Trong phiên chất vấn
tại nghị trường, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền nêu câu hỏi với Phó Thủ
tướng Trương Hòa Bình: “Chính
phủ có cần đến niềm tin của người dân nữa hay không?”. [1]
Câu hỏi ấy tuy chỉ hạn
chế với đối tượng là Chính phủ song có thể hiểu không chỉ dành cho Chính phủ mà
còn cho Nhà nước, các tổ chức chính trị, đoàn thể hoạt động bằng ngân sách nhà
nước, tức là bằng tiền thuế của dân.
Thay vì chỉ hỏi riêng
Chính phủ, câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền sẽ trở nên hoàn thiện hơn
nếu đặt vấn đề: “Nhà nước
có cần đến niềm tin của
người dân nữa hay không?”.
Câu hỏi của đại biểu
Phạm Thị Minh Hiền cần phải được hiểu theo hai hướng: Nhà nước có cần niềm tin
của dân không và dân có còn tin Nhà nước không?
Đặt câu hỏi như trên là cần thiết vì thực sự các văn kiện của Đảng không chỉ nêu nhận định “dân giảm sút niềm tin vào Đảng” mà còn vào “chế độ” tức là thể chế chính trị, nói khác đi là Nhà nước.
Nhận định này là dựa
vào Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI: “có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ
chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân với Đảng; nếu không
được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong
của chế độ”. [2]
Khái niệm “chế độ” nêu
trong Nghị quyết bao quát tất cả các nhánh quyền lực, từ lãnh đạo đường lối đến
lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Việc xuất hiện câu hỏi
của người đại biểu cho dân tại hội trường Diên Hồng vào thời điểm này, tự thân
nó cho thấy chính quyền chưa (hoặc không) thể hiện thái độ cần đến niềm tin của
dân, ngược lại, có dấu hiệu cho thấy niềm tin của dân vào chính quyền đã suy
giảm đến mức báo động.
Vì sao lại có sự trái
ngược đến kỳ lạ giữa đối nội và đối ngoại, vì sao triển vọng kinh tế của Việt
Nam được thế giới đánh giá là sáng sủa, quan hệ quốc tế, đặc biệt là với các
nước lớn được cải thiện rất nhiều khiến nguồn vốn đổ vào Việt Nam tăng nhưng
giữa người dân và Chính quyền lại xuất hiện câu hỏi có tin nhau hay không?
Liệu chúng ta có bị
các cường quốc lợi dụng trong ván bài địa chính trị khu vực khiến người ta dễ
bỏ qua các vấn đề nội bộ của người Việt hay thực sự chúng ta có thành tích ấn
tượng trong phát triển kinh tế và các chính sách xã hội?
Sau những năm tháng
chống ngoại xâm, sau thời kỳ bị nhiều nước xúm vào cô lập, những tưởng chúng ta
có đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa để an tâm xây dựng đất nước.
Thực tế cho thấy những
năm đầu thế kỷ 21 này, chúng ta đang bộc lộ một số bất cập trong cả bốn lĩnh
vực quan trọng nhất là: chính trị, kinh tế, văn hóa, an sinh xã hội.
Tồn tại bốn câu hỏi
liên quan đến bốn lĩnh vực nêu trên:
Vì sao niềm tin của
dân chúng vào chế độ suy giảm?
Vì sao có quá nhiều
doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ?
Vì sao đạo đức xã hội
xuống cấp?
Vì sao sự bất bình
đẳng trở nên phổ biến trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là tư pháp?
Bài viết: “Củng cố và
giữ vững lòng tin chính trị của nhân dân với Đảng” đăng trên Tạp chí Cộng sản
viết: “Đảng phải thực hiện
bằng được các cam kết chính trị của mình với dân tộc, trên các vấn đề cơ bản về
kinh tế, chính trị, văn hóa, an sinh xã hội”. [3]
Cam kết chính trị của
Đảng với dân tộc chỉ có thể thành hiện thực nếu tất cả cán bộ, đảng viên cùng
quyết tâm thực hiện.
Khi một bộ phận không
nhỏ cán bộ, đảng viên “ăn
của dân không từ một thứ gì” thì dù lãnh đạo cấp cao có quyết tâm đến mấy
cũng khó thực hiện.
Một nguyên lý rất đơn
giản, ai cũng biết là cần “tinh” không cần “đông”.
Với đội ngũ hơn 4
triệu đảng viên vì sao Trung ương lại buộc phải nhận định “uy tín và sức chiến
đấu của Đảng bị giảm sút”?
Nói chính xác thì như
nhận định trong bài “Khơi dậy lương tâm và trách nhiệm người đảng viên” trên
Nhandan.com.vn:
“Điều rất đáng lo ngại là nhiều đảng
viên thụ động, vô cảm trước những biểu hiện tiêu cực, vai trò lãnh đạo và sức
chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên bị lu mờ.
Do đó,
niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền giảm sút…” [4]
Nguyên nhân góp phần
vào việc làm cho “sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên bị lu mờ” chính là
“một số vụ tham nhũng, tiêu
cực không được làm đến cùng, mức độ xử lý không đủ sức răn đe” như
nhận định trong bài báo đã dẫn.
Tìm hiểu nhiều thông
báo kỷ luật qua các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương các nhiệm kỳ trước,
chưa thấy một vụ án hình sự nào được mở với những cán bộ cao cấp (Bí thư, Chủ
tịch tỉnh…) có sai phạm mặc dù những sai phạm ấy được đánh giá là nghiêm trọng
hoặc rất
nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng, gây thiệt hại nhiều tỷ
đồng cho ngân sách.
Thời gian gần đây,
dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã
đưa một số vụ việc ra xem xét nhưng cho đến nay, nhận định trên báo Nhân Dân “mức độ xử lý không đủ sức răn đe”
hình như vẫn chưa mất tính thời sự.
Đúng là chưa có thời
kỳ nào trong lịch sử, số cán bộ cao cấp bị xử lý nhiều như hiện nay.
Điều mà người dân mong
mỏi là ý kiến của Tổng Bí thư “Ở
đây tôi nói lại là mới xử lý về mặt kỷ luật đảng, còn về mặt hành chính, hình
sự đang làm” sẽ sớm được thực hiện.
Trong quá khứ, dường
như xử lý cán bộ cao cấp sai phạm chỉ là công việc nội bộ.
Nhiều ý kiến nói đến
tình trạng “nhờn luật”, vô hiệu hóa luật pháp xảy ra nơi này, nơi khác trong hệ
thống tư pháp Việt Nam.
Thực ra đây chỉ là
cách thể hiện khác của nhận định “mức
độ xử lý không đủ sức răn đe”.
Chính vì thế dù quyết
tâm xây dựng một “Nhà nước kiến tạo”, dù không thiếu chế tài, tuyên bố thì một
bộ phận tội phạm không phải thường dân vẫn nhởn nhơ và niềm tin của dân vẫn
chưa trở lại.
Quan trọng nhất hiện
nay không phải là tìm chiếc “mâu” đủ sắc để đâm thủng chiếc “thuẫn” an toàn của
những kẻ thoái hóa biến chất mà hãy học tập tinh thần thời toàn quốc kháng
chiến:
“Ai có gươm dùng gươm, không có gươm
thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Toàn dân phải ra sức chống bọn tham nhũng cứu
nước”.
Một năm trước, tại Hội
nghị Ban Dân vận Trung ương tổ chức ngày 27/5/2016 tại Hà Nội, Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng nói:
“Có những cán bộ, đảng viên chỉ lo thu
vén cá nhân, xoay xở làm giàu, ăn uống chè chén bê tha; thậm chí có người vô
trách nhiệm với dân, vô cảm trước những khó khăn, đau khổ của quần chúng.
Một số
người còn lợi dụng chức quyền để đục khoét, vơ vét của cải của Nhà nước, của
tập thể, trở thành những con sâu mọt tệ hại của xã hội. Đây là điều mất mát lớn
nhất trong tình cảm của nhân dân”.
Nếu các cấp bộ Đảng
chưa quán xuyến hết được chính đảng viên của mình thì thật khó để thực hiện cam
kết với dân tộc.
Một khi cán bộ, đảng
viên được bảo vệ quá mức cần thiết, được “đặc cách” trong không ít trường hợp
vi phạm thì thật khó để đòi hỏi dân mến, dân tin.
Một năm sau khi Tổng
Bí thư cảnh báo quyết liệt như vậy, người ta lại thấy những sự thật khó
tin.
Trước đây chỉ khi hạ
cánh an toàn người ta mới bắt đầu xây nhà thờ, biệt thự, ngày nay, người ta
công khai tài sản siêu khủng ngay khi đương chức, khi còn lâu mới đến “hoàng
hôn nhiệm kỳ”.
Làm Giám đốc sở mà ung
dung xây dinh cơ tới hơn 13
nghìn mét vuông thì lấy đâu ra tiền.
Làm Bí thư tỉnh mà bảo
không biết em trai có dinh cơ siêu khủng thì liệu có thể tin?.
Làm Thứ trưởng mà tài
sản có nhiều
tỷ thì phục vụ nhân dân thế nào?
Tất cả những ví dụ ấy
không phải là dân thường, cũng không phải là đảng viên thường, họ đều thuộc
diện do trung ương quản lý.
Người ta không biết
đến ý kiến của lãnh đạo cao nhất của Đảng hay người ta tin rằng, cùng lắm là
rút kinh nghiệm và chuyển công tác?
Đất nước lúc này cần
niềm tin của dân nhưng cũng cần một bàn tay sắt, có đủ sức mạnh và lực lượng để
tiêu diệt bọn hại dân, hại nước chứ không phải chỉ bắt “nghiêm
túc rút kinh nghiệm sâu sắc”.
Càng nghiêm túc rút
kinh nghiệm, càng nhiều kẻ ngông nghênh coi thường phép nước, càng có nhiều
“dòng họ làm quan”.
Trở lại câu hỏi của
đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền “Chính
phủ có cần đến niềm tin của người dân nữa hay không?”. Chắc chắn là
Chính phủ cần, rất cần song dân có đáp ứng được sự “cần” của Chính phủ?
Niềm tin cũng như chồi
xanh, chỉ phát triển khi xuân sang chứ không phải lúc thu về.
Tài liệu
tham khảo:
Xuân
Dương
(*) tựa của Dân Quyền theo bài « Niềm tin như chồi xanh, tốt tươi khi mùa xuân đến » của GDVN
Nguồn : Theo GDVN