#GNsP (1.8.2017) – Theo báo cáo công bố ngày 18-7 của Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Hoa Kỳ cho biết năm 2017 người Việt đứng thứ 6 trong top 10 nước hàng đầu có công dân mua nhà ở Mỹ và điều này đã khiến thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại phải trăn trở …
Có câu “ đất lành, chim đậu” hay “thóc ở đâu, bồ câu ở đó”, vì sự sinh tồn thì dù là con vật hay con người đều có khuynh hướng tìm về nơi có điều kiện thuận lợi để sinh sống. Do vậy thay vì cho rằng ngân hàng cần phải suy nghĩ cách thức để để thu hút vốn đầu tư, đừng để dân gửi tiền đô ra nước ngoài mua nhà, nên chăng, thủ tướng nên trăn trở làm thế nào cho người dân cảm thấy đất nước của mình là một nơi đáng để sống.
Năm 2015, thế giới đã chứng kiến con số kỷ lục những người tị nạn phải chạy trốn khỏi đất nước mình vì bất ổn chính trị, chiến tranh, nghèo đói… Hơn 60 triệu người tại các nước từ Syria tới Nam Sudan và Afghanistan đã phải chạy ra nước ngoài tị nạn hoặc sống tại các khu tập trung ở trong nước vì xung đột và bạo lực trong năm qua. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, trên toàn thế giới cứ 122 người thì có 1 người bị buộc phải rời bỏ nhà cửa.
Tại Việt Nam cả triệu người Việt đã bỏ nước ra đi từ đợt di tản tháng 4 năm 1975, rồi những chuyến vượt biên đầy nguy hiểm và thương tâm đã cướp đi sinh mạng hàng triệu người dân Việt.
Chẳng ai muốn rời bỏ quê hương, nơi chôn nhau cắt rún để sống lưu lạc nơi xứ người, thế nhưng khi “quê hương” không còn là “chùm khế ngọt” thì việc tìm cách định cư, sinh sống ở một nơi không phải là quê hương của mình là một lựa chọn chẳng đặng đừng. Khi đất nước chìm ngập chiến tranh, bạo động, hay chính quyền hà khắc, độc ác với dân thì ở lại cũng chết mà đi cũng chết, đằng nào cũng chết, do vậy dẫu đi tìm sự sống trong cái chết, người dân vẫn ra đi.
Trong sách Cổ Học Tinh Hoa có câu chuyện như sau :
Khổng Tử đi sang nước Tề, đi qua núi Thái Sơn, thấy một người đàn bà khóc ngoài đồng, nghe thê thảm lắm. Ngài nói rằng : “ Người đàn bà này xem như trong nhà có trùng tang”. Rồi sai thầy Tử Cống đến hỏi. Người đàn bà bèn thưa rằng: “ Đúng thế ! Ở đây lắm Hổ, bố chống tôi đã chết vì Hổ, chồng tôi đã chết vì Hổ , bây giờ con tôi cũng chết vì Hổ. Thảm lắm ông ạ.” Thầy Tử Cống bảo: “ Tại sao bà không bỏ chỗ này mà đi chỗ khác? ”. Người đàn bà đáp: “Tuy vậy, nhưng ở đây chính sách quan trên không đến nỗi hà khắc, tàn bạo như các nơi khác ”.
Khổng Tử đi sang nước Tề, đi qua núi Thái Sơn, thấy một người đàn bà khóc ngoài đồng, nghe thê thảm lắm. Ngài nói rằng : “ Người đàn bà này xem như trong nhà có trùng tang”. Rồi sai thầy Tử Cống đến hỏi. Người đàn bà bèn thưa rằng: “ Đúng thế ! Ở đây lắm Hổ, bố chống tôi đã chết vì Hổ, chồng tôi đã chết vì Hổ , bây giờ con tôi cũng chết vì Hổ. Thảm lắm ông ạ.” Thầy Tử Cống bảo: “ Tại sao bà không bỏ chỗ này mà đi chỗ khác? ”. Người đàn bà đáp: “Tuy vậy, nhưng ở đây chính sách quan trên không đến nỗi hà khắc, tàn bạo như các nơi khác ”.
Thế đấy, chỉ cần “chính sách quan trên không đến nỗi hà khắc, tàn bạo” thì những khó khăn, nghiệt ngã của hoàn cảnh sống cũng không khiến người ta phải nơi mình từng gắn bó.
Vì thế xin ngài Thủ tướng …
Hãy trăn trở làm sao cho đồng tiền thuế của người dân được sử dụng đúng mục đích, giúp phát triển quê hương, đất nước thay vì chạy vào túi quan tham.
Hãy trăn trở làm sao cho người dân thực sự có tự do, dân chủ, không bị bắt bớ tù đày khi bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền.
Hãy trăn trở làm sao trả lại cho người dân môi trường thiên nhiên trong sạch, điều kiện sống an toàn thay vì cứ tiếp tục tiếp nhận các dự án công nghiệp bất chấp sự nguy hại từ việc xả thải của nó.
Hãy trăn trở làm sao cho trẻ em nước Việt được hưởng một nền giáo dục nhân bản, tiến bộ, cập nhật với thế giới thay cho một nền giáo dục cứ mãi loay hoay với những bất cập và những cuộc cải cách không mang tính hiệu quả.
Hãy trăn trở làm sao cho đất nước thoát hiểm họa xâm lăng của giặc bành trướng Trung Quốc thay vì đàn áp, chống đối những người biểu tình chống giặc Trung Quốc ngoại xâm.
Nói tóm lại, xin Thủ tướng hãy trăn trở sao cho nước Việt là thiên đường của tự do, ấm no và hạnh phúc, khi đó chẳng ai dại gì phải đầu tư tiền bạc để định cư tại xứ “ tư bản giãy chết”. Bằng như ngược lại thì đến “cái cột điện nếu biết đi thì cũng bỏ nước mà đi” vậy.
Điền Phương Thảo