Dân Trí
Lê Chân Nhân
07-08-2014
(Dân
trí) – Trong tất cả các tội ác mà con người có thể gây ra, thì bức cung
nhục hình để ép bị can nhận tội là tội ác ghê tởm nhiều khi còn hơn cả
giết người.
Bởi vì, có những trường hợp giết người
vì không làm chủ được bản thân, vì tự vệ, vì bộc phát nhất thời. Còn
dùng nhục hình để ép án là hành vi có chủ đích, kéo dài ngày này qua
tháng khác, hành hạ người vô tội. Người dùng nhục hình và bức cung là
cán bộ điều tra, hiểu biết pháp luật, có quyền sinh sát đối với số phận
người khác. Chính vì họ được đào tạo, được nhà nước giao trách nhiệm
điều tra tội phạm, nhưng họ dùng quyền và sức mạnh được giao để nhục
hình một công dân nên mới đáng ghê tởm.
Xâm phạm hoạt động tư pháp để đẩy người
khác vào tù tội, phải chịu án chung thân, tử hình thì những điều tra
viên đó không còn nhân tính. Thậm chí, có trường hợp dùng nhục hình đến
nỗi can phạm bị tử vong ngay trong trại tạm giam.
Vụ án Nguyễn Thanh Chấn với những lời
tố cáo nhục hình chưa làm rõ. Vụ án Hàn Đức Long cũng ở Bắc Giang cũng
tương tự. Hàn Đức Long bị ghép tội hiếp dâm, giết người nhưng một mực
kêu oan. Cán bộ điều tra bức cung bằng cách dùng bút bi kẹp vào các kẽ
ngón tay, đốt bằng bật lửa gas…
Vụ án ở Phú Yên còn tệ hơn, nghi can bị 5 công an đánh chết tại trại tạm giam.
Không lên tiếng cảnh tỉnh thì sẽ còn
bức cung nhục hình nhiều và theo đó là án oan sai chồng chất. Chính vì
vậy nên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang – Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư
pháp Trung ương đã yêu cầu khắc phục tình trạng này. Bộ Công an cũng ban
hành Thông tư, trong đó quy định nghiêm cấm điều tra viên, cán bộ điều
tra bức cung, mớm cung hoặc dùng nhục hình dưới bất kỳ hình thức nào.
Các quy định bằng văn bản quy phạm pháp
luật là cần thiết, nhưng chưa đủ để ngăn chặn hành vi bức cung, nhục
hình, mà phải thực hiện những cải cách cụ thể hơn. Ví dụ, đã có nhiều ý
kiến đề xuất lắp đặt camera trong phòng hỏi cung. Tuy nhiên, nếu cơ quan
điều tra vừa điều tra vừa giam giữ thì khó có thể minh bạch trong
chuyện lấy thông tin từ camera. Nếu như điều tra viên không dùng nhục
hình trong phòng lấy cung mà ở nơi khác thì sao?
Cho nên, đề xuất tách cơ quan quản lý giam giữ độc lập với cơ quan điều tra là một biện pháp phù hợp.
Ngoài ra, một quy định vô cùng khoa học
và có khả năng ngăn chặn nhục hình rất thực tế, đó là sự có mặt của
luật sư trong các cuộc hỏi cung. Thiếu vai trò của luật sư, khó có thể
nói đến sự minh bạch của các bản cung. Nhìn vào thực tế, luật sư còn
chưa được tạo điều kiện để thực hiện công việc vô cùng quan trọng, đó là
tiếp cận với thân chủ trong các cuộc hỏi cung. Thiếu vai trò này, luật
sư chỉ là cái bóng của công lý mà thôi.
Hãy như quốc gia văn minh, trước khi
thẩm vấn, cảnh sát sẽ nói với nghi phạm bằng “Lời cảnh báo Miranda”:
“Anh có quyền giữ im lặng và từ chối trả lời câu hỏi. Bất cứ điều gì anh
nói cũng sẽ được dùng để chống lại anh trước tòa. Anh có quyền có luật
sư trước khi khai báo với cảnh sát và luật sư sẽ hiện diện khi cảnh sát
thẩm vấn anh. Nếu anh không thể tìm luật sư, anh sẽ được cung cấp một
luật sư trước khi trả lời các câu hỏi. Anh có thể trả lời câu hỏi khi
không có luật sư, nhưng anh vẫn có quyền ngưng trả lời bất cứ lúc nào để
chờ đợi sự có mặt của luật sư”.
Có lẽ “Lời cảnh báo Miranda” nên được áp dụng khắp nơi trên địa cầu này, đặc biệt là những nơi còn bóng tối.