Với những hoạt động khai thác ồ ạt và có tính toán trong nhiều năm gần đây
trên Biển Đông, Trung Quốc được cho là đang “vắt kiệt” nguồn cá và phá hoại hệ
sinh thái biển ở một trong những ngư trường quan trọng nhất thế giới, đẩy cuộc
sống của hàng triệu ngư dân từ các quốc gia ven biển vào cảnh khốn cùng.
Nguồn cá ở Biển Đông đang cạn dần do khai thác quá mức (Ảnh: National Geographic) |
Tạp chí National
Geographic (Mỹ) ngày 29/8 đã đăng tải bài phóng sự đánh giá về hoạt động
khai thác cá ồ ạt tại Biển Đông trong những năm gần đây, gây ảnh hưởng nghiêm
trọng đến hệ sinh thái biển và đặt một trong những ngư trường quan trọng với
nguồn cá dồi dào nhất thế giới trước nguy cơ cạn kiệt hoàn toàn. Đứng trước
thực trạng đáng lo ngại này, các ngư dân Việt Nam và Philippines là những người
chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì Biển Đông vốn được coi là nơi nuôi sống họ từ
nhiều năm nay. Theo đánh giá của National Geographic, nguyên nhân chủ
yếu dẫn đến tình trạng này chính là hoạt động của các ngư dân Trung Quốc với
lối hành xử theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé” trên Biển Đông.
Ngư trường quan trọng
bậc nhất thế giới trước nguy cơ cạn kiệt
Từ trước đến nay,
Biển Đông vẫn được biết đến với tầm quan trọng không chỉ về kinh tế mà còn về
môi trường và quân sự. Mỗi năm, giá trị của lượng hàng hóa thương mại được lưu
thông qua vùng biển này lên tới 5.300 tỷ USD. Bên cạnh đó, nếu xét về sự đa
dạng sinh học, Biển Đông còn được ví như một “phiên bản” rừng Amazon dưới nước.
Cùng với đó, nguồn cá ở vùng biển này có thể cung cấp thực phẩm và việc làm cho
hàng triệu người dân ở 10 quốc gia và vùng lãnh thổ bao quanh nó. Ước tính có
khoảng 3,7 triệu ngư dân đang đánh bắt cá trên Biển Đông và thu về hàng tỷ USD
mỗi năm.
Đồ họa thể hiện giá trị thương mại của Biển Đông (Nguồn: National Geographic) |
Tuy nhiên, sau vài
chục năm khai thác vô tội vạ, sản lượng cá trên Biển Đông hiện đã giảm đáng kể
so với trước đây và đang có nguy cơ cạn kiệt, đe dọa trực tiếp tới an ninh
lương thực cũng như tiềm năng phát triển kinh tế của các nước sống dựa vào
nguồn tài nguyên này. Các chuyên gia tính toán rằng tại một số khu vực trên
Biển Đông, sản lượng cá chỉ còn chưa đầy 1/10 so với 50 năm trước đây và nhiều
loại cá có giá trị cao như cá ngừ hay cá mú đang ngày càng trở nên khan hiếm
hơn.
John McManus, nhà
sinh học biển đến từ Trường Rosenstiel thuộc Đại học Miami, Mỹ, nhận định: “Có
lẽ chúng ta đang chứng kiến một trong những thảm họa đánh bắt cá tồi tệ nhất
trên thế giới. Chúng ta sẽ thấy hàng trăm loài cá biến mất trên Biển Đông với
tốc độ rất nhanh, hết loài này đến loài khác”.
Theo phân tích của National
Geographic, Trung Quốc dường như là một trong những nguyên nhân dẫn tới
thực trạng này.
Từ nhiều năm qua,
Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn diện tích Biển
Đông dựa trên yêu sách “đường chín đoạn” phi lý do nước này tự ý vẽ ra. Yêu
sách của Bắc Kinh đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các quốc gia khác trong
khu vực khiến căng thẳng ngày càng có xu hướng leo thang và phức tạp hơn. Theo
đó, một vòng luẩn quẩn lập tức xuất hiện khi việc tranh giành khu vực đánh bắt
cá theo tuyên bố chủ quyền của mỗi nước dẫn đến các tranh chấp trên biển Đông,
khi các tranh chấp trên biển Đông diễn ra căng thẳng lại càng đẩy sự cạnh tranh
giữa ngư dân các nước lên cao. Rốt cục, nguồn tài nguyên cá càng thêm cạn kiệt.
Những toan tính của
Trung Quốc tại Biển Đông
Cá ngừ đông lạnh trên tàu Trung Quốc tại cảng General Santos của Philippines (Ảnh: National Geographic)
|
Bắc Kinh đã tài trợ
tiền cho các ngư dân, trợ cấp nước ngọt, xăng dầu và chi phí để ngư dân đóng
tàu kiên cố và lớn hơn, thậm chí còn trang bị thêm vũ khí cho các tàu đánh cá
để sử dụng trong các trường hợp cần thiết. Trung Quốc tổ chức huấn luyện quân
sự cho các tàu, trang bị hệ thống liên lạc hiện đại qua chương trình định vị
GPS để ngư dân có thể kết nối với lực lượng hải cảnh khi phải đối mặt với tàu
của lực lượng chấp pháp các nước hoặc khi muốn cảnh báo tàu cá nước khác cùng
đến đánh bắt. Chưa hết, lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc cũng được tăng cường
tại Biển Đông để hỗ trợ ngư dân khi ra khơi đánh cá. Tất cả đều nằm trong ý đồ
độc chiếm và thâu tóm nguồn tài nguyên trên Biển Đông của Bắc Kinh.
“Lý do duy nhất để
các nhóm ngư dân đơn lẻ (của Trung Quốc) có thể đi ra tận Trường Sa đánh bắt cá
là vì họ được trả tiền để làm vậy”, Gregory Poling, Giám đốc Nhóm sáng kiến
minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế
(CSIS), nhận định.
Không chỉ dùng chiến
thuật đầu tư mạnh tay cho các ngư dân đánh bắt cá ở Biển Đông, Trung Quốc còn
đẩy mạnh việc bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo để hỗ trợ cho các hoạt động quân
sự, từ đó cản trở các nước khác tới vùng biển này khai thác cá.
“Trung Quốc đang tăng
cường kiểm soát Biển Đông bằng việc xây dựng các đảo và ngăn cản các quốc gia
khác khai thác các nguồn tài nguyên tại đây”, Zachary Abuza, chuyên gia về
chính trị Đông Nam Á và an ninh hàng hải tại Đại học Chiến tranh quốc gia Mỹ, đánh
giá.
Hàng trăm tàu cá Trung Quốc trong một lần ra khơi từ Chiết Giang (Ảnh: Daily Mail)
|
Eugenio Bito-onon Jr., một ngư dân Philippines cho biết, tại vùng nước xung quanh Đá Xubi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã “vét sạch” nguồn cá và từ 3 năm trở lại đây, chưa lúc nào vắng bóng tàu cá Trung Quốc ở khu vực này. Trong khi đó, Gilbert Elefane, thuyền trưởng một tàu đánh cá ngừ của Philippines tại Palawan, cho biết trong mỗi đợt đánh cá kéo dài 2 tuần tại Biển Đông, Trung Quốc huy động hàng trăm tàu cá tham gia cùng một lúc dù trước đó vài năm, số tàu Trung Quốc không vượt quá 30 chiếc.
National Geographic nhận định, việc ban hành một quy định chung để kiểm
soát chặt chẽ và điều chỉnh hoạt động đánh bắt cá tại Biển Đông là điều gần như
không thực hiện được trừ khi những tranh chấp hàng hải trong khu vực này được
giải quyết hoàn toàn. Trong khi đó, chuyên gia Gregory Poling của CSIS dự đoán
rằng sẽ phải mất khoảng thời gian rất dài nữa trước khi một kế hoạch quản lý
hiệu quả nguồn tài nguyên tại Biển Đông có thể được thực thi, đặc biệt trong
bối cảnh Trung Quốc vẫn chưa từ bỏ yêu sách “đường chín đoạn” của nước này, và
thậm chí còn ngày càng quyết liệt hơn trong việc theo đuổi tham vọng trên Biển
Đông.
Thành
Đạt
Theo
National Geographic