Trần Thị Nga, một phụ nữ trẻ, đã đồng hành và giúp nhiều bà con dân oan khắp nơi khiếu kiện về đất đai, tìm kiếm công lý cho các gia đình nạn nhân bị những án oan thấu trời, có mặt trong các cuộc biểu tình, tham gia các phiên tòa xử người yêu nước, bà cũng tố cáo các cán bộ tham nhũng, quan liêu, cửa quyền khi chính bà là nạn nhân… Nhiều bà con dân oan đã đặt niềm tin vào bà Nga.
Nếu không nói ra sẽ ít người biết Trần Thị Nga đã cứu
mạng tử tù Hồ Duy Hải vào những giờ phút sinh tử, sau khi gia đình tử tù Hải
nhận tin Tòa án Long An thông báo ngày giờ thi hành án tử. Mẹ và dì của anh Hải
đã phải ra Hà Nội cầu cứu các cơ quan có thẩm quyền, nhưng không có ông quan
nào quan tâm đến tính mạng ngàn cân treo sợi tóc và nỗi quặn đau của gia đình
nạn nhân. Chính bà Trần Thị Nga đã sắp xếp, quay phim lại cuộc phỏng vấn người
thân của anh Hải và kết nối mạng với phóng GNsP (Tin Mừng Cho Người Nghèo) ở
“đầu cầu” Sài Gòn, tại một phòng nghỉ ở một khách sạn trên phố Hàng Bè, Hà Nội.
Chính những “thước phim” đầu tiên ấy, đã thổi bùng lên ngọn lửa truyền thông
trong và ngoài nước cầu cứu cho tính mạng của tử tù Hồ Duy Hải, buộc nhà cầm
quyền phải tạm hoãn thi hành án tử và vụ án oan kéo dài đến ngày hôm nay.
Để dằn mặt, răn đe bà Nga nhà cầm quyền “bảo kê” cho
những tên côn đồ, an ninh thường phục – mà bà biết – đã nhiều lần dùng các hung
khí nguy hiểm truy đuổi, tấn công bà trọng thương, sức khỏe nguy kịch, để lại
nhiều di chứng trên cơ thể. Và nay, họ đã bắt tạm giam bà ngày 21.01.2017,
những ngày giáp Tết Nguyên Đán.
Sắp tới đây vào ngày 25-26.07.2017, Tòa án Nhân dân
tỉnh Hà Nam sẽ mở phiên tòa xét xử người phụ nữ can đảm, mạnh mẽ, hiên ngang
trước bạo quyền – Trần Thị Nga, bị truy tố với tội danh “Tuyên truyền chống nhà
nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” theo Điều 88 BLHS.
Do chúng tôi không có hồ sơ vụ án nên không thể có
những bình luận vụ án bà Trần Thị Nga dưới khía cạnh Pháp luật. Việc này xin
dành cho Quý Luật sư bào chữa cho bà. Trong tay chúng tôi chỉ có bản Cáo trạng.
Tuy nhiên, chỉ là người “ngoại đạo” Luật, đọc nội dung Cáo trạng của VKS Nhân
Dân tỉnh Hà Nam cũng không thể chấp nhận được, khi những căn cứ kết tội bà Nga
không khách quan, không có chứng cứ chứng minh theo đúng thủ tục Bộ Luật Tố
tụng hình sự quy định mà toàn áp đặt, vu khống, quy kết cho bà Nga là “có tội”.
Hay chỉ dựa vào những kết luận chủ quan của chính phe cầm quyền.
Vào tháng
5.2014, bà Trần Thị Nga bị những viên an ninh mặc thường phục thường xuyên theo
dõi đã dùng hung khí – tuýp sắt tấn công, đánh đập, hành hung bà gãy tay trái
và vỡ xương bánh chè chân phải. Hai đứa con nhỏ của bà vẫn vô tư, vui đùa bên
giường bệnh của người mẹ.
Tố tụng hay hàng tôm hàng cá
Trang 16 của bản Cáo Trạng ghi rõ: “Tại cơ quan điều
tra, bị can Trần Thị Nga không thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình
mà có thái độ chống đối, bất cần, không ký vào bất cứ biên bản nào trong quá
trình điều tra, không chấp hành chụp ảnh, lập danh chỉ bản…”
Chính trong nội dung bản Cáo trạng khẳng định bà Nga
không “không ký vào bất cứ biên bản nào trong quá trình điều tra”. Vậy thì khi
các cơ quan có thẩm quyền kê khai, niêm phong tài sản tại tư gia của bà Nga
không được bà “ký” vào biên bản niêm phong và mở niêm phong thì làm sao các cơ
quan tố tụng có thể “mở niêm phong” vật chứng để phục vụ cho quá trình điều tra
một cách khách quan, như cáo trạng nêu là “đúng qui định pháp luật”?
Bộ Luật Tố tụng Hình sự hiện hành quy định các cơ quan
có thẩm quyền phải có nghĩa vụ “xác định sự thật của vụ án” tại Điều 10 BLTTHS
2003 và Điều 15 BLTTHS 2015:
“Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có
thẩm quyền tiến hành tố tụng.Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải
chứng minh là mình vô tội.Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan
có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác
định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng
cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình
tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.”
Như vậy, cơ quan điều tra phải có nghĩa vụ chứng minh
một người nào đó có tội phải bằng các chứng cứ khách quan, không được tùy tiện
kết luận, quy kết, vu cáo cho họ. Thế nhưng, cơ quan điều tra, VKS đã vi phạm
thủ tục tố tụng, cố tình vu khống và kết luận bà Nga có hành vi “Tuyên truyền
chống nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”. Không thể chỉ dựa vào những
cái gọi là “kết quả giám định” chủ quan của “phe ta”, để quy kết bà Nga vu
khống, tuyên truyền, xuyên tạc, kích động… Trong khi bà Nga chỉ viện dẫn và nói
sự thật những gì đã và đang xảy ra về bản thân bà, về những người dân oan và về
tình hình xã hội Việt Nam.
Cáo trạng hàng tôm hàng cá đã nói gì?
Thứ nhất, trong bản Cáo trạng đề cập đến bài viết của
bà Nga với tựa đề “Chính phủ nợ các linh mục Kỳ Anh một lời cảm ơn”. Bài viết
này, bà Nga nhận xét, trước cơn bão phẫn nộ của bà con ngư dân khắp nơi sau vụ
thảm họa Formosa xả thải độc tố xuống biển khiến cuộc sống của người dân rơi
vào bế tắc, mất cả cơ nghiệp truyền thống… nếu không có sự can thiệp của các
linh mục ở khu vực Miền trung thì bà con đã nổi dậy “đốt trụi” bản doanh
Formosa tại Hà Tĩnh, gây ra nhiều bất ổn đáng tiếc xảy ra. Lẽ ra, nhà cầm quyền
nên gửi một lời cám ơn đến các linh mục đã an ủi được nỗi đau của bà con ngư
dân, giúp họ bình tĩnh đối phó thảm họa, nhưng họ không làm vậy, mà còn sử dụng
công cụ truyền thông của báo-đài lề đảng bôi nhọ, mạ lỵ các linh mục…
Đó là suy tư chân chất của một phụ nữ nhà quê ngoài ba
mươi tuổi quan tâm đến vận mệnh tổ quốc khi đất nước đang phải đối mặt với thảm
họa biển chết-cá chết do chính nhà cầm quyền đã tiếp tay, bao che cho Formosa
tồn tại và hoạt động tại Việt Nam. Sau 2 tháng xảy ra sự cố cá chết trắng hàng
loạt dọc ven biển các tỉnh Miền Trung, theo báo Thanh Niên vào sáng ngày sáng 30.6.2016, “Chủ tịch hội đồng quản
trị Formosa thừa nhận sai sót làm cá chết hàng loạt”, nghĩa là Formosa thừa
nhận xả thải độc tố xuống biển Miền Trung. Thậm chí, báo An Ninh Thủ Đô còn đưa tin “Formosa lắp đặt ống xả thải ngầm khổng
lồ ra biển Vũng Áng”. Chính Formosa đã “thừa nhận”, và “chính phủ” đã nhận tiền
bồi thường của Formosa thì các cơ quan có thẩm quyền không thể quy kết bà Nga
đã vu khống vụ Formosa, đảng và nhà nước được.
Nếu cơ quan điều tra cho rằng tài liệu có tiêu đề
“Chính phủ nợ các linh mục Kỳ Anh một lời cảm ơn” là vu khống, xuyên tạc đảng
và nhà nước, thì các cơ quan có thẩm quyền nên triệu tập các báo-đài đã đăng tải
các thông tin liên quan đến Formosa, các vị linh mục đã yểm trợ cho bà con ngư
dân, và bà con ngư dân – là những người có liên quan đến sự kiện Formosa, là
một trong số tình tiết đã đẩy bà Nga vào tù, để điều tra làm rõ, xác định “sự
thật vụ án” bà Nga có nói sai, kích động hay không.
Thứ hai, liên quan đến sự kiện cụ bà Hà Thị Đức, 82
tuổi, bị công an xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam bắt, giữ vào ngày
26.07.2015, một ngày sau đó 29.07.2015, bà cụ Đức đã tử vong. Chính gia đình cụ
Đức đã làm đơn tố cáo, khởi kiện các cán bộ có hành vi bắt, giữ cụ bà Đức trái
phép và gây ra cái chết của bà cụ. Các đơn này, gia đình cụ Đức đã nhờ bà Nga
phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Vụ kiện của gia đình bà cụ
Đức chưa được làm rõ đúng sai thì căn cứ vào đâu để cho rằng bà Nga “vu khống”
tức “… bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự
hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là
người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, …” (Điều 122
BLHS).
Thứ ba, với nội dung “… Tôi tẩy chay bầu cử ngày
22/05/2016 là bầu cử trá hình của Đảng Cộng Sản và… lý do tẩy chay bầu cử là
tôi yêu cầu chính phủ phải minh bạch cái thảm họa cá chết do ô nhiễm môi trường
biển…” là ước muốn của bà Nga. Cuộc bầu cử giả hiệu này cũng được Giáo sư Chu
Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện là Giám đốc Nhà xuất bản
Tri thức, và là Phó Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh, phê phán trong bài
viết “không biết không bầu”. Giáo sư Chu Hảo nhận xét: “Những thông tin về các
ứng viên mà các tổ chức phụ trách bầu cử công bố là quá sơ sài và thiếu chính
xác khiến tôi không thể tin cậy. Đơn giản vậy thôi! Để làm gì? Để lá phiếu của
mỗi công dân ngày càng trở nên có giá trị hơn trong việc lựa chọn những người
xứng đáng vào các vị trí lãnh đạo quốc gia và lựa chọn thế chế.” Do đó, “chỉ
bầu cho những người mà mình biết rõ phẩm cách và năng lực”. Và, bà Trần Thị Nga
cũng có quan điểm như vậy. Ngoài ra, bà nêu rõ lý do là “đòi chính phủ minh
bạch thảm họa cá chết…”, bởi lẽ ai cũng biết, chỉ sau khi hàng chục ngàn người
dân từ Bắc vào Nam – trong đó có bà Nga – lên đường đòi hỏi nhà cầm quyền “minh
bạch” nguyên nhân thảm họa biển chết-cá chết thì giới cầm quyền mới gọi đúng
tên kẻ tội phạm gây ra thảm họa này là “Formosa”, trước đó “chính phủ” chỉ dám
khẳng định nguyên nhân gây ra cá chết là do “tảo đỏ”. Như vậy, xét ra, bà Nga
là người có công vì đã mạnh mẽ gọi đúng tên thủ phạm gây ra ô nhiễm môi trường
biển là “Formosa”.
Thứ tư, nhiều năm qua, trước khi bà Nga bị bắt tạm
giam, gia đình bà liên tục bị côn đồ, an ninh thường phục sách nhiễu, ném đồ dơ
bẩn vào nhà, rình dập gia đình. Tàn ác nhất vào tháng 5.2014, bà Nga bị những
viên an ninh mặc thường phục thường xuyên theo dõi đã dùng hung khí – tuýp sắt
tấn công, đánh đập, hành hung bà gãy tay trái và vỡ xương bánh chè chân phải.
Bà Nga đã làm đơn tố cáo nhiều lần, suốt một thời gian dài, nhưng các cơ quan
có thẩm quyền cố tình phớt lờ, không thụ lý đơn, giải quyết, xử lý, điều tra vụ
án các an ninh mặc thường phục có hành vi cố ý giết bà. Di chứng của vụ truy
sát đó vẫn còn hằn rõ trên đôi chân của bà trong những bước đi khập khiễng mỏi
mòn quyết tâm tìm kiếm công lý. Những lần tấn công này đều được bà Nga ghi hình
lại, tuy nhiên với đầy đủ chứng cứ rõ ràng được gửi đến các cơ quan có thẩm
quyền nhưng vẫn không được họ xem xét, xử lý… thì các cơ quan điều tra căn cứ
vào đâu để kết luận bà Nga đã “vu khống”, “tuyên truyền”…?
Không ai có thể quên ơn của bà Trần Thị Nga đã mạnh mẽ
lên tiếng bảo vệ cho nhiều trường hợp dân oan từ Bắc chí Nam. Ngoài tử tù Hồ
Duy Hải thoát chết với cái “án oan không cần giải oan”. Bà Nga còn bỏ công sức,
giúp đỡ rất nhiều gia đình, cá nhân lâm cảnh oan, ức… điển hình như gia đình tử
tù Nguyễn Văn Chưởng, vụ bé gái bị hiếp dâm ở Thái Bình, vụ cô gái ở Sài gòn bị
“chồng” Nhật lừa bắt con, vụ án oan của cô giáo Hà Nội, hay vụ án gia đình bà
Hà Thị Đức…
Những gì bà Trần Thị Nga đã viết, đã nói trên các
trang mạng xã hội là những sự kiện có thật. Và, quyền tố cáo, kiến nghị… là
quyền của mỗi công dân, không ngoại trừ bà Nga. Không thể vì những ý kiến “trái
chiều” mà kết án bà Nga vu khống, xuyên tạc sai sự thật và nhẫn tâm chia cách
người mẹ trẻ với hai đứa con thơ dại. Nhà cầm quyền hãy minh bạch chứng minh
bằng những chứng cứ cụ thể để cho thấy bà Nga đã nói sai, bịa đặt, kích động…?
Trần Thị Nga vô tội!
Huyền Trang, GNsP
Nguồn: Theo TMCNN