(TBKTSG) - Trong hai hội thảo quan trọng gần đây do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung đều cho rằng “cải cách thể chế để phát triển là mệnh lệnh không thể chần chừ”. Quan điểm này được nhiều học giả đồng tình. Theo ông Cung, cải cách lần đầu năm 1986 đã hết dư địa, còn cải cách hiện nay chỉ mới đang chớm và khó hơn rất nhiều.
- Ông Nguyễn Đình Cung: Gần đây
chúng ta nói tăng trưởng có phục hồi sau khi chạm đáy năm 2009,
nhưng tăng trưởng có được nhờ ổn định kinh tế vĩ mô và cắt giảm
đầu tư công. Hơn nữa, tăng trưởng chưa rõ nét và chưa được đảm bảo
trong tương lai.
Bên cạnh đó, năng suất lao
động lại có xu thế giảm xuống. Đây là điều hoàn toàn trái ngược
với nhu cầu tăng trưởng. Lâu nay tăng trưởng dựa vào tăng số lượng
lao động. Năm 2011 tăng trưởng lao động là 2,8%, như vậy, năng suất lao
động chỉ tăng hơn 4% là đạt tăng trưởng hơn 7%. Từ nay trở đi thì
tăng trưởng lao động hàng năm chỉ vào khoảng 0,5%, vì vậy, muốn
tăng trưởng 7% thì năng suất lao động phải tăng trưởng 6,5% trở lên.
Rõ ràng, từ mức tăng 3,8%/năm hiện nay mà tăng lên 6,5%/năm là không
thể. Không có nhiều nước trên thế giới làm được điều này.
Lâu nay tăng trưởng theo chiều
rộng, dựa vào vốn, khai thác tài nguyên. Nay ta không thể tiếp tục
con đường này nữa, không thể mở rộng đầu tư nhà nước, huy động
vốn trái phiếu. Vậy mà cách thức tăng trưởng mới chưa thấy.
TBKTSG: Trong các vấn đề của nền kinh tế hiện nay, đâu là điều
ông lo lắng nhất?
- Rủi ro nhất về vĩ mô hiện
nay là ngân sách. Có hai nguyên tắc vàng chúng ta đang phạm phải.
Tốc độ tăng chi nhanh hơn so với tăng thu, làm thâm hụt ngày càng
lớn; và tăng chi đầu tư lại thấp hơn tăng chi thường xuyên, tức chi
dài hạn để tạo ra tăng trưởng lại thấp hơn so với chi tiêu ăn uống
hàng ngày. Vì thế, nợ công tăng lên, bội chi gia tăng. Xu hướng này
vẫn tiếp tục, chưa thấy điểm dừng, và áp lực ngày càng lớn,
không có dấu hiệu ngăn chặn xu hướng này.
Mặt khác, tôi chỉ thấy các
biện pháp xử lý ngắn hạn, ví dụ giảm thu thì phải thu triệt
để. Biểu hiện rõ nét gần đây là tăng thuế, phí. Gánh nặng về
thuế phí đè lên người dân và doanh nghiệp làm họ mất động lực và
chán nản. Vậy mà tôi không thấy có phản ứng khắc phục bệnh
tình. Cách thức này sẽ mang lại rủi ro làm bất ổn vĩ mô xảy ra
bất kỳ lúc nào, và ảnh hưởng nghiêm trọng cho tăng trưởng trong
dài hạn. Đây là điểm tôi rất quan ngại, thậm chí lo ngại hơn vấn
đề của hệ thống ngân hàng.
Vấn đề ngân sách, nợ xấu...
là do thể chế của chúng ta sai lệch, tạo ra động lực sai lệch,
từ đó dẫn dắt nguồn lực trong xã hội phân bổ sai lệch, méo mó.
TBKTSG: Ông có thể chứng minh cụ thể luận điểm này?
- Lẽ ra vốn phải chảy từ
nơi hiệu quả thấp sang nơi hiệu quả cao, thì Việt Nam ngược lại,
vốn chảy vào nơi hiệu quả thấp. Các ngành có hiệu quả cao hơn
như dệt may, điện tử lại thu hút ít vốn. Những ngành hiệu quả
thấp như bất động sản, ngân hàng, bán lẻ lại có nhiều vốn chảy
vào.
Vốn cũng chảy vào các ngành khai mỏ, công ích, xây dựng, tài chính, là những ngành có tăng trưởng năng suất lao động âm thời gian qua. Nghịch lý nữa là các doanh nghiệp lớn lẽ ra phải có năng suất cao, có khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật, thì ở Việt Nam những doanh nghiệp như vậy, nhất là của tư nhân, lại có năng suất vốn thấp.
Vốn cũng chảy vào các ngành khai mỏ, công ích, xây dựng, tài chính, là những ngành có tăng trưởng năng suất lao động âm thời gian qua. Nghịch lý nữa là các doanh nghiệp lớn lẽ ra phải có năng suất cao, có khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật, thì ở Việt Nam những doanh nghiệp như vậy, nhất là của tư nhân, lại có năng suất vốn thấp.
Như vậy, là có sai lệch
nghiêm trọng về phân bổ nguồn lực, gây nên những căn bệnh của nền
kinh tế.
TBKTSG: Vì sao các doanh nghiệp có hiệu quả thấp lại vẫn thu
hút được nhiều vốn đầu tư?
- Do có địa tô lớn. Vốn
chạy vào đó để lấy địa tô chứ không phải lấy giá trị gia tăng.
Các doanh nghiệp lớn là dựa trên vị thế độc quyền và cơ chế
xin-cho. Họ xin và xin được vì thân thiết, vì những lý do khác
chứ không phải họ làm tốt hơn doanh nghiệp khác. Đây là biểu hiện
của chủ nghĩa tư bản thân hữu mà nhiều người nói.
Cơ chế này làm nhà đầu tư
có xu hướng trở thành nhà đầu cơ, dù họ lớn hay nhỏ. Đầu cơ có
nghĩa là họ bòn rút giá trị gia tăng của xã hội, chứ không phải
tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội. Xã hội chỉ có ngần ấy nguồn
lực, anh này lấy đi thì anh khác mất. Đây không phải là trò chơi
win-win, mà là trò chơi anh thắng tôi thua, xã hội thua; chỉ có
một nhóm thắng không phải do tài giỏi, không phải đóng góp tạo ra
giá trị gia tăng. Họ lấy chủ yếu của xã hội.
Điều này là vì thể chế
của chúng ta sai lệch, tạo ra động lực sai lệch. Những nhóm người
giữ quyền thế, và doanh nghiệp thân thích đang chiếm ưu thế hơn
những nhóm khác trong xã hội. Nền kinh tế như thế thì không thể
có tăng trưởng công bằng, và bền vững.
TBKTSG: Trong các phiên thảo luận tại hai hội thảo, ông đều
nhắc lại câu nói của nhà kinh tế Douglas North năm 1990: “Nếu quyền
sở hữu tài sản không được đảm bảo, thực thi luật kém, còn tồn tại rào cản
xâm nhập thị trường và hạn chế theo kiểu độc quyền thì các công ty vì lợi
nhuận sẽ có xu thế theo đuổi tầm nhìn ngắn hạn, đầu tư cơ bản thấp và quy
mô nhỏ. Các hãng lớn với số vốn đầu tư lớn chỉ tồn tại dưới cái ô bảo trợ
của chính phủ, được hưởng nhiều khoản ưu đãi trợ giá, thuế và lại quả cho
chính thể - một tình trạng không có lợi đối với hiệu suất hoạt động”. Vì
sao vậy?
- Bạn không thấy điều này
đúng à? Chẳng hạn, mệnh đề “Nếu quyền sở hữu tài sản không
được đảm bảo...” là rất đúng. Tài sản ở Việt Nam không được bảo
đảm, rất bấp bênh. Một doanh nghiệp đang có một sản nghiệp tốt,
nhưng có thể lâm vào rủi ro do thay đổi chính sách. Ví dụ, thời
gian ân hạn thuế là 290 ngày, đột nhiên, có văn bản rút lại còn
100 ngày. Vậy là doanh nghiệp đang vay ngân hàng với tính toán đến
lúc đó mới phải nộp thuế; và chính sách đột nhiên thay đổi thì
họ trở tay không kịp. Vậy là thua lỗ, không thanh toán thuế, nợ...
Tức là sản nghiệp đang tốt có thể thành sản nghiệp xấu, thua
lỗ. Những thay đổi chính sách như vậy là hàng ngày ở ta. Ai cũng
có thể giải thích cho thay đổi chính sách. Vụ kiểm toán ở Sabeco
là điển hình. Ông nào cũng có thể vào kiểm tra, rồi giải thích
luật theo cách của mình, làm doanh nghiệp có thể mất mát. Quyền
tài sản rất quan trọng, nhưng lại không được đảm bảo.
Nhìn rộng ra, chúng ta
chuyển sang kinh tế thị trường thì một trong những trụ cột là
chuyển đổi sở hữu, nhưng chuyển đổi sở hữu ở ta hoàn toàn dở
dang. Đất đai, tài nguyên của chúng ta không có ai sở hữu cả. Sở
hữu toàn dân, như TS. Phạm Duy Nghĩa nói, là khái niệm chính trị,
không thể thực thi được về mặt luật pháp. Nó biến thành sở hữu
của vài ông có quyền. Doanh nghiệp nhà nước cũng thế. Quá trình
chuyển đổi sở hữu là quá trình dở dang, chưa thể có kinh tế thị
trường vì nền tảng kinh tế thị trường là sở hữu tư nhân là chủ
yếu.
“Thực thi luật kém, còn tồn tại
rào cản thâm nhập thị trường và hạn chế theo kiểu độc quyền” ở ta đâu
cũng có, của tư nhân hay của nhà nước. Như thế thì công ty chỉ
chạy theo đầu cơ. Bảo vệ tài sản chưa được bảo đảm thì không ai
chịu đầu tư dài hạn, trừ những ai tìm được ô bảo trợ để bảo vệ
tài sản. Thể chế như thế thì khả năng đầu tư lớn của tư nhân là
khó, và lớn đến mức nào đó, thì họ trở nên thậm tệ.
TBKTSG: Trong dự thảo Báo cáo Việt Nam 2035 do WB tài trợ, ông
và các đồng nghiệp tính toán rằng, nếu tăng trưởng 5%/năm thì đến
năm 2035 GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 75% GDP bình quân
đầu người của Trung Quốc hiện nay và bằng 83% GDP bình quân đầu người của
Thái Lan hiện nay. Nếu tăng trưởng 7%/năm từ nay đến năm 2035 thì đến năm
2035 GDP bình quân đầu người của Việt Nam bằng 98% của Malaysia hiện nay và
bằng 183% của Trung Quốc hiện nay. Hàm ý ở đây là gì?
- WB nói Việt Nam tăng trưởng
7% trong giai đoạn trước, đứng thứ hai trên thế giới là không sai, và
chúng ta tự hào. Nhưng giai đoạn trước và nay đã rất khác nhau. Cho
đến trước năm 2008, thì tăng trưởng trung bình đạt 7,6%/năm, nhưng
từ đó đến nay tăng trưởng trung bình chỉ 5,8% thôi, khoảng cách là
rất lớn.
Tính cấp bách của thay đổi
là rất lớn như tôi đã mô tả về vi mô, vĩ mô. Vì thế, không thể
không thay đổi trước thực trạng đất nước như thế này. Chúng ta
muốn sánh vai với các quốc gia phát triển thì phải thay đổi. Một
dân tộc không có tham vọng thì thôi, không bàn nữa. Nhưng chúng ta
có tham vọng. Nếu không thay đổi thì tụt hậu xa hơn
Nguồn: Theo Thời Báo Kinh Tế Saigon