Biệt thự của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái |
Đó là câu
hỏi mà ĐBQH Lê Thanh Vân, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội
nhiều lần đặt ra trong cuộc trò chuyện với Báo Giao thông về câu chuyện đang rất
nóng là nhiều quan chức ở một số địa phương được phát hiện sở hữu khối tài sản
lớn, trong đó có những biệt thự tráng lệ, lên tới cả chục tỷ đồng.
Tỉnh
nghèo, quan xây biệt thự
Chỉ trong
mấy tháng qua, thông tin, hình ảnh về các loại biệt thự của một số quan chức cấp
tỉnh được đưa lên mặt báo khá nhiều: Từ Yên Bái, đến Lào Cai, Kon Tum... Trong
bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành
động, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
ĐBQH
Lê Thanh Vân: Thực ra về
bản chất con người, ai cũng thích ăn ngon mặc đẹp, thích hưởng thụ xa hoa và với
cán bộ Nhà nước, có người kiểm soát được nhưng cũng có người không kiểm soát được.
Người kiểm soát được là người có trình độ, nhận thức, người ta biết đâu là điểm
dừng. Nhưng đáng tiếc trong thực tế có cán bộ lại không kiểm soát được.
|
ĐBQH Lê Thanh Vân |
Đó là thực
trạng rất báo động mà trong Nghị quyết T.Ư những khóa gần đây đều đã cảnh báo.
Việc nhiều quan chức bộc lộ việc “khoe của” không những khiến người dân bức
xúc, mà ở góc độ nào đó, nó còn đi ngược lại thông điệp của Thủ tướng về việc
xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động. Lương giám đốc Sở mỗi
tháng được bao nhiêu mà họ xây những dinh thự nguy nga, tráng lệ như thế? Nhân
dân hoàn toàn có quyền nghi ngờ về sự liêm chính của những quan chức đó. Và sau
mỗi vụ việc không được làm sáng tỏ, minh bạch, đồng nghĩa với việc niềm tin của
người dân vào cán bộ sẽ dần giảm sút.
Những ngôi
biệt thự, biệt phủ trị giá nhiều tỷ đồng được xây dựng trên các mảnh đất vàng tại
một số địa phương đều của quan chức lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện, trong khi tại
chính những địa phương này, đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn. Thực tế
này phản ánh điều gì, thưa ông?
Đó là một
mâu thuẫn. Hiện nay, có thực tế đời sống của một bộ phận quan chức quá xa hoa,
chênh lệch cách xa với đời sống của dân. Ở một số tỉnh nghèo còn có tình trạng
quan chức xây biệt phủ sống cách biệt với dân, sống xa xỉ, thích khoe của.
Trong lúc đời sống nhân dân còn nghèo, gặp khó khăn, có tỉnh còn phải xin T.Ư hỗ
trợ cứu đói dân mà quan chức sống xa xỉ như vậy thì dư luận bức xúc là điều dễ
hiểu.
Việc này
đang phản ánh bức tranh trái ngược trong đời sống hiện tại. Nó cho thấy, tính
gương mẫu của cán bộ đảng viên không còn được như trước. Trước đây, cán bộ lãnh
đạo có lối sống rất giản dị, thậm chí đa số sống trong những ngôi nhà rất đơn
sơ. Nhưng nay, có một bộ phận cán bộ chỉ lo làm ăn riêng, rồi việc minh bạch
tài sản ta làm chưa tốt, kê khai tài sản không công khai, tính tự giác của cán
bộ, đảng viên trong kê khai tài sản thiếu trung thực đã dẫn đến tình trạng
trên. Điều đó rất khó chấp nhận.
Không để
lọt cán bộ “thiếu kiến thức, thừa lòng tham”
- Ông
có cho rằng, hiện nay không ít quan chức đã không còn ngần ngại giấu giếm tài sản,
mà nhiều người sẵn sàng phô trương lối sống xa hoa ngay khi còn đương nhiệm?
- Đúng vậy
và câu trả lời tốt nhất là minh bạch, công khai, nó sẽ giúp tất cả thông tin
nghi vấn liên quan đến tài sản cán bộ được sáng tỏ. Nhưng cái minh bạch, công
khai ấy không phải tự bản thân cán bộ tự giác làm mà phải có quy định bắt buộc.
Bộ Chính trị mới đây chỉ đạo kiểm tra tài sản của khoảng 1.000 cán bộ cấp cao
cũng là cảnh báo để cán bộ cấp cao tự kiểm soát mình.
"Lâu nay, phần lớn tham nhũng do báo chí, nhân
dân phát hiện. Và khi báo chí đưa tin, dư luận ầm ĩ, các cơ quan chức năng mới
vào cuộc nắm tình hình. Cũng chính vì thế, lòng tin người dân dần bị xói mòn,
điều đó rất nguy hiểm”. - Ông Lê Thanh Vân
Thực tế hiện
nay, việc quan chức giàu lên nhanh chóng, thích xây biệt thự, xài xe sang xuất
phát từ 2 yếu tố: Có thể, do cán bộ tham nhũng, lợi ích nhóm, cấu kết với nhau
để trục lợi, bòn rút của công, khai thác tài nguyên, chung chi nhiều vụ việc…
Nhưng cũng có những người giàu có bằng thu nhập chính của gia đình, do làm ăn
kinh doanh, do thừa kế mà có, cái này là chính đáng. Tuy nhiên, ranh giới minh
bạch tài sản do tham nhũng với cái do làm ăn chân chính luôn không rõ ràng, vì
thế mới có chuyện người tham nhũng luôn bao biện rằng, tài sản của mình do làm
ăn chân chính mà có, còn người làm ăn chân chính cũng có khi bị nghi ngờ do
tham nhũng.
Vì thế,
cùng với quy định chặt chẽ phải sàng lọc cán bộ cho kỹ, vì nếu có quy định rồi
mà cán bộ không có phẩm chất, “thiếu kiến thức, thừa lòng tham” thì họ sẽ bất
chấp tất cả. Về quản lý, phải có cách thức xác minh thông tin từ xã hội. Tức là
khi xuất hiện thông tin, dù là trên mạng xã hội cũng cần xem xét, đánh giá ngay
để kịp thời vào cuộc, hoặc kịp thời phản bác lại những thông tin không có thật,
bảo vệ uy tín của cán bộ.
Nhưng nói
gì thì nói, giải pháp căn bản vẫn là công tác cán bộ, phải đổi mới quy trình lựa
chọn, cất nhắc, đề bạt cán bộ. Thực tế cho thấy, người có nhận thức, học thức
cao thì có lòng tự trọng cao, nên khi đứng trước ranh giới giữa lợi ích chung
và riêng và sự cám dỗ về vật chất thì họ biết chỉ giới để dừng lại.
- Như
ông nói, thanh tra là một khâu rất quan trọng. Nhưng rất nhiều vụ thanh tra đều
cho ra kết quả “đúng quy trình”, “đúng quy định”. Ông nghĩ sao về điều này?
- Đúng là
hiệu quả hoạt động của cơ quan thanh tra như hiện nay chưa xứng tầm với sứ mệnh
của họ, nguyên nhân này có từ 2 phía, một mặt pháp luật chưa trao cho cơ quan
thanh tra chế tài đủ mạnh để họ có thể kiểm soát, khống chế ngay từ khi có biểu
hiện vi phạm, chưa trao cho họ thanh bảo kiếm để bảo vệ sự liêm chính của bộ
máy. Nhưng mặt khác, chính năng lực, phẩm hạnh của các cán bộ thanh tra cũng có
vấn đề, chưa đáp ứng nhiệm vụ cao quý mà Nhà nước giao cho họ.
Suy cho
cùng thì dù có đặt ra quy định chặt chẽ, khoa học đến mấy mà người thực thi
không có cái tâm trong sáng thì rất dễ bị lạm dụng và cuối cùng thì sai phạm
thành đúng quy trình, giải thích với dân mọi thứ đều đúng.
- Quan
chức giấu giàu hay khoe của, là sự lựa chọn của mỗi người. Tuy nhiên, về góc độ
quản lý Nhà nước, chúng ta có những cơ quan, có cơ chế quản lý, kiểm soát tài sản
công chức. Vậy tại sao lâu nay không hạn chế được tình trạng như báo chí phản
ánh?
- Đó chính
là do việc xử lý chưa nghiêm. Đừng lấy quy phạm đạo đức để áp dụng cho sai phạm
về mặt pháp luật. Quan hệ nào phải dùng chế tài ấy. Lâu nay, nhắc nhở, khiển
trách, rút kinh nghiệm, xin chịu trách nhiệm… là những giải pháp mơ hồ, buông
xuôi, không đủ sức răn đe để ngăn chặn tình trạng ấy. Giống như trong y học,
khi bệnh lan đi rồi phải dùng liều thuốc đặc trị, có sức công phá mạnh để ngăn
chặn sự lây lan, sau đó mới giảm liều đi.
Giờ đây dư
luận không hài lòng với giải pháp xử lý sai phạm nên rõ ràng phải dùng công cụ
mạnh hơn để xử lý, làm gương, để những kẻ nào vi phạm pháp luật, tham nhũng thấy
đó mà sợ. Như vậy mới xử lý triệt để, tận gốc vấn đề.
Liên quan
đến tài sản của quan chức, lâu nay có tình trạng khi tài sản bị phanh phui thì
không ít quan chức chuyển ngay cho vợ, con, họ hàng. Tức là việc minh bạch, xác
định tài sản giữa các thành viên trong gia đình quan chức rất khó. Phải làm sao
giải quyết vấn đề này, thưa ông?
Giữa hai
nhóm người: giàu lên nhờ lợi ích nhóm, chức quyền, tham nhũng và giàu lên chính
đáng nhờ làm thêm, có tài sản kế thừa, sự gia tăng tài sản do đóng góp của các
thành viên trong gia đình… thì sự tường minh cũng rất khó xác định. Nhưng nếu một
quan chức tham nhũng tìm cách tuồn tài sản cho người thân thì phải đưa đối tượng
vợ, con ấy vào tầm quản lý của pháp luật, vì đó là những mối quan hệ đặc biệt
có thể chia sẻ và chung tài sản được, không thể để chuyển tài sản cho vợ, con
là xong.
- Việc
kê khai tài sản công chức hàng năm được công bố luôn cho thấy, số quan chức kê
khai không trung thực chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng thực tế thì lại khác. Liệu
có phải việc kê khai chưa hiệu quả, chưa thực chất, thưa ông?
- Chưa hiệu
quả, thực chất tức là năng lực bộ máy chưa đạt yêu cầu, chất lượng cán bộ có vấn
đề. Công khai tài sản cán bộ ở mức độ nào cũng cần xem xét, vì cán bộ cấp cao
mà công khai cho toàn dân biết thì chắc cũng khó. Nhưng kiểm soát tài sản phải
để cho số đông hơn giám sát, như công khai ở nơi làm việc, nơi cư trú, cùng với
đó, phải có cơ chế giám sát của nhân dân và phương tiện truyền thông. Qua những
vụ báo chí phát hiện mới thấy có những vị quan chức sinh hoạt với dân cư tách rời,
không có sự giao lưu nên một ngày nào đó thấy tài sản quan chức biến động, dân
sẽ nghi ngờ và đặt câu hỏi ngay.
- Cảm
ơn ông!
Hoài Thu thực hiện/(Báo
Giao thông)