-Nguyễn Đăng Quang-
Nhân danh "Người cầm dây" Quốc hội quyết định... |
Trong bài “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cần phải tuyên thệ trước Quốchội”, người viết có đưa ra nhận xét sau đây: “Kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khoá XIII là kỳ họp “lạ thường”, kỳ
họp ngắn nhất nhưng lại được lệnh thông qua nhiều vấn đề “đột xuất
nhất” từ trước đến nay mà nhiều ý kiến cho rằng có một số việc “vi
hiến”. Sau khi bài viết được công
bố, nhiều độc giả đến gặp trực tiếp, gọi điện thoại hoặc gửi
emails chia xẻ, trao đổi và muốn người viết nói rõ thêm về những
điều “lạ thường” và “vi hiến”
của Kỳ họp thứ 11 và cũng là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khoá
XIII để bạn đọc gần xa có thêm thông tin và rộng đường dư luận!
Trước yêu cầu trên của độc giả, tôi xin mạn
phép có đôi lời. Trước hết, về việc “vi hiến”. Việc này có xảy ra
trong Kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khoá XIII hay không?
Trước khi trả lời là câu hỏi này, xin
khẳng định điều sau đây: Việc Quốc hội bầu mới hoặc thay đổi các
chức danh lãnh đạo Nhà nước, trong đó có Chủ tịch Quốc hội, Chủ
tịch nước và Thủ tướng Chính phủ vào đầu, giữa hay cuối nhiệm
kỳ hay vào bất cứ thời điểm nào mà Quốc hội thấy cần thiết là
thẩm quyền của Quốc hội.
Điều này được Hiến pháp cũng như Luật Tổ
chức Quốc hội cho phép. Do vậy, việc bầu bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm
Chủ tịch Quốc hội, ông Trần Đại Quang làm Chủ tịch nước, ông Nguyễn
Xuân Phúc làm Thủ tướng Chính phủ trong kỳ họp chót của Quốc hội
Khoá XIII vừa qua là không sai và không trái với quy định của Hiến
pháp và pháp luật hiện hành!
Nhưng điều đáng bàn là việc trước
đó Quốc hội đưa ra miễn nhiệm 3 chức danh lãnh đạo Nhà nước đối với
3 ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Sinh Hùng. Đây là
việc hoàn toàn khác, bởi việc miễn nhiệm này không đáp ứng các
điều kiện của luật định! Trong bài viết “ Thay đổi 3 chức vụ lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước trước
nhiệm kỳ là trái Hiến pháp” cách đây bốn tuần lễ, tôi có phân
tích việc Kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khoá XIII đưa ra “miễn nhiệm” 3 vị
lãnh đạo cao nhất của Nhà nước là Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch
nước và Thủ tướng Chính phủ trước nhiệm kỳ là trái Hiến pháp!
Điều 87 Hiến pháp 2013 quy định: “Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo
nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước
sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới bầu ra Chủ
tịch nước”. Còn Điều 97 Hiến pháp 2013 quy định: “Nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ
của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục làm
nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới thành lập Chính phủ.” Do vậy, Kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khoá
XIII tiến hành “miễn nhiệm” 3 vị
lãnh đạo cao nhất của Nhà nước khi nhiệm kỳ của họ còn hơn 3 tháng
nữa mới kết thúc là trái với quy định của Hiến pháp!
Một câu hỏi được đặt ra, vậy Quốc hội
có quyền và có thể thay đổi Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ
giữa chừng khi nhiệm kỳ của họ chưa kết thúc không? Câu trả lời là
CÓ, vì đây là quyền của Quốc hội được Hiến pháp cho phép! Nhưng
việc này phải tuân thủ các điều kiện luật định, như đương sự phải có
đơn xin từ nhiệm hoặc đơn xin miễn nhiệm vì lý do sức khoẻ (Điều
10 Luật Tổ chức Quốc hội 2014), hoặc đương sự bị đưa ra “Bỏ phiếu
tín nhiệm” mà không vượt qua thủ tục này như quy định tại Điều 13
Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014: “Người
được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa số ĐBQH bỏ phiếu không
tín nhiệm có thể xin từ chức. Trường hợp không từ chức thì Quốc
hội sẽ xem xét và quyết định việc miễn nhiệm”!
Trong các trường hợp như vậy, Quốc hội
sẽ phải tiến hành các thủ tục miễn nhiệm theo đúng quy trình. Song
rất tiếc, tại Kỳ họp 11 vừa qua, Quốc hội tiến hành thủ tục “miễn nhiệm”
3 vị trên khi Quốc hội không hề nhận được đơn xin từ chức hoặc xin
được miễn nhiệm của bất cứ ai trong 3 vị này cả; và ngay cả quy
trình “Bỏ phiếu tín nhiệm” trước khi tiến hành “miễn nhiệm” như quy
định tại Điều 13 Luật Tổ chức Quốc hội 2014, Quốc hội cũng bỏ qua,
không thực hiện đúng theo luật định!
Vì vậy, việc “miễn nhiệm” 3 vị
lãnh đạo trong kỳ họp chót Quốc hội vừa qua là khác thường và không
có cơ sở pháp lý, trái với Điều 87 và 97 Hiến pháp 2013; đồng thời, nó cũng vi phạm các Điều 10,
11, 12 và 13 của Luật Tổ chức Quốc hội 2014!
Qua đây, một lần nữa ta lại thấy sự cấp
thiết phải sớm có Toà án Hiến pháp (Toà Bảo hiến), một định chế
có quyền giám sát cũng như đưa ra xét xử mọi hành vi vi phạm Hiến
pháp, trong đó có những hành vi như lạm quyền, tiếm quyền, lộng
quyền của bất cứ tổ chức hay cá nhân nào cố tình “ngồi” trên Quốc
hội và Hiến pháp!
Còn về “lạ thường”, xin độc giả đọc
qua mẩu tin của Infonet (báo điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông)
sau đây: Ngày 24/3/2015, khi phóng
viên Infonet đặt câu hỏi “ Còn chưa
đầy một tuần nữa, Quốc hội sẽ bầu các chức danh lãnh đạo mới mà
giờ chưa có (hồ sơ, danh sách) gì trong tay, liệu quá trình chuẩn bị
có quá gấp gáp?” Ông Nguyễn
Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, đáp: “Không có gì (gấp gáp) cả, chỉ cần chờ cơ quan Đảng trình
sang thôi!”. Như vậy, việc miễn nhiệm và bầu mới các chức danh
lãnh đạo Nhà nước rõ ràng không phải xuất phát từ nhu cầu “Sắp xếp
nhân sự” của Quốc hội, mà xuất phát từ yêu cầu “Kiện toàn nhân sự
lãnh đạo Nhà nước” của bên Đảng đưa sang!?
Điều “lạ thường” chính là ở chỗ này!
Trong khi các văn bản chính thức đều khẳng định, Quốc hội là cơ quan
quyền lực Nhà nước cao nhất, trên Quốc hội chỉ có thể là Hiến pháp!
Nhưng qua việc này người ta thấy, Quốc hội hình như chỉ đơn thuần là
cơ quan chấp hành và thực hiện các chỉ thị từ bên Đảng mà thôi! Nhân
đây, tôi đề nghị Quốc hội, mà trước hết là Uỷ ban Thường vụ Quốc
hội, nhất thiết phải tuân thủ nguyên tắc “thượng tôn pháp luật”, làm
gì cũng phải tuân thủ Hiến pháp và các quy định của pháp luật, nếu
“tờ trình” hay “kế hoạch” của ai đó trái với Hiến pháp thì Quốc
hội giữ quyền trả lại, không thi hành. Như thế mới có thể nói Quốc
hội là “cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất” được!
Qua đây ta mới thấy thể chế Nhà
nước Pháp quyền theo nguyên tắc “tam quyền phân lập” là quan trọng và
thiết thực như thế nào! Ba nhánh quyền lực của Nhà nước pháp quyền
( gồm Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp) hoàn toàn độc lập với nhau, không
phụ thuộc lẫn nhau, và đặc biệt không một ai có quyền ra lệnh cho ai,
trên họ là Hiến pháp và chỉ có thể là Hiến pháp mà thôi! Gọi là “Tam quyền phân lập” là vì thế! Chỉ khi nào nước ta áp dụng mô hình thể
chế Nhà nước Pháp quyền theo nguyên tắc “tam quyền phân lập” có cơ
chế Toà án Hiến pháp cùng song hành, lúc đó mới có thể nói nhân
dân Việt Nam thực sự là chủ nhân ông của đất nước! Nhưng rất tiếc,
đến nay, chúng ta vẫn chưa có được dù chỉ một trong 2 cơ chế trên!
Thêm một điều “lạ thường” nữa: Khi tờ trình “Kiện toàn bộ máy nhân sự
lãnh đạo Nhà nước” của bên Đảng đưa sang, người ta không thấy có số
dư nào cho 3 chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng
Chính phủ, tức mỗi chức vụ chỉ có một “ứng viên” độc nhất! Tất cả
các chức vụ khác mà Quốc hội bầu lần này cũng vậy, không một chức
vụ nào có quá một “ứng viên”! Để
biện bạch cho điều “lạ thường” này, ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định “Công tác nhân sự (sắp xếp bộ máy
lãnh đạo Nhà nước) là của Đảng”.
Vậy là rất rõ, công việc tối
quan trọng này không phải là của Quốc hội mà là của ĐCSVN! Khi các nhà báo hỏi vì sao không có số
dư, ông Hạnh Phúc trả lời: “ Theo
Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, các ĐBQH đều có quyền ứng cử
hoặc đề cử ĐBQH khác vào các chức vụ mà Quốc hội bầu”! Tưởng
lời nói này là thành thực, cử tri toàn quốc hy vọng thế nào cũng
có một vài ĐBQH dũng cảm sử dụng quyền dân chủ của mình.
Nhưng đợi
mãi chẳng thấy quý vị ĐBQH nào dám can đảm thực hiện quyền này cả.
Gần 500 ĐBQH Khoá XIII - phần lớn là các tinh hoa và những người am
tường luật pháp, lại có thuận lợi là không phải qua “cửa ải hiệp
thương” vòng 1, vòng 2, vòng 3 như các ứng viên độc lập (ra ứng cử
Quốc hội Khoá XIV) vừa rồi trải nghiệm - lại bỏ qua một cơ hội
tuyệt vời để chứng minh cho thế giới biết Quốc hội Việt Nam ta, cũng
giống như Quốc hội các nước khác, là một Quốc hội dân chủ, và xa
hơn nữa, là “cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất”!
Đây là 3 trong những cập luỵ mà
Kỳ họp cuối cùng Quốc hội Khoá XIII để lại. Trong tất cả các kỳ
họp của 13 khoá Quốc hội trong suốt 70 năm qua, có lẽ đây là kỳ họp
lạ lùng nhất, vì chưa khi nào có hiện tượng lạ thường là trong một
kỳ họp lại “miễn nhiệm” cả 3 chức vụ lãnh đạo chủ chốt của Nhà
nước khi nhiệm kỳ của họ còn đang dang dở! Rồi đây, việc miễn nhiệm
“cả gói” này sẽ còn gây tranh cãi và sẽ đi vào lịch sử lập pháp
nước nhà như một sự kiện hy hữu!
Tôi có mang những khúc mắc trên ra trao
đổi với một vài vị lão thành cách mạng, đảng viên tâm huyết và
nguyên là các cán bộ lãnh đạo trung cao cấp. Tất cả đều lắc đầu và
nói: Làm gì có ĐBQH nào đủ dũng khí ngày nay! Một khi trong Đảng
không có dân chủ thì trên diễn đàn Quốc hội cũng như ở ngoài xã hội
làm sao có dân chủ được?! Tất cả là do cái Quyết định 244-QĐ/TƯ mà
ra cả! Anh thừa biết là trên 90%
ĐBQH là đảng viên, vậy hỏi anh: Liệu các đảng viên có ai dám liều
lĩnh tự mình ghi danh ứng cử hoặc nhận đề cử khi không được Đảng
chuẩn thuận không? Khi không đảng viên nào dám làm như thế thì anh đừng
đòi hỏi các ĐBQH ít ỏi không phải là đảng viên kia thực hiện các
phép thử để tìm ra nghiệm đúng. Tất cả họ đều hiểu rõ thân phận
của mình!
Tôi định tranh luận thêm cùng các cụ, nhưng thấy các cụ
nói quá đúng, nên đành im lặng, không dám bàn gì thêm! Tôi chợt nhớ
đến 2 câu nói bất hủ, rất nổi tiếng và tiêu biểu cho não trạng và đỉnh
cao trí tuệ của các thế hệ lãnh đạo xưa nay: “ Nền dân chủ của
chúng ta gấp vạn lần các nước khác!” và “ Nước ta dân chủ đến thế
là cùng!”
Tôi chẳng nhớ được nguyên
văn câu nói của họ, cũng như tên tuổi của 2 tác giả này là ai, già
hay trẻ, họ nói khi nào và nói để làm gì, và họ có thấy hết giá
trị của mình khi thốt ra câu nói để đời đó không? Nhưng tôi mạn phép được
nhắc lại 2 câu nói bất hủ này để vừa làm lời minh hoạ vừa làm lời
kết cho bài viết ngắn ngủi này, đồng thời xin trân trọng gửi đến 2
tác giả lời cám ơn chân thành.
Hà
Nội, ngày 24/4/2016.
N.Đ.Q.
*************