Kính Hoà
Hình nhà vòm rada được Trung Quốc xây dựng trên đá Subi ở
Trường Sa do quân đội Philippines chụp được vào ngày 17/7/2012
AFP PHOTO /WESTCOM
|
Ngày 12 tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế
có trụ sở tại Hà Lan đã ra một phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc chống
lại những đòi hỏi quá đáng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Phán quyết này được cho là rất bất lợi cho Trung Quốc vì phủ
nhận những đòi hỏi về cái gọi là chủ quyền lịch sử của họ chiếm 90% diện tích
Biển Đông trong phạm vi đường đứt khúc 9 đoạn do Bắc Kinh đơn phương vạch ra.
Một năm qua phán quyết này được thực hiện và có tác dụng như
thế nào?
Phán quyết không được đề cập đến trong 1 năm qua
Nội dung quan trọng của phán quyết PCA là các đảo đá nổi,
hay chìm, mà không thể duy trì cuộc sống bình thường của một cộng đồng dân cư
thì không thể có vùng nước rộng 200 hải lý xung quanh nó gọi là vùng đặc quyền
kinh tế.
Các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong Biển Đông
đều là các đảo thuộc loại này.
Do đó, đường hải giới tự tuyên bố của Trung Quốc, còn gọi là
đường lưỡi bò lấn vào vùng biển đặc quyền kinh tế của các nước Đông Nam Á không
có giá trị.
Một trong các quốc gia được cho là có lợi nhất khi phán quyết
này ra đời là Philippines, nước đã đưa Trung Quốc ra kiện tại tòa PCA vào năm
2013, vì theo PCA khu vực bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc đang chiếm đóng nằm
hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila.
Nhưng chỉ trước khi phán quyết ra đời chưa đầy hai tuần, cuối
tháng sáu năm 2016 một Tổng thống mới của Philippines lên cầm quyền là ông
Rodrigo Duterte. Ông này đã thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại với Trung Quốc,
và hầu như không hề lấy phán quyết PCA ra để nói chuyện với Bắc Kinh.
Nói chuyện với chúng tôi vào tháng 5 năm 2017, Tiến sĩ Trần
Công Trục, nguyên trưởng Ban biên giới của chính phủ Việt Nam cho rằng lý do để
Philippines không đưa phán quyết PCA ra là vì tòa trọng tài này không có cơ chế
để chế tài các nước có liên quan phải thực hiện phán quyết, nếu có đưa phán quyết
ra Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc đi nữa thì Trung Quốc cũng sẽ phủ quyết với
tư cách là thành viên Hội đồng Bảo an. Ông nói tiếp:
Trung Quốc thì đương nhiên trước đây họ đã chống thì nay
họ cũng gạt nó ra. - Thạc sĩ Hoàng Việt
“Trước tình cảnh đó thì họ tính toán. Nếu như cứ tiếp tục
nói mãi, đưa mai chuyện này nhưng thực tế lại không thi hành được, thì càng làm
cho tình hình thêm căng thẳng, bức xúc từ phía Trung Quốc, gây ra những bất ổn.
Vậy nên cứ để phán quyết ở đó. Sau này khi có những diễn đàn pháp lý thì người
ta đưa ra cho cuộc đấu tranh pháp lý có hiệu quả hơn. Chứ còn cứ tiếp tục khai
thác điều này thì nó chẳng có ích. Sở dĩ Philippines người ta làm như vậy thì
tôi cho rằng đây là một cách khôn khéo của người ta trong việc phát huy hiệu quả
của phán quyết này.”
Vào tháng ba năm 2017, nhóm làm việc ASEAN và Trung Quốc đưa
ra được dự thảo khung cho Bộ Qui tắc ứng xử trên Biển Đông- CoC. Theo quan sát
của Thạc sĩ Hoàng Việt, một chuyên gia nghiên cứu biển Đông sống tại Sài Gòn
thì trong bản dự thảo lần này do Trung Quốc đưa ra không đề cập đến phán quyết
PCA.
“Nói cho cùng phán quyết này đã tồn tại rồi. Các quốc gia
ASEAN cũng muốn sử dụng phán quyết đo có lợi cho mình. Còn Trung Quốc thì đương
nhiên trước đây họ đã chống thì nay họ cũng gạt nó ra.”
Ông Hoàng Việt cho rằng việc không đưa phán quyết PCA vào
như vậy là một nhượng bộ của các quốc gia ASEAN bất lợi cho chính họ.
Trung Quốc ngay từ đầu đã phủ nhận tính cách pháp lý của Tòa
PCA trong vấn đề biển Đông, và thậm chí đã ra một sách trắng để bác bỏ phán quyết
PCA.
Về phía Việt Nam, ngay sau khi phán quyết PCA ra đời, ngày
12 tháng 7 năm 2016, Việt Nam đã hoan nghênh phán quyết này, nhưng theo một nhà
nghiên cứu biển Đông khác tại Sài Gòn là ông Đinh Kim Phúc, Việt Nam lại chưa
chính thức công nhận phán quyết PCA. Và trong một năm qua, trong những tuyên bố
có liên quan đến tranh chấp tại biển Đông Việt Nam cũng không đề cập đến phán
quyết PCA, mặc dù luôn tuyên bố chủ quyền của mình tại hai quần đảo đang tranh
chấp là Hoàng Sa và Trường Sa.
Phán quyết PCA chưa có giá trị thực tiễn nhưng vẫn mang tính pháp lý
Ngày 5 tháng tư năm 2017, Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế tại Đại
học Khoa học Xã hội Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh có tổ chức một buổi tọa đàm
về tác dụng của phán quyết PCA sau 1 năm ra đời.
Trong buổi hội đàm đó, Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, chuyên
gia về quan hệ quốc tế của Việt Nam cho rằng vì không có cơ chế chế tài nên một
năm qua phán quyết PCA không có nhiều tác dụng thực tiễn.
Nói về sự thiếu vắng cơ chế chế tài của phán quyết PCA, Tiến
sĩ Vũ Hồng Lâm, hiện làm việc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược châu Á Thái
Bình Dương nói với chúng tôi vào năm 2016, vài ngày sau khi phán quyết ra đời:
“Tuy phán quyết là của tòa không có cơ chế chế tài, nhưng
nó có ý nghĩa là một bộ phận của luật quốc tế. Theo luật quốc tế thì khi phán
quyết này được đưa ra nó đã trở thành một án lệ, nó chính là luật quốc tế. Điều
này không thay đổi được nữa. Đằng sau phán quyết là luật quốc tế. Đằng sau luật
quốc tế là những nước sẽ làm gì đó để bảo vệ luật quốc tế. Bây giờ nhìn vào thì
có rất nhiều nước hưởng lợi từ phán quyết. Rất nhiều nước có lợi ích song trùng
với quyết định của tòa. Chính những nước đo sớm muộn cũng tìm cách gìn giữ phán
quyết này.”
Một trong những quốc gia có lợi đó theo ông là Hoa Kỳ, đặc
biệt trong lĩnh vực tự do hàng hải.
Tuy phán quyết là của tòa không có cơ chế chế tài, nhưng
nó có ý nghĩa là một bộ phận của luật quốc tế. - TS. Vũ Hồng Lâm
Trong buổi hội thảo tại Đại học khoa học xã hội nhân văn
thành phố Hồ Chí Minh, Thạc sĩ Phạm Ngọc Minh Trang, là nhà nghiên cứu tại
trung tâm nghiên cứu quốc tế của Đại học này, cũng nhấn mạnh rằng phán quyết
PCA có những tác động tích cực mang tính pháp lý không những đối với các quốc
gia trong khu vực mà còn với các quốc gia bên ngoài khu vực Đông Nam Á.
Trên thực tế là trong năm 2016, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng
thống Obama bắt đầu thực hiện các chuyến tuần tra trên biển Đông đi sát các đảo
nhân tạo cũng như các đảo đá mà Trung Quốc đang chiếm giữ trên Biển Đông, thách
thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển này.
Tuy nhiên đầu năm 2017 nước Mỹ có một chính quyền mới của Tổng
thống Donald Trump. Theo Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, chính sách Châu Á- Thái
Bình Dương của Tổng thống Trump vẫn còn là ẩn số, và điều này thúc đẩy hình ảnh
lu mờ của phán quyết PCA trong năm vừa qua.
Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng chính phủ mới của Hoa Kỳ không
quan tâm nhiều đến vùng Đông Nam Á nữa.
Nhưng Tiến sĩ Trần Công Trục lại cho rằng sau một thời gian
cầm quyền, chính phủ Mỹ của Tổng thống Trump vẫn duy trì chính sách hướng về
Châu Á của chính quyền trước mặc dù không gọi tên đó là xoay trục sang châu Á
như trước.
Ngày 2 tháng 7 năm 2017, Mỹ tiếp tục chiến dịch tự do hàng hải
khi cho chiến hạm USS Stethem đi qua vùng 12 hải lý của đảo Tri Tôn thuộc quần
đảo Hoàng Sa hiện do Trung Quốc chiếm đóng.
Ngày 7 tháng 7 năm 2017, Mỹ lại cho máy bay ném bom bay
ngang vùng trời Biển Đông.
Trước đó vào những ngày cuối tháng sáu năm 2017, nhiều nguồn
tin khác nhau cho biết là căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc đã gia tăng
khi Việt Nam cho tiến hành thăm dò dầu hỏa tại khu vực bãi Tư Chính phía Nam biển
Đông.
Khu vực này nằm trên vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế
của Việt Nam tính từ đất liền.
Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm nhận xét về sự phù hợp với phán quyết
PCA trong quan niệm hiện nay của Việt Nam về vùng đặc quyền kinh tế:
“Những năm gần đây chính phủ Việt Nam cũng nghiên cứu nhiều
về luật quốc tế, điều chỉnh quan điểm của mình cho phù hợp với luật quốc tế.
Cho nên cho đến gần đây quan điểm của Việt Nam là các đảo nhỏ ở Hoàng Sa và Trường
Sa không có vùng đặc quyền kinh tế. Việt Nam có vùng đặc quyền kinh tế tính từ
đất liền, đó chính là cái quan điểm của Việt Nam khi Trung Quốc đưa giàn khoan
981 vào năm 2014 vào vùng biển Việt Nam. Trung Quốc nói vùng đó thuộc vùng đặc
quyền kinh tế của quần đảo Hoàng Sa, nhưng Việt Nam nói nó là thuộc vùng đặc
quyền kinh tế của Việt Nam, Hoàng Sa không có vùng đặc quyền kinh tế cho dù là
thuộc nước nào.”
Cho đến nay cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc đều không
chính thức xác nhận có sự căng thẳng ở khu vực bãi Tư Chính vào cuối tháng sáu
năm 2017. Nhưng theo nhiều nhà quan sát trong ngoài nước, thì Việt Nam đã mạnh
mẽ hơn trong việc khẳng định chủ quyền của mình chống lại Trung Quốc, và những
khẳng định này phù hợp với phán quyết PCA hồi năm 2016.
Nguồn: Theo RFA