Ảnh trên: Tuyên bố chung Asean hôm 10/8 nhấn mạnh kiềm chế xung đột trên Biển Đông.
Asean hối thúc các bên liên quan trong các tranh chấp trên Biển Đông có các hành động kiềm chế, tránh phức tạp hóa tình hình, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng trong cam kết chung giữa Trung Quốc với Asean, theo thông báo chung của tổ chức này.
Hôm 10/8/2014, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 (AMM-47) nhóm họp ở thủ đô Myanmar Nay Pyi Taw đã ra thông cáo chung trong đó có các nội dung kể trên
Thông cáo công bố trên trang mạng chính thức của Bấm Asean hôm Chủ Nhật cho hay các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN 'quan ngại sâu sắc' về những diễn biến gần đây làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và khẳng định lại 'tầm quan trọng' của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh biển cũng như tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Văn bản có đoạn nói khối này "thúc giục các bên liên quan thực hiện kiềm chế và tránh các hành động gây phức tạp tình hình và làm phương hại đến hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông;
"Giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, bao gồm đối thoại thân thiện, tham vấn và thương lượng, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS)".
Trước đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, John Kerry đã thúc đẩy một thỏa thuận nhằm chấm dứt tất cả các hành động có thể gây rủi ro làm 'bùng nổ thêm' các quan hệ trong khu vực, sau khi đã xảy ra nhiều đụng độ căng thẳng trên Biển Đông trong năm nay, theo AFP.
Tuy nhiên Washington nói trong khi thúc đẩy việc 'đóng băng các hành động thù địch' ở vùng biển vốn diễn ra các tranh chấp, căng thẳng giữa Bắc Kinh và một số quốc gia láng giềng là thành viên Asean, Hoa Kỳ không muốn 'đối đầu' với Trung Quốc về các chiến lược của nước này trong khu vực.
" Không muốn đối đầu"
Hãng tin Pháp hôm Chủ Nhật trích lời một quan chức cao cấp trong chính quyền Hoa Kỳ nói:
"Chúng tôi không muốn đối đầu với Trung Quốc. Nhưng chúng tôi có một số lợi ích và nguyên tắc thúc đẩy chúng tôi ở trong khu vực vốn có sự khác biệt với Trung Quốc."
Bản Tuyên bố chung của các ngoại trưởng Asean hôm Chủ Nhật cũng tái khẳng định các cam kết đối với những nguyên tắc nêu trong bản Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông (2012) của các ngoại trưởng Asean, Tuyên bố chung năm 2012 của Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 15 về Kỷ đánh dấu 10 năm Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và Tuyên bố ngày 10/5/2014 của các ngoại trưởng ASEAN về những diễn biến gần đây trên Biển Đông.
Tuyên bố chung cho hay các ngoại trưởng nhấn mạnh thêm nữa "tầm quan trọng về cam kết chung của các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc đối với hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải, tin cậy lẫn nhau trong khu vực, và sự cần thiết tạo lập các điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp".
"Tăng cường tham vấn"
Khối này cho hay nhất trí tăng cường trao đổi tham vấn với Trung Quốc về các cơ chế, biện pháp đảm bảo, tăng cường thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC về tổng thể và đàm phán thực chất nhằm sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Thông cáo hôm Chủ Nhật cũng cũng ghi nhận báo cáo tiến độ thực hiện Tuyên bố DOC đệ trình các ngoại trưởng ASEAN-Trung Quốc.
Và khối này cũng giao các quan chức làm việc với Trung Quốc hoàn tất mục tiêu, cấu trúc và cụ thể hóa các cấu phần của COC, bao gồm các thành tố 'thúc đẩy lòng tin' và 'ngăn chặn, quản lý các sự cố'.
Trước đó, đáp lại quan điểm của Hoa Kỳ, hôm 9/8, ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị, có mặt tại Diễn đàn An ninh khu vực ARF giữa Asean và các đối tác nói rằng nước ông chắc chắn ‘sẽ hành động kiên quyết và rõ ràng’ nếu ‘bị khiêu khích trên Biển Đông.’
Tuyên bố của ông Vương được cho là thể hiện lập trường cứng rắn trước đề xuất muốn thúc đẩy 'đóng băng căng thẳng' của phía Mỹ.
Trong khi đó, Asean thông qua thông báo chung có vẻ đã nhất trí cần kiềm chế xung đột, căng thẳng và nhấn mạnh hợp tác, đối thoại thông qua các biện pháp ngoại giao, hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế, cùng các thỏa thuận được tôn trọng ở khu vực.