H. B.
CÓ MỘT W. JARUZELSKI
ĐỂ TRÁNH MỘT UKRAINA VÀ MỘT ARAB
SPRING
BÊN BỜ BIỂN ĐÔNG
|
Tướng W. Jaruzelski xuất thân từ một gia đình quý tộc điền chủ ngoan đạo và
có truyền thống yêu nước ở Kurów, đông-nam Ba Lan ngày nay. Ông nội của ông là
Wojciech Jaruzelski tham gia cuộc khởi nghĩa 1863-1864 chống lại Nga hoàng nên
bị đày 8 năm ở Syberia. Cha ông là Władysław Jaruzelski tham gia cuộc chiến
tranh Ba Lan – Liên Xô 1919-1921 và 20 năm sau, 1941, cũng bị đày ở Krasnojarsk,
rồi chết năm 1942. Wojciech Jaruzelski sinh ngày 06.07.1923 và được đặt tên
theo ông nội. Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, gia đình ông bị đưa đến
vùng núi Altai rất sâu trong lãnh thổ Liên Xô. Tại đây, năm 19 tuổi W.
Jaruzelski làm nghề đốn cây rừng và là lao động chính nuôi mẹ và em gái. Thời
gian đó ông mắc chứng lòa tuyết nên thị giác bị ảnh hưởng, sau này thường phải
mang kính mầu. Năm 1960 ông cưới bà Barbara, ông bà có một con gái đặt tên là
Monika.
W. Jaruzelski là
một chính khách và chỉ huy quân sự Ba Lan, một nhà hoạt động cộng sản. Ông tham gia chiến tranh thế giới lần thứ hai từ tháng 05.1943 do Hồng quân
Liên Xô điều động bổ sung tại Bijsk – Altai, tốt nghiệp trường hạ sỹ quan và
được phong quân hàm thượng sỹ. Khi Đức quốc xã đầu hàng tháng 05.1945, ông là
trung úy chỉ huy đơn vị trinh sát của một trung đoàn ở Nauen, 38 km về phía tây
Berlin. Giữa tháng 06 ông mới vào Berlin và ngày 01.07.1945 cùng đơn vị vượt
sông Nysa về Ba Lan.
Tháng 07.1956 W.
Jaruzelski được phong quân hàm thiếu tướng. Không có tài liệu nào ghi lại quan
điểm của ông trong sự kiện Poznań 1956,
nhưng ông là sỹ quan cấp tướng duy nhất của Ba Lan ủng hộ việc nguyên soái
Konstantyn Rokossowski[1]
tiếp tục ở lại trong biên chế Quân đội Nhân dân Ba Lan. Nguyên soái Rokossowski
là người đã chủ trương sử dụng quân đội đàn áp công nhân làm 57 người chết.
Trong những năm
1967-1968, là thành viên trong ban lãnh đạo cao nhất của ngành quốc phòng W.
Jaruzelski tích cực tổ chức cuộc thanh
trừng Do Thái trong quân đội, đỉnh cao là sự kiện tháng 03.1968. Rất nhiều
người trong “đội quân Do Thái thứ năm” đã phải di cư khỏi Ba Lan. Ông nói việc
này do Tổng cục Chính trị thực hiện, còn ông là Tổng tham mưu trưởng và ở cơ
quan ông không có sỹ quan nào bị sa thải. Tuy nhiên, ông coi đây là một “trang đen tối, bẩn thỉu trong lịch sử cận
đại” và ông không né tránh những đánh giá tiêu cực về việc lẽ ra ông có thể
có ảnh hưởng nhất định đến tình hình thực tế lúc đó.
Các đơn vị Quân
đội Nhân dân Ba Lan dưới quyền W. Jaruzelski đã cùng lực lượng vũ trang Hiệp
ước Warszawa dập tắt Mùa xuân Praha
trong chiến dịch Sông Đanuyp năm 1968. Tháng 02.1969 tại Bộ Tổng tham mưu ông
tổ chức hội thảo khoa học về cuộc can thiệp vào Tiệp Khắc. Năm đó ông được tặng
huân chương cao nhất của nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan là Huân chương Lao động.
Ngày 09.05.2005 ông được mời sang Moskva dự lễ kỷ niệm kết thúc chiến tranh thế
giới lần thứ hai và nhận Huân chương 60 năm Chiến thắng do tổng thống V. Putin
trao tặng. Khi đó tổng thống Czech là Václav Klaus đã phản đối việc tặng huân
chương cho ông.
W. Jaruzelski giám
sát cuộc đàn áp công nhân trong sự kiện Gdańsk
12.1970. Ông nói, khi đó ông mới là ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị nên không
chịu trách nhiệm về việc hạ lệnh bắn thẳng vào công nhân biểu tình. Tuy nhiên,
ông có mặt trong cuộc họp ngày 15.12.1970 và quyết định đàn áp dẫn đến đổ máu là
quyết định tập thể của Bộ Chính trị. Có tài liệu nói sau cuộc đàn áp công nhân,
ông được đưa lên ghế ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị. Là bộ trưởng quốc phòng,
ông đã ra lệnh cho quân đội phối hợp với công an tiến hành chiến dịch bình định
các cuộc biểu tình của công nhân vùng duyên hải Baltic làm 39 người chết. Một
năm sau, ngày 11.12.1971 ông trở thành ủy viên chính thức Bộ Chính trị. Trong
những năm 1970´s lãnh đạo cao nhất của đảng và nhà nước đã có kế hoạch phong
hàm nguyên soái Ba Lan cho ông, nhưng vì nhiều lý do, trong đó có cả đề nghị cá
nhân của ông nên kế hoạch này không được thực hiện.
Khi làn sóng đình
công bùng nổ tháng 08.1980, chính quyền đã cân nhắc khả năng thiết quân luật nhằm
dập tắt phong trào dân chủ đang manh nha. Đến nay vẫn không rõ lý do tại sao
thiết quân luật không bắt đầu từ khi đó, song có thể do Bộ Chính trị lo sợ cuộc
đụng đầu trực tiếp sẽ làm cho tình hình vượt quá tầm kiểm soát, trong khi ngày
28.08.1980 Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô thời L. Brezhnev ra lệnh động
viên 4 sư đoàn ở các quân khu miền tây mà không thông báo cho lãnh đạo Ba Lan;
các sư đoàn này dự định tiến sang Ba Lan vào đầu tháng 09 nếu đình công toàn
quốc kéo dài, và nếu gặp kháng cự sẽ có tăng viện. Chính quyền Ba Lan đã thỏa
hiệp với phong trào đình công bằng việc ký các thỏa thuận tháng tám dẫn đến
việc Công đoàn Độc lập Tự quản “Đoàn Kết” ra đời và sau đó được đăng ký chính
thức ngày 10.11.1980. Ngay trong tháng 08.1980, Ủy ban Bảo vệ Đất nước và Bộ
Tổng tham mưu Quân đội Ba Lan đã nghiên cứu khả năng thiết quân luật[2]
(stan wojenny). Hai ngày sau khi “Đoàn Kết” được đăng ký, trong cuộc họp ngày
12.11 của Ủy ban Bảo vệ Đất nước, W. Jaruzelski đã thông báo về hồ sơ pháp lý cần thiết cho một cuộc thiết
quân luật, bộ nội vụ đã chuẩn bị kế hoạch bắt giữ 12,9 nghìn người trong
danh sách đối lập, phong tỏa giao thông và truyền thông.
Ngày 01.12.1980
Liên Xô thông báo kế hoạch đưa quân vào Ba Lan từ 08.12 trong khuôn khổ cuộc
tập trận Sojuz 80. Theo CIA thì đầu
tháng 12.1980 sẽ có 18 sư đoàn thuộc Hiệp ước Warszawa tiến vào Ba Lan gồm 15
sư đoàn Liên Xô, 2 sư đoàn Tiệp Khắc và 1 sư đoàn CHDC Đức[3].
Tổng thống Mỹ R. Reagan đã cân nhắc khả năng đưa quân Mỹ vào châu Âu nhưng các
cố vấn, trong đó có Zbigniew Brzeziński – một người gốc Ba Lan – cho rằng trên
chiến trường châu Âu, quân Mỹ không mạnh bằng quân Liên Xô. Trong tình hình đó,
tại hội nghị cấp cao Hiệp ước Warszawa họp ở Moskva ngày 05.12, tướng W.
Jaruzelski trình bày chủ trương chính quyền Ba Lan tự hành động để xóa bỏ “Đoàn
Kết” và phe đối lập ngay khi xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên vượt quá giới
hạn, không cần hỗ trợ từ bên ngoài.
Tháng 02 và
03.1981, các đơn vị quân đội và công an phối hợp chuẩn bị các phương án đối phó
khi tình hình xấu đi. Cuối tháng 03 khi các đoàn viên công đoàn bị đánh trong
một cuộc biểu tình ở Bydgoszcz, Đoàn Kết tuyên bố tổng đình công ngày
31.03.1981. Trong cùng thời gian này Hiệp ước Warszawa đang tổ chức cuộc tập
trận Sojusz 81 ở Ba Lan. Tài liệu
giải mật của tình báo Mỹ ngày 03.04.1981 cho biết lãnh đạo Liên Xô đã nghiêng
về phương án can thiệp vì cho rằng những người cộng sản Ba Lan không còn khả
năng giữ chính quyền; do vậy cuối tháng 03 đầu tháng 04 có 12-20 sư đoàn Liên
Xô đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Ngày 27.03 Đoàn Kết tổ chức đình
công cảnh cáo. Cũng trong ngày này nguyên soái Liên Xô Viktor Kulikov đến
Warszawa tỏ ý không hài lòng về việc Ba Lan chuẩn bị chưa tốt cho thiết quân
luật. Ngày 30.03 chủ tịch Đoàn Kết L. Wałęsa và thủ tướng M. Rakowski gặp nhau
và nhân nhượng. Đại diện Đoàn Kết phát biểu trên TV tuyên bố bãi bỏ tổng đình
công. Cuộc khủng hoảng tạm thời được tháo ngòi.
Tháng 07.1981,
Moskva tự ý đưa vào căn cứ Borne Sulinowo[4]
trên lãnh thổ Ba Lan thêm 600 xe tăng, nâng cơ số xe tăng Liên Xô ở đây lên
trên 900. Một tháng sau, nguyên soái V. Kulikov yêu cầu đưa cố vấn quân sự Liên
Xô vào Ba Lan từ cấp sư đoàn đến Bộ Tổng tham mưu, nhưng lãnh đạo Ba Lan không
đồng ý.
Cuối tháng
08.1981, đại tá cục trưởng tình báo Bộ Nội vụ Ba Lan Tadeusz Kwiatkowski sang
Moskva làm việc với KGB về việc in 25.000 bản thông báo thiết quân luật và
chuyển bằng máy bay IL-18 sang Warszawa đầu tháng 09, bảo quản trong trụ sở Bộ
Nội vụ.
Đầu tháng 09.1981,
Quân đội Liên Xô tổ chức cuộc tập trận “Tập kích 81” được mô tả là lớn nhất kể
từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Những người tham dự cho rằng cuộc tập
trận này là cuộc tổng diễn tập trước cuộc xâm lăng thực sự vào Ba Lan. Rất có
thể đây chỉ là những động thái phô trương cảnh cáo vì khi đó Liên Xô đang phải
đối phó với nhiều khó khăn trong cuộc can thiệp vào Afghanistan.
Lúc 0:00 ngày
13.12.1981 các đơn vị cảnh sát cơ động với 10.000 nhân viên tham gia chiến dịch
“Jodła” bắt giữ những người bị coi là đe
dọa an ninh quốc gia trên toàn quốc, mở đầu 1 năm 7 tháng 9 ngày thiết quân luật ở nước Cộng hòa Nhân
dân Ba Lan. Ngày hôm đó 70.000 bộ đội, 30.000 công an, 1.750 xe tăng, 1.400 xe
bọc thép, 500 xe chiến đấu của bộ binh, 9.000 xe ôtô cùng một số phi đội trực
thăng và máy bay vận tải đã được huy động. 25% lực lượng thiết quân
luật tập trung ở thủ đô Warszawa và vùng ngoại ô. Quyền lực tối cao thuộc về
Hội đồng Quân sự Cứu nước do đại tướng W. Jaruzelski đứng đầu. Trong cuộc stan wojenny này, chủ yếu là thời gian
đầu, có 56 người chết vì bị lực lượng công an và an ninh đàn áp trong các cuộc
đình công và biểu tình. Cuộc thiết quân luật đình chỉ một phần ngày 31.12.1982
và đình chỉ toàn bộ ngày 22.07.1983.
Hai năm sau thiết
quân luật, ngày 24.09.1985 tại New York, W. Jaruzelski gặp David Rockefeller
với sự có mặt của Z. Brzeziński để trao đổi về việc Rockefeller đầu tư vào nông
nghiệp Ba Lan và hoạt động của Quỹ Rockefeller ở Ba Lan.
W. Jaruzelski là người
định hướng và chỉ đạo tổ chức Hội nghị
Bàn tròn 1989, mặc dù ông không dự các phiên họp của hội nghị. Theo kết quả
đạt được tại hội nghị này, tháng 06.1989 nước Ba Lan cộng sản tổ chức cuộc bầu
cử hạ nghị viện “tự do một phần”, theo đó, ít nhất 65% đại biểu
(299) là quota dành cho liên minh cầm quyền của đảng cộng sản, những người
không đảng phái chỉ được ứng cử vào 35% đại biểu (161); thượng nghị
viện là cơ quan mới lập thì bầu cử hoàn toàn tự do. Trong cuộc bầu cử này, ông
không ứng cử. Kết quả bầu cử là thất bại nặng nề của những người cộng sản vì
công đoàn Đoàn Kết giành được tất cả 161 ghế đại biểu Hạ nghị viện là quota
dành cho họ và 99/100 đại biểu Thượng nghị viện với tỷ lệ phiếu bầu rất cao.
Hội nghị Bàn tròn
quy định lập chức danh Tổng thống nước
Cộng hòa Nhân dân Ba Lan thay chức danh Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Chủ
tịch Hội đồng Nhà nước đương nhiệm W. Jaruzelski không ứng cử vào chức vụ Tổng
thống nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan, tại hội nghị trung ương đảng ông giới
thiệu bộ trưởng nội vụ ứng cử. Tờ báo có uy tín nhất của nước Ba Lan mới là
Gazeta Wyborcza đăng bài dưới tiêu đề “Tổng thống của các vị, thủ tướng của
chúng tôi” công khai ủng hộ người của đảng cộng sản giữ chức tổng thống. Ngày
18.07, sau khi được công đoàn Đoàn Kết ủng hộ, ông mới đồng ý ứng cử. Ngày hôm
sau, 19.07.1989 ông được bầu làm Tổng thống nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan với
270 trên 537 đại biểu tham gia bỏ phiếu ủng hộ - số phiếu cần thiết là 269. Từ
ngày 31.12.1989, sau khi Hiến pháp mới có hiệu lực, ông trở thành Tổng thống nước Cộng hòa Ba Lan. Ngày
19.09.1990 ông gửi cho chủ tịch Hạ nghị viện dự luật rút ngắn nhiệm kỳ tổng
thống của ông để mở đường cho cuộc bầu cử tổng thống theo chế độ phổ thông.
Trong cuộc bầu cử phổ thông đầu tiên kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai
nhân dân Ba Lan đã chọn chủ tịch công đoàn Đoàn Kết Lech Wałęsa làm Tổng thống
nước Cộng hòa Ba Lan. Nhiệm kỳ tổng thống của tướng W. Jaruzelski kết thúc ngày
22.12.1990.
Ngày 25.05.2014,
tướng W. Jaruzelski qua đời ở tuổi 91. Dù trong phần lớn thời gian còn sống ông
luôn khẳng định ông là người vô thần, nhưng trước khi nhắm mắt ông đồng ý làm lễ theo nghi thức thiên
chúa giáo[5].
Thi thể ông được hỏa táng. Theo đề nghị của Văn phòng Tổng thống, gia đình đồng
ý tổ chức lễ tang ông theo nghi thức nhà nước. Thống đốc thành phố thủ đô
Warszawa đồng ý cấp đất miễn phí cho việc chôn cất di hài ông ở nghĩa trang
quân đội Powązki. Đay là vinh dự nhà nước Ba Lan không cộng sản dành cho ông.
#
Lý lịch trích
ngang của W. Jaruzelski khẳng định ông là nhà
hoạt động cộng sản cao cấp: tháng 06.1947 gia nhập Đảng Công nhân Ba Lan và
từ 1948 là Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương
Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan (1964-1989), ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp
hành Trung ương Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan (1971-1989), Bí thư thứ nhất
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan (1981-1989), đại biểu
Quốc hội nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan các khóa III, IV, V, VI, VII, VIII, IX,
chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan (1981-1985), chủ tịch
Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan (1985-1989), sau đó là tổng
thống nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan (1989) và tổng thống nước Cộng hòa Ba Lan
(1989-1990), đại tướng Quân đội Nhân dân Ba Lan, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị
Quân đội Nhân dân Ba Lan (1960-1965), tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Ba
Lan (1965-1968), bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1968-1983), chủ tịch Ủy ban Bảo vệ
Đất nước – chỉ huy trưởng các lực lượng vũ trang, tổng chỉ huy các lực lượng vũ
trang trong trường hợp có chiến tranh, đồng sáng lập Phong trào Yêu nước Phục
hưng Dân tộc, chủ tịch Hội đồng Quân sự Cứu nước nắm quyền lãnh đạo trên thực
tế ở Ba Lan thời kỳ thiết quân luật (1981-1983).
Đã trải qua những
biến cố ngặt nghèo có đổ máu của đất nước và dân tộc Ba Lan trong các năm 1956,
1968, 1970 và chứng kiến những biến cố đau thương của các nước và dân tộc Hunggari
1956, Tiệp Khắc 1968 nên khi đứng trước biến cố nguy hiểm của đất nước và dân
tộc trong những năm 1980-1981, W. Jaruzelski quyết tâm tiếp tục truyền thống yêu nước từ ngàn đời, đặt lợi ích của
dân tộc lên trên các lợi ích khác, kể cả lý tưởng cộng sản và danh dự cá nhân[6].
- Tháng 12.1991 ông và 25 người liên quan đến
việc thực hiện thiết quân luật bị kiện tại Tòa án Quốc gia (Trybunał Stanu) về trách nhiệm trước hiến pháp và
trách nhiệm hình sự, nhưng đến tháng 10.1996 Quốc hội ra nghị quyết đình
chỉ điều tra.
- Tháng 04.2007, trên cơ sở các tài liệu của
Hiệp ước Warszawa do bộ trưởng quốc phòng Radosław Sikorski (hiện nay,
2014, là bộ trưởng ngoại giao) cung cấp, ông và 8 người khác bị buộc tội “chủ
trương thực hiện thiết quân luật”. Là người đứng đầu Hội đồng Quân sự Cứu
nước, ông bị buộc tội “tội ác cộng sản lãnh đạo liên minh tội phạm vũ
trang thực hiện các tội ác khác” và tội “xúi giục các ủy viên Hội đồng Nhà
nước nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan vượt quá thẩm quyền phê chuẩn những sắc
lệnh về thiết quân luật trái với Hiến pháp lúc đó”. Tháng 03.2008 tòa bắt
đầu xử nhưng chưa tuyên đọc hồ sơ vụ án và tháng 08.2008 tòa yêu cầu công
tố bổ sung tài liệu làm chứng, trong đó có tài liệu thẩm vấn các nhân
chứng Margaret Thatcher i Michail Gorbachov
- Ông cũng bị buộc tội trong vụ “lãnh đạo” tàn
sát công nhân vùng Duyên hải Baltic tháng 12.1970.
- Ngày 11.10.1994, khi đang giới thiệu cuốn
sách mới xuất bản của ông tại một hiệu sách trên quảng trường Legionów ở
Wrocław, một trong số những người bị trấn áp trong thiết quân luật là nhà
hoạt động của phong trào nông dân Stanisław Helski đã lấy đá đập thẳng vào mặt
ông.
- Có những người đặt câu hỏi ông phục vụ Moskva
hay Washington và Bonn?
- Từ năm 1993, vào dịp kỷ niệm thiết quân luật,
trước nhà riêng của gia đình ông ở quận Mokotów, hằng năm những người
chống thiết quân luật đều tổ chức biểu tình. Ngày 13.12.2003 lần đầu tiên
những người ủng hộ ông cũng tổ chức biểu tình trước nhà ông để cám ơn ông
đã quyết định thiết quân luật; cũng là lần đầu tiên ông ra với những người
biểu tình, cảm ơn họ đã ủng hộ ông. Ông nhấn mạnh “Nếu không có ngày 13.12.1981 thì không có ngày 13.12 ở Kopenhagen
và Bruxelles”[7].
#
Mặc dù còn nhiều ý
kiến trái ngược nhau về vai trò của ông nhưng dư luận chung ghi nhận ông là một
trong ba người Ba Lan có vai trò quyết định dẫn đến những thay đổi ở Ba Lan thông qua bầu cử từng bước tự do, một cách hòa bình.
Ba người đó là: 1. Bí thứ thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Công nhân
Thống nhất Ba Lan Wojciech Jaruzelski, 2. Chủ tịch Công đoàn Độc lập Tự quản “Đoàn
Kết” Lech Wałęsa và 3. Giáo hoàng John Paul II – tiếng Ba Lan viết là Jan Paweł
II. May mắn cho dân tộc Ba Lan và đất nước Ba Lan là trong những năm 1980-1989
đó có hai người đứng đầu ở hai bên chiến tuyến đã biết nhìn thẳng vào mắt nhau
để cùng nhận ra giá trị vĩnh hằng của
đồng bào và đất nước, đặt lợi ích dân tộc lên trên tất cả các lợi ích khác.
Người thứ ba dù đã là một “công dân toàn cầu” vẫn ngày đêm trăn trở, nhắc lại
lời Thiên Chúa ghi trong Kinh thánh “Các con đừng sợ!” đúng thời điểm cần nhắc
để mấy chục triệu người vừa quyết tâm vừa bình tĩnh gặp nhau ngay bên chiến
tuyến. Chiếc bàn tròn là biểu tượng của tinh thần hợp tác vừa có nguyên tắc vừa
nhân nhượng nhau để tìm con đường đưa dân tộc Ba Lan thoát khỏi trong gang tấc nguy
cơ một cuộc can thiệp chắc chắn đổ nhiều máu để cùng các dân tộc khác ở Đông Âu
chuyển mình một cách hòa bình sang giai đoạn phát triển hợp với xu thế chung.
Chính hội nghị bàn tròn do W. Jaruzelski định
hướng và chỉ đạo tổ chức là cột mốc đánh dấu những thay đổi tưởng như không
bao giờ có ở Ba Lan, Đông Âu và Liên Xô. Quanh chiếc bàn tròn mọi người đều
bình đẳng, tôn trọng và được tôn trọng, lắng nghe và được lắng nghe. Quanh
chiếc bàn tròn mọi người tự tin đối thoại. Đối thoại để tránh xung đột và tránh
đổ máu. Đối thoại để từ bỏ con đường độc tài, để bước trên con đường dân chủ.
Đối thoại bên bàn tròn là biểu hiện của sự giác ngộ nhân bản.
Không ai nghi ngờ
năng lực tiếp thu kiến thức và hiểu biết chủ nghĩa Marx-Lenin, trình độ giác
ngộ lý tưởng cộng sản và sự kiên định lập trường giai cấp công nhân của W.
Jaruzelski. Cũng không ai nghi ngờ sự thành tâm của ông khi chịu làm lễ thánh
để được về nước Chúa[8].
Những người thuộc thế hệ U70 trên thế giới ngày nay, nhất là ở các nước Á Đông,
mấy ai có hiểu biết, giác ngộ lý tưởng và kiên định lập trường như ông?
Nhiều tài liệu xác
nhận W. Jaruzelski là một sỹ quan được đào tạo rất tốt, có tri thức và kỷ luật
(doskonale wyszkolony, inteligentny i zdyscyplinowany), hoàn thành tốt nhiệm vụ
(wykonał szybko i dokładnie wydawane rozkazy), dũng cảm và quyết đoán (odważny
i zdecydowany), xả thân (oddany, osobiście wysuwał się w najbardziej niebezpieczne
punkty), gương mẫu (wzorowy, dawał przykład żołnierzom)... Ông không có học vị
tiến sỹ và học hàm giáo sư, nhưng mấy ai được như ông?
Gia đình
Jaruzelski – ông và cháu, cha và con – có truyền thống yêu nước sâu sắc. Âu
cũng là lẽ thường, vì có người bình thường nào lại không yêu đất nước và dân
tộc mình?
Tạo hóa đặt đất
nước và dân tộc Ba Lan cạnh những gã khổng lồ tham lam và xấu bụng. Ba Lan phải
“ăn đời ở kiếp” với họ. Ba Lan có W. Jaruzelski nên trong thời điểm nguy nan người
Ba Lan đã hòa giải được với nhau. Cũng may là chỉ trong những năm đầu thập niên
1980´s đó các ông chủ điện Kremli lần lượt đi theo K. Marx và V. Lenin: L.
Brezhnev (10.10.1982), Y. Andropov (09.02.1984), K. Chernenko (10.03.1985). Ông
chủ kế vị là M. Gorbachov lại là người thấy rõ “mô hình xô-viết không tôn trọng
con người, áp bức con người về tinh thần và chính trị”[9].
Chúng tôi là một
đất nước và một dân tộc Á Đông ở cách Ba Lan cả chục nghìn cây số đường chim
bay. Tạo hóa cũng đặt đất nước và dân tộc chúng tôi cạnh một gã khổng lồ, gã
cũng tham lam và xấu bụng, và chúng tôi cũng phải “ăn đời ở kiếp với người ta”.
Có một vị đại tướng hơn ông 12 tuổi – vậy là hai ông cùng tuổi Hợi, cũng có dư
luận – dư luận xã hội xuất phát từ tình cảm kính trọng, đề nghị phong hàm
nguyên soái cho ông. Trong mấy chục năm cuối đời ông là nạn nhân của thói “khôn
nhà dại chợ” của chính chúng tôi. Năm 2002, khi đất nước đã trải qua 27 năm
thống nhất mà lòng người còn ly tán, vị đại tướng đó dặn chúng tôi “Hòa giải
dân tộc là công cuộc trọng đại và cấp thiết”. Nay đã gần 40 năm thống nhất đất
nước mà chúng tôi vẫn không hòa giải và xem ra... có lẽ chưa nói trước được.
Cùng tuổi Hợi nhưng đại tướng tuổi Quý Hợi (1923) được chứng kiến dân tộc hòa
giải chuyển mình rồi mới về cõi tiên, còn đại tướng tuổi Tân Hợi (1911) không
chờ được đến ngày dân tộc hòa giải. Không may cho chúng tôi là gã khổng lồ hàng
xóm đang trong cơn say bành trướng. Và cũng không may là chúng tôi cứ một mực
đặt lợi ích giai cấp lên trên lợi ích dân tộc, khăng khăng đặt lợi ích quốc tế
lên trên lợi ích quốc gia. Công bằng mà nói, chúng tôi không hiểu chủ nghĩa Marx-Lenin
như ông, không giác ngộ lý tưởng cộng sản như ông, không kiên định lập trường
giai cấp công nhân như ông. Ít ra thì Marx trong Das Kapital cũng dẫn chứng và phân
tích tình hình kinh tế-chính trị-xã hội ở đất nước ông, Lenin thì quá hiểu biết
đất nước và dân tộc Ba Lan; nhưng đối với cả hai vị, đất nước chúng tôi không
tồn tại. Với chúng tôi, vì “nghiên cứu” theo kiểu “tầm chương trích cú” các
loại tạppínlù nửa chữ tây nửa chữ nho do người Tầu vẽ theo ý họ nên tất cả
những thứ đó trở thành một mớ bòng bòng rối tinh rối mù. Để dễ rót vào tai đồng
bào, chúng tôi lại “tam sao thất bản” thêm... đôi ba lần nữa, rồi coi đó là một
thứ “đạo” muôn năm bất diệt. Chúng tôi quyết “tử vì đạo” chỉ đơn giản vì “đạo”
bảo vệ quyền lực và lợi ích của tập đoàn chúng tôi. Trong lúc hoảng hốt vì có
nguy cơ mất “đạo”, chúng tôi đã sang Thành Đô xem xiếc và uống thuốc lú. Dân
nước tôi có truyền thống yêu nước không kém dân nước ông. Hiềm một nỗi sau khi
uống thuốc ở Thành Đô chúng tôi chỉ còn thấy nhòe nhoẹt 16 chữ vàng và 4 tốt mà
thôi... Sứ thần Kulikov dù có sang Warszawa chấn chỉnh lập trường ông, nhưng vẫn
cho ông cơ hội sang Moskva cự lại, mà còn được cự trước lãnh đạo các nước Hiệp
ước Warszawa nữa. Kulikov đòi đưa cố vấn vào, ông cũng từ chối được. Xứ Á Đông
này tàn nhẫn lắm. Ngày 02.05.2014 Tầu kéo giàn khoan vào biển nước chúng tôi, chúng
tôi cúi mình xin sang Beijing cầu hòa mà họ nhất quyết không cấp visa. Hơn 20
lần chúng tôi “giao thiệp”, họ vẫn làm thinh. Rồi tự nhiên, tháng sau họ cho sứ
thần Dương Khiết Trì sang tận Hà Nội dặn kỹ “không được đánh gía thấp quyết tâm và sức mạnh của Tầu, không được dùng
tư liệu lịch sử làm dư luận thế giới hiểu sai, không được quốc tế hóa vấn đề
biển Hoa Nam, không được phá vỡ quan hệ hữu nghị với Tầu xây dựng lại được 20
năm”. Họ cho chúng tôi uống thêm thuốc lú, lúc vỗ đít đi ra còn dọa “chỉ có song phương”.
Ước gì chúng tôi cũng có một Wojciech Jaruzelski để may ra tránh một Ukraina
trên biển và tránh một Arab Spring trên đất liền. Ông sống khôn chết thiêng chắc
sẽ gặp đại tướng của chúng tôi ở cõi tiên. Ông và đại tướng của chúng tôi đã
từng là đồng chí. Ông đau khổ vì Borne Sulinowo. Đại tướng của chúng tôi đau
khổ vì bauxite, rừng đầu nguồn, Vũng Áng và nhiều thứ khác nữa. Xin hai ông phù
hộ chúng tôi giải liều thuốc lú Thành Đô! Thuốc giải của hai ông – Dân Tộc –
nhất định trị được tận gốc căn bệnh mà không để lại di chứng!
Nhân giỗ
đầu đại tướng tuổi Tân Hợi và cúng cơm 100 ngày đại tướng tuổi Qúy Hợi, tháng 08-10.2014.
HB
Một người Việt Nam đã không ít lần biết mùi lựu đạn
cay trong các năm 1968, 1970, thiết quân luật 1981-1983, và chứng kiến Cộng hòa
Nhân dân Ba Lan chuyển thành Cộng hòa Ba Lan; đã một đôi lần làm phiên dịch cho
đại tướng tuổi Tân Hợi, cũng một đôi lần làm phiên dịch cho đại tướng tuổi Qúy
Hợi.
[1] K. Rokossowski sinh năm
1896 tại Ba Lan, mất năm 1968 tại Liên Xô, cha là người Ba Lan, mẹ là người
Nga. Ông là nguyên soái Liên Xô và cũng mang quân hàm nguyên soái Ba Lan. Trong
các năm 1937-1940 ông bị Liên Xô thanh trừng vì Stalin nghi ông làm gián điệp cho
nước Ba Lan tư sản. Năm 1956, sau sự kiện Poznań và sau khi Władysław Gomułka trở
lại làm Bí thư thứ nhất Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan, do lo ngại ảnh hưởng của
Liên Xô nên lãnh đạo Ba Lan đưa ông ra khỏi Bộ Chính trị, chức vụ bộ trưởng
quốc phòng và phó thủ tướng. Rokossowski chua chát nói: “Mỉa mai thay công vụ,
ở Nga tôi là người Ba Lan, còn ở Ba Lan tôi lại là người Nga!”
[2] Trong tiếng Ba Lan stan wojenny nghĩa là tình trạng chiến tranh.
Lịch sử cận đại Ba Lan ghi lại 3 lần stan
wojenny năm 1833, 1861, 1905 đều dưới thời Nga hoàng, nhằm đàn áp các cuộc
khởi nghĩa của người Ba Lan; lần stan
wojenny 1939-1945 thực chất là cuộc chiến tranh chống Đức quốc xã và Liên
Xô; và, lần stan wojenny 1981-1983.
[3] Báo cáo này do đại tá phó cục trưởng Cục Tác chiến Bộ
Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Ba Lan, điệp viên CIA là Ryszard Kukliński
(1930-2004) cung cấp. Ông cùng vợ và 2 con trai được CIA đưa ra khỏi Ba Lan
ngay trước thiết quân luật. Năm 1993-1994 hai con ông lần lượt bị chết trong
tai nạn nhưng không tìm ra thủ phạm. Ông R.K đã làm việc ở Việt Nam 1967-1968
trong phái đoàn Ba Lan thuộc Ủy ban Quốc tế kiểm soát và giám sát thực hiện
Hiệp định Genève 1954.
[4] Borne Sulinowo là địa danh có diện tích khoảng 18 km2
nằm sâu trong lãnh thổ Ba Lan ngày nay ở phía tây-bắc. Những năm 1933-1939 Đức
quốc xã xây dựng tại đây một căn cứ quân sự và một thị trấn quân sự dành cho
trường Pháo binh Wehrmacht do A. Hitler đích thân khánh thành ngày 18.08.1938. Đầu
năm 1945 Hồng quân chiếm và xây dựng thành căn cứ của tập đoàn quân phương Bắc
thuộc quân đội Liên Xô, được bảo vệ rất chặt chẽ. Năm 1945 B.S. được bàn giao
một cách hình thức cho Ba Lan, bản đồ ghi là “rừng”, nhưng trên thực tế bị tách
khỏi lãnh thổ Ba Lan. Ngày 12.10.1992, lúc này là quân đội Nga với 15 nghìn
quân thuộc sư đoàn cơ giới số 6 mới hoàn toàn rút khỏi B.S. Từ ngày này B.S.
thực sự là lãnh thổ Ba Lan. Cách B.S. không xa, địa danh Brzeźnica là một trong
những kho vũ khí nguyên tử của Liên Xô trên đất Ba Lan được bảo vệ hết sức
nghiêm ngặt. Đến nay, 2014, trong các cánh rừng xung quanh vẫn còn nhiều chiến
hào chìm nổi bảo vệ các giàn tên lửa SS-20 trước khi được rút đi.
[5] Lúc W. Jaruzelski được 3 tháng tuổi, ngày 07.10.1923 gia
đình ông vốn rất ngoan đạo, đã làm lễ rửa tội cho ông ở nhà thờ thiên chúa giáo.
[6] Người Ba Lan có truyền thống đặt danh dự ở vị trí cao
nhất. Ba Lan có bộ Luật Danh dự – Kodeks Honorowy – gồm 27 chương và 404 điều
với những quy định rất chi tiết, áp dụng một cách tự nhiên trong giới quý tộc,
quân nhân và trí thức. Người bị tước danh dự theo bộ luật này là người đã chết
trong con mắt những người khác. Trên thanh kiếm của sỹ quan Ba Lan có hai từ “Honor
i Ojczyzna” (Danh dự và Tổ quốc), quân nhân Ba Lan đưa tay phải lên ngang vành
mũ chào với ngón giữa và ngón trỏ duỗi thẳng mang ý nghĩa Danh dự và Tổ quốc
còn các ngón khác nắm chặt vào lòng bàn tay. Danh dự luôn luôn đi trước Tổ quốc
vì người Ba Lan tin rằng chỉ những người trọng Danh dự mới biết yêu Tổ quốc.
[7] Ngày 13.12.2002 tại Kopenhagen, Ba Lan hoàn thành đàm
phán gia nhập Liên minh châu Âu. Liên minh châu Âu có trụ sở ở Bruxelles.
[8] Cũng như hầu hết người Ba Lan vốn là tín đồ thiên chúa
giáo, gia đình Jaruzelski rất ngoan đạo. Hầu hết những người tham gia công đoàn
Đoàn Kết cũng rất ngoan đạo. Những năm 1980´s, không ít cán bộ các cơ quan Đảng
Công nhân Thống nhất Ba Lan và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan khi nói
chuyện riêng bên ngoài hành lang với cán bộ đại sứ quán các nước xã hội chủ
nghĩa thường nói đùa – với một phần sự thật tế nhị bên trong – rằng “mỗi nước
chúng ta” nên có một công đoàn Đoàn Kết.
[9] The Soviet model does not
respect the man, oppresses him spiritually and politically.