Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng phu nhân chụp hình với lãnh đạo Hoa Kỳ và Úc cùng phu nhân của họ bên lề Hội nghị G20 ở Đức gần đây |
Bình luận về Tổ tư vấn kinh tế của Thủ
tướng Chính phủ, kinh tế gia Phạm Chi Lan nói với BBC với quyết định này, Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc "mở ra kênh để các chuyên gia tư vấn mời các chuyên
gia khác, kể cả những người ở nước ngoài, cùng đóng góp".
Từng là thành viên của Ban nghiên cứu của Thủ tướng
Chính phủ từ năm 1996-2000, bà Phạm Chi Lan hy vọng các thành viên của tổ tư
vấn này là hạt nhân và sẽ "hình thành được một mạng lưới rộng rãi
hơn" để thu hút sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia trong các lĩnh vực
khác nhau của xã hội, trong đó có phụ nữ.
Tổ tư vấn kinh tế này gồm 15 thành viên, do Tiến sĩ Vũ
Viết Ngoạn, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia làm tổ trưởng.
Các thành viên khác gồm các chuyên gia đang làm việc trong và ngoài nước tại
các trường đại học, viện nghiên cứu.
Đây là cơ quan vừa được thành lập để tư vấn về các
chiến lược, đề án, chính sách phát triển kinh tế trung và dài hạn cho Thủ tướng
Việt Nam.
Trong số họ cũng có một số vị là chuyên gia đầu ngành
từng làm trong Tổ tư vấn dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Vì sao không có thành
viên nữ?
Khi được hỏi vì sao không có thành viên nào là nữ
trong tổ tư vấn này, bà Phạm Chi Lan bình luận:
"Các thành viên của Tổ Tư vấn được mời theo những
người có chuyên môn cần thiết và có đủ sức khỏe để làm việc. Trước đây, Tổ tư
vấn chính phủ có hai thành viên nữ là tôi và bà Nguyễn Thị Hiền. Lúc đó chúng
tôi ở độ tuổi mới nghỉ hưu nên còn làm việc được. Có thể những người khác ở
độ tuổi trẻ hơn là nữ làm việc ở các nơi thì lại chưa có được nền tảng kinh
nghiệm cần thiết để tham gia."
Tổ này chủ yếu là tư vấn cho thủ tướng về các vấn đề
vĩ mô nên đòi hỏi những người tham gia có kinh nghiệm từng trải của mình trong
những công việc đối với chính sách vĩ mô của nhà nước, bà Phạm Chi Lan nói
thêm.
"Tuy nhiên phải lưu ý một điều là trong quyết
định của thủ tướng về thành lập tổ tư vấn này, Thủ tướng đã mở ra kênh để các
chuyên gia tư vấn mời các chuyên gia khác, kể cả những người ở nước ngoài, cùng
đóng góp."
"Tôi tin rằng 15 người này như là hạt nhân và họ
sẽ hình thành được một mạng lưới rộng rãi hơn gồm các chuyên gia làm việc ở
các lĩnh vực khác nhau và đang làm ở các vị trí khác nhau trong xã hội, và
trong đó chắc chắn sẽ có những người phụ nữ có thể đóng góp được tiếng nói tốt
của mình," bà Phạm Chi Lan bình luận.
Ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, hiện là một thành viên Tổ tư vấn kinh tế (T) và Cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (P) |
Khác biệt với Tổ Tư
vấn kinh tế dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Theo bà Phạm Chi Lan, cái khác lớn nhất so với tổ kinh
tế dưới thời cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là ở chỗ có bốn thành viên đang sinh
sống và làm việc ở nước ngoài - ở Mỹ, Nhật, Pháp và Singapore, những nước mà
Việt Nam có rất nhiều quan hệ kinh tế.
"Họ cũng là những chuyên gia rất nổi tiếng đã tâm
huyết đóng góp nhiều cho Việt Nam."
Bà cho biết thêm dưới thời cựu thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng, tổ tư vấn không có những chuyên gia như thế.
Thứ hai, trong tổ tư vấn hiện tại có nhiều người làm
việc ở các trường đại học chẳng hạn ông Vũ Thành Tự Anh đang làm việc ở
Trường đại học Fulbright.
"Tôi thấy cơ cấu của tổ này có được những người
như vậy là rất quý," bà Phạm Chi Lan nhận xét.
Bà nói thêm cách làm việc của tổ này có vẻ mở hơn vì
trong quyết định của thủ tướng nói rõ các thành viên của tổ sẽ tiếp cận với
các chuyên gia ở bên ngoài.
"Hoạt động của tổ trước dưới thời ông Nguyễn Tấn
Dũng có vẻ hơi khép kín nên xã hội không biết được lắm tổ này hoạt động như
thế nào, tiếng nói đóng góp ra sao nên khả năng thu hút sự đóng góp của xã hội
ít đi."
Thủ tướng Phúc "có lẽ có một số mục tiêu quan trọng và cần có tổ tư vấn để giúp cho các lĩnh vực đó". |
Thành viên tổ tư vấn
"hiểu rõ về pháp lý kinh tế"
Khi được BBC hỏi vì sao không có các chuyên gia pháp
lý trong tổ tư vấn của Thủ tướng chính phủ, bà Phạm Chi Lan cho rằng có lẽ Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc có một số mục tiêu quan trọng và cần có tổ tư vấn để
giúp cho các lĩnh vực đó, chứ không nhất thiết tất cả các lĩnh vực đều phải có
tổ chuyên gia tư vấn riêng.
Theo bà, thực tế ở Việt Nam đã hình thành những bộ
máy nghiên cứu sâu về các lĩnh vực mà thủ tướng có thể tham vấn được rồi.
Về cải cách thể chế kinh tế, bà Phạm Chi Lan nhận
xét:
"Những người tham gia tổ kinh tế này cũng là
những người hiểu các vấn đề về pháp lý kinh tế. Chẳng hạn ông Nguyễn Đình Cung
đã chủ trì xây dựng rất nhiều luật về kinh tế. Hay ông Bùi Quang Vinh là người
chủ trì xây dựng dự án Việt Nam 2035, rồi ông Vũ Thành Tự Anh là người đã viết
bao nhiêu bài khuyến nghị về chính sách cho chính phủ Việt Nam. Họ là những
người hiểu rất rõ các vấn đề pháp lý."
Kinh tế gia Phạm Chi Lan khẳng định lại là họ còn có
kênh để hợp tác với các chuyên gia khác:
"Khi có những vấn đề chuyên sâu về pháp lý, họ
hoàn toàn có thể mời các chuyên gia pháp lý cùng làm với họ."
Nguồn: Theo BBC