05 juillet 2017

Đan sĩ Đan viện Thiên An: Sự thật và hệ thống tuyên truyền sai sự thật của nhà nước



GNsP (05.07.2017) – Hơn 107 hécta đất-nhà-rừng thông thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện Thiên An đang có dấu hiệu bị chặt phá, đốn hạ, vắt kiệt nhựa thông khiến nhiều vạt thông chết rũ là hành vi tàn phá môi trường sinh thái thiên nhiên, hủy diệt lá phổi xanh của thành phố Huế, phá vỡ cảnh quan thơ mộng của đất Thần Kinh.
Các cơ quan có thẩm quyền tại tỉnh Thừa Thiên Huế và truyền thông báo chí nhà nước “đổ thừa” trên các phương tiện truyền thông đại chúng cho rằng, chính các Đan sĩ Đan viện Thiên An đã có hành vi phá hoại rừng thông.
Sự thực vụ việc này như thế nào, “ai” đang ác ý và dã tâm phá hủy môi trường thiên nhiên, xin mời quý vị dõi theo cuộc phỏng vấn giữa phóng viên GNsP với quý Đan sĩ Đan viện Thiên An.


Cuộc phỏng vấn được thực hiện vào đầu tháng 6.2017, trước một tháng xảy ra biến cố nhà cầm quyền huy động trên dưới 200 côn đồ, cán bộ địa phương, an ninh mặc thường phục tùy tiện xông vào nội vi Đan viện, mang theo hung khí đủ loại tháo dỡ, làm bể cong rồi nhổ bật cây Thánh Giá trong nội vi Đan viện, và sau đó tấn công, hành hung các Đan sĩ.

Huyền Trang, GNsP: Thưa thầy, trong thời gian vừa qua, báo chí nhà nước liên tục đưa tin tuyên truyền rằng các Đan sĩ Đan viện Thiên An (ĐVTA) đang có hành vi chặt phá rừng thông, tàn phá môi trường xung quanh nơi đây. Xin thầy có thể chia sẻ rõ hơn về sự việc này và thầy nhận xét như thế nào về cách đưa tin của báo chí nhà nước?

Đan sĩ Paul Vicent Vũ Thanh Long: Trong thời gian vừa qua, nhà nước đã dùng công cụ báo chí và các trang facebook của nhà nước để bôi nhọ và nói xấu Đan viện, người ta đặt “ai đó” [chặt phá rừng thông] là ám chỉ các Đan sĩ ĐVTA. Thực sự 107 hécta [đất-nhà-rừng thông] của ĐVTA là do cha ông khai phá và để lại. Nhà nước đã cho người dân vào rừng thông khai thác [nhựa] thông bằng các hình chữ V, đục khoét, nạo… khiến thông dần dần chết đi.107 hécta rừng thông của ĐVTA là lá phổi xanh của thành phố Huế, tuy nhiên nhà nước đang muốn tàn phá lá phổi xanh này.Điển hình như:
Khu rừng thông ngay mặt đường quốc lộ dẫn vào ĐVTA bị nhà nước lấy, các ông cán bộ [lợi dụng chức] quyền bán đất cho người dân. Họ xây cất nhà, xây dựng chuồng gà ngay trước cổng đi vào Đan viện là bằng chứng cụ thể nhà nước chặt phá rừng thông của ĐVTA, tàn phá môi trường thinh lặng của các Đan sĩ.Ngay dưới chân đồi Đức Mẹ, người ta đã chiếm đoạt, chặt phá rừng thông và trồng tràm.
Khu vực nhà hàng Cát Tường Quân và nhà hàng Bội Trân là vườn cam cũ của Đan viện, nằm giữa khu rừng thông của ĐVTA và đồi Đức Mẹ. Nhà nước đã chiếm đất và bán cho họ, họ chặt phá rừng thông và cứ lấn chiếm dần dần vào rừng thông của Đan viện. Tuy nhiên nhà nước lại vu khống cho Đan viện [chặt phá, đốn hạ rừng thông].
Về Hồ Thủy Tiên, [vào năm 2001], Thừa Thiên Huế là một tỉnh nghèo nhưng lại bỏ ra gần 80 tỷ để xây dựng một công trình mà công luận trong và ngoài nước gọi là công viên ma và không làm lợi ích gì cả. Đây chỉ là cách rửa tiền của các ông cán bộ. Giữa rừng thông của ĐVTA có nhiều chòi mà nhà nước đã làm dang dở [với mục đích] chặt phá rừng thông.Hồ Thủy Tiên được đầu tư với số tiền lớn để phá vỡ khu sinh thái và môi trường tĩnh lặng của Đan viện.

Các Đan sĩ Đan viện Thiên An lên án báo-đài nhà nước đưa tin sai sự thật về vụ việc của Đan viện.

Huyền Trang, GNsP: Thưa thầy, cũng liên quan đến môi trường rừng thông của Đan viện, báo điện tử Thừa Thiên Huế viết rằng,ĐVTA đang phá “con đường dân sinh” “dẫn vào nhà của hơn 100 hộ dân trong thôn Kim Sơn và cũng là đường xe đặc dụng ứng cứu nếu có rủi ro hỏa hoạn xảy ra trong khu vực”, thực hư chuyện này như thế nào?

Đan sĩ Joseph Marie Trữ Mạnh Cường: Tôi rất ngạc nhiên khi nghe thông tin này vì sai sự thật. Vào năm 1960, các cha các thầy xây xong đập Chatađê, tiếp tục đào thêm hai đập nhỏ nữa. Đoạn đường nhà nước gọi là “con đường dân sinh” chính là đoạn đê dài khoảng 50m [đập thứ ba] để các Đan sĩ trữ nước, lấy nước tưới cho vườn cam, bơm nước lên khu vực Đan viện để phục vụ cho sinh hoạt. Do đó, con đường đó không phải là “con đường dân sinh” [như báo chí nhà nước nói] mà là con đê của đập trữ nước. Người dân đã đi qua con đường này vào khu vực rừng thông để lấy nhựa thông trái phép được sự tiếp tay của chính quyền.Hướng Tây của con đê này là khu vực Hồ Thủy Tiên thì không có chuyện người dân tự do đi ngang qua khu vực Hồ Thủy Tiên, tiếp cận với “con đường dân sinh” và đi ngang qua làng Kim Sơn. Do đó không có “con đường dân sinh” nào [như báo chí đề cập].
Một sự sai trái của truyền thông [nhà nước khi đưa tin là] làng Kim Sơn có 100 hộ gia đình mà chính xác là làng Kim Sơn chỉ có 27 hộ gia đình. Các hộ gia đình này sống tách biệt hẳn với khu vực ở đây, xung quanh họ có nhiều con đường lớn để đi lại.Nên không có chuyện người dân làng Cư Chánh đi xuyên qua Hồ Thủy Tiên, rồi cắt ngang qua đất của ĐVTA, rồi đến làng Kim Sơn. Do đó không có “con đường dân sinh” nào như báo chí nhà nước nói.
Một khía cạnh khác liên quan đến phương tiện chữa cháy [như báo chí nhà nước đề cập], bản thân tôi ở [Đan viện] được 7 năm, mỗi lần chữa cháy [rừng] thì chính các thầy là người ra chữa cháy đầu tiên, hầu như chữa cháy xong rồi thì họ mới đến, mà mỗi lần đến họ không mang phương tiện gì ngoài những cái bình giống như bình xịt thuốc sâu vậy. Nếu muốn choxe đặc dụng vào chữa cháy thì xung quanh ĐVTA phải có những con đường lớn để có thể đưa các xe này vào phục vụ cho việc chữa cháy nhưng không có.
Ban truyền thông[tỉnh Thừa Thiên Huế] đại diện cho nhà nước [đưa tin] không chính xác, bịa đặt sẽ mất lòng tin nơi người dân.

Vị Đan sĩ cao niên hơn 80 tuổi Stanislas Trần Minh Vọng từng đổ mồ hôi xương máu và gắn bó cuộc đời của ngài trên mảnh đất này ngót 60 năm phủ nhận “không có con đường dân sinh” nào đi ngang qua khu đất của Đan viện. Đây là lối mòn đi lên đập Chatađê – thuộc nội vi Đan viện Thiên An.

Nhà cầm quyền tỉnh huy động xe tải, xe múc chuyên dụng cỡ lớn, công nhân vào chặt phá rừng thông, đào xới khu đất… ngang nhiên làm một con đường được gọi là “đường dân sinh” trên diện tích đất thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện Thiên An.

Huyền Trang, GNsP: Thưa thầy, cách báo chí nhà nước đưa tin bóp méo sự thật về công việc của các Đan sĩ thì phản ứng của các Đan sĩ như thế nào trước những lời vu cáo này?

Đan sĩ Lui Đặng Duy Hưng: Chúng ta không nên quá ngạc nhiên và bất ngờ về cách đưa tin của các báo đài cộng sản, việc đưa tin [của họ] theo định hướng của nhà nước đã vạch ra, người dân VN hiểu quá rõ về điều này.Tuy nhiên, anh em chúng tôi muốn khẳng định lập trường của mình, phải nói lên sự thật [nên] ba lý do chính yếu Đan viện chúng tôi muốn chia sẻ:
Thứ nhất, tài sản của ĐVTA là tài sản chung của Giáo Hội. Mỗi người Kitô hữu là thành viên của Giáo Hội và các Đan sĩ cũng chính là thành viên của Giáo Hội.Các Đan sĩ đã sống ở đây có trách nhiệm bảo vệ, quản lý tài sản của Giáo Hội. [Khi] bị xâm phạm đến quyền sở hữu đất đai của Đan viện thì anh em chúng tôi lên tiếng bảo vệ quyền chính đáng của Đan viện.
Thứ hai, linh đạo của chúng tôi là “Ora Et Labora” có nghĩa là “Cầu Nguyện và Lao Động”. Trong đời sống cầu nguyện, các Đan sĩ cần có bầu khí thinh lặng là một trong những điều cơ bản và quan trọng nhất để các thầy kết hợp với Chúa trong mọi khoảnh khắc cuộc sống. Về lao động, chúng tôi không được nhà nước trả lương hàng tháng nên chúng tôi phải lao động chân tay thì chúng tôi cần có đất có vườn để canh tác. Đó là lý do chúng tôi quyết tâm đòi lại đất để có đất canh tác và có bầu không khí thinh lặng cầu nguyện.
Thứ ba, quyền tư hữu [đất đai] là quyền cơ bản của người dân Việt Nam nhưng nhà nước phủ nhận quyền này. Chính vì thế rất nhiềubà con bị mất đất, rất nhiều người dân nghèo chạy đôn chạy đáo đi kiện tụng về đất đai, đời sống của họ khá bấp bênh. Các Đan sĩ ĐVTA chúng tôi là những người nghèo của xã hội, muốn góp một chút tiếng nói để nói lên hiện trạng của xã hội Việt Nam ngày hôm nay, lên tiếng bảo vệ người nghèo. Đây chính là một trong những lý do căn bản mà anh em chúng tôi muốn nhắm đếnlên tiếng cho Công lý và Sự thật, nói thay cho những người thấp cổ bé miệng, những người nghèo mà đất nước VN chúng ta đang trải qua.

Huyền Trang, GNsP: Thưa thầy, qua các biến cố của Đan viện như các Đan sĩ vừa nêu liên tục bị báo đài nhà nước đưa tin sai sự thật, vu khống các Đan sĩ thì nguyện ước của thầy là gì? Thầy có lời chia sẻ gì đến những người đã, đang và sẽ quan tâm đến vụ việc của ĐVTA?

Đan sĩ Gioan Kim Khẩu – Phạm Đình Hưng: Mong muốn của Đan viện là cái gì của Đan viện thì nên trả lại cho Đan viện, đặc biệt là tài sản, đất đai của Đan viện. Qua phóng sự này, Đan viện xin cám ơn tất cả mọi người đã và đang theo dõi, hiệp thông, chia sẻ và cầu nguyện cho Đan viện trong thời gian qua. Qua đây cũng xin mọi người hiệp ý cầu nguyện và tiếp tục chia sẻ với Đan viện trong những hoàn cảnh khó khăn và cùng với Đan viện lên tiếng bảo vệ Sự thật, bảo vệ tài sản chung của Giáo hội. Đan viện luôn hiệp thông cùng với mọi người đang chịu cảnh áp bức vì Công lý và Sự thật.

Huyền Trang, GNsP: Kính thưa thầy, thầy là một trong những vị cao niên là thế hệ đầu tiên của ĐVTA, thầy đã chứng kiến nhiều biến cố tang thương của Đan viện. Thầy nghĩ như thế nào về việc các Đan sĩ trẻ mạnh mẽ lên tiếng bảo vệ 107 hécta đất-nhà-rừng thông của ĐVTA? Sự lên tiếng này có cần thiết không? Vì sao ạ?

Đan sĩ Stanislas Trần Minh Vọng: Rất cần thiết. Tôn chỉ của ĐVTA, tu luật Thánh Biển Đức là “Ora Et Labora” (tiếng Latinh), “Cầu Nguyện và Lao Động” (Tiếng Việt). Đời sống Đan sĩ chúng tôi có tinh thần biệt thế, xa lìa thế gian, cần có môi trường thinh lặngvì thế chúng tôi cần có môi trường rừng rú xung quanh để giúp chúng tôi cô tịch cầu nguyện.
Chúng tôi có hai hồ nước chính để lao tác cho việc sinh hoạt là giếng nước dưới lòng Hồ Thủy Tiên sâu 12m, dài 14m, ngang 18m và đập Chatađê. Vào năm 1958, Đan viện xây dựng đập Chatađê để có nguồn nước tưới rau, trồng cam, chăn nuôi và nước sinh hoạt hằng ngày.Đan viện cũng xây thêm hai cái đập nhỏ dẫn về Đan viện.Xây dựng hai đập nhỏ để phòng hờ nếu đập lớn Chatađê hết nước thì còn có hai đập nhỏ dự trữ nước.Vào năm 2000, nhà nước lấy hồ nước và trang trại của chúng tôi để xây dựng Khu du lịch Hồ Thủy Tiên.
Nhà nước không được xen vào đời sống riêng tư của chúng tôi, tôi yêu cầu nhà nước tôn trọng nơi cầu nguyện của chúng tôi, nên phải trả lại rừng thông cho chúng tôi để chúng tôi có nơi cầu nguyện.Cầu nguyện không chỉ cho riêng bản thân mà chúng tôi cầu nguyện cho Giáo hội toàn cầu và cho thế giới, cầu nguyện cho đất nước Việt Nam được hòa bình.Chúng tôi yêu cầu nhà nước trả lại Hồ Thủy Tiên do ĐVTA quản lý, phải trả lại đập Chatađê để nhà dòng có nguồn nước sinh hoạt.

“Chúng tôi mong muốn các Đan sĩ trẻ gìn giữ đất đai của Đan viện cũng như tài sản của Giáo Hội. Tre tàn măng mọc thì tất cả các Đan sĩ tiếp tục gìn giữ, bảo vệ đất của Thiên An”. Đó là ước nguyện của vị Đan sĩ già, bền bỉ ươm mầm và vun trồng ơn gọi đời sống Thánh hiến một cách thầm lặng tại Đan viện Thiên An hơn 60 năm trung tín – Đan sĩ Stanislas Trần Minh Vọng.

Huyền Trang, GNsP: Kính thưa thầy, thầy có lời nhắn nhủ gì đến các Đan sĩ trẻ đang dấn thân bảo vệ Sự thật và Công lý?

Đan sĩ Stanislas Trần Minh Vọng: Chúng tôi mong muốn các Đan sĩ trẻ gìn giữ đất đai của Đan viện cũng như tài sản của Giáo Hội. Tre tàn măng mọc thì tất cả các Đan sĩ tiếp tục gìn giữ, bảo vệ đất của Thiên An.

Huyền Trang, GNsP: Kính thưa quí vị, tuyên truyền dối trá, kích động bạo lực, chống lại Công lý và Sự thật đang diễn ra hàng ngày trên quê hương mà đỉnh điểm hiện nay là ở Giáo xứ Song Ngọc thuộc Giáo phận Vinh và Đan Viện Thiên An. Nhưng Sự thật sẽ sáng tỏ, Công lý sẽ được thực thi một ngày không xa.

Huyền Trang, GNsP
Nguồn: Theo TMCNN