Giàn khoan
HD 981 trên biển đông.
AFP
|
Việt Nam đã
yêu cầu công ty Repsol của Tây Ban Nha ngừng khoan thăm dò dầu khí tại lô
136-03 ngoài khơi phía đông nam của Việt Nam trước sức ép của Trung Quốc. BBC
trích nguồn tin từ phía Việt Nam cho biết như vậy vào hôm 24 tháng 7.
Quyết định
này của Việt Nam đưa ra chỉ vài ngày sau khi Repsol đã xác nhận tìm thấy một mỏ
khí đốt quan trọng.
Ảnh hưởng đến vài trò của lãnh đạo Việt Nam
Theo nguồn
tin trong ngành dầu khí được BBC trích lời, lãnh đạo của công ty Repsol đã được
chính phủ Hà Nội thông báo từ tuần trước là Trung Quốc đã đe dọa sẽ tấn công
các căn cứ của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu việc khoan thăm dò không chấm
dứt.
Nhận xét về
động thái mới từ phía Việt Nam, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng
Úc cho biết:
Sự đe dọa
của Trung Quốc đặt ra một tình huống ác mộng cho lãnh đạo Việt Nam vì bất cứ
cuộc tấn công nào nhắm vào các thực thể mà Việt Nam đang chiếm đóng tại biển
Đông cũng dẫn đến một sự bùng nổ làn song chống Trung Quốc rộng lớn ở Việt Nam.
Điều này có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự lãnh đạo chính trị của lãnh
đạo hiện tại.
Giáo
sư Carl Thayer lấy ví dụ sau sự việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào
khu vực quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam đòi chủ quyền hồi năm 2014, 61 quan chức
Việt Nam nghỉ hưu đã kêu gọi lãnh đạo Việt Nam phải có hành động pháp lý chống
lại Trung Quốc, tìm cách thoát Trung và từ bỏ chính sách 3 không là không liên
minh với nước ngoài, không cho nước ngoài lập căn cứ trên đất Việt Nam và không
sử dụng Việt Nam làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nước thứ ba.
Căng thẳng
giữa Việt Nam và Trung Quốc đã leo thang trong thời gian gần đây sau khi Việt
Nam cho công ty nước ngoài khoan thăm dò tại lô 136 -03 mà Việt nam gọi là dự
án Cá Rồng Đỏ còn Trung Quốc gọi là lô Vạn Bắc 21 nằm trong đường đứt khúc 9
đoạn mà Trung Quốc vẽ ra trên biển Đông. Trung Quốc đòi chủ quyền lịch sử đối
với vùng nước trong đường đứt khúc 9 đoạn này.
Hôm 19 tháng
6 vừa qua, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung Quốc, Tướng Phạm Trường Long đã đột ngột
cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam, không tham dự các hoạt động giao lưu biên giới
giữa hai nước diễn ra từ ngày 20 đến 22 tháng 6. Một số chuyên gia quốc tế cho
biết nguyên nhân của việc ông Phạm Trường Long cắt ngắn chuyến thăm là vì Việt
Nam cho công ty nước ngoài khai thác dầu khí ở lô 136-03 gần Bãi Tư Chính, nơi
Trung Quốc cắt cáp tàu thăm do của Việt Nam hồi nằm 2011. Giáo sư Carl Thayer
cho biết có thể ông Phạm Trường Long đã yêu cầu Việt Nam ngừng thăm do và lãnh
đạo Việt Nam đã từ chối.
Nếu Việt Nam ngừng vĩnh viễn việc
khoan thăm dò thì điều này sẽ có ảnh hưởng lâu dài đối với các hợp đồng dầu khí
hiện tại với các công ty nước ngoài và điều quan trọng hơn cả là với an ninh
năng lượng tương lai của Việt Nam. - GS. Carl Thayer
Sau đó có
tin Trung Quốc đã điều 40 tàu và máy bay đến khu vực này để tìm cách ngăn cản
các hoạt động khai thác.
Các công ty dầu khí nước ngoài lo ngại
Việc Việt
Nam yêu cầu công ty nước ngoài ngừng khai thác, theo giáo sư Carl Thayer có ảnh
hưởng xấu đến các hợp đồng dầu khí mà Việt Nam có với các công ty nước ngoài.
Việc Việt
Nam cho ngừng khoan tham dò ở lô 136-03 có hậu quả lâu dài. Các công ty dầu khí
nước ngoài sẽ xem xét mối nguy này là nghiêm trọng và sẽ đòi hỏi Việt Nam phải
bảo vệ hoặc không thì họ sẽ bỏ đi. Nếu Việt Nam ngừng vĩnh viễn việc khoan thăm
dò thì điều này sẽ có ảnh hưởng lâu dài đối với các hợp đồng dầu khí hiện tại
với các công ty nước ngoài và điều quan trọng hơn cả là với an ninh năng lượng
tương lai của Việt Nam.
BBC trích
lời một nhà phân tích giấu tên cho biết công ty Repsol của Tây Ban Nha đã đầu
tư khoảng 300 triệu đô la tại mỏ khí đốt 136-03.
Hồi tháng 1
vừa qua, Việt Nam cũng ký hai thỏa thuận khai thác khí đốt với tập đoàn dầu khí
Exxon Mobil của Mỹ tại lô 118 ở Mỏ Cá Voi Xanh. Dự kiến liên doanh trị giá 10
tỷ đô la này sẽ đi vào hoạt động vào năm 2023 và sẽ đưa khí tự nhiên ngoài khơi
tỉnh Quảng Nam ở khoảng cách 88 km vào bờ. Exxon Mobil cũng sẽ xây dựng đường
ống dẫn khí vào bờ dài 88 km.
Tuy nhiên
hồi năm 2006, Việt Nam cũng đã ký thỏa thuận về lô dầu khí này với Exxon Mobil
nhưng đến năm 2007 thì phải ngưng lại trước sức ép của Trung Quốc.
Nhận xét về
ảnh hưởng của quyết định mới của Việt Nam đối với những thỏa thuận với Exxon
Mobil, Giáo sư Carl Thayer cho biết:
Rõ ràng là
Exxon Mobil sẽ phải theo dõi vụ việc này rất cẩn thận để đánh giá những rủi roc
ho các hoạt động của mình ở dự án Cá Voi Xanh. Đây là thỏa thuận khsi tự nhiên
lớn nhất của Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân PHúc đã phê duyệt việc xây dựng
nhà máy khí đốt trên bờ. Nếu Trung Quốc gây sức ép lên Exxon Mobil thì Hoa Kỳ
có thể sẽ có nhiều lý do để can thiệp hơn là với trường hợp của Repsol.
Theo Giáo sư
Carl Thayer, vào lúc này Trung Quốc mới chỉ gây sức ép về chính trị và ngoại
giao lên Repsol và Việt Nam. Có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ có các hành động
trừng phạt về kinh tế trước khi nước này tính đến chuyện đối đầu ở biển Đông.
Trung Quốc sẽ có thể dùng đội tàu đánh cá, tàu chấp pháp và tàu tuần duyên
trước khi nghĩ đến việc dùng hải quân để đối đầu.
Nguồn: Theo RFA