Ngọc Quang
(GDVN) - PGS.TS Nguyễn Văn Nhã: “Tôi giật
mình khi có đồng nghiệp khoe rằng tham khảo 10 trường ĐH tiên tiến nhất để xây
dựng chương trình của riêng mình...”.
Tiếp tục cuộc trao đổi với PV Báo Giáo dục
Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Nhã – nguyên Trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội,
Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi nhận định, thay đổi cách
thức thi tốt nghiệp THPT chỉ là điểm khởi đầu trong một chuỗi đổi mới nền giáo
dục. Vấn đề cấp bách hiện nay là phải nghiêm
túc xem xét lại công tác đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng… nơi trực tiếp
cung cấp sản phẩm ra xã hội.
Trẻ con nghĩ gì?
Thầy Giáo nghĩ gì? Xã hội nghĩ gì?
PGS Nhã phân tích, đổi mới thi tốt nghiệp
THPT chỉ là việc đầu tiên cần làm, tiếp theo đó phải đổi mới chương trình –
SGK; tiếp đó phải thay đổi chương trình đào tạo ở các trường sư phạm, bồi dưỡng
giáo viên... Tuy nhiên, song song với những điều chỉnh ấy mà không giải quyết
được bài toán phân luồng thì vẫn xảy ra tình trạng ùn ùn kéo nhau vào đại học,
sau đó thất nghiệp lại quay sang học nghề, vừa tốn kém cho các gia đình, xã hội
cũng có thêm gánh nặng.
“Tôi nói thật là chúng ta đang nghĩ đến
thượng tầng nhiều, hãy nghĩ đến hạ tầng cơ cơ sở: Xã hội nghĩ gì? Thầy giáo
nghĩ gì? Trẻ con nghĩ gì? Chúng ta đổi mới mà lực lượng người thầy chưa đủ đáp
ứng được thì chúng ta chắc chắn thất bại. Chúng ta đổi mới một sản phẩm nhưng
kỹ sư, kiến trúc sư không đáp ứng được thì chúng ta phải phá dây truyền sản
xuất ấy để làm lại.
Tôi lấy thí dụ, nước Đức sau khi thống nhất
đã phá hết các nhà máy của Đông Đức để đưa công nghệ Tây Đức vào. Họ có thành
công không? Lịch sử đã ghi nhận họ rất thành công. Từ đó nhìn trở lại bài toán
giáo dục của nước ta, bàn đi bàn lại mà chưa tìm thấy đường thoát, và quanh
quẩn mãi với vấn đề sửa đổi sách giáo khoa gây tốn kém cho xã hội. Vậy chúng ta
chọn đúng chưa? Nếu chúng ta chọn đúng thì phải tìm mọi cách làm cho xã hội
hiểu, hiểu rồi thì mới đồng thuận, và dù tốn kém đến mấy cũng phải làm. Nhưng
nếu nó không thuyết phục, không thể hiệu quả được, thì dù chỉ một đồng cũng
không được phí phạm”, PGS Nhã chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã: "Chúng ta có thể tổ chức thi đại học quanh năm, tại sao cứ dồn vào một kỳ?". Ảnh: Ngọc Quang. |
Theo PGS Nhã, với mục tiêu đổi mới đặt ra,
Việt Nam sẽ thay đổi được nền giáo dục, nhưng cần bao nhiêu năm và mục tiêu cụ
thể phải đạt được như thế nào thì chưa ai xác định được.
“Cựu Tổng thống Nam Phi – ông AQ Nelson Mandela
đã từng nói một câu rất sâu sắc: "Giáo dục là một vũ khí đầy sức mạnh mà
chúng ta có thể sử dụng nó làm thay đổi thế giới". Ireland là một bài
học thú vị khi họ vươn lên từ cái gốc là giáo dục và Singapore cũng vậy. Cả hai
quốc gia này đều phải mất tới 40 năm để thay đổi nền giáo dục và trở thành
cường quốc về khoa học kỹ thuật.
Còn Việt Nam thì sao? Bấy lâu nay, chúng ta
vẫn nói giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhưng trên thực tế thì chưa phải vậy.
Tiền rất nhiều nhưng tiêu vào đâu, có hiệu quả không? Vừa rồi có đại biểu quốc
hội đã phát biểu rất thẳng thắn là quốc hội cần phải kiểm soát được ngân sách
trung ương cấp cho địa phương, nếu cấp tiền đầu tư vào giáo dục thì dứt khoát
phải vào giáo dục chứ không thể đưa sang lĩnh vực khác. Cứ loay hoay thế này
thì còn lâu giáo dục mới là hàng đầu được”, PGS Nhã nói.
"Tôi nhớ có
lần Bộ Giáo dục hỏi ý kiến của 60 Giáo sư, Phó Giáo sư uy tín rằng, có nên giữ
kỳ thi ba chung không? Có 54 vị trả lời là giữ kỳ thi ba chung. Còn ba vị không
ý kiến. Chỉ có 3 vị kiên quyết yêu cầu bỏ kỳ thi ba chung. Đấy, thế mới thấy sự
nghiệp đổi mới đại học ở Việt Nam khó vô chừng", PGS. TS Nguyễn Văn Nhã.
Cũng theo PGS Nguyễn Văn Nhã, ngoài chuyện
đổi mới thi tốt nghiệp THPT, Bộ Giáo dục cũng nên tính ngay tới đổi mới thi đầu
vào đại học.
“Thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ có làm quanh
năm được không? Câu trả lời là có. Thi lái xe có tổ chức quanh năm được không?
Câu trả lời là có. Khám sức khỏe làm căn cứ học tập, làm việc có làm quanh năm
được không? Câu trả lời là có. Vậy thì tại sao lại cứ phải dồn học sinh vào một
kỳ thi đại học khiến cho cả xã hội căng thẳng? Với việc cải cách thi tốt nghiệp
THPT hiện nay thì năm tới đây các trường đại học sẽ phải tự tổ chức thi đầu vào
vì kết quả phổ thông không đáng tin cậy, như vậy là vẫn tốn kém đấy chứ, và
cũng chỉ thi đầu vào có một lần.
Tôi đã nói nhiều lần rồi là chúng ta phải dũng
cảm đổi mới đi, hoàn toàn có thể xây dựng các trung tâm khảo thí ở 3 miền trên
cả nước, và mỗi năm tổ chức thi vài lần. Đầu năm các em thi trượt thì về ôn
luyện, 3 tháng sau có thể đến thi, chứ đâu nhất thiết phải chờ đợi thêm cả một
năm? Trên thang điểm ấy, học sinh đăng ký vào các trường phù hợp", PGS Nhã
bày tỏ.
Quá nhiều cử nhân
thất nghiệp phản ánh sự thất bại của giáo dục
Bàn về sự việc hàng trăm nghìn cử nhân thất
nghiệp đã được nêu ra tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, PGS Nguyễn Văn Nhã nhận
định, đây là hệ quả tất yếu khi chưa giải quyết được bài toán phân luồng, chưa
kiểm soát chặt kết quả học và thi THPT, cộng với tâm lý sính bằng cấp nên ai
cũng muốn học đại học dù không trả lời được: Học đại học để làm gì?
“Ở bậc THPT đã không siết được, nhưng ở bậc
đại học thì nhiều chỗ cũng dễ dãi, nhiều trường không đảm bảo điều kiện đào tạo
nhưng vẫn tồn tại, tuyển sinh, rồi phát bằng thì thất nghiệp là điều không
tránh khỏi. Tôi nghĩ nhà nước cần sớm siết lại hệ thống các trường đại học, nhà
nước chỉ nên chi phí cho những ngành đặc thù, còn lại phải để cho các trường tự
chủ thì lập tức chất lượng đào tạo phải nâng lên, nếu không thể nâng lên được
thì phải tự đóng cửa”, PGS Nhã chia sẻ.
PGS Nguyễn Văn Nhã phân tích, nguyên nhân
sâu xa dẫn tới sự yếu kém của nền giáo dục Việt Nam hiện nay là vì “không có
triết lý giáo dục” rõ ràng, mà đây là điều tối kỵ trong khoa học.
PGS Nhã chia sẻ: “Tôi còn nhớ ở một trường
Đại học có đồng nghiệp khoe tham khảo chương trình đào tạo của 10 nước tiên
tiến nhất để xây dựng thành chương trình đào tạo của mình. Tôi giật mình kinh
hãi, bởi lẽ chương trình đào tạo của mỗi quốc gia có một triết lý đào tạo khác
nhau, một thiết kế logic chặt chẽ khác nhau. Chúng ta không thể ghép cơ học để
ra một chương trình hợp lưu mà chương đầu là voi, chương 2 là đại bàng, chương
3 là bò tót! Như thế là lại làm hỏng sự nghiệp đào tạo một cách hồn nhiên, cách
tốt nhất bây giờ là chọn lấy một mô hình tiên tiến thế giới đã thành công để áp
dụng.
Trong một lần tham dự hội thảo khoa học tôi
có nghe ý kiến của đại biểu nước ngoài: Nếu Việt Nam mà có sáng tạo độc đáo,
thành công chưa nước nào làm được thì nên mời các nước đến cùng học và làm
theo, sức mạnh quốc tế sẽ nhân lên gấp bội; nếu chưa chọn được giải pháp hay
thì nên học và tham khảo các bài học thành công của các nước! Họ cũng đang coi
giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhất là Nhật Bản. Nhưng học kinh nghiệm của
người ta thì cần thận trọng, học đến đầu đến đũa, nếu không thì than ôi, hỏng
không cứu lại kịp!”.
Vấn đề nguy hiểm của nền giáo dục Việt Nam
hiện nay không chỉ là câu chuyện đào tạo "hình ống", thiếu kỹ năng
trầm trọng, mà hầu hết cử nhân đều "mù tịt" ngoại ngữ. Vì vậy, PGS
Nhã nói: "Tôi ủng hộ quan điểm của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là bắt buộc
phải thi môn ngoại ngữ ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, nếu không nâng được trình độ
ngoại ngữ thì chúng ta sẽ tụt hậu thê thảm ngay ở khu vực chứ chưa nói gì tới
thế giới.
Tôi nói không hề ngoa rằng nếu so sánh thì
thậm chí chúng ta còn thua cả Lào. Tôi đã có vài dịp sang công tác tại ĐH Quốc
gia Lào, trời ơi từ lãnh đạo nhà trường cho tới các nhân viên mọi phòng ban
đều nói tiếng Anh, tiếng Việt rất tốt. Nhưng điều khiến tôi bất ngờ hơn cả là
một nhân viên bảo vệ và một cán bộ phụ trách ký túc xá cũng nói tiếng Việt và
tiếng Anh rất tốt. Còn ở ta, nhiều người học xong cả thạc sĩ mà còn không đủ tự
tin giao tiếp thì còn nói gì tới nghiên cứu tài liệu, và thế là chỉ dám nói
tiếng Việt thôi. Mà xin lỗi, nói tiếng Việt nhiều khi còn sai".