PHẠM ĐÌNH TRỌNG
Võ Văn Thôn(trái) |
Anh Mười Thôn là cựu giám đốc sở Tư pháp tpHCM Võ Văn Thôn. Ngày
26.8.2016 cựu giám đốc ngành tư pháp ở thành phố lớn nhất nước Võ Văn Thôn đã
tuyên bố từ bỏ đảng sau 51 năm là đảng viên cộng sản.
Sinh ở quê Gò Công Đông nhưng anh Mười Thôn đã để lại tất cả năm tháng
cuộc đời học hành, hoạt động chính trị, làm việc, cống hiến ở thành phố Sài
Gòn.
Hoạt động chính trị do những người cộng sản móc nối, giao nhiệm vụ từ
năm 1957. Và một cuộc đời đẹp, một tên tuổi lịch sử đã đưa Mười Thôn trở thành
người cộng sản. Năm 1965, bí thư ban cán sự sinh viên học sinh khu Sài Gòn –
Gia Định Hồ Hảo Hớn là một trong hai người giới thiệu và bảo đảm cho anh sinh
viên luật khoa Võ Văn Thôn vào đảng cộng sản.
Đầu năm 1967 Hồ Hảo Hớn được bầu vào khu ủy viên khu Sài Gòn Gia Định.
Tháng 9 năm đó, khu ủy viên Hồ Hảo Hớn ra cứ họp quán triệt nghị quyết nhiệm vụ
chiến lược xuân Mậu Thân 1968, trên đường trở lại Sài Gòn, do có kẻ phản bội chỉ
điểm, Hồ Hảo Hớn bị bắt. Sau này những người cùng bị bắt với Hồ Hảo Hớn vẫn
truyền tụng câu đối thoại khẳng khái của Hồ Hảo Hớn với viên an ninh khai thác
cung. Khu ủy viên ha? Việt cộng cỡ bự ha? Có giá đó. Cái giá là những gì có
trong đầu khu ủy viên vừa đi họp khu ủy về đó. Khu ủy viên ra căn cứ thấu triệt
nghị quyết của đảng rồi mang nghị quyết vô Sài Gòn triển khai làm loạn ha. Nghị
quyết đó là gì, khu ủy viên khai lẹ ra thì sẽ giữ được mạng sống. Không khai
thì khỏi sống luôn. Chọn đi. Tất nhiên ai chả muốn sống. Vậy thì khai lẹ đi.
Tôi học nghị quyết là để làm cách mạng giành độc lập cho nước, mang lại tư do
cho người dân chứ không phải để khai báo đổi lấy mạng sống của tôi.
Không đổi nghị quyết của đảng lấy mạng sống cho mình, Hồ Hảo Hớn đã phải
nhận lấy cái chết. Ngày nay ở quận 1 trung tâm Sài Gòn có một đường phố nối rạch
Bến Nghé với đường phố lớn Trần Hưng Đạo mang tên Hồ Hảo Hớn.
Tối 25.8.2016, Mười Thôn thong thả đi xe đạp từ nhà anh, đường Bàn Cờ
quận 3 đến đường Hồ Hảo Hớn quận 1. Cuối chiều vừa có trận mưa lớn. Đường phố
được nước mưa xối rửa sạch bong và cơn gió sau mưa cũng trong lành mát lạnh. Cơn
gió mát và không khí trong lành làm Mười Thôn càng thêm tỉnh táo và thanh thản.
Dừng lại trước bảng tên đường Hồ Hảo Hớn, trong tâm tưởng, trong bồi hồi xúc động,
Mười Thôn có bao điều muốn nói với người anh lớn Hồ Hảo Hớn. Anh Ba à. Anh vẫn
thường nói chúng ta vào đảng để làm cách mạng đánh đuổi kẻ cướp nước và bán nước,
đánh đuổi kẻ áp bức bóc lột dân mình, giành độc lập cho đất nước, giải phóng
cho người dân khỏi kiếp nô lệ. Bao nhiêu máu đã đổ ra. Chúng ta đã giành lại đất
nước. Nhưng người dân vẫn chưa có tự do. Đánh đuổi được những kẻ đảng cho là cướp
nước và bán nước, những kẻ đảng cho là nô dịch người dân thì đảng lại trở thành
thế lực cai trị mới khắc nghiệt hơn. Người dân lại phải chịu sự nô dịch mới. Những
quyền con người cơ bản, người dân vẫn chưa có. Bao nhiêu máu đã đổ ra. Bao
nhiêu triệu người đã chết cho cuộc chiến tranh giành độc lập tự do của đảng đã
trở thành vô nghĩa sao? Anh Ba à. Đảng đã như vậy làm sao có thể ở lại trong đảng
được!
Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng với những đảng viện cộng sản lương thiện,
trung thực, đã có ba, bốn chục tuổi đảng, đã đi với đảng cộng sản suốt cuộc nội
chiến Nam - Bắc đẫm máu. Là những người lương thiện, trung thực họ đã nhận ra
lí tưởng cộng sản là sai trái, mất tính người, nhận ra hiện thực cộng sản là những
tội ác đẫm máu con người nối tiếp nhau
diễn ra không bao giờ chấm dứt và những tội ác giết chết tính người trong những
người đang sống. Vì thế những đảng viên cộng sản còn lương tâm con người và còn
giữ được sự trung thực với cuộc đời đã lần lượt từ bỏ lí tưởng cộng sản, giã từ
đảng cộng sản. Nhà báo Kha Lương Ngãi
phó Tổng biên tập tờ báo lớn của đảng bộ Sài Gòn giã từ đảng cộng sản
năm 2004 khi đã có 38 tuổi đảng. Nhà văn Phạm Đình Trọng giã từ đảng cộng sản
năm 2009 sau 40 năm là đảng viên cộng sản. Luật gia Lê Hiếu Đằng, từng là phó
chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc Sài Gòn giã từ đảng cộng sản năm 2013 sau hơn 40 năm
cống hiến cho đảng với tư cách đảng viên cộng sản