08 juillet 2017

Không thể cứ mãi quay lưng với cái mới


Nguyễn Quang Đồng
 
 Có thể nói, bất kể vì lý do gì đi chăng nữa, việc Bộ GTVT cố tình ngăn cản các dịch vụ mới của Grab, Uber đều là thái độ khó có thể được người dân chấp nhận. Trong khi Chính phủ liên tục hô hào tinh thần kiến tạo, thúc đẩy khởi nghiệp, đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0, cách hành xử quay lưng với cái mới, cái tiến bộ của Bộ GTVT cho thấy thách thức lớn cho Chính phủ trong việc lấp đầy khoảng cách từ lời nói đến hành động của các cơ quan công quyền.

Kinh tế chia sẻ đã không còn là khái niệm mới mẻ ngay cả ở Việt Nam. Sau những lúng túng ban đầu, nhiều quốc gia đã điều chỉnh các quy định pháp lý về kinh doanh, không chỉ để đón nhận, mà còn khuyến khích xu hướng kinh tế này. Ảnh TL SGT



(TBKTSG) - Ngày nay, ai cũng biết những cỗ máy chạy bằng động cơ hơi nước đã mở ra cánh cửa của cuộc cách mạng công nghiệp, đưa thế giới bước vào thời hiện đại, với mức độ phát triển cao chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, bước chuyển đó không đơn giản.
Ở Anh, những năm đầu thế kỷ 19, khi những chiếc máy dệt chạy bằng hơi nước được đưa vào sử dụng, đã xảy ra hàng loạt cuộc nổi loạn, thậm chí đập phá những chiếc máy mới này. Nguyên do là những cỗ máy có năng suất làm việc cao hơn hẳn đã “cướp việc” của công nhân vốn vẫn làm việc bằng tay. Khi quyền lợi và cuộc sống bị đe dọa, công nhân đã phản đối bằng cách nổi loạn và đập phá máy móc.
Thật may mắn cho người Anh, chính quyền lúc đó đã không quay lưng lại với những phát minh và cấm đoán những cỗ máy này. Thời gian đã chứng minh, đó là lựa chọn sáng suốt. Bởi cuối cùng, những tiến bộ từ khoa học và công nghệ, đi cùng những tiến bộ về thể chế chính trị, không chỉ mang lại sự giàu có cho giới chủ, mà từng bước đồng thời nâng cao thu nhập và phúc lợi của người làm công. Người dân, cuối cùng vẫn có thể chia sẻ thành quả kinh tế mang lại bởi những tiến bộ về công nghệ và các thay đổi thể chế theo hướng dân chủ và công bằng.
Cách hành xử quay lưng với cái mới, cái tiến bộ của Bộ GTVT cho thấy thách thức lớn cho Chính phủ trong việc lấp đầy khoảng cách từ lời nói đến hành động của các cơ quan công quyền.
Nhắc lại chuyện cũ để thấy rằng thái độ quay lưng với những bước đi tiến bộ trong kinh doanh, trong phát minh công nghệ của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), qua hành động từ chối dịch vụ đi xe chung Grabshare và Uber Pool, là rất khó hiểu. Những viện dẫn bằng căn cứ pháp lý rằng, luật pháp Việt Nam chưa cho phép kinh doanh loại hình này mà bộ này đưa ra lại càng trở nên phản cảm.
Thứ nhất, kinh tế chia sẻ đã không còn là khái niệm mới mẻ, không chỉ với thế giới mà ngay cả ở Việt Nam. Sau những lúng túng ban đầu, nhiều quốc gia đã điều chỉnh các quy định pháp lý về kinh doanh, không chỉ để đón nhận, mà còn khuyến khích xu hướng kinh tế này.
Các ngành kinh doanh, trước nhất là kinh doanh vận tải, kinh doanh lưu trú (khách sạn, phòng nghỉ) đã và đang thay đổi sâu sắc trước các xu hướng này. Bởi vậy, Bộ GTVT không thể nói họ “không nghe, không biết” - với những chuyển động mới của cuộc sống, của nền kinh tế vốn đã diễn ra hơn năm năm qua. Với nhiệm vụ của những người quản lý, điều tiết thị trường, họ đã làm gì trong suốt thời gian đó? Để rồi, khi doanh nghiệp giới thiệu dịch vụ - một hình thức kinh doanh mới có lợi cho người tiêu dùng, cho nền kinh tế, bền vững cho môi trường lại quay sang bao biện: chưa có khuôn khổ pháp lý.
Nên nhớ, quyền tạo ra “luật chơi” là trong tay họ, là chức năng công việc của họ. Một tổ chức công quyền như Bộ GTVT được lập ra để làm những việc đó, và người dân đóng thuế cho họ chính là để họ làm những công việc đó. Vì vậy, lập luận rằng hình thức kinh doanh “đi chung xe” là không được phép làm, vì rằng nó không phù hợp với khuôn khổ quy định hiện hành, là hoàn toàn khiên cưỡng, nếu không muốn nói là vô trách nhiệm.
Thứ hai, kể cả “sự chậm trễ” là có lý do, nhằm giúp cho các doanh nghiệp trong nước kịp phát triển các dịch vụ tương tự, thì đó cũng phải là chiến lược khôn ngoan. Cạnh tranh, từ lâu đã được thừa nhận là động lực phát triển của kinh tế thị trường. Các doanh nghiệp trong nước, một khi muốn phát triển, cần phải đặt họ trong môi trường cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài khác. Mọi hình thức bảo hộ từ nhà nước, cho dù bằng các rào cản kỹ thuật, như kinh nghiệm cho thấy đều không phải là giải pháp hiệu quả. Lợi chưa thấy đâu, nhưng rủi ro thiệt hại kép là rất rõ. Đó là, do được bảo hộ, doanh nghiệp sẽ không chịu lớn và người tiêu dùng phải chịu thiệt hại trực tiếp do không được tiếp cận các dịch vụ có giá rẻ hơn.
Có thể nói, bất kể vì lý do gì đi chăng nữa, việc Bộ GTVT cố tình ngăn cản các dịch vụ mới của Grab, Uber đều là thái độ khó có thể được người dân chấp nhận. Trong khi Chính phủ liên tục hô hào tinh thần kiến tạo, thúc đẩy khởi nghiệp, đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0, cách hành xử quay lưng với cái mới, cái tiến bộ của Bộ GTVT cho thấy thách thức lớn cho Chính phủ trong việc lấp đầy khoảng cách từ lời nói đến hành động của các cơ quan công quyền.

Nguồn : Theo TBSG