Trần Hoàng Phúc |
Ngày 03 tháng 7 năm 2017, nhà cầm quyền Hà Nội thông báo cho gia đình Trần
Hoàng Phúc biết anh bị bắt và truy tố theo điều 88, bộ luật hình sự. Phúc là ai
? Phúc còn rất trẻ, mới sinh năm 1994, là sinh viên năm cuối khoa luật thuộc
Trường đại học Luật TPHCM. Tuy nhiên, vì những dấn thân cho hoạt động dân chủ,
nên Phúc bị nhà trường làm khó dễ, và không trao bằng tốt nghiệp.
Phúc là trường hợp mới nhất, nhìn lại hàng thập niên vừa qua, thành phần dấn
thân đấu tranh có xu hướng trẻ hóa ngày càng lớn. Lứa tuổi từ 20 đến 30 bị nhà
cầm quyền bắt giam cầm tù lên tới con số hàng trăm người. Họ xuất thân từ những
sinh viên, học sinh, nhà báo, công nhân và cả những bạn trẻ ở vùng thôn quê, miền
núi.
Tại sao họ phản kháng ?
Một cựu tù nhân lương tâm chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy bất công tràn lan
trong xã hội ngày hôm nay, bất nhân giữa con người với nhau, bất trung của những
vị lãnh đạo đối với đất nước và nhân dân, vì lẽ đó, chúng tôi cần phải lên tiếng.
Trong tâm hồn chúng ta định sẵn một tình yêu mãnh liệt với quê hương, với đồng
bào, cho nên chúng tôi đau đáu, thổn thức, lắng lo trước hiểm họa xâm lăng đất
nước mà Trung Quốc đã, đang thực hiện. Lên tiếng, phải lên tiếng, đó là mệnh lệnh
của hồn thiêng sông núi và mệnh lệnh của lương tâm mình”.
Thực vậy, biểu hiện của quyền phản kháng mà tuổi trẻ ngày nay đang thực thi
chẳng chút mơ hồ, nhưng nó rất hiện hữu, rất chân, rất thiện và khẳng định vai
trò, giá trị phẩm giá của con người một cách hoàn hảo.
Cho dù chế độ cộng sản dùng những điều luật mơ hồ, hà khắc để triệt hạ tuổi
trẻ yêu nước, thương người nhưng nó chẳng thể khu trừ được lương tâm rộng mở của
họ. Không ai được quyền làm trái với lương tâm, nghe theo tiếng lương tâm là hệ
quy chiếu cho đời sống đúng đắn. Vì thế lương tâm không cho phép họ tuân phục một
thể chế cầm quyền đang chống lại các quyền căn bản của con người.
Trong bất cứ đất nước nào, công dân cần phải thượng tôn pháp luật. Tuy
nhiên không loại trừ những sáng kiến và phản kháng có thể có của người dân, vì
không phải lúc nào pháp luật cũng được thiết định để phục vụ và điều tiết xã hội
mà nó chỉ phục vụ một nhóm lợi ích. Và khi mà người dân thấy được những bất
công thì sự phản kháng lại càng cấp thiết và đáng trân trọng để xây dựng xã hội
tốt đẹp, công bằng hơn chứ không phải là cầm tù họ.
Và họ chấp nhận hi sinh để cứu đất nước
“Tương lai chúng tôi, con cháu chúng tôi cần phải có tự do đích thực nên hiện
tại chúng tôi sẵn sàng đánh đổi nó trong song sắt nhà tù của chế độ độc tài cộng
sản này” –Cựu tù nhân lương tâm trẻ tuổi nói.
Tuổi trẻ là đam mê, nhiệt huyết, tuổi trẻ cháy bỏng trong tình yêu, tình
yêu đôi lứa, tình yêu đất nước, tuổi trẻ cũng dần trưởng thành trong nhận thức
về thực tại xã hội, nhân tình thế thái.
Đừng tự biến mình thành một con rô bốt cúi phục trước cường quyền. Đừng để
tâm hồn trở nên tê liệt, sơ cứng trước cảnh tượng đất nước điêu linh. Đất nước
này đang rỉ máu, xã hội này đang trở nên bất nhân, hệ thống lãnh đạo trở nên
hèn nhát trước giặc thù bành trướng. Đất nước này đang như là một sa mạc khô
héo, chính vì thế hơn bao giờ hết lý tưởng sống, lòng nhiệt huyết, đam mê của
tuổi trẻ cần được gieo vào đó. Nó có thể chết đi để cải hóa sa mạc trở thành mảnh
đất mầu mỡ trù mật mà nảy mầm ra lá đơm bông.
Cảm ơn đời, cảm ơn những bạn trẻ đang sống một cuộc đời có mục đích sống rõ
ràng, họ không né tránh, thờ ơ, vô cảm trước vận mệnh của đất nước, nhưng lại
dìm mình vào những đau khổ, hi sinh để nâng đất nước lên khỏi nơi tối tăm, khỏi
vùng vực thẳm.
Đất này trong thịt tôi
Nước này trong máu tôi
Lương tâm của tôi reo hò
Lòng tôi hớn hở mừng vui
Việt Nam hai tiếng Tự Do
Nước này trong máu tôi
Lương tâm của tôi reo hò
Lòng tôi hớn hở mừng vui
Việt Nam hai tiếng Tự Do
07.7.2017
Paulus Lê Sơn
Nguồn: Theo TMCNN