31 juillet 2017

Đạo văn và “đạo … người”



Xuân Dương




Dư luận đang quan tâm việc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Điện lực Vĩnh Tân 1 được cấp phép nhận chìm 1 triệu m3 bùn, cát xuống biển. (Ảnh: Tiền phong)


Thông tin trên các báo cho hay, sau quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến lượt Bộ Tài nguyên và Môi trường họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2017 cũng đã không cho phép phóng viên báo chí tham dự đưa tin.

Các cơ quan, lãnh đạo, nguyên thủ… họp kín, hội đàm kín là chuyện bình thường khi nội dung họp hoặc là rất “tế nhị” hoặc là liên quan đến bí mật quốc gia không được phép tiết lộ.

Vậy thì cuộc họp sơ kết công tác 6 tháng của Bộ Tài nguyên và Môi trường thuộc kiểu “tế nhị” hay chứa đựng bí mật không được cho dân chúng biết?




Vấn đề ở chỗ Bộ này đang thực hiện cái việc dân gian gọi là “nhất bên trọng, trăm bên khinh” khi chỉ cho phép phóng viên báo Tài nguyên và Môi trường dự và đưa tin, tất cả phóng viên báo đài khác - kể cả Thông tấn xã Việt Nam - đều bị “mời” ra ngoài?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong lời tuyên thệ nhậm chức và phát biểu trước Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước từng hứa xây dựng một “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân”.

Nếu chỉ có Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ quyết tâm liệu Chính phủ có thực hiện được lời hứa?

Ngay cả khi toàn bộ Nội các quyết tâm thì lời hứa ấy thực hiện được bao nhiêu phần nếu không có sự hậu thuẫn của nhân dân?

Cụ Hồ từng nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, lời giáo huấn của Người cho thấy dẫu cả Chính phủ có quyết tâm thì cũng không thể thực hiện được lời hứa của Thủ tướng nếu dân “không biết, không bàn, không kiểm tra”.

Nói chính xác, muốn “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” thì thông tin cho dân phải kịp thời, chính xác và minh bạch.

Được biết ngày 23/6/2017, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc đã kí Giấy phép số 1517/GP-BTNMT, cho phép Công ty Trách nhiệm Hữu hạn điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm 918.533 m3 chất nạo vét đáy biển khu vực gần nhà máy ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận.

Giấy phép có hiệu lực kể từ ngày kí và hết hạn vào ngày 31/10/2017.

Người dân và truyền thông nghe được khá nhiều lời hứa về bảo vệ môi trường biển từ phía cơ quan chức năng của Việt Nam - Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường - chứ không phải từ đối tác nước ngoài đầu tư theo hình thức BOT vào nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, đối tác này chiếm 95% số vốn đầu tư, Việt Nam chỉ có 5% trong đó.

Không muốn (hoặc không dám) cho phóng viên đưa tin liệu có thể nói là cách xử lý minh bạch, phù hợp với lời dạy của Hồ Chủ tịch?

Dần dà từ các hé lộ trên truyền thông câu hỏi này đã xuất hiện lời giải.

“Dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn: Hàng loạt nhà khoa học bị mạo danh lên tiếng” (Vietnamnet.vn 22/7/2017).

“Vụ nhận chìm bùn, cát: Nhà khoa học thứ 3 bị mạo danh” (Plo.vn 21/7/2017)

“Hồ sơ nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải: Mạo danh nhiều nhà khoa học” (Thanhnien.vn 22/7/2017)


…….


Dự án của doanh nghiệp đã được vị lãnh đạo cấp Bộ ký duyệt, thế thì phải rất chuẩn về mọi phương diện, nếu cấp Bộ còn khiếm khuyết thì chẳng lẽ phải lãnh đạo Chính phủ phê duyệt mới hoàn chỉnh?

Dư luận cho rằng việc phê duyệt dự án là vi phạm luật, nếu phải nói chính xác thì xin trích dẫn ý kiến mà Thanhnien.vn đăng tải: “không thể nói việc cấp phép là đúng luật”.[1]

Về phương diện luật pháp, xin để các vị luật sư, nhất là các nhà làm luật phân tích. Xin nói thêm một chút về phương diện đạo đức, trách nhiệm của bên lập và bên phê duyệt dự án.

Người Việt dùng từ “đạo văn” để nói về hành vi ăn cắp ý tưởng, sao chép trộm các tài liệu, công trình khoa học đã công bố mà không xin phép tác giả. Điều đáng nói là nhờ “đạo văn” mà số người có bằng tiến sĩ hay hàm phó giáo sư, giáo sư không hề ít.

“Đạo văn” đã bị xã hội lên án gay gắt, đã có các chế tài xử lý cụ thể. Năm 2017 này, nhờ “công lao” ký duyệt dự án của một vị lãnh đạo cấp bộ mà dân chúng biết thêm hình thức “đạo… người”.

Đơn vị tư vấn lập dự án đã mạo nhận 3 nhà khoa học (một tiến sĩ, hai thạc sĩ) trong danh sách 14 thành viên gửi kèm hồ sơ dự án và hồ sơ này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.

Cả ba người bị mạo danh đều đã lên tiếng xác nhận không hề biết tên mình được đưa vào hồ sơ.

Liên quan đến dự án đổ chất nạo vét xuống biển, Bộ Công Thương tạm đình chỉ 1 cán bộ, đó là ông Hà Quốc Quân, Giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư và Chuyển giao giao công nghệ của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp thuộc Bộ Công Thương.

Ông Quân vừa là viên chức nhà nước vừa là người đứng đầu một doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp này chính là tư vấn cho dự án và ông Quân chính là người ký danh sách tư vấn cho Công ty Trách nhiệm Hữu hạn điện lực Vĩnh Tân 1.

Như thông tin trên Vietnamnet.vn [2], đơn vị lập dự án đổ bùn thải xuống biển Vĩnh Tân là trung tâm Quy hoạch và Quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía Nam - đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục này thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo thông tin công bố trên website của Tổng cục Biển và Hải đảo thì cơ quan này có 646 cán bộ, trong đó có 04 Phó giáo sư; 26 Tiến sĩ; 58 Thạc sĩ; 555 người có trình độ đại học, cao đẳng, chỉ có 03 người chưa có bằng cử nhân. [3]

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã được quy định trong Quyết định số 43/2014/QĐ-TTg.

Mục a khoản 7 điều 2 Quyết định số 43/2014/QĐ-TTg “Nhiệm vụ và quyền hạn” ghi rõ:

7. Về kiểm soát tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo:

a) Tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng biển, vùng ven biển và hải đảo; đánh giá hiện trạng môi trường của các vùng biển, hải đảo, quần đảo, bãi ngầm của Việt Nam”.

Có thể thấy với chức năng là cơ quan nhà nước “kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng biển, vùng ven biển và hải đảo …” nhưng cơ quan thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo lại làm dự án đổ bùn thải cho doanh nghiệp 95% vốn nước ngoài, vậy có phải Tổng cục Biển và Hải đảo “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Tổng cục Biển và Hải đảo có một đội ngũ cán bộ khoa học hùng hậu không kém gì một viện nghiên cứu hay một đại học, vậy tại sao là phải dùng số liệu tư vấn của một đơn vị tư nhân mà trình độ học vấn và lực lượng nhân sự chắc chắn không bằng Tổng cục?

Khi cơ quan nhà nước “vừa đá bóng vừa thổi còi” điều gì sẽ xảy ra hẳn dư luận có thể dự đoán.

Điều đáng nói là Thủ tướng từng phát biểu quan điểm “Chính phủ không bán bia, bán sữa”, vậy việc cơ quan thuộc Chính phủ làm dịch vụ cho doanh nghiệp, việc viên chức nhà nước lại đồng thời quản lý điều hành doanh nghiệp tư nhân có phải là hành động mang dáng dấp “bán bia, bán sữa”?

Về điều này người viết từng đề cập trong bài “Đâu là tế bào gốc của xã hội “nhóm lợi ích” ”. [4]

Nếu thông suốt quan điểm của Thủ tướng thì tại sao ông Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lại ký duyệt dự án, cho phép đổ chất nạo vét xuống biển khi mà dự án này vừa có những vấn đề chưa rõ ràng về mặt pháp luật vừa vi phạm những chuẩn mực tối thiểu về đạo đức tư cách những người tham gia?

Một dự án sai phạm như thế vẫn được ký duyệt có phải chỉ là do năng lực cán bộ hay còn bởi những lý do liên quan đến một nhóm người thuộc hai Bộ Công thương và Tài nguyên và Môi trường?

Bộ Công thương đã đình chỉ công tác với cán bộ của mình, liệu điều này có được lặp lại ở Bộ Tài nguyên và Môi trường?

Dư luận được biết đến lời xin lỗi của Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch với một công dân Đà Nẵng vì ký “nhầm” một văn bản, được biết đến tài sản “khủng” và vi phạm những điều đảng viên không được làm của Thứ trưởng Bộ Công thương, đã biết đến quyết định 83/QĐ-TTg và 84/QĐ-TTg  do Thủ tướng ký thi hành kỷ luật hai vị Thứ trưởng Bộ Nội vụ và nay biết thêm về vai trò của vị Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt dự án nhận chìm chất thải chứa đựng khá nhiều vấn đề về luật pháp cũng như đạo đức.

Thật khó để chấp nhận, rằng số cán bộ nêu trên chỉ mắc “lỗi kỹ thuật” mà không liên quan đến các yếu tố khác.

Tài nguyên và môi trường là vấn đề sống còn của quốc gia, dân tộc, nếu “người gác đền” trong lĩnh vực này không hoàn thành nhiệm vụ thì sự trả giá không chỉ là con cháu mai sau mà chính thế hệ hôm nay cũng phải lĩnh nhận.

Việc cho phép đổ chất nạo vét xuống biển có phải chỉ là tạo điều kiện cho doanh nghiệp hay còn ẩn chứa những điều chưa được dư luận biết đến?

Khi một cơ quan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng dự án thì việc Thứ trưởng phê duyệt không thể nói là không có chút ưu ái.

Về điều này có thể nêu một ví dụ rất rõ ràng, việc Nhà xuất bản Giáo dục trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khiến cho con em chúng ta năm nào cũng phải mua sách giáo khoa dù nội dung sách mỗi năm chỉ có tí chút thay đổi.

Vấn đề rất quan trọng hiện nay đã được Thủ tướng chỉ rõ, Chính phủ phải tập trung vào chức năng quản lý nhà nước chứ không phải là dịch vụ, chừng nào các cơ quan nhà nước còn làm dịch vụ, kể cả dịch vụ công như Y tế, Giáo dục, Giao thông… thì còn xuất hiện bất cập.

Muốn ngăn chặn hoạt động của “nhóm lợi ích”, không thể không thay đổi thể chế kinh tế, không thể không xem xét lại việc một số cơ quan thuộc các bộ, tổng cục có thêm chức năng làm dịch vụ.


Tài liệu tham khảo:






Xuân Dương
Nguồn: Theo GDVN