Phương Trạch
Trong gần một năm qua, trên hai thành phố lớn nhất nước Việt Nam, đặc biệt
là tại TP.Hồ Chí Minh, đã nổ ra một “cuộc chiến” hết sức khốc liệt. Tuy không
có bom đạn, không có tiếng súng. Không có xác người quằn quại nằm trên
vũng máu. Nhưng hậu quả mà nó để lại trên đời sống cơ cực lầm than và đói
nghèo của người dân nơi đây rất nặng nề. Người dân gọi đây là “cuộc chiến vỉa
hè”.
Kế hoạch lập lại trật tự đô thị là kỳ vọng của lãnh đạo Quận 1, khi muốn
biến khu trung tâm Sài Gòn "thành Singapore thu nhỏ".
Ngày 16 tháng 1 năm 2017,cuộc chiến do ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Quận
1 chỉ huy bắt đầu .
Đây là một việc làm đầy khó khăn, vì không những kể cả nhân viên chính phủ,
cơ quan chính quyền vi phạm, mà dân thường cũng vi phạm vì đã được công
an bao che. Chính ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Hà Nội cũng thừa nhận: “Trong
số 180 quán bia vỉa hè vi phạm lấn chiếm vỉa hè, thì có hơn 150 quán
có... công an đứng sau “chống lưng”. (1).
Ông Nguyễn Đức Chung trưởng thành trong ngành công an. Từng làm Giám đốc CA
Hà Nội, là người ở “trong chăn” rất lâu, nên biết quá rõ tình trạng này. Dư
luận cho rằng, số quán còn lại không có công an “chống lưng” thì phải là người
nhà của ông lớn nào đấy. Nếu không có người “chống lưng” hoặc không có chỗ dựa,
thì những quán trên không thể tồn tại quá 24 giờ.
Đây cũng là một hình thức tham nhũng kiểu mới. Không phải tham nhũng tiền
bạc, tham nhũng quyền lực “hay hối lộ tình dục’ của các quan, mà đây là “Tham nhũng vỉa hè”.
Nhiều người đặt câu hỏi:Ông Đoàn Ngọc Hải là ai?
Ông Đoàn Ngọc Hải sinh ngày 10/10/1969, quê quán ở xã Hữu Hòa, huyện Thanh
Trì, TP.Hà Nội. Nhưng không biết vì nguyên nhân nào mà ông ta “lang bạt kỳ hồ”,
trôi dạt nhiều nơi, và cuối cùng đậu lại mảnh đất Sài Thành này. Hiện ông đang
cư trú tại phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM.
Tại đây không biết có ai “chống lưng” hay không, mà ông Hải bước đầu chỉ là
anh thu thuế tại Chi cục thuế Quận 1, rồi đến cán bộ Phường Cầu Ông Lãnh.
Và cứ như cóc nhảy, mãi rồi ông cũng lên được chức Phó Chủ tịch Quận 1 (2).
Bước đầu ra quân trong “cuộc chiến vỉa hè” này, Đoàn Ngọc Hải tỏ ra rất
hung hăng. Ông đã phát huy tối đa bản chất gian manh “Thà thu nhầm còn
hơn bỏ sót” của người thu thế, mà dân gian đã liệt vào một trong ba đối
tượng “phải đâm”.
Kể từ khi thực hiện “cuộc chiến vỉa hè”, ông Đoàn Ngọc Hải được người dân
TP. HCM gắn cho biệt hiệu là “Hải Cẩu”. Không chỉ bởi ông này có khuôn
mặt dữ tợn, vênh vênh và luôn cau có giống như mặt của loài động vật Hải
Cẩu, còn có tên gọi là họ Chó biển (đặc điểm của loài này là không có tai).
Mà vì ông Đoàn Ngọc Hải đã “anh dũng” ra lệnh “cẩu” tất cả những chiếc xe
nào đậu sai quy định đưa về “nhập kho” để phạt. Kể cả xe của ông Đại sứ người Nhật Bản, ông
cũng không tha.
Ông ta đã rất gay gắt khi thấy chiếc xe mang biển số ngoại giao có vạch đỏ
ưu tiên, và tuyên bố một câu “xanh rờn”: “Đừng lấy biển số ngoại giao
ra hù dọa chính quyền”.
Trước đó ông Đoàn Ngọc Hải cũng đã từng cho cẩu 2 chiếc xe mang biển số
ngoại giao về phường vì đậu trên vỉa hè, trong đó có chiếc xe của Tổng lãnh sự
quán Hungary tại TP.HCM (3).
Hóa ra cái gọi là “chính quyền” của phe nhóm ông Hải không phải là lo giữ
gìn toàn vẹn lãnh thổ biên cương của Tổ quốc. Không phải lo giữ gìn cuộc sống
yên lành cho người dân. Không phải lo cho dân có cuộc sống ấm no hạnh phúc, con
em được học hành thành đạt. Mà cái “chính quyền” của mấy ông này là chỉ lo đi
bắt xe đậu sai quy định để…phạt?
Không biết gương mặt của vị Phó Chủ tịch Quận 1 này có giống bộ “mặt
sắt” của nhân vật Hồ Tôn Hiến được Đại Thi hào Nguyễn Du mô tả khi Hồ Tôn Hiến
nghe Thúy Kiều gảy đàn trong tác phẩm bất hủ Truyện Kiều hay không? Chỉ biết
rằng, hình ảnh ông Đoàn Ngọc Hải xuất hiện rất nhiều trên báo chí. Nhưng chưa
bao giờ người ta thấy ông này nở được một nụ cười.
Có lẽ ông này chưa bao giờ hiểu được giá trị của nụ cười trong câu
ngạn ngữ của người Việt Nam: “ Một nụ cười bằng mười thang thuốc
bổ”. Nên ông ta rất…tiết kiệm “ban phát” cái của quý hiếm này vì sợ lãng
phí chăng?
Cũng bởi đặc điểm của loài Hải Cẩu là không có lỗ tai, nên ông này cũng
chẳng bao giờ “nghe” và thấu hiểu được nỗi lòng của những phận nghèo mà cuộc
sống thường ngày của họ chỉ nhờ vào việc “bám” vào những vỉa hè bên đường. Nay
bị tước đoạt, làm cho họ vốn đã cực khổ nay lại càng cực khổ hơn.
Những việc làm hung hăng của ông Hải không chỉ làm mất lòng dân, mà chỗ dựa
của ông là lãnh đạo Quận 1 cũng…không vừa ý.
Ngày 19 tháng 5 năm 2017, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Hải cho biết
đã ngưng xuống đường vì bị hai văn bản 'trói chân': "Quận Ủy quận 1 ra
một văn bản và thêm một văn bản của UBND Quận 1, yêu cầu tôi phải ngưng xuống
đường dẹp dọn trật tự lòng lề đường. Tôi phải tuân thủ"(4).
Nhận xét về “Cuộc chiến vỉa hè” này, TS Đinh Thị Thanh Bình, Viện trưởng
Viện Quy hoạch và quản lý GTVT - Trường đại học GTVT Hà Nội nói: “Vỉa
hè gắn với kế sinh nhai, là đặc trưng văn hóa, cho nên không thể cấm toàn bộ,
nơi nào bố trí được địa điểm, không ảnh hưởng đến trật tự giao thông, thì cho
phép đưa một số hoạt động kinh doanh như: quầy sạp báo, hàng ăn uống… vào riêng
một số khu vực nhất định. Cần quy hoạch những khu vực được phép buôn bán ở vỉa
hè, chỗ nào không được phép, bố trí sắp xếp và đưa vào trật tự vừa đảm bảo mỹ
quan đô thị.(5)
Vậy sau khi vỉa hè thông thoáng rồi... làm gì? Nhiều người băn khoăn, khi
vỉa hè trở lại, hoạt động bảo kê sẽ tinh vi hơn không?
Thạc Sỹ Nguyễn Ngọc Phước Đại, Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM cho rằng:
“ Những chiến dịch giành lại vỉa hè cho người dân diễn ra rất rầm rộ. Và
điều đó cũng đồng nghĩa quét đi những mảnh đời - cuộc sống của một bộ phận cư
dân có đời sống kinh tế phụ thuộc chính vào vỉa hè”.
“ Người đô thị có sinh hoạt, vui chơi trên vỉa hè, có những gặp gỡ bất ngờ,
quyết định mua sắm chớp nhoáng trên vỉa hè, tạo nên một không gian sinh hoạt
cộng đồng bất chợt rất cần thiết cho đô thị. Nhiều đô thị trên thế giới đều
vậy”.
“Nhà nước nên “cho” trước khi mong muốn được đón “nhận”. Điều cần thiết
thực hiện sau khi giành lại vỉa hè là nên tổ chức quản lý khai thác và sử dụng
không gian vỉa hè đó một cách hiệu quả và đúng mực, phù hợp với tình hình thực
tế”.
“Người bán hàng rong trên vỉa hè có vị trí ổn định, quán cà phê có sử dụng
một phần vỉa hè vẫn được hoạt động hợp pháp, Nhà nước có nguồn thu từ cho thuê
vỉa hè. Tất cả phải được chi trả một khoản chi phí cho điều đó trên không gian
vỉa hè”.
“Hiện trung tâm TP.HCM có khoảng 1,2 triệu m2 diện tích vỉa hè, nếu Nhà
nước chỉ dành khoảng 400.000m2 (30% diện tích) cho thuê kinh doanh với giá
khoảng 500.000 đồng/m2/tháng thì mỗi tháng thu về khoảng 200 tỉ đồng. Nguồn
tiền này sẽ không chui vào túi cá nhân nào cả, mà sẽ đóng góp cho TP, trích một
phần để duy tu bảo dưỡng thường xuyên vỉa hè trên khoảng diện tích 2/3 còn lại
của không gian vỉa hè.. Tôi đi khảo sát và phát hiện rất nhiều thành phần -
tầng lớp người tại TP.HCM sống nhờ vào vỉa hè. Một góc lề đường có cô bán xôi
từ 6h-9h sáng, sau đó một xe thuốc lá bán từ 9h sáng đến 5h chiều và tiếp theo
cũng cùng vị trí đó là xe hủ tiếu gõ bán từ 5h chiều đến 2h sáng hôm sau”.
“Điều đặc biệt là tất cả những người này đều phải nộp mỗi ngày từ 50.000 -
70.000 đồng phí không chính thức cho một nhóm người để được yên ổn buôn bán. Người
khách mua xôi - thuốc lá - hủ tiếu gõ ở góc đường đó có đủ thành phần từ công
chức, nhân viên văn phòng, anh phụ hồ, người giao hàng, người buôn bán, cư dân
xung quanh(6).
Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư TP. Hội An (Quảng Nam) cho rằng: “ Ban
ngày vỉa hè dành cho giao thông nhưng vào ban đêm, vỉa hè vẫn được sử dụng để
kinh doanh hay ở trên vỉa hè vẫn cho tồn tại những gánh hàng rong có lẽ khá phù
hợp trong bối cảnh hiện nay”.
PGS.TS. Đặng Ngọc Dinh- Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phát triển hỗ trợ
cộng đồng cho rằng: “Chúng ta không nên quá lạc quan, nghĩ rằng ngày
mai, ngày kia tất cả các tuyến phố, vỉa hè đều sạch bong, không có xe máy…”.
“Gốc rễ của vấn đề, trước hết là công tác quy hoạch giao thông đô thị phải
thực sự khoa học, không để “lợi ích nhóm” chen vào và kiên quyết thực hiện bằng
được quy hoạch. Chính vì vậy mà vỉa hè, lòng đường mãi mãi thông thoáng.
Nếu làm theo phong trào như hiện nay thì sẽ chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”, hay “ném
đá ao bèo”, là những cú đấm vào không khí”!(7).
Nhiều ý kiến cho rằng,"Cuộc chiến" giành lại vỉa hè quận 1:
"Hơi quá đà"
Trao đổi với PV, Th.S Trần Quang Trung - Giảng viên khoa Hành chính nhà
nước (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng: “ Theo đúng quy trình, cơ quan chức
năng phải cho người dân một thời hạn cụ thể để dọn dẹp, khắc phục vi phạm rồi
sau đó mới ra quân cưỡng chế bằng cách thành lập một nhóm, ban chuyên ngành.
Khi đó, các hộ kinh doanh sẽ không bị sốc và đảm bảo tính minh bạch, thuyết
phục hơn”.
Đồng quan điểm, luật sư Lê Quang Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết: “để xử
phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lấn chiếm vỉa hè, việc đầu tiên là phải
cho người dân thời gian tự tháo dỡ, sau đó mới tới bước cưỡng chế nhưng cưỡng
chế phải có quyết định rõ ràng. Quy trình có gì đó chưa ổn”.
Còn theo luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM): “Trước tình hình
lấn chiếm vỉa hè lâu nay, người dân cứ nghĩ việc lấn chiếm vỉa hè đã trở thành
một chuyện quá đỗi bình thường, Thế nhưng sự xuất hiện của ông Đoàn Ngọc Hải -
Phó Chủ tịch UBND Q.1 đã làm căng phồng mọi thông tin báo chí và sự quan tâm
của người dân.
Chắc chắn sẽ còn nhiều vấn đề pháp lý sẽ xảy ra khi đoàn quân do anh Hải
lĩnh xướng đang trên đà lao vun vút cùng với sự hậu thuẫn của truyền thông đưa
tin”(8).
Có người nhận xét rằng, đừng coi thường nguồn lợi từ các quán bia, từ
các điểm trông giữ xe vỉa hè. Nó không ồn ào trăm tỷ, ngàn tỷ như các vụ trọng
án tham nhũng, nhưng tiền cứ âm thầm chảy vào két sắt của quan. Chảy từng ngày.
Lòng lề đường là tài sản quốc gia, khai thác sử dụng nguồn tài sản này để bỏ
vào túi riêng là tham nhũng. Không phải tham nhũng vặt mà tham nhũng to đấy.
Hãy nghe PV Hoài Phương nhận xét về những hệ lụy của “cuộc chiến vỉa hè”
của ông Đoàn Ngọc Hải qua bài : “: “Sắc mặt ông Đoàn Ngọc Hải và "cuộc
chiến" vỉa hè như sau:
“Đâu thể nào vì những khoảng thông thoáng của vỉa hè mà đẩy toàn bộ người
nghèo, người bán hàng rong hay lao động phi kết cấu về chiến tuyến bên kia của
đơn độc và đói nghèo.
Tôi ngồi xem đi xem lại, rất nhiều lần, clip ghi hình cụ già gần tuổi 80
xông vào cùng các con, cháu giành giật chiếc xe đẩy bán cá viên chiên từ tay
đoàn kiểm tra liên ngành lập lại trật tự vỉa hè do ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ
tịch UBND quận 1 (TP HCM), dẫn đầu.
Dù câu chuyện diễn ra đã mấy tuần rồi, ở ngã 6 Phù Đổng, phường Bến Thành,
quận 1, nhưng sức lay động của nó vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí cứ chực bùng
lên, nhất là vào những ngày này - khi ông Hải tiếp tục lãnh binh đi "dẹp
loạn vỉa hè".
Trong clip ấy, có người phụ nữ giằng không lại, ngã xuống và gào khóc. Cụ
ông tóc bạc, cởi trần lộ cơ thể gầy yếu nhăn nheo đã rất quyết liệt giằng kéo
với những trật tự viên khỏe mạnh. Trạng thái cụ ông, khi ấy, hết sức căng thẳng
và căm phẫn.
Đã sống hơn ba phần tư thế kỷ rồi mà vẫn còn có người sống chết với cuộc
mưu sinh như thế. Cái xe bán cá viên chiên ấy chính là cái cần câu mưu sinh -
một biểu hiện của thu nhập thấp hoặc nhà nghèo.
Đó là điều khiến chúng ta hết sức day dứt, trăn trở. Bởi thành phố đã giải
phóng và bắt đầu công cuộc kiến thiết những 42 năm.
Công bằng mà nói, những trật tự viên khi đó đã nương tay, ông Đoàn Ngọc Hải
lạnh lùng như thường thấy thời điểm ấy nhưng một chốc sau sớm tiên lượng tình
hình nên đã hành xử khéo: Không tịch thu phương tiện buôn bán, chỉ lập biên bản
phạt hành chính và nhắc nhở không được tái phạm.
Nếu chẳng may khi ấy ai đó trong đoàn thiếu bình tĩnh hoặc quá tay khiến cụ
ông té ngã chấn thương hoặc hơn thế nữa thì hậu họa đã lớn hơn nhiều. Nó sẽ
không gói trong một vụ việc mà có thể bị quy thành lối ứng xử của chính quyền,
xa chút nữa là suy diễn thành sự xung đột giữa nhà nước và công dân. Những
trường hợp như thế, không đáng để nó phải xảy ra!
Nhưng phải làm sao để không còn những hình ảnh ray rứt đến vậy?
Một thành phố mở và đang phát triển, không thể không có người nghèo. Hiếm
có đô thị nào chỉ toàn người giàu. Dường như người nghèo thường có xu hướng bị
đổ tội đã gây ra sự nhếch nhác của không gian đô thị. Và rõ ràng trong
"cuộc chiến giành lại vỉa hè", người nghèo dễ rơi vào tình huống xung
đột hơn, dễ bị tổn thương hơn.
Lực lượng chức trách đụng vào người nghèo cũng dễ bị lên án hơn, thay vì
đụng vào "người giàu". Người ta muốn lực lượng này đụng vào nhà giàu
thử xem sao nhưng hiếm quá, vẻ như đó là tảng băng ngầm khó thấy hay là một
vùng cấm tựa hư vô.
Trở lại với câu chuyện trong clip. Về cảm tính, có thể thương cụ già; về lý
trí, phải ủng hộ ông Đoàn Ngọc Hải. Cái điều ông muốn làm lớn lao hơn nhiều so
với cái xe bán cá viên chiên kia.
Nhưng ông sẽ còn gặp phải nhiều trường hợp gay cấn hơn thế, nhiều cụ già
như thế, phải làm sao? Đâu thể nào vì những khoảng thông thoáng của vỉa hè mà
đẩy toàn bộ người nghèo, người bán hàng rong hay lao động phi kết cấu về chiến
tuyến bên kia? Đơn độc hơn. Đói nghèo hơn.
Tôi còn nhớ một chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao tại một hội nghị cán bộ cách
đây vài năm: "Cán bộ phải biết cười với dân".
Ngày nào mà người ta còn thấy ông Đoàn Ngọc Hải đi cơ sở với sắc mặt lạnh
căm và đăm đăm khó như bây giờ, tôi nói chắc rằng chính quyền quận 1 chưa thể
thành công trong chiến dịch lập lại trật tự mỹ quan đô thị”(9).
Có thể nói rằng, việc làm của ông Đoàn Ngọc Hải về chủ trương thì đúng.
Nhưng quá trình thực hiện không khoa học, không vận động thuyết phục người dân.
Mang tính cách cực đoan của một nhân viên thu thuế thủa nào chứ không phải mang
dáng dấp của một người lãnh đạo cấp Quận. Một mình ông ta hì hục, cô độc. Không
được sự đồng tình của lãnh đạo và nhân dân. “Cuộc chiến vỉa hè” của ông Đoàn
Ngọc Hải rốt cuộc chỉ là cuộc tranh giành quyền lợi của các nhóm lợi ích mà
thôi.
“Chiến lợi phẩm” quý giá mà ông Đoàn Ngọc Hải thu được là đẩy những kẻ buôn
thúng bán mẹt trên những gánh hàng rong. Những ông già bà lão buôn bán trái
xoài trái cóc bên vệ đường. Những chiếc xe đẩy bán bánh bèo bánh bao..vv. Thu
nhập hàng ngày của họ may mắn lắm chỉ băng vài ba ly cà phê của các quan. Thu
nhập hàng tháng của họ không bằng một bữa nhậu “đạm bạc” của những vị này.
Nhưng than ôi. Đó lại là gia tài của họ. Là cuộc mưu sinh hàng ngày của họ đấy.
Ông Đoàn Ngọc Hải ạ!
Chú thích: (1):( http://thanhnien.vn/doi-song/chu-tich-tpha-noi-hon-150-quan-bia-via-he-co-cong-an-dung-sau-806129.html).
(3):( http://infonet.vn/ong-doan-ngoc-hai-dung-lay-bien-ngoai-giao-ra-hu-doa-chinh-quyen-post224687.info).