Trần Ngọc Tuấn
Cộng đồng người Việt tại
Séc may mắn được sinh sống trong chế độ dân chủ và thân thiện của nước sở tại
thuộc EU. Tuy nhiên, nhiều người không muốn hưởng tự do này mà luôn muốn người
khác hoặc tổ chức nào đó “quản lý”. Tương tự, một số cá nhân hay tổ chức lại có
tham vọng muốn “cai quản” cả cộng đồng.
Đạo diễn điện ảnh nổi tiếng Trần Văn Thủy có lần
kể lại:.."mình nói với một nhà báo Mỹ, các ông rất may vì ở Mỹ không có...
Ban tuyên Huấn...".
Bùi ngùi nghĩ ngợi và chua xót nhìn vào một sự thật hiển
nhiên nền báo chí Việt Nam hiện tại: tính độc lập, tự do của người cầm bút vẫn
bị áp lực từ nhiều hướng mà đáng kể nhất là Ban tuyên Huấn trung Ương. Báo chí
truyền thông có một ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống xã hội. Không chỉ
dừng lại việc đưa tin hay bình luận các tin tức, mà báo chí còn phải giữ vai
trò giám sát các hoạt động của nhà nước và các thành phần trong xã hội.
Dư luận viên - Tranh minh họa
Nói về
sức mạnh của báo chí, Napoleon Bonaparte đã khẳng định “Bốn tòa báo đối nghịch
còn đáng sợ hơn cả ngàn lưỡi lê”, và đến hôm nay thực tế đã chứng minh sự đúng
đắn của kết luận ấy ở các quốc gia có báo chí tự do và độc lập. (Kami).
Trong
giai đoạn hiện tại, từ một góc nhìn vào hệ quy chiếu mô thức xã hội Việt Nam,
ta có thể phần nào thông cảm được áp lực của các tờ báo, phóng viên mà trong đó
có nhiều người giỏi, tài năng phải "đắng lòng" viết thì phải...lách!
Điều đáng nói trong bài viết này là não trạng tuyên huấn, thói quen chỉ đạo, bề
trên lại được bê nguyên si từ trong nước sang hòng giáo huấn cho những người Việt
hiện đang làm báo ở một quốc gia dân chủ là CH Czech. Xin lưu ý, các tờ báo cộng
đồng bên này là báo tư nhân, tuân thủ luật báo chí CH Czech (chứ không phải Ban
tuyên Huấn) nên mọi sự lên lớp bề trên chỉ đạo sẽ trở thành lố bịch.
Vì sao tôi
lại nói thế? Trên trang báo mạng cộng đồng có bài viết của ông Trần Quang Vinh
- Trưởng phân Xã Thông Tấn Xã Việt Nam tại CH Czech trong bài viết mà ông là
tác giả " Nặng đam mê, nhẹ tài chính" nhân kỷ niệm ngày "Báo Chí
Việt Nam" do ĐSQ tổ chức có đoạn:.." Những người có mặt tại cuộc gặp
đã phát biểu ý kiến tập trung vào vấn đề tìm sân chơi chung cho những người làm
báo Việt Nam tại Séc để tập hợp sức mạnh, nâng cao vị thế của báo chí cộng đồng,
bồi dưỡng nghiệp vụ và đào tạo thế thệ kế cận.
Nhiều ý kiến đồng tình với chủ
trương thành lập hội đoàn nghề nghiệp của những người làm báo – Hiệp hội hay
Câu lạc bộ báo chí. Một trong các chức năng của tổ chức nghề nghiệp này là nâng
cao nghiệp vụ cho các cây bút của cộng đồng thông qua các lớp tập huấn để học hỏi.
Các lớp tập huấn này sẽ do Đại sứ quán, Cơ quan Thường trú TTXVN, Hội Văn học
Nghệ thuật và một số tờ báo của cộng đồng phối hợp tổ chức..."
Ì ạch mang
vác não trạng tuyên huấn từ Việt Nam sang xứ sở này thể hiện rõ ở đoạn bài viết
mà tôi trích dẫn. Trước hết, xin thưa với ông Vinh: ý định mở lớp tập huấn nâng
cao nghiệp vụ cho các cây bút của cộng đồng do Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) và Hội Văn học Nghệ thuật
Việt Nam (HVHNTVN) tại CH Czech phối hợp tổ chức là một suy nghĩ hài hước. Liệu một tổ chức
như cái gọi là HVHNT mà trong đó từ ông CT hội và không ít thành viên làm thơ
thì như vè, viết sai chính tả bét be, chưa phân biệt được các thể loại báo chí
liệu có đủ khả năng "nâng cao nghiệp vụ" cho chúng tôi được không?
Còn TTXVN - với tư duy tuyên huấn làm sao có thể tập huấn cho những người làm
báo có tư duy độc lập trong một môi trường dân chủ?
Cũng trong bài ông viết với
quan niệm "là sân chơi chung cho những người làm báo" điều này thiếu
tính nghiêm túc và nhạo báng nghề báo. Báo chí, văn học nghệ thuật không thể
nào xem đó là một sân chơi, tính chuyên môn, nghề nghiệp, kiến thức trong nghiệp
dĩ này vô cùng nghiêm khắc, đòi hỏi tài năng, khắt khe với người cầm bút. Khi
coi đó là sân chơi (hiều theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng) đều không thể chấp nhận
được. Chúng tôi - những người hiện đang làm báo Tiếng Việt tại CH Czech luôn
tâm niệm một điều: cung cấp thông tin đa chiều tới bạn đọc, có quan điểm riêng
của mình, không bao giờ chịu sự chỉ đạo và làm con cừu dưới sự dẫn dắt của bất
kỳ một tổ chức nào? Bài viết của ông Trần Quang Vinh còn viết sai về sự hình
thành báo chí cộng đồng tại CH Czech (tôi sẽ trở lại đề tài này trong một bài viết
khác). Trước khi viết, mong ông hãy tìm hiểu thông tin từ nhiều phía để bảo đảm
tính xác tín, khoa học. Giáo sư Jane Kirtley (người Mỹ) đã viết: "Sống với
tự do báo chí không dễ. Nhưng tôi biết rằng tôi sẽ không thể sống nếu không có
điều đó.” Rất mong ông Vinh tập sống chung với tự do báo chí tại CH Czech trong
nhiệm kỳ của mình và không nên mang "hội chứng tuyên huấn" để tập huấn
nghiệp vụ cho những người đang làm báo bên này.