I- Lời nói đầu
Ở các nước cộng sản, Đại hội Đảng là cơ hội để thanh toán và
khai trừ đối thủ chính trị. Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không
nằm ngoại lệ đó.
Ngày 24-7-2017, Tân Hoa xã với hai dòng chữ ngắn gọn đưa tin: ''Đồng
chí Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai), bị tình nghi vi phạm nghiêm trọng kỷ
luật, uỷ viên trưởng Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương Đảng (TƯĐ)
quyết định lập án thẩm sát đương sự''.
Ngay sau đó, người ta được biết ông Trần Mẫn Nhĩ (Chen Miner) bí
thư tỉnh uỷ tỉnh Quý Châu, một thân tín của Tập Cận Bình (Xi
Jinping), được bổ nhiệm thay thế họ Tôn.
Cụm từ ''vi phạm nghiêm trọng kỷ luật'' là cụm từ thường dùng
của ĐCSTQ để ám chỉ những kẻ phạm tội tham nhũng.
Đây là lần thứ hai, một nhân vật đầu não của tỉnh Trùng Khánh
bị rớt đài trước Đại hội Đảng. Người ta còn nhớ Bạc Hy Lai (Bo
Xilai), người tiền nhiệm của Tôn Chính Tài cũng ở trong tình trạng
tương tự trước Đại hội Đảng lần thứ 18 trong năm 2012. Có phải Trùng
Khánh là một tai hoạ (malediction) cho những người đứng đầu của tỉnh
này?
Chúng ta hãy thử tìm hiểu tại sao một ''ngôi sao'' sáng chói đang
trên đường hoạn lộ vinh quang lại sa cơ một cách dễ dàng như vậy? Chỉ
độ vài tháng trước đây thôi, Tôn Chính Tài, 54 tuổi, được xem là một
trong những người sẽ vào ban thường vụ Bộ chính trị vào Đại hội
lần thứ 19 sắp tới và cũng là một trong những người có khả năng
thay thế Tập Cận Bình vào Đại hội lần thứ 20 dự trù năm 2022
nếu....
Có phải chăng Tập Cận Bình muốn ''trụ'' thêm một nhiệm kỳ thứ ba
hoặc hơn nữa nên kiếm cớ loại trừ đối thủ trước, một đối thủ lại
có quan hệ xa gần với Hồ Cẩm Đào?
II- Đôi dòng về ''ngôi sao'' Tôn Chính Tài
Ông Tôn Chính Tài sinh tháng 9-1963 tại Vinh Thành tỉnh Sơn Đông. Năm
1987, ông tốt nghiệp khoa nông học đại học Bắc Kinh rồi gia nhập
Đảng năm 1988. Năm 1997, ông là phó bí thư huyện Thuận Nghĩa, ngoại ô
Bắc Kinh rồi bí thư năm 2002. Từ 2002 đến 2006, ông đảm nhiệm chức
Trưởng ban Tổ chức thành phố Bắc Kinh dưới trướng của bí thư thành
uỷ Lưu Kỳ (Liu Qi) mà Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan) là thị trưởng từ 2003
đến 2007.
[Truyền thông đương thời nói rầng Lưu Kỳ và người tiền nhiệm Giả
Khánh Lâm (Jia Qinglin) là người của Giang Trạch Dân mà Vương Kỳ Sơn xem
như thù địch. Vương Kỳ Sơn hiện nay là uỷ viên thường vụ Bộ chính
trị kiêm bí thư Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương Đảng]
Vào tháng 12-2006, ông được bổ nhiệm bộ trưởng Bộ Nông nghiệp
trong chính phủ Ôn Gia Bảo (Wen Jiabao). Năm 2007, ông vào Ban Chấp hành
ở Đại hội lần thứ 17. Tháng 11-2009, ông được bổ nhiệm bí thư tỉnh
uỷ tỉnh Cát Lâm. Ở Đại hội Đảng lần thứ 18 năm 2012, ông trở thành
một trong 25 uỷ viên Bộ chính trị. Tháng 11-2012, ông được bổ nhiệm
bí thư thành uỷ tỉnh Trùng Khánh (một thành phố trực thuộc trung
ương với 32 triệu dân) thay Trương Đức Giang (Zhang Dejiang). Khi Bạc Hy
Lai bị cách chức trong tháng 3-2012, Trương Đức Giang tạm thời thay thế
trước khi trở thành uỷ viên thường vụ Bộ chính trị kiêm chủ tịch
Quốc hội.
Qua tiểu sử giản lược, người ta thấy con đường hoạn lộ của Tôn
Chính Tài thăng tiến khá nhanh. Ông còn là một uỷ viên trẻ nhất của
Bộ chính trị cùng với Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua), bí thư tỉnh uỷ tỉnh
Quàng Đông. Hai người chỉ sinh cách nhau 5 tháng.
III- Trường hợp của Tôn Chính Tài và Bạc Hy Lai khác nhau ra sao?
Trường hợp của Tôn Chính Tài hoàn toàn khác với trường hợp của
Bạc Hy Lai. Hai người chỉ giống nhau ở một điểm là bị Tập Cận Bình
hạ bệ trước Đại hội Đảng.
Bạc Hy Lai là một ''thái tử đảng''. Ông là con của Bạc Nhất Ba
(1913-2002), phó thủ tướng từ 1956 đến 1966. Sau cách mạng văn hoá,
Bạc Nhất Ba trở lại chính quyền với chức vụ uỷ viên Bộ chính trị
và trở thành một nhân vật quan trọng dưới trướng của Đặng Tiểu Bình
(Deng Xiaoping).
Trước khi trở thành uỷ viên Bộ chính trị kiêm bí thư thành uỷ
Trùng Khánh, Bạc Hy Lai, cũng như Tôn Chính Tài, đảm nhiệm nhiều chức
vụ ở địa phương và nhà Nước.
Trong thời gian đảm nhiệm bí thư thành uỷ Trùng Khánh, Bạc Hy Lai
muốn biến đổi Trùng Khánh thành một tỉnh ''gương mẫu'' cho cả nước
với chính sách tả khuynh theo mô hình xa xưa của Mao Trạch Đông trong
khi toàn xứ theo mô hình kinh tế thị trường. Chẳng hạn, phân nửa ngân
sách của tỉnh dành cho chương trình cải thiện an sinh (y tế, chung cư,
giáo dục, hưu trí, giải trí vv...) mà hậu ý cuối cùng là trở thành
''người cầm lái'' của Trung Quốc như Mao Trạch Đông. Với sự trợ giúp
đắc lực của Vương Lập Quân (Wang Lijun), phó thị trưởng kiêm giám đốc
công an, Bạc Hy Lai cho quét sạch các nhóm băng đảng xã hội đen và
phần tử chống đối. Phương cách áp dụng để đạt đến mục tiêu của họ
Vương gây tai tiếng lớn nếu không nói là gần ngoài vòng pháp luật
nhưng được Bạc Hy Lai bao che. Nhưng quan hệ giữa Vương và Bạc trở nên
xấu đi khi phát hiện vụ bà Cốc Khai Lai (Gu Kailai), vợ của Bạc Hy
Lai, ám hại bằng độc dược một thương gia người Anh tên Neil Heywood
trong tháng 11-2011. Với tư cách là giám đốc công an, Vương ban đầu cho
ém nhẹm sự vụ để lập công hầu được thăng tiến cao trong khi ban điều
tra kết luận là một vụ giết người. Bạc Hy Lai trái lại cho Vương là
người trở thành quấy rầy và nguy hiểm phải loại trừ. Biết ý đồ
của Bạc, Vương lo sợ cho tính mạng nên trốn vào lãnh sự quán của Mỹ
ở Thành Đô xin tỵ nạn đầu tháng 2-2012. Ở đây, Vương thố lộ việc
tranh chấp nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc và đặc biệt việc gia
đình Bạc Hy Lai dự tính chuyển tiền ra nước ngoài qua trung gian của
ông Neil Heywood nhưng sự việc bị khúc mắc đưa đến cái chết của ông
này. Kết quả cuối cùng là Vương Lập Quân chịu về Bắc Kinh lảnh án
15 năm tù. Bà Cốc Khai Lai bị xử tử hình treo trước khi được giảm án
tù chung thân ngày 14-12-2015. Còn Bạc Hy Lai bị lột hết chức tước và
bị kết án tù chung thân trong tháng 9-2013.
Cần phải nói thêm rằng, Bạc Hy Lai là con người tự phụ có tham
vọng lớn. Ông muốn tranh giành quyền lực với Tập Cận Bình bằng cách
cấu kết ngầm với Châu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang), một cựu uỷ viên
thường vụ Bộ chính trị kiêm bí thư Chính pháp trung ương và Từ Tài
Hậu (Xu Caihou), phó chủ tịch Uỷ ban Quân uỷ trung ương. Nói một cách
nôm na, họ Châu là trùm an ninh tình báo với quyền lực rất lớn và
có vây cánh khắp nơi. Trước đó, ông là trùm dầu khí với tài sản
lớn lao. Báo chí đương thời không ngần ngại nói có mưu toan đảo
chính. Vì vậy mà sau đó (tháng 6-2015), Châu Vĩnh Khang bị khép tội
tham nhũng, tiết lộ bí mật quốc gia với bản án tù chung thân như Bạc
Hy Lai. Còn Từ Tài Hậu bị bắt và bị tịch thu tài sản trong tháng
10-2014 nhưng chết vì bị ung thư năm 2015 trước khi ra toà.
Như chúng ta đã thấy ở trên, vụ Bạc Hy Lai và vợ Cốc Khai Lai
cùng với vụ âm mưu đảo chính đã gây tiếng vang lớn trong và ngoài
nước. Còn Tôn Chính Tài không phải là ''thái tử Đảng'' và người ta
chưa thấy ông công khai thách thức Tập Cận Bình hoặc đã làm điều gì
có tai tiếng lớn như Bạc Hy Lai. Ông hiện nay chỉ bị chính quyền tình
nghi ''vi phạm nghiêm trọng kỷ luật'' nhưng chưa đưa ra bằng chứng nào
cụ thể. Có chăng là trong tháng 2-2017, Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật trung
ương của Vương Kỳ Sơn đã khiển trách ông không sốt sắng quét sạch
''tàn dư'' của Bạc Hy Lai. Cụ thể là phải đợi đến cuối năm 2016 mới
thuyên chuyển thị trưởng Hoàng Kỳ Phàm (Huang Qifan), người thân tín
của Bạc Hy Lai. Việc khiển trách này là chuyện khôi hài vì lẽ dễ
hiểu là Hoàng Kỳ Phàm là một uỷ viên TƯĐ, việc thuyên chuyển phải do
Trưởng ban Tổ chức TƯĐ hoặc Ban Chấp hành Đảng quyết định. Ông Tôn
Chính Tài không có thẩm quyền dù là cấp trên của Hoàng Kỳ Phàm.
Như vậy, phài đi tìm lý do chính trị trong ''giấc mơ'' của Tập
Cận Bình.
IV- Giấc mơ của Tập Cận Bình là gì?
Có thể nói ngắn gọn giấc mơ của Tập Cận Bình là muốn trở
thành một ''hoàng đế'' Trung Quốc ở thế kỷ thứ XXI hay ít ra cũng
là ''người cầm lái'' như Mao Trạch Đông trước đây. Muốn đạt được mục
tiêu đó thì cần phải ''trụ'' lâu dài và diệt trừ mọi chống đối.
Nhiều hành động trong nhiều năm qua cho thấy họ Tập có xu hướng
đó. Trong chiến dịch ''đả hổ giết ruồi'' mà thực chất là loại trừ
đối thủ chống đối, ông đã loại trừ nhiều đối thủ ''bự'' trong băng
nhóm của hai người tiền nhiệm Giang Trạch Dân (Jiang Zemin) và Hồ Cẩm
Đào (Hu Jintao). Chỉ cần kể một vài tên cho thấy điều đó: Bạc
Hy Lai, Châu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch, Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu,
Tưởng Khiết Mẫn, Châu Bổn Thuận, Vương Kiến Bình, Lý Đông Sinh, Trương
Bảo Thuận vv..Nay tới phiên Tôn Chính Tài. Những người này chắc hẳn
không ''trong sạch'' nhưng có quan chức cao cấp nào ''trong sạch'' trong
chế độ cộng sản?. Cấp nhỏ ăn nhỏ, cấp lớn ăn lớn, không chừa một
thứ gì như bà Nguyễn Thị Doan, nguyên phó chủ tịch Nước đã nói trong
trường hợp ở Việt Nam!
Để đạt được mục tiêu đó, ông Tập Cận Bình đã vi phạm nhiều ''quy
luật bất thành văn'' của ĐCSTQ.
-Quy luật thứ nhất là không được va chạm đến những uỷ viên Bộ
chính trị tiền nhiệm và những tướng lãnh cao cấp quân đội. Phải để
họ ''hạ cánh an toàn'' và hưởng thụ trong quảng đời còn lại. Châu
Vĩnh Khang như đã nói là một uỷ viên thường vụ Bộ chính trị. Hai
thượng tướng Quách Bá Hùng (Guo Boxiong) và Từ Tài Hậu cũng là cựu
uỷ viên Bộ chính trị và phó chủ tịch Uỷ ban Quân uỷ. Tướng Quách
bị tù chung thân trong tháng 7-2016 về tội tham nhũng và bị tịch thu
gia sản. Tướng Từ như đã nói trên chết trước khi bị đưa ra toà. Đó
là chưa nói đến trường hợp bị giam lỏng như trường hợp của ông Tăng
Khánh Hồng (Zeng Qinghong), nguyên phó chủ tịch Nước, nguyên uỷ viên thường
vụ Bộ chính trị dưới thời Giang Trạch Dân.
-Quy luật thứ hai là không phá lệ hai nhiệm kỳ. Theo thông lệ,
trước Đại hội Đảng, đảng viên phải được thông báo hai lãnh đạo mới
là Tổng bí thư Đảng và thủ tướng chính phủ. Ngoài ra, ông Tập còn
phải giới thiệu người tiếp quản mình ở Đại hội thứ 20 dự trù năm
2022. Nhưng lần này, ngoài Tập Cận Bình ''đương nhiên'' là TBT, chưa ai
biết ai sẽ là thủ tướng tương lai cũng như người kế nhiệm ông. Nếu
xét về tuổi tác, chỉ còn hai người trên bảy của ban thường vụ Bộ
chính trị hiện nay ở lại. Đó là Tập Cận Bình và đương kiêm thủ
tướng Lý Khắc Cường (Li Keqiang). Ông Lý Khắc Cường, người thuộc nhóm
đoàn Thanh niên của Hồ Cẩm Đào đã bị ông Tập áp chế trong việc quản
lý nhà Nước từ nhiều năm qua có thể bị thuyên chuyển sang làm chủ
tịch Quốc hội như trường hợp của ông Lý Bằng (Li Peng) trước đây.
Cũng theo quy luật nói trên, quy luật ''7 lên 8 xuống'' (67 tuổi có thế
ở lại, 68 phải ra đi), ông Tập lại muốn ông Vương Kỳ Sơn, sinh năm 1948,
đã quá tuổi, ở lại với lý do ''có công'' diệt trừ tham nhũng mà
giới truyền thông nói có khả năng thay ông Lý Khắc Cường. Phải nói
ông Vương là người trợ giúp đắc lực của ông Tập với kỳ công đã diệt
nhiều hổ ''bự'' và khoảng 1,2 triệu ''ruồi'' cho tới nay. Đây là bước
đầu của phương cách phá lệ quy luật hai nhiệm kỳ mà ông Tập sẽ đem
áp dụng cho bản thân mình sau năm 2022. Thậm chí còn dự tính bãi bỏ
luôn thể chế thành viên thường vụ Bộ chính trị.
-Quy luật thứ ba là lãnh đạo tập thể. Quy luật này có từ sau
Đặng Tiểu Bính. Thế nhưng, ở hội nghị trung ương lần thứ VI vào cuối
tháng 10-2016, ông Tập đã thành công áp đặt trở thành ''hạt
nhân'' (he xin) của chế độ. Trước đây chỉ có hai người được gọi ''hạt
nhân'' là Mao và Đặng. Cụm từ ''hạt nhân'' cùng nghĩa với việc bãi
bỏ chế độ lãnh đạo tập thể và đưa đến chế độ độc tôn.
Hình như việc phá lệ quy luật chưa đủ, ông Tập gần đây còn bổ
sung điều khoản công dân theo đó mọi người dân có thể tố cáo lãnh
đạo không giới hạn đối tượng và buộc các quan chức phải khai báo sở
hữu tài sản trong và ngoài nước cũng như tình trạng cư trú của thân
nhân ở ngoài nước. Đây là một hình thức uy hiếp đối với gia tộc của
nguyên lão.
V- Thay lời kết
Như đã thấy ở trên, ông Tập tìm cách củng cố quyền lực bằng mọi
cách với tham vọng ''trụ'' lâu dài để thực hiện ''giấc mơ'' của ông.
Việc hạ bệ Tôn Chính Tài nằm trong chính sách ngăn cản đối thủ
chính trị trong tương lai. Ở ''triều đại'' Tập Cận Bình, những ai
tuyên thệ trung thành được trọng dụng, những ai không phủ phục phải ra
đi. Đó là quy luật của ''Xi da da'' (Tập đại đại).
Rút kinh nghiệm từ Đại hội lần thứ 18 năm 2012, lần này chắc
chắn ông Tập không để ''sót lọt'' những người thân tín do các người
tiền nhiệm khống chế áp đặt. Đó là bốn thành viên hiện nay ở ban
thường vụ Bộ chính trị : thủ tướng Lý Khắc Cường, người của Hồ
Cẩm Đào, chủ tịch Quốc hội Trương Đức Giang, phó thủ tướng thứ nhất
Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli) và trùm ban Tuyên huấn Lưu Vân Sơn (Liu
Yunshan), ba người của Giang Trạch Dân.
Như chuyên gia về Trung Quốc người Pháp ông Jean-Pierre Cabestan, giáo
sư đại học Hongkong đã víết: ''Ông Tập đã trường kỳ chiến đấu để
củng cố quyền lực, khó mà nghĩ rằng ông ta sẽ bỏ cuộc trong lúc
sắp đi đến mục tiêu''. Còn ông Tập có thành công hay không trong những
tháng sắp tới?. Đó là chuyện khác vì đối thủ chính trị và đối
thủ trong giới kinh tài của ông Tập trong Đảng không hiếm.
Paris ngày 30-7-2017