Lê Vĩnh Triễn
Đây là một phần của bài đang viết,
thấy có lác đác bàn về pháp quyền nên chia sẻ với bạn bè FB. Trước tiên xin nói là đảng nào cũng (muốn) chống tham nhũng :-)
PHÁP QUYỀN VÀ CHỐNG THAM NHŨNG
Câu hỏi có thể được đặt ra là tại
sao (chúng ta) KHÔNG THỂ áp dụng được các cách thức kiểm soát, các nguyên tắc
pháp quyền (Rule of Law) song song với việc áp dụng các cách thức của thị trường để vừa phát triển kinh tế, vừa có thể chống lại tham nhũng?
Vấn đề ở chỗ, hai nước Trung Quốc,
Việt Nam áp dụng kinh tế thị trường nhưng vẫn kiên định theo chủ nghĩa Mác Lê
nên về thể chế không đa nguyên, do một đảng lãnh đạo, phù hợp với cách thức
chuyên chính. Việc việc áp dụng các nguyên tắc pháp quyền thì lại đi cùng với
các thể chế dân chủ. Vì vậy khi chỉ một đảng lãnh đạo tuyệt đối theo hướng
chuyên chính thì không thể áp dụng các nguyên tắc này được. Theo căn bản pháp
quyền thì luật pháp phải đặt trên hết, hệ thống nhà nước phải thiết
chế theo cách kiểm soát và hạn chế quyền lực của nhau. Chính phủ phải do Quốc hội/
dân bầu và chịu sự phán quyết độc lập của Tòa án. Các nguyên tắc Minh bạch
(Transparency), Giải Trình (Accountablity) và Chịu trách nhiệm (Responsibility)
được thực thi nghiêm minh để đảm bảo công bằng xã hội. Hệ thống báo chí phải
minh bạch tự do và độc lập. Đảm bảo những yếu tố như vậy thì mới ngăn chặn và
giảm thiểu được sự hoành hành của tham nhũng và tư lợi…
Có thể nói, Đảng CS TQ và VN muốn
chống tham nhũng, nhằm bảo đảm tính chính danh của mình. Nhưng tham nhũng là bất trị vì pháp quyền (mọi người đều phải
tuân thủ và bình đẳng
trước pháp luật) và các nguyên tắc minh bạch, giải trình và chịu trách nhiệm là
không thể áp dụng được. Cụ thể hơn, chính quyền cộng sản Trung Quốc và Việt Nam
biết rằng không thể duy trì tính chính danh (legitimacy) của mình chỉ bằng nền
kinh tế nghèo đói tập trung bao cấp và một hệ thống công an nhiều tầng mà bản
thân hệ thống an ninh này cũng nguồn lực để tồn tại, phát triển, nên họ phải mở
cửa đổi mới để kinh tế khá lên như trên đã đề cập. Hệ thống công an, an
ninh cũng to lớn lên và được trang bị mạnh mẽ hơn để đề phòng chống đối. Như vậy
để đảm bảo tính chính danh, duy trì quyền lực thì đổi mới kinh tế là giải pháp
hai trong một: làm sao cho dân khá lên về kinh tế và đồng thời phải có môt hệ
thống công an để sẵn sàng trấn áp (vì khá lên về kinh tế người dân sẽ đòi hỏi
nhiều quyền hơn cái ăn cái mặc). Các nghiên cứu cho thấy khi các đảng CS cảm thấy hệ thống
trấn áp của mình yếu
thì họ sẽ mở cửa mạnh mẽ và tư nhân hóa rất
nhanh (trường hợp nhiều nước Đông Âu, gọi là biển thủ của công rồi biến nhanh,
các nhà kinh tế chính trị gọi hiện tượng này là “biển thủ trong một ngày mưa”,
Embezzlement in a rainy day), còn nếu còn tự tin vào sức mạnh của hệ thống này thì họ
sẽ mở cửa từ từ, dần dần (trường hợp Việt Nam, Trung
Quốc).
Tuy nhiên, với Việt Nam và Trung
Quốc như đã nói,
tham nhũng phát sinh từ chính sách phát triển kinh tế nhưng không chấp
nhận các nguyên tắc kiểm soát lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực (tam quyền)
trong hê thống thể chế, không minh bạch và thiếu vắng giải trình, từ đó làm suy yếu nền kinh tế,
quyền lực nhà nước lung lay. Nhà nước buộc phải chống tham nhũng. Tiếp tục câu chuyện chống
tham nhũng bằng minh họa sau đây:
Có một vụ tham nhũng lớn, giả sử
ban đầu nhà nước - một-đảng muốn cho dân chúng thấy rằng mình cũng tôn trọng các nguyên tắc minh bạch,
giải trình và cũng muốn để cho tòa án xét xử, và đảng cũng không xen vào. Khi
tiến hành điều tra, nhà nước phát hiện ra sự
yếu kém của hệ thống, sự tham nhũng nằm ngay trong các quan chức cao cấp và người
thân của họ. Lúc này, sự tự do báo chí nếu có (được mệnh danh là quyền lực thứ
tư), cũng như các nguyên tắc giải trình và minh bạch nêu trên được thực thi,
sẽ làm cho dân chúng oán hận, tính chính danh trở nên mong manh. Nhà nước sẽ ở thế tiến thoái lưỡng nan, chấp nhận phơi bày thì càng gây thêm oán giận của dân
và không chắc hậu quả sẽ như thế nào. Vì vậy, không thể tiếp tục phanh
phui được nữa nên đành phải giới hạn thậm chí ngăn chặn báo chí (nghĩa là không
thể minh bạch), và sẽ không có giải trình của các quan chức liên quan (Nếu đóng
cửa giải trình với nhau thì cũng như không vì không ai biết được là có giải
trình hay không). Tòa án bị ngăn lại vì lệnh dừng từ trên. Khi dân cảm thấy bức
xúc và phản ứng, biểu tình vì không được biết, không được nghe (đòi giải trình)
thì hệ thống công an sẵn sàng vào cuộc - không phải để thực thi luật pháp bắt
những kẻ tham nhũng, mà để trấn áp việc chống đối nhà nước thậm chí
là trấn áp việc chống đối những quan chức tham nhũng vì họ vẫn đang tại chức, để đảm bảo
tính chính danh, uy tín.
Song song đó, việc gắn kết ngày
càng nhiều những bên liên quan với nhà nước (nhân thân, sân
sau của quan chức, anh em, vợ con bà con…) sẽ càng làm khó cho chính đảng. Sự
điều động hay dàn xếp hạ cánh nội bộ sau đó hoàn toàn không có tác dụng răn đe
chính quan chức tham nhũng và cả các quan chức chuẩn bị tham nhũng, vì “hình phạt” như vậy thực ra không khác lộc vua/đảng ban cho.
Như vậy có thể
thấy rằng chống tham nhũng mà không chấp nhận những nguyên tắc của pháp quyền
cũng như không có sự độc lập của tòa án và của hệ thống báo chí, thì dù có
quyết tâm cũng thất bại. Thất bại ở chỗ muốn đảm bảo tính chính danh bằng công
khai- minh bạch, chấp nhận giải trình nhưng nếu công khai
minh-bạch và chấp nhận giải trình thì lại làm lung lay chính tính chính danh đó.