12 juillet 2017

Thu hút nhân tài và chống tham nhũng


Ảnh minh họa


Từ thực tế của cuộc sống và từ những bài học lịch sử nước ta, nhất là lịch sử những năm trước và sau thế chiến 2, tôi luôn có niềm tin rằng dân chúng Việt Nam là một nguồn lực nhân tài dồi dào. Nhân tài mà bài viết này mong muốn là những người giỏi về chuyên môn của mình và có đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần trách nhiệm.

Trong một bài đăng trên Tuổi Trẻ ngày 13.10.2016, ông Vũ Ngọc Hoàng có trình bày các nhóm giải pháp quan trọng nhất để chống tham nhũng là: “Kiểm soát quyền lực; tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và minh bạch thông tin; đổi mới cơ chế quản lý; cải cách bộ máy và đổi mới công tác cán bộ; xử lý nghiêm minh các vụ tiêu cực”. Nhóm các giải pháp này, nếu được thực thi thực lòng, sẽ giúp nhiều vào việc thu hút nhân tài. 



Kiểm soát quyền lực và thu hút nhân tài



Ông Vũ Ngọc Hoàng.
Quyền lực không kiểm soát được là nguồn gốc của các bất bình đẳng lớn nhỏ trong xã hội. Những bất bình đẳng này sẽ sinh ra nhiều loại tệ nạn, trong đó rất tai hại là tham nhũng, buôn quan bán chức, con ông cháu cha, bức hiếp dân lành, từ đó mà giềng mối và đạo đức tốt đẹp của xã hội bị băng hoại, nền tự chủ đất nước bị uy hiếp và xâm phạm… Các tệ nạn nói trên có mặt trong mọi quốc gia, nhưng xã hội nào có sự ngự trị của quyền lực không được kiểm soát, các tệ nạn đó sẽ thành thảm họa vượt quá mức chịu đựng của người dân, cản đường phát triển dân tộc. Còn các xã hội có quyền lực được kiểm soát có hiệu quả thì các tệ nạn đó được kiểm soát nên chỉ tồn tại ở mức nhỏ, sự phát triển đất nước vẫn được thúc đẩy.

Các tệ nạn đó đẩy ra xa và dìm dập nhân tài. Xin các độc giả thử nghĩ xem, có phải tệ buôn quan bán chức, con ông cháu cha chính là những cái máy loại bỏ nhân tài ra khỏi các vị trí có trách nhiệm phát triển và phụng sự tổ quốc. Do vậy cần tiến hành kiểm soát quyền lực một cách thành tâm và hiệu quả nếu muốn thu hút, mời gọi nhân tài.

Hiện nay hệ thống chính trị đất nước đang tìm phương pháp xây một cái lồng thích hợp để nhốt quyền lực có hiệu quả. Đó là một cách diễn tả đầy hình tượng cái ý “kiểm soát quyền lực”. Trong sự nghiệp này, những lời khuyên của ông Vũ Ngọc Hoàng thực sự nên để tâm: “Cần sớm nghiên cứu kinh nghiệm kiểm soát quyền lực của các mô hình phân quyền ở các nước tiên tiến giữa ba nhánh quyền lực (mà lâu nay ta gọi họ là tam quyền phân lập) nhằm kiểm soát chéo và điều chỉnh lẫn nhau, chống lạm quyền, khi đã sai thì sớm phát hiện và kịp thời sửa chữa” (Trích). Tôi nghĩ đa số các nước văn minh, ấm no và giàu mạnh nhất thế giới đều có kinh nghiệm này. Người dân Việt cũng nhiều người có kinh nghiệm, hoài bão và hùng tâm đóng góp xây dựng nền dân chủ. Cần tận dụng nguồn lực này.

Tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và minh bạch thông tin

Thời đại hiện nay là thời đại phẳng, sự cạnh tranh mọi mặt trong cuộc sống và kinh doanh, trên bình diện công ty hay bình diện quốc gia, dựa trên tri thức. Nhân tài chính là những người giúp nâng cao tính tri thức của đất nước. Những nước phát triển mạnh nhất thế giới cũng là những nước có trình độ khoa học kỹ thuật cao, có xã hội được tổ chức dân chủ và khai phóng. Xã hội không có tự do tư tưởng thì chắc chắn không có tính khai phóng và do đó không thể phát triển tri thức. Một xã hội không có tự do tư tưởng là tự tước đi của mình lợi thế cạnh tranh lớn nhất của thời đại: tri thức.

Tự do tư tưởng cần có tự do ngôn luận mới phát huy được tác dụng khai phóng của mình. Việc học hỏi và phát triển tri thức có tính xã hội rất cao, nếu không có tự do ngôn luận để thông báo kiến thức mới, phát hiện vấn đề, đặt đề tài, thảo luận giải pháp, gợi mở mô hình và lý thuyết mới… thì không thể phát triển tri thức cộng đồng. Một xã hội không có tự do ngôn luận không thể thu hút nhân tài và/hay đào tạo được nhân tài.

Tôi đồng ý với ông Vũ Ngọc Hoàng: “Chính tự do ngôn luận sẽ góp phần tích cực đưa nhân dân lên vị trí làm chủ, tham gia kiểm soát quyền lực và thúc đẩy đổi mới lý luận và công tác tư tưởng để không bị lạc hậu và gắn với thực tiễn; đồng thời lại giúp cho nhân dân có thông tin về tư cách cán bộ, để không chọn nhầm người vào bộ máy lãnh đạo”(Trích). Và xin thêm rằng: thiết lâp quyền tự do ngôn luận giúp đất nước thu hút và phát triển đội ngũ nhân tài đông đảo.

Đổi mới cơ chế quản lý; cải cách bộ máy và đổi mới công tác cán bộ; xử lý nghiêm minh các vụ tiêu cực

Trong 5 nhóm giải pháp ông Hoàng đưa ra, 2 nhóm trên thuộc về thượng tầng hơn 3 nhóm dưới. Chính ông Hoàng khuyên rằng nếu chỉ được lựa chọn vài giải pháp, ông “sẽ chọn vấn đề kiểm soát quyền lực, đồng thời đề nghị thêm giải pháp thứ hai thuộc về tự do tư tưởng, ngôn luận và minh bạch thông tin” (Trích).

Thực vậy, nếu đã kiểm soát được quyền lực và thực thi tự do ngôn luận, xã hội chúng ta chắc chắn sẽ tiến hành đổi mới cơ chế quản lý, cải cách bộ máy và đổi mới công tác cán bộ, xử lý nghiêm minh các vụ tiêu cực. Bởi vì quyền lực được kiểm soát và tự do ngôn luận được thực thi tất yếu sẽ dẫn tới bộ máy quản lý xã hội được cải tổ hữu hiệu hơn, đưa ra khỏi bộ máy đó những kẻ kém tài, vi phạm đạo đức dịch vụ công và vi phạm pháp luật. Cùng lúc nó mở rộng cửa mời đón nhân tài.

Chỉ nghĩ tới việc bộ máy hành chánh công của Việt Nam nườm nượp nhân tài là đủ để tôi ủng hộ các ý kiến của ông Vũ Ngọc Hoàng. 


Lê Học Lãnh Vân

Nguồn : Theo MTG