Nguyễn Quang Bình
(TBKTSG) - Ngồi trên 2 héc ta trồng hồ tiêu đang chết “tốc độ”,
ông chủ vườn khóc ngon ơ vì tin rằng mình bị lừa mua phải phân bón vi sinh
giả. Mảnh vườn không chỉ là miếng cơm manh áo mà là cả sản nghiệp của gia
đình, không khéo thì người nông dân ở ven thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Dăk Nông
này phải sạt nghiệp vì nợ ngân hàng cả tỉ đồng, chưa tính ra nguồn thu nào
để trả nợ.
Vậy đó, hàng năm báo chí khui không ít vụ phân bón giả, treo luôn cả
hình chụp nhãn mác, bao bì, thương hiệu trên mặt báo; nông dân thì kêu gào,
kiện thưa..., nhưng xem chừng tình hình cũng không khá hơn. Phân bón giả đã
thành “chuyện thường ngày ở huyện”, kêu nhiều thành quen, quen trở nên lờn!
Rõ ràng đó là sơ hở trong hệ thống phân phối, nhưng mặt khác cũng phải
thừa nhận có tâm lý chuộng giá rẻ, bất chấp rủi ro để mua hàng trôi nổi,
không kiểm chứng nguồn gốc, không theo một kênh phân phối uy tín. Đó phải
chăng là gốc rễ của mọi vấn đề của nhiều mặt hàng trên thị trường hiện nay
ở xứ ta?!
Và thường khi có chuyện không may xảy ra thì người xứ mình hay đổ tội
cho “kinh tế thị trường”. Thật ra, kinh tế thị trường có trật tự lớp lang
của nó chứ đâu theo cách làm “chợ búa” xưa nay! Câu chuyện đơn cử vừa nêu
cho thấy chỉ riêng chuyện mua sắm đầu vào - do chính ta chủ động và quyết
định, mà còn thiếu chặt chẽ, vậy thì vấn đề đầu ra còn nhiều chuyện đáng
nói hơn.
Tôi có ông bạn là bạn bè với nhau dễ đã ba chục năm. Vừa rồi, ông khoe
hàng nông sản của công ty ông xuất khẩu đi “hàng chục quốc gia và vùng lãnh
thổ” (cách mà ông hay nói để đánh bóng thương hiệu). Tôi nêu ý kiến: “Thế
thì tốt. Nhưng có khi nào anh thử suy xét hàng của anh bán sẽ vào tay ai,
vào chợ nào; ai sử dụng chúng, họ khen chê ra sao, hay chỉ là hàng trôi nổi
như hàng chợ, mua đâu cũng có...?”. Nghe thế, ông quay sang giận tôi...
Cách nay vài hôm, ông đã làm lành sau khi trở về từ một hội thảo liên
quan tới Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm của Mỹ (FSMA). Theo luật này,
Mỹ đưa ra biện pháp gắt gao về vệ sinh an toàn thực phẩm từ nơi sản xuất
chế biến để giảm thiểu khả năng hàng bị loại trừ, trả về từ cảng đến. Cơ sở
chế biến nào không theo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, không có
một người mua cụ thể xác nhận tại thị trường Mỹ thì chớ đưa hàng đi, vì nếu
không đạt yêu cầu, không đến được một địa chỉ cụ thể nào đó, hàng có nguy
cơ bị hủy!
Thật ra, các biện pháp đưa ra là không mới nếu xét quá trình chuẩn bị
cho cách mua bán hàng hóa nông sản thực phẩm từ vài chục năm nay.
Từ cuối thập niên 1990 của thế kỷ trước, nhiều hãng sản xuất chế biến
trong ngành công nghiệp thực phẩm trên thế giới đã tìm cách tách dần khỏi
các sàn giao dịch hàng hóa nông sản mà cho đến nay, chúng vẫn tồn tại với
cái tên sàn kỳ hạn nông sản (như cà phê, ca cao, bắp, đậu nành...). Dù tới
thời điểm này, khối lượng hàng hóa nguyên liệu được chu chuyển trên thế
giới hàng năm vẫn từ 90-95%, khối lượng giao dịch trên các sàn ấy cũng
chiếm một tỷ trọng bằng hoặc cao hơn thế, nhưng các “ông lớn, ông nhỏ”
trong ngành công nghiệp thực phẩm đều tìm nguồn cung ứng riêng và sản phẩm
họ làm ra là cho một thị trường đặc thù hay một phân khúc riêng trong tầm
họ quản lý (còn gọi là “thị trường ngách”).
Sở dĩ phải chọn con đường này do hàng hóa giao dịch trên các sàn kỳ hạn
chỉ là loại đạt chất lượng chung chung, có thể xem như một dạng hàng “trôi
nổi”, chỉ cần trả giá cao lên đôi chút là có thể “vơ cả nắm”. Chính vì thế
mà có người gọi đó là “hàng chợ, giá chợ”, tức là giá của một thứ hàng hóa
có chất lượng chung chung, khi cần mua đâu cũng có. Từ đó, họ phải tạo ra
các chuỗi cung ứng càng lúc càng khép kín để quản lý được từ khâu mua
nguyên liệu, chuyên chở cho đến khâu bán hàng, hậu mãi. Khác biệt là ở chỗ
đó.
Khủng hoảng tài chính năm 2008 thúc đẩy ngành công nghiệp thực phẩm thế
giới đi một bước xa hơn khi các quỹ đầu tư dùng sức mạnh luồng vốn để làm
giá hàng hóa. Tư bản đổ vào đâu nhiều tức thì giá hàng hóa sàn ở đó tăng.
Và để giảm chi phí tài chính và hao hụt hàng hóa do trữ hàng cho sản xuất,
các hãng quay sang kết giao cùng công ty kinh doanh hàng hóa (trading
houses) để các công ty này trữ hàng và lập lịch nhận hàng sít sao, không
sai một li... Bấy giờ mới có chiến thuật “just-in-time” hay còn gọi nôm na
là “cần đâu có đó, cần chi có nấy, nước tới chân mới nhảy”.
Cho nên, nếu nghĩ rằng xuất khẩu nông sản được tức là đã có thị trường
thì liệu như vậy có quá lạc quan chăng? Có đi ngoài lề quan niệm thị trường
hiện đại không?
Cách hiểu kinh tế thị trường là sát phạt, là mua chung bán chạ không
còn chuẩn nữa. Hơn bao giờ hết, nó đòi hỏi người tham gia trong chuỗi phải
làm theo phương châm “buôn có bạn bán có phường” như tổ tiên kinh doanh xưa
của xứ mình đã dạy. Không nên cứ tưởng có sản lượng nông sản lớn nhất nhì
thế giới là khống chế được thị trường. Vì nếu như vậy thì đã không có điệp
khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” để năm nào cũng phải giải cứu cho
hết cây này đến con khác!
Riêng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, các nước EU, Mỹ và bất kỳ
đâu trên thế giới đều nhận ra rằng lương thực thực phẩm càng lúc càng bị
hóa học hóa, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và mạng sống con người. Họ
quyết tâm lập hệ thống quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc từ khâu mua
vào đến khi ra thành phẩm. Đó là trách nhiệm và đạo đức kinh doanh của
người cung ứng món ăn thức uống cho xã hội.
Không ghép được vào bất kỳ công đoạn nào của dây chuyền khép kín ấy thì
hãy cứ xem như mình chỉ đưa nông sản ra chợ để... bán hàng rong.
Nguồn: Theo TBS