- Một trong các tàu sân bay tân tiến nhất của Mỹ hôm 1/10 cập cảng Yokosuka của
Nhật Bản để làm nhiệm vụ đồn trú tại đây.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan lớp Nimitz
cập cảng trong sự chào đón của các quan chức Nhật Bản vì đã từng tham gia hoạt
động cứu trợ sau thảm họa động đất - sóng thần hồi tháng 3/2011.
Tàu sân bay này đến Nhật giữa thời điểm
Tokyo đang cố thắt chặt mối quan hệ quốc phòng với Mỹ sau khi quốc hội Nhật Bản
thông qua luật an ninh mới, cho phép quân đội nước này đưa quân ra nước ngoài.
Tại buổi đón tiếp, Bộ trưởng Hải quân Mỹ
Ray Mabus nói rằng việc tàu Reagan được đón tiếp nồng nhiệt là biểu tượng cho
những cam kết chung Mỹ-Nhật và sự ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, nhiều người
Nhật cũng lo ngại bộ luật mới này sẽ khiến Tokyo càng có nguy cơ sa lầy vào các
cuộc chiến của Mỹ.
Theo Reuters, với đội tàu gồm 5.000 thủy
thủ và khoảng 80 máy bay, tàu USS Ronald Reagan được trang bị hệ thống radar
phòng thủ, hệ thống vũ khí tích hợp và công nghệ chỉ huy, liên lạc mới nhất.
Việc triển khai tàu USS Ronald Reagan đánh
dấu sự nâng cấp, bởi tàu USS George Washington, con tàu nó thay thế ở Nhật, có
ít công nghệ và hệ thống tân tiến hơn.
Ngày 1 tháng 10 năm 2015, tàu sân bay USS Ronald Reagan CVN 76, Hải quân Mỹ đến quân cảng Yokosuka, Nhật Bản |
"Cũng giống như một chiếc xe mới,
chúng tôi có những thứ mới nhất, tuyệt vời nhất, chúng tôi có GPS, chúng tôi có
gương chiếu hậu để chúng tôi có thể thấy đằng sau", thuyền trưởng Chris
Bolt, chỉ huy tàu sân bay, nói tại một cuộc họp báo trên khoang tàu, neo tại
căn cứ hải quân Yokosuka. "Chúng tôi có năng lực chỉ huy và điều khiển to
lớn".
Với việc xoay trục sang châu Á, Mỹ đang
tái cân bằng lực lượng, triển khai 60% hải quân tới khu vực, bao gồm cả các tàu
hiện đại nhất.
Tại cuộc họp báo về tàu sân bay vào cảng,
chỉ huy tàu sân bay này, Christopher E. Bolt cho biết, toàn thể binh sĩ tàu sân
bay USS Ronald Reagan là đội ngũ mạnh nhất trong Hải quân Mỹ, trong tương lai
sẽ đóng góp cho khu vực Tây Thái Bình Dương.
Ông nói: "Hy vọng có thể xây dựng
quan hệ tốt đẹp với nhân dân Nhật Bản, đặc biệt quan hệ hợp tác với Lực lượng
Phòng vệ Biển Nhật Bản".
Hơn nữa, trước đó, Tư lệnh lực lượng chiến
đấu của Hạm đội 7, Hải quân Mỹ, Chuẩn đô đốc John Alexander cho biết, đúng vào
dịp tròn 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, đồng minh Mỹ-Nhật
vững chắc hơn, hiện đã trở thành nền tảng của hòa bình, ổn định của Tây Thái
Bình Dương.
Trong một động thái khác có liên quan,
Inter Askyon ngày 1/10 đưa tin, Chuẩn Đô đốc Paul Kennedy, Tư lệnh Lữ đoàn 3
viễn chính Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đang ở Philippines chỉ huy cuộc tập trận
chung Philblex 2015 đã khẳng định:
"Tôi sẽ nói với các bạn rằng, nếu ai
đó thách thức chủ quyền của đất nước này, những người bạn tốt nhất của họ trong
khu vực này sẽ trả lời chỉ trong vòng một vài giờ. Nói chung tôi đảm bảo với
các bạn rằng đó không phải một lời hứa xuông".
Tuyên bố của tướng Kennedy đưa ra trong
lúc Hoa Kỳ đã triển khai ít nhất 30 ngàn lính Thủy quân lục chiến đến Hawaii
như một phần chiến lược ở châu Á - Thái Bình Dương trong lúc Trung Quốc leo
thang bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa
(thuộc chủ quyền Việt Nam).
Thanh Giang (Tổng hợp)