10 août 2014

Việt Nam thúc đẩy ASEAN kiên quyết hơn trong hồ sơ Biển Đông

Theo RFI   

Ảnh chụp tổng thống Miến Điện Thein Sein cùng các ngoại trưởng ASEAN trong lễ khai mạc cuộc hop AMM 47.. Ảnh ngày 08/08/2014;
Ảnh chụp tổng thống Miến Điện Thein Sein cùng các ngoại trưởng ASEAN trong lễ khai mạc cuộc hop AMM 47.. Ảnh ngày 08/08/2014;
Reuters

Trọng Nghĩa
Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 47 (AMM 47) tại thủ đô Miến Điện Naypyidaw (Myanmar) vào hôm nay 10/08/2014 đã công bố bản Thông cáo chung, trong đó có 8 điểm liên quan đến Biển Đông. Điều được giới quan sát chú ý là các Ngoại trưởng ASEAN đã có lập trường chung kiên quyết hơn về tình hình Biển Đông. Hãng tin Nhật Kyodo đặc biệt ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong vấn đề này.





Bản Thông cáo chung của các Ngoại trưởng ASEAN - họp lại hôm 08/08/2014 vừa qua – ghi rõ là ASEAN « tiếp tục quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và khẳng định lại tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh trên biển cũng như quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. »
Theo hãng tin Kyodo, từ « sâu sắc » - tiếng Anh là « serious » - đã được các Ngoại trưởng ASEAN đồng ý thêm vào theo đề nghị của Việt Nam. Trong dự thảo văn kiện này tuyên bố được tiết lộ trước cuộc họp, không có từ « serious » đó.
Dẫu sao thì tuyên bố lập trường « quan ngại sâu sắc » trong bản Thông cáo chung Hội nghị AMM 47 đã lập lại mối lo ngại từng được các Ngoại trưởng ASEAN biểu thị trong một bản tuyên bố riêng biệt về Biển Đông, thông qua ngày 10/05/2014 tại Miến Điện, ngay sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào hạ đặt trong vùng biển của Việt Nam.
Về phần mình, hãng tin Pháp AFP cũng ghi nhận lời lẽ cứng rắn trong bản Thông cáo chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Miến Điện, đồng thời nhấn mạnh đến lời kêu gọi chấm dứt chấm dứt các hành vi gây bất ổn định, được cho là nhắm vào Trung Quốc.
Theo nhận xét của AFP, các nước Đông Nam Á cũng đã tán đồng lời kêu gọi của Washington, thúc giục mọi bên tranh chấp « tự kiềm chế » và « đóng băng » các hành vi khiêu khích tại Biển Đông. một yêu cầu cũng được cho là nhắm vào Bắc Kinh.
Theo AFP, Hoa Kỳ dĩ nhiên đã hết sức hoan nghênh lập trường cững rắn của ASEAN. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã công nhận rằng như vậy là đối với các nước ASEAN, Hoa Kỳ đã thành công trong việc « động viên tinh thần, và đóng vai trò chất xúc tác » giúp ASEAN thống nhất được lập trường.
Tuy vậy, một quan chức Mỹ khác đã khẳng định rằng Washington không hề có chiến lược ủng hộ ASEAN chống lại Trung Quốc. Theo nhân vật này, Mỹ không hề tìm kiếm sự đối đầu với Trung Quốc. Tuy nhiên, nhân vật này nhấn mạnh : « Phương pháp tiếp cận của Hoa Kỳ trong khu vực đặt trên cơ sở  một loạt lợi ích và nguyên tắc vốn khác biệt với các lợi ích và nguyên tắc của Trung Quốc ».