02 août 2017

Người dân Cà Mau bức xúc vì nhiều cán bộ gian lận bằng cấp vẫn được ưu ái tại vị

 
Mặc dù cả bằng cấp II cũng không có, nhưng ông Lê Quốc Trung – cậu ruột Giám đốc Trung Tâm Y tế huyện Năm Căn vẫn được “ưu ái” bổ nhiệm vào nhiều vị trí quan trọng.
(GDVN) - Vấn đề sử dụng văn bằng bất hợp pháp đã trở nên không còn lạ gì đối với giới cán bộ, công chức, viên chức và cả người dân tỉnh Cà Mau. 

Thông tin nữ Chủ tịch xã Tam Giang “gian lận” hồ sơ học tập nhưng chỉ kỷ luật nhẹ rồi cho tại vị chưa kịp lắng xuống thì lại xuất hiện thông tin ông giám đốc của một trung tâm y tế bổ nhiệm cậu ruột của mình vào vị trí lãnh đạo khoa trong khi người này cả bằng Trung học cơ sở cũng không có….
Khi những thông tin nói trên được đăng tải trên các trang báo đã vô tình làm nóng dư luận về vấn đề “bằng giả” ở Cà Mau.
Nắm bắt thông tin bức xúc từ dư luận, hay nói rõ hơn là bức xúc của người dân địa phương này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã vào cuộc tìm hiểu sâu hơn về “vấn nạn” này nhằm cung cấp thông tin đa chiều đến bạn đọc.


Từ những lý do... lọt tai

Theo tìm hiểu phóng viên, vấn đề sử dụng văn bằng bất hợp pháp không còn lạ gì đối với giới cán bộ, công chức, viên chức và cả người dân tỉnh Cà Mau.
Bởi không bao lâu, người ta lại thấy xuất hiện trên mặt báo những thông tin tố giác vấn nạn sử dụng văn bằng bất hợp pháp trong cán bộ, công chức, viên chức.
Điều mà dư luận địa phương hết sức “thán phục” là khi khai việc gian lận bị phát hiện, đáng lẽ những người gian lận đó phải hổ thẹn, nhục nhã trước tập thể đơn vị và người dân.

Ngược lại, khi làm việc với cơ quan chức năng thì những cán bộ nói trên được cho là hết sức “cao tay” khi đưa ra những lý do biện minh cho sự gian dối của mình một cách nghe cũng "khá lọt tai".
Và, có lẽ lãnh đạo các địa phương có cán bộ như thế đã bị thuyết phục bởi những lý do đó nên đã xử lý vụ việc bằng cách “đóng cửa bảo nhau”.
Còn nhớ, vào tháng 2/2016, sau khi nhiều cơ quan báo chí đồng loạt vào cuộc phản ánh việc Huỳnh Thanh Thúy - Hiệu trưởng Trường Mầm non Vàng Anh (còn gọi là Thúy nhỏ) đã mượn bằng của người thân đi học rồi làm Hiệu trưởng; cơ quan chức năng huyện Thới Bình (Cà Mau) mới kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với nữ Hiệu trưởng này và một Phó Hiệu trưởng mầm non khác cùng huyện.
Vấn đề bức xúc trong vụ việc này là mặc dù trước đó đã có người tố cáo, Thanh tra Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng đã kết luận văn bằng của bà Huỳnh Thanh Thúy là bất hợp pháp.
Tuy nhiên, không hiểu vì sao, sau khi tiếp nhận báo cáo, cơ quan thẩm quyền lại “bỏ quên” suốt thời gian dài, khiến dư luận bức xúc. Và, chỉ khi báo giới đồng loạt phản ánh thì cơ quan chức năng mới thực hiện kỷ luật nữ Hiệu trưởng này.
Hồ sơ thể hiện, khi làm việc với cơ quan chức năng, nữ Hiệu trưởng đã ra lý do để biện minh việc sử dụng bằng cấp của chị mình một cách hết sức “khéo léo”:
Nhà tôi không ai tên Huỳnh Mỹ Hiền cả, chỉ có hai người cùng tên Huỳnh Thanh Thúy, người chị tên thường gọi là Thúy lớn, còn tôi là Thúy nhỏ”…

Hồ sơ thể hiện tên Huỳnh Mỹ Hiền và Huỳnh Thanh Thúy khác nhau nhưng lại cùng một ảnh, nhưng bà Hiệu trưởng mầm non “quanh co” cho rằng nhà bà không ai tên Huỳnh Mỹ Hiền cả…

Thế nhưng Tổ làm nhiệm vụ đặt vấn đề tại sao trong giấy khai con bà lại khai tên của người mẹ là Huỳnh Mỹ Hiền thì bà Hiệu trưởng nhỏ nhẹ:
Ở nhà mấy anh em gọi tôi là Út Hiền nên khi đi làm giấy khai sinh cho con gái, chồng tôi khai lộn tên là Huỳnh Mỹ Hiền, khi hay tin tôi đi đính chính lại liền”…
Đối với trường hợp bà Nguyễn Hồng Mơ – Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Tam Giang (huyện Năm Căn) thì các văn bằng, chứng chỉ của bà đều thể hiện tên Trương Hồng Gấm.
Thế nhưng giấy khai sinh, chứng minh nhân dân và các giấy tờ hợp pháp khác của nữ chủ tịch này lại thể hiện Nguyễn Hồng Mơ.
Một cán bộ hưu trí ngụ Thành phố Cà Mau nhận định: “Một sự thật mà ‘chỉ nghe là đã biết’ thì không hiểu vì sao Bà mơ lại được vào làm việc tại cơ quan công lập và có thể lên được vị trí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã.
Ấy vậy mà khi có kết luận, huyện Năm Căn lại chỉ ‘cảnh cáo’ rồi cho tại vị chức Chủ tịch thì làm sao thiết phục, làm sao để dân tin…”.
Trong khi đó, nhiều người nhận định, có lẽ Huyện ủy, Uỷ ban nhân dân huyện Năm Căn đã bị “thuyết phục” trước lý do mà nữ Chủ tịch xã Tam Giang đưa ra khi làm việc với Ủy ban Kiểm tra huyện này:
Do lúc nhỏ ‘khó nuôi’ nên cha mẹ ruột mang tôi cho người khác nuôi và lấy tên là Trương Hồng Gấm.
Sau này, khi lớn lên tôi về sống với cha mẹ ruột nên lấy lại tên thật là Nguyễn Hồng Mơ cho 'khớp' với hộ khẩu và giấy chứng minh nhân dân (!?)”…
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong các lý do mà những cán bộ, công chức, viên chức từng đưa ra để biện minh cho vấn đề văn bằng của mình mà dư luận từng biết đến, phải nói “cao tay” là Trần Hiếu Trinh (Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau).
Bởi, vào cuối năm 2014, vị Ủy viên Mặt trận này đã từng bị kỷ luật cảnh cáo cả về mặt Đảng lẫn chính quyền về hành vi sử dụng văn bằng bất hợp pháp.

Mặc dù đã bị kỷ luật về hành vi gian lận bằng cấp, ông Trần Hiếu Trinh vẫn tiếp tục tái phạm nhưng chỉ bị kỷ luật cảnh cáo rồi cho tại vị ở vị trí Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau.
Thế nhưng, vào đầu tháng 1/2017, ông Trinh tiếp tục bị phát hiện có hành vi dùng hồ sơ bất hợp pháp để đi học đại học Luật, hệ tại chức do trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Trung tâm giáo dục tỉnh Cà Mau tổ chức tại Cà Mau. 
Và, có lẽ không một ai có thể “cao tay” nghĩ ra được lý do “ham học” để thuyết phục cơ quan chức năng như vị Ủy viên mặt trận này…

Đến những kiểu “ưu ái” gây búc xúc

Trở lại vấn đề văn bằng của hai vị “lãnh đạo” đã và đang gây xôn xao dư luận là bà Nguyễn Hồng Mơ (Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Tam Giang) và ông Lê Quốc Trung (cậu ruột ông Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc Trung Tâm y tế huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau).
Theo hồ sơ mà phóng viên có được, khi làm việc với cơ quan chức năng, ngoài lý do “khó nuôi” như nói trên, nữ Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Tam Giang còn đưa ra một lý do khác cho rằng, do cơn bão số 5 (năm 1997) khiến trường bị hư hỏng nặng đã làm mất nhiều hồ sơ, trong đó có hồ sơ của bà.
Đến cuối khóa học, chuẩn bị thi tốt nghiệp Trung học cơ sở, nhà trường mời bà lên thông báo mất hồ sơ. Từ đó, nhà trường đã “hợp thức hóa” cho bà bằng cách lấy hồ tên Trương Hồng Gấm cho bà được dự thi tốt nghiệp…
Từ những lời khai được cho là khá mâu thuẫn của nữ Chủ tịch xã, cộng với những chứng cứ mà Huyện ủy Năm Căn thu thập được, cơ quan chức năng nhận định:
Bà Nguyễn Hồng Mơ đã khai báo không trung thực về thời gian học tập mà bà đã khai trong hồ sơ đảng viên, xin xác nhận bằng Trung học phổ thông không đúng với họ tên, nhưng không chủ động, tự giác báo cáo.
Điều mà nhiều người là cán bộ, nguyên cán bộ và người dân địa phương bức xúc là với sai phạm như trên, đáng lẽ cơ quan chức năng phải đề nghị xử lý thích đáng và thu hồi các văn bằng của bà Mơ.
Đằng này, Huyện ủy và Uỷ ban nhân dân huyện Năm Căn chỉ xử lý hình thức kỷ luật cảnh cáo và vẫn cho bà Mơ tại vị chức Chủ tịch xã.
 
Mặc dù xác định nữ Chủ tịch xã Tam Giang đã lấy tên người khác đi học nhưng Ban Thường vụ Huyện ủy Năm Căn đề nghị: “Đồng chí Nguyễn Hồng tiếp tục phát huy ưu điểm…”.
Càng bức xúc khi vào cuộc xác minh, Thanh tra Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Cà Mau đã không đề nghị thu hồi bằng cấp của bà Mơ theo quy định mà lại đưa ra lý do cho rằng, mặc dù sử dụng hồ sơ của người khác, nhưng bà Mơ có tham gia học thật và lúc đó còn nhỏ, nhận thức chưa đủ tính nghiêm trọng…
Trong khi theo quy định tại Điều 28 Thông tư số 19/2015 của Bộ Giáo dục – Đào tạo nêu rõ: “… có hành vi gian lận trong việc tuyển sinh, học tập, thi cử, báo cáo đồ án, khóa luận tốt nghiệp, luận văn hoặc gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văng bằng, chứng chỉ” thì thu hồi, hủy bỏ văng bằng, chứng chỉ đó.
Trường hợp ông Lê Quốc Trung thì cơ quan chức năng đã kết luận, cả bằng Trung học cơ sở ông Trung cũng không có.
Thế nhưng, trước đó người cậu này của Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ngọc Hiển đã được bổ nhiệm chức vụ Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh khi còn ở Bệnh viện đa khoa huyện Ngọc Hiển.
Sau khi ghép lại thành Trung tâm Y tế huyện Ngọc Hiển (ngày 1/3/2014), người cậu này tiếp tục được được bổ nhiệm làm Phó Khoa cận lâm sàng, giữ chức Bí thư chi bộ khoa.
Ngoài ra, Sở Y tế Cà Mau còn kết luận, ông Trung đã gian lận đầu vào bằng cách nhờ người khác xác nhận học hết lớp 9 để đi học và tốt nghiệp y sỹ đa khoa (hệ chuyên tu), trong khi theo tiêu chuẩn theo quy định tuyển sinh lớp này (thời điểm trước năm 1998 là phải tốt nghiệp lớp 9).
Theo tìm hiểu của phóng viên, vào năm 2005, tỉnh Cà Mau đã từng ra quyết định buộc thôi việc hơn 90 giáo viên.
Tháng 3/2016, huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) cũng đã kỷ luật cách chức với một số Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng đang công tác tại huyện này.
Mới đây, ngày 17/4/2017, Sở Giáo dục - Đào tạo Cà Mau cũng đã có công văn đề nghị Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau ra quyết định thu hồi văn bằng bất hợp pháp của một giáo viên ở huyện Trần Văn Thời.
Dư luận cho rằng, pháp luật là pháp luật, vi phạm thì phải bị xử lý, không thể dựa vào lý do “còn nhỏ nhận thức chưa đủ tính nghiêm trọng” hay “ham học” để “ưu ái”, xử lý nhẹ rồi cho tại vị thì làm sao đủ tính thuyết phục và đủ để… răng đe.

Bài và ảnh: Ngọc Huỳnh

Nguồn: Theo GDVN