Năm nay, đúng dịp kỷ niệm 145 năm ngày mất của danh nhân Công giáo
Phaolô Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) nên nhiều trí thức Hà Nội ao ước có một lần
về thắp hương cho ông. Đặc biệt Trung tâm Minh Triết do nhà nghiên cứu Nguyễn
Khắc Mai là Giám đốc cũng nhiều lần bày tỏ ước muốn mà chưa thực hiện được nhất
là hiện nay, Trung tâm này đang đặt ra mục tiêu nghiên cứu các tư tưởng của tiền
nhân như Nguyễn Trường Tộ, Đặng Đức Tuấn, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh…Bản
thân tôi cũng có một số bài viết nghiên cứu về tư duy đổi mới và tư tưởng triết
học của ông được đăng trong hai công trình của Trung tâm Khoa học Tư duy là “ Khoa học tư duy từ những hướng tiếp cận khác
nhau” và cuốn “ Nguyễn Trường Tộ hôm
qua và hôm nay”. Cuốn sau, do Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp- Giám mục giáo
phận Vinh chủ biên và Nhà xuất bản Tri Thức ấn hành.
Chúng tôi khởi hành từ
Hà Nội rất sớm, vợ chồng nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai- PGS.TS Trần Thị Băng
Thanh còn chuẩn bị lẵng hoa và nến từ Thủ đô đưa vào. Tôi đã liên hệ với Đức
cha Phaolô nên ngài thỉnh thoảng lại gọi điện hỏi thăm xe đã đến đâu. Tới sân Tòa
Giám mục, Đức cha Phaolô đã ra tận cổng đón khách. Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc
Mai – người đã viết bức tâm thư gửi giáo phận Vinh trước ngày vì môi trường
7-8-2016 rất được dư luận quan tâm, muốn đi dâng hương ngay nhưng Đức cha
Phaolô nói, cứ nghỉ ngơi chút ít, ăn cơm xong, ngài đích thân đưa đi. Hơn nữa
chúng tôi cũng còn phải đợi một xe nữa chở mấy trí thức như PGS Phạm Khiêm Ích,
TS Nguyễn Xuân Diện, lương y Phạm Cao Sơn… đang đi sau chút. Lương y Phạm Cao
Sơn mang vào hơn 1 tạ thuốc bổ và thuốc chữa bệnh để giúp đỡ giáo phận Vinh nên
nhờ Đức cha gọi mấy thầy đến để nghe hướng dẫn sử dụng. Khi đoàn đã đến đủ,
chúng tôi được Đức cha mời đến quán Lam Hồng, một quán cà phê trong khuôn viên
Tòa Giám mục mà như lời Đức cha là nơi để trao đổi công việc của ngài với các cộng
sự mỗi ngày. Quán nhỏ, làm toàn bằng tre, lá. Xung quanh vang tiếng chim hót từ
các bụi cây cảnh. Bữa ăn rất thịnh soạn và trang trọng quanh câu chuyện thân
tình của chủ và khách. Một người đề nghị nói chuyện ngay với Đức cha nhưng ngài
cho rằng cứ nghỉ trưa đi rồi gặp sau. Ngài thân chinh đến mở từng cửa phòng, bật
điều hòa cho khách. Tôi muốn giúp ngài việc này, nhưng ngài nói để tự ngài làm
thì chu đáo hơn.
Đúng 14h, chúng tôi xuống
phòng khách, thì ngài đã đợi sẵn. Cha chánh văn phòng giáo phận Phaolô Nguyễn
Văn Hiểu tự tay rót nước mời khách. Chúng tôi
chia sẻ âu lo với sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung vừa qua và cả
những khâm phục của anh em trí thức Hà Nội với sự can đảm, khôn ngoan của Đức
cha Phaolô và giáo dân của giáo phận Vinh về vấn đề này. Đức cha Phaolô cảm ơn
sự sẻ chia của anh em trí thức, doanh nhân Hà Nội, đồng thời trấn an rằng, các
vị đừng lo cho tôi, tôi là Giám mục Công giáo nên trước hết Chúa sẽ lo toan gìn
giữ rồi nửa triệu giáo dân Vinh cũng chăm lo. Hơn nữa chính quyền cũng quan
tâm, săn sóc lắm. Vấn đề hiện nay là làm sao có biển sạch để ngư dân lại ra
khơi và kiểm tra sức khỏe cho bà con để họ yên tâm bám biển mưu sinh. Một số dự
định trong tương lai được các trí thức trao đổi xin sự ủng hộ của Đức cha Phaolô.
Đức cha tự tay tặng sách, tặng tượng Đức Mẹ Việt Nam, quà đặc sản của Vinh cho
từng người và không quên gửi phần cho GS Chu Hảo, TS Nguyễn Quang A, GS Hồ Sĩ
Quý, GS Nguyễn Quang Hưng. Vì công việc bận nên các GS này không đi cùng được.
Đức cha Phaolô thân
chinh đưa chúng tôi ra viếng mộ danh nhân Nguyễn Trường Tộ. Nhà nghiên cứu Nguyễn
Khắc Mai nghĩ đạo Công giáo không thắp hương nên không chuẩn bị hương. Tôi vội
chạy đi mua mấy nắm. Đức cha bảo mang cả cuốn sách “ Nguyễn Trường Tộ hôm qua
và hôm nay” ra. Ngài nói rằng, Tiên sinh trước đây mang bao khát vọng và hoài
bão nhưng chưa thực hiện được. Bây giờ, nhiều điều đang được triển khai, xin
tiên sinh chứng giám. Đức cha cũng xướng kinh để chúng tôi cùng cầu nguyện cho
linh hồn Phaolô (ảnh). Mọi người lần lượt dâng hương trước phần mộ của danh
nhân. PGS.TS Trần Thị Băng Thanh, TS Nguyễn Xuân Diện- chuyên gia về Hán Nôm
say sưa đọc, ghi câu đối trên mộ phần danh nhân. Phần mộ của danh nhân đơn giản,
chỉ có tấm bia nhỏ ghi công tích như cuộc đời của danh nhân. Khuôn viên mộ phần
rộng và thoáng.
Trên đường về, Đức cha
đưa chúng tôi ghé thăm Đại chủng viện Vinh- Thanh. Nơi đây có nhà nguyện mới
xây khá đẹp. Đặc biệt nhà nguyện có chiếc
bàn thờ bằng gỗ nguyên khối mà mặt trước chạm nổi bức tranh tuyệt tác “Tiệc ly”
của L. Vinci. Nhiều người thích thú chụp ảnh trước bàn thờ độc đáo này. Ngài
cũng đưa chúng tôi lên thăm hội trường 600 chỗ ngồi mới khánh thành. Quang cảnh
như một nhà hát nho nhỏ.
Vì đường xa, chúng tôi cảm
tạ sự tiếp đón ân cần của Ngài và chia tay để quay về Hà Nội. Mọi người rất vui
vì có một chuyến đi lý thú.
Triết Giang