TS Nguyễn Sĩ Dũng, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: internet |
Cải cách thể chế quan trọng hàng đầu là cải cách việc
tuyển chọn và bố trí nhân lực chủ chốt. Việc này đã được một số địa
phương và Bộ Giao thông, Vận tải triển khai một vài năm trước đây thông qua thi
tuyển cạnh tranh. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những cố gắng đơn lẻ, rời rạc. Với
Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp
phòng của Bộ Nội vụ (được hướng dẫn thực hiện cuối tháng 5 năm 2017), cải cách
thể chế quan trọng này hy vọng sẽ được triển khai đồng bộ hơn trong cả nước.
Thời nào cũng vậy mà
nước nào thì cũng vậy, quan trọng nhất là phải chọn cho được người
tài. Chọn được người tài công việc sẽ trôi chảy; cuộc sống sẽ thăng
hoa. Không chọn được người tài, công việc sẽ ách tắc, rối rắm; cuộc
sống sẽ vất vả, khó khăn.
Tuy
nhiên, tuyển chọn người tài là việc nói dễ, nhưng làm không dễ.
Nhiều khi những quy trình xem xét, bổ nhiệm công phu, phức tạp lại
chỉ giúp chúng ta lựa chọn được các nhân sự hết sức trung bình. Với
những nhân sự hết sức trung trung bình, thì công việc nói chung cũng
chỉ được thúc đẩy ở mức hết sức trung bình không hơn và không kém.
Đó là chưa nói tới chuyện những quy trình càng công phu, phức tạp,
thì càng dễ tạo cơ hội cho việc lạm dụng, việc chạy chọt, việc “mua
quan, bán chức”. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ đến chất
lượng của công việc, mà còn đến sự chính đáng và danh dự của hệ
thống. Vấn đề là không có những thể chế cần thiết, chúng ta không
thể lựa chọn được người tài.
Thực
ra, người tài nào thì thể chế đó. Ở cấp độ chính trị, thể chế để
lựa chọn người tài là chế độ tranh cử. Bầu cử không có tranh cử
không thể lựa chọn được người tài. Ở cấp độ chuyên môn-kỹ thuật,
thể chế để lựa chọn người tài là chế độ thi tuyển. Bổ nhiệm không
có thi tuyển không thể lựa chọn được người tài. Chúng ta cần có
những người tài kể cả ở cấp độ chính trị, lẫn ở cấp độ chuyên
môn- kỹ thuật. Ở cấp độ chính trị, đó là những người có tầm nhìn và có khả
năng dẫn dắt. Ở cấp độ chuyên môn-kỹ thuật, đó là những người học hành đến nơi,
đến chốn, hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực chuyên môn của mình. Rõ ràng, thiếu
tầm nhìn không thể hoạch định được tương lai. Nhưng thiếu kiến thức, kỹ
năng cũng không thể biến tương lai trở thành hiện thực. Chính vì vậy,
chúng ta cần phải cải cách thể chế cả ở tầm lựa chọn nhân sự chính
trị, cả ở tầm lựa chọn nhân sự chuyên môn-kỹ thuật.
Cuối
cùng, thi tuyển để lựa chọn lãnh đạo, quản lý là một công việc mang tính
chuyên môn-kỹ thuật rất cao. Đây là công việc rất mới, nên những tri
thức và kinh nghiệm có liên quan vẫn chưa được tích tụ trong hệ
thống. Trong bối cảnh như vậy, kết quả thi tuyển những lần đầu chưa
chắc đã như mong đợi. Tuy nhiên, con đường xa đều bắt đầu từ bước đi đầu
tiên. Không đi thì bao giờ mới đến?!
Nguồn : Theo FB Nguyễn Sĩ Dũng