đông du (1907–1908),
con số du học sinh Việt Nam ở Nhật ước lượng chừng 200, Nam kỳ hơn 100 người,
Trung kỳ chừng 50 người, Bắc kỳ hơn 40 người. Sở dĩ phong trào Đông du phát
triển mạnh ở Nam kỳ là do ông Phan Bội Châu có nhiều mối quan hệ đồng chí với
những nhà cách mạng ở vùng đất thuộc địa này. Năm 1903, trong chuyến du Nam,
vào tận vùng Thất Sơn (An Giang), căn cứ địa cuối cùng của lực lượng cần vương
miền Nam, trên đường trở về, ghé qua Sa Đéc, Phan Bội Châu có hội kiến với hai
ông Đặng Thúc Liên và Nguyễn Thần Hiến. Sau này ông Hiến là người lập ra Khuyến
du học hội ở Nam kỳ và cho con trai là Nguyễn Như Bích qua Nhật, khiến sĩ phu ở
đây hưởng ứng rất đông và đóng góp cho phong trào rất nhiều tiền bạc, vì phần
đông họ là những đại điền chủ.
Hổ phụ sinh hổ tử
Trong Ngục trung thư Phan Bội Châu có kể, sau chuyến về nước thu xếp cho ông
Cường Để sang Nhật, khi trở qua nhà trọ cũ ở Hoành Tân thì gặp Lương Ngọc Quyến
(con ông Lương Văn Can) đang đợi ở đó. Anh thanh niên này đã vượt biển trốn
sang Nhật, khi lên bờ trong túi chỉ còn vỏn vẹn 3 xu. Rồi một hôm Quyến nhịn
đói một mình từ Hoành Tân lên Đông Kinh, mất 1 ngày, 1 đêm. Không có chỗ ngủ,
anh đi vào sở cảnh sát. Sáng ra, cảnh sát hỏi gì anh cũng không biết, vì không
biết tiếng Nhật. Sau khi cảnh sát cho “bút đàm” thì biết anh là thiếu niên… Ấn
Độ. Thấy lạ, thương tình, cảnh sát cho tiền để anh đi xe lửa về Hoành Tân.
Quyến dùng tiền ấy chu du khắp Đông Kinh mấy ngày và tình cờ vào toà báo Dân
Báo của những nhà cách mạng Trung Quốc tại Nhật. Khi rõ hết tình cảnh, chủ bút
Chương Thái Viêm đã nhận Quyến vào làm việc, ngạch tam đẳng thư ký.Trở lại Hoành Tân, Lương Ngọc Quyến đưa hai thanh niên mới từ nước nhà qua là Nguyễn Thức Canh và Nguyễn Điển lên Đông Kinh. Phan Bội Châu giữ Lương Nghị Khanh (3) ở lại Hoành Tân với mình.
Sau khi đưa Phan Bội Châu sang Nhật, Tăng Bạt
Hổ về nước đi khắp Bắc, Trung, Nam vận động Đông du. Một lần tiếp kiến Lương
Văn Can, ông Can nói: “Chúng ta đã vào hàng lão, nên đặt hy vọng vào bọn hậu
tiến”.Được lời như cởi tấm lòng, Tăng Bạt Hổ bày tỏ mục đích về nước của mình.
Do cuộc hội đàm đó mà hai người con cụ Lương có mặt trong số bốn thanh niên đầu
tiên của phong trào Đông du.
4. Thực hành ở Nam kỳ
Khi vào đến Nam kỳ, phong trào Duy Tân có tên gọi là Cuộc Minh Tân (công
cuộc minh đức, tân dân). Trụ cột của phong trào là ông Trần Chánh ChiếuSợi dây liên hệ
Ông
Trần Chánh Chiếu, trụ cột phong trào Cuộc Minh Tân tại Nam kỳ. Ảnh : TL |
Thời đó, ông Chiếu có người con là Trần Chánh Tiết du học tại Hương Cảng, trường Saint Joseph, dạy tiếng Anh. Ông Chiếu do có Pháp tịch nên dễ dàng qua lại Hương Cảng thăm con. Do đó, ông có được nhiều dịp gặp và luận đàm cùng ông Phan Bội Châu tại Hương Cảng, rồi bí mật sang Nhật để gặp Kỳ Ngoại Hầu Cường Để. Lề lối làm việc của ông khá thiết thực vì là người chịu ảnh hưởng tân học. Ngoài ông Chiếu, các nhân vật quan trọng của phong trào ở Nam kỳ còn có Nguyễn Thần Hiến, Nguyễn An Cư, Nguyễn An Khương (thân phụ nhà cách mạng Nguyễn An Ninh)…
Những hoạt động nổi bật ở Nam kỳ là khuyến
khích người Việt tự cường bằng cách liên kết với nhau thành lập các công ty,
các cơ sở thương mại, tài chánh tín dụng, phát triển công nghệ, dịch vụ… hòng
cạnh tranh với tư bản Pháp và Hoa kiều lúc ấy đang thống lãnh nền kinh tế Nam
kỳ
Ý tưởng có một tập đoàn kinh tế
Trong những chủ trương phát triển công kỹ nghệ của ông Trần Chánh Chiếu thì
việc thành lập công ty Nam Kỳ Minh Tân công nghệ có thể được xem là táo bạo
nhất. Đây là công ty gồm nhiều cổ phần, đa số người đóng góp là giới điền chủ
và công chức, cổ động đầu 1908, thành lập công khai theo luật hiện hành vào
1.6.1908 trong buổi họp ở văn phòng viên chưởng khế Aymard tại Sài Gòn, với bản
điều lệ gần giống như các công ty của người Pháp lúc bấy giờ. Đến tháng 8.1908
đã quy tụ hơn 3.000 cổ đông. Điều lệ ghi rõ: “1/Lập lò nghệ tại Nam kỳ: lò chỉ
(kéo sợi bông vải), lò dệt, lò savon (xà bông), thuộc da và pha ly (thuỷ tinh)…
2/Dạy con nít làm các nghề ấy. M.Gilbert Chiếu làm tổng lý công ty. Quán chánh
công ty ở tại thành Mỹ Tho”.Tháng 9.1908 xà bông công ty Minh Tân tung ra thị trường, cạnh tranh rất hiệu quả với xà bông trên thị trường đồng thời, khiến hút thêm số lượng khá lớn cổ đông mới.
Báo Lục Tỉnh Tân Văn số 39 (30.8) thấy rao: “Tổng lý là G. Chiếu ra thông cáo cho biết ai có hùn vốn thì có quyền gởi con đến học nghề, thời hạn học là 7 năm, công ty nuôi cơm nước còn quần áo, mùng mền thì cha mẹ phải chịu. Công ty lo nhà ngủ, nhà ăn cho học trò, đứa nào học giỏi sẽ được hưởng lương tháng, sau đó, khi biết nghề rồi phải giúp việc cho công ty 7 năm”. Trong thời gian biểu học tập thấy ghi rõ các phần học nghề, học chữ quốc ngữ, học chữ “Lang sa”, thời gian luyện tập thể thao và dọn dẹp vệ sinh, cả phần: “Ngày lễ theo đạo Thiên Chúa hoặc theo đạo Thích Ca, học trò được đi làm việc bổn phận”.
Ngoài công ty lớn trên đây, đáng chú ý là hai khách sạn hoạt động với mục đích làm kinh tài cho phong trào, đồng thời cũng là nơi tụ họp để che mắt nhà cầm quyền thực dân: Minh Tân khách sạn ở Mỹ Tho và Nam Trung khách sạn ở Sài Gòn.
Sôi nổi “công nghiệp hoá”
|
Cùng với Nam Kỳ Minh Tân công nghệ, một phong trào đưa ra những đề án, những cuộc vận động để thành lập những cơ sở công kỹ nghệ hưởng ứng cuộc Minh Tân nở rộ ở Sài Gòn và nhiều tỉnh Nam kỳ. Xin nêu ra vài cơ sở có tiếng vang đương thời.
Ông Nguyễn An Khương lập ra Chiêu Nam Lầu, tầng dưới bán cơm theo lối bình dân, tầng trên bán cơm sang trọng hơn, tầng trên cùng làm khách sạn.
Công ty nhà in: “Hội này lập ra là có ý muốn mua một cái nhà in để mà in nhật trình, cùng là sách vở và in công việc cho quan làng và người mua bán, sách nói đủ việc cơ xảo, bán giá rẻ cho mọi người, lớn, nhỏ, già, trẻ, nghèo, giàu đều đọc được” (Lời rao trên Lục Tỉnh Tân Văn).
Mỹ Tho Minh Tân túc mễ tổng cuộc: được hình dung như là một tổng công ty xuất khẩu lúa gạo. Người khởi xướng là ông phó tổng Trần Văn Hài ở làng Lương Phú, tổng Thạnh Quới, hạt Mỹ Tho.
Y Dược công ty: hình thức như một cơ sở bào chế Đông Nam dược, làm ra các loại thuốc ta dạng tán, dạng nước, dạng viên, ngâm rượu…
Nam Hoà Thạnh: Hội thương mãi này nhóm đại hội ngày 19.4.1908 tại châu thành Biên Hoà, có mặt 130 ông, góp vốn được 11.500 đồng.
Chợ Lớn Nam Chấn Thành thương xã: số vốn 40.000 đồng, người góp vốn khắp 6 tỉnh Nam kỳ.
Tân Thành thương cuộc: tiệm này ở Bến Tre mua lúa với số lượng nhiều để bán cho nhà máy và xay ra để bán lẻ.
Ngoài việc kêu gọi góp vốn thành lập các cơ sở
kinh doanh của người Việt, ông G. Chiếu còn chủ trương lập ở Sài Gòn một tổ
chức kinh doanh tài chánh, dạng như một ngân hàng tín dụng. Gọi là Hãng cho vay
Sài Gòn – Chợ Lớn.
Sử dụng công cụ báo chí
Để yểm trợ phong trào, một tờ báo công khai ra đời lấy tên là Lục Tỉnh Tân
Văn ra hàng tuần. Báo ra ngày 14.11.1907 do ông F.H. Schneider - một chủ nhà in
người Pháp sáng lập, ông Trần Chánh Chiếu làm chủ bút. Nhiều nhân sĩ ở các tỉnh
Nam kỳ góp bài vở, có người ở miền Trung (ông Hồ Tá Bang) hoặc ở Cao Miên (ông
Trương Duy Toản) cũng gởi bài.
Một chi tiết đáng chú ý: năm 1907 ở Hà Nội,
Đăng Cổ Tùng Báo, là tờ báo tích cực yểm trợ cho Đông Kinh Nghĩa Thục, đăng tải
những bài kêu gọi lòng yêu nước, chống tục lệ phong kiến… Nhưng báo này chỉ ra
được 8 tháng thì bị chánh quyền đóng cửa vào ngày 11.11.1907. Vài ngày sau khi
Đăng Cổ Tùng Báo chết, tờ Lục Tỉnh Tân Văn ra mắt số 1 tại Sài Gòn.
5. Tan rã và lan tỏa
Đầu năm 1908 (tháng chạp năm Đinh Mùi) Toàn quyền Beau lệnh rút giấy phép
Đông Kinh Nghĩa Thục, lấy cớ nơi này có nhiều hoạt động mờ ám, có thể làm cho
lòng dân náo độngNghĩa Thục bị đóng cửa
Trước đó, cuối 1907, thấy nhiều đồng chí hoạt động quá kịch liệt, không còn trong khuôn khổ Nghĩa Thục (mua khí giới chở về Hà thành, đưa thanh niên lên Yên Thế với Đề Thám…), sợ Nghĩa Thục bị đổ vỡ, trong một cuộc họp, Lương Văn Can đề nghị với các hội viên tách làm hai phe, ai ôn hoà thì ở lại, ai muốn bạo động thì biệt lập ra. Đề nghị được mọi người tán thành. Nhưng thực dân Pháp đã nhanh tay hơn.
Những bạn cách mạng của Đề Thám (Người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống Pháp gần 30 năm). Ảnh : TL |
Cùng với việc rút giấy phép là cuộc bố ráp lục
soát, nhưng vì đoán được trước nên trường đã cho thủ tiêu hết những giấy tờ
quan trọng, như bản in các bài ca ái quốc và nhất là những sách do Phan Bội
Châu từ hải ngoại gởi về. Hầu hết tài liệu này được bí mật chuyển qua nhà ông
Phương Sơn ở số 2, ngõ Phất Lộc để thiêu hủy. Không còn bằng cớ gì cụ thể, nên
các thầy giáo và học viên chưa ai bị giam cầm.
Ba biến cố quan trọng
Các nhà nho tưởng như thế đã yên, không ngờ chỉ vài tháng sau những biến cố
dồn dập xảy ra, khiến hầu hết các nhân vật của Đông Kinh Nghĩa thục đều bị liên
lụy.Trước hết là vụ kháng thuế ở Quảng Nam. Vụ này có ảnh hưởng rất lớn, mở đầu cho những cuộc biểu tình vĩ đại về sau. Hàng vạn quần chúng kéo nhau đến vây Toà sứ ở Quảng Nam, đưa yêu sách đòi giảm thuế. Viên Công sứ không chấp đơn, ra lệnh bắn vào đám đông làm một số người chết. Phong trào nhanh chóng lan ra khắp các tỉnh Trung kỳ. Chính phủ Pháp đổ tội cho Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Quí Cáp, Huỳnh Thúc Kháng xúi giục. Trần Quí Cáp bị bắt đem ra chém tại Nha Trang, Huỳnh Thúc Kháng bị giam ở Hội An, Phan Châu Trinh lúc đó đang ở Hà Nội bị còng tay giải về Huế, chỉ có Phan Bội Châu đang ở Nhật, chúng không làm gì được.
Thứ hai là âm mưu bạo động của Đề Thám. Tháng 6.1908 Pháp dò la biết Đề Thám vẫn liên lạc với Phan Bội Châu, thu dụng thêm nghĩa binh ở miền Thanh Nghệ, lập thêm đồn, mua thên vũ khí, nên ra tay trước: bắt và xử tử 12 người hoạt động cho Đề Thám, sau đó tấn công nghĩa quân. Khi người Pháp cho Đề Thám lập ấp ở vùng Nhã Nam, đó chỉ là giải pháp tạm thời để thăm dò lẫn nhau, chứ không khi nào họ chấp nhận có một khu vực ở Yên Thế lại được tự trị với quân đội, tài chính và hành chính riêng.
Nhưng đáng kể nhất là vụ đầu độc lính Pháp tại
Hà Nội ngày 26.6.1908. Đây là một phần trong kế hoạch tấn công Hà Nội của nghĩa
quân Đề Thám, nhưng chỉ thực hiện được việc đầu độc, cơ sự bị bại lộ, cuộc tấn
công dự kiến từ Sơn Tây và Gia Lâm kéo về đã không thành. Viên Toàn quyền và
tướng Tư lệnh tối cao quân đội Pháp cho lập toà án quân sự, gọi là Hội Đồng Đề
Hình, quyết xử thật nặng vụ này: bếp Hiên cùng 6 người nữa coi việc nấu ăn
trong trại lính Pháp bị xử tử. Nhiều nhà yêu nước của Đông Kinh NghĩaThục cũng
bị bắt và đem ra xét xử. Trong bản án của Hội Đồng Đề Hình tuyên ngày
15.10.1908 xử phạt các ông Nguyễn Quyền, Võ Hoành, Lê Đại chung thân khổ sai;
ông Dương Bá Trạc 15 năm tù; Dương Trọng Nho, Hoàng Tăng Bí 5 năm tù, vì các
ông đã liên hệ không ít thì nhiều với âm mưu đầu độc. Tất cả các ông đều bị đày
đi Côn Đảo. Khi ra đảo, họ gặp hai ông Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng cũng
bị đày ra đây. Người đứng đầu Đông Kinh Nghĩa Thục là Lương Văn Can cũng bị
bắt, vì không đủ chứng cứ buộc tội nên được thả ra sau đó. Nhưng đến sau vụ ném
tạc đạn ở Hà Nội ngày 23.4.1913 cụ lại bị buộc tội và đày lưu xứ qua Nam Vang
10 năm. Một số nhà chí sĩ có cảm tình với Nghĩa Thục cũng bị vạ lây: Ngô Đức Kế
bị đày ra Côn Đảo 14 năm, Nguyễn Thượng Hiền phải trốn qua Trung Quốc…
Bế cửa Đông du
Chính phủ Pháp muốn tiêu diệt hẳn phong trào cách mạng, nên không chỉ đàn áp
ráo riết phong trào trong nước mà còn tìm mọi cách triệt phá tận gốc phong trào
Đông du. Dựa vào hiệp ước đã ký, Pháp đề nghị Nhật giao cho họ những người lãnh
đạo phong trào, giải tán và trục xuất các học sinh Việt Nam. “Vì gặp nhiều khó
khăn tài chánh sau chiến tranh Nga – Nhật, chánh phủ Nhật phải nhìn nhận tất cả
các thuộc địa của Pháp tại Á châu với hiệp ước ngày 10.7.1907, để đổi lấy một
ngân khoản là 300 triệu quan tiền mà Pháp đã cho Nhật vay. Không bao lâu sau,
chánh phủ Nhật tỏ ý không muốn sung nạp các cựu học sinh Việt Nam nữa” .Trước tình thế trên, Phan Bội Châu thu xếp cho nhiều thanh niên Đông du tiếp tục sang Trung Quốc và Thái Lan. Năm 1909 Phan Bội Châu qua Bangkok, Kỳ ngoại hầu Cường Để cải trang làm bồi bàn về nước, được Nguyễn An Khương và Nguyễn An Cư đón ở Vũng Tàu, đưa về Sài Gòn và sau đó chu du nhiều nơi ở Nam kỳ để vận động tiền bạc và tổ chức lực lượng.
Bến Bạch Đằng và nhà máy Ba Son xưa. Ảnh TL |
Dư âm
Trừ ông Lê Đại, do thực dân căm ghét tài làm thơ nôm châm chọc của ông mà đày ông đến 15 năm ở Côn Đảo, còn lại, năm 1910, những nhân vật của Nghĩa Thục đều được tha về đất liền nhưng đều phải biệt xứ. Ông Nguyễn Quyền bị an trí ở Bến Tre, Dương Bá Trạc ở Long Xuyên, Võ Hoành ở Sa Đéc. Cũng trong năm đó, nhờ những vận động của Hội nhân quyền Paris, Phan Châu Trinh được ân xá nhưng phải an trí ở Mỹ Tho, sau đó, khi được trả tự do hoàn toàn, ông đã tìm đường sang Pháp.
Nhờ tư cách cùng chí khí, các nhà cách mạng Nghĩa Thục khi bị an trí trong Nam đều được đồng bào kính trọng. Đông đảo những người ngưỡng mộ đã cho con em theo học. Một số đông các nhà cách mạng từ 1925 trở về sau vẫn tự hào là hồi nhỏ đã được các ông dạy bảo. Thực dân Pháp đâu ngờ án đày biệt xứ lại giúp các ông gieo mầm cách mạng ở nơi khác.
(2) Ông còn có tên là Nguyễn Hàm, hiệu Tiểu La, người làng Thạnh Mỹ (Quảng Nam), vừa là sáng lập viên Duy Tân hội, vừa là người phụ trách phong trào Đông du, năm 1908 bị đày ra Côn Đảo, mất ngoài đảo năm 1911.
(3) Lương Nghị Khanh là con thứ tư của Lương Văn Can, rất thông minh, 17 tuổi đã đậu tú tài, người quen thường gọi là Tú con.
Nguồn: Theo Trannhuong.net