Nguyễn Thị Hậu
Một câu hỏi
thật vô lý! Nhưng không thể không đặt câu hỏi đó đối với dự án 1.400 tỷ đồng
cho Nghĩa trang quốc gia sắp xây dựng ở ngoại thành Hà Nội. Theo Quy hoạch được
Thủ tướng phê duyệt, nghĩa trang Yên Trung sẽ phục vụ nhu cầu an táng cán bộ
cao cấp của Đảng và Nhà nước; các anh hùng, danh nhân của đất nước.
Mục đích đã rõ! Nhưng trong tình hình hiện nay nợ công
còn quá nặng nề, nhiều loại thuế, phí đã tăng và sẽ còn tăng như dự thảo nhiều
luật thuế, nạn tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm bớt dù đã xét xử nhiều trọng
án... Vì sao dự án xây dựng nghĩa trang lên đến 1.400 tỷ đồng từ ngân sách nhà
nước vẫn được tiến hành khi đó chưa phải là nhu cầu bức thiết nhất?
Phối cảnh nghĩa trang Yên Trung, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội. Ảnh: Vnexpress |
Ngân sách đó
là từ những đồng tiền thuế đẫm mồ hôi nước mắt, vắt kiệt trí tuệ chất xám của
mọi tầng lớp nhân dân. Đó là đồng tiền chắt chiu từ việc khai thác cạn kiệt
nguồn tài nguyên khoáng sản, là đồng tiền bán cho nước ngoài từ con cá cân lúa
đến sức lao động của người Việt Nam...
Không thể
đòi hỏi sự công bằng tuyệt đối nhưng vì sao việc tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng
ngân sách cho một nghĩa trang, một công trình tượng đài lại dễ dàng hơn rất
nhiều lần việc xây dựng bệnh viện, trường học, cây cầu cho người dân ở những
vùng còn rất nghèo đói?
Nhớ ơn trả
nghĩa, nghĩa tử nghĩa tận... Đấy là đạo lý của dân ta. Những năm sau chiến
tranh dù còn vô cùng khó khăn nhưng việc đền ơn đáp nghĩa luôn được thực hiện
theo chủ trương chính sách của nhà nước: xây dựng những tượng đài di tích chiến
tranh, nhiều nghĩa trang liệt sĩ, chăm sóc các bà mẹ Việt Nam anh hùng, xây
dựng những ngôi nhà tình nghĩa, nhà tình thương... Những công việc ấy hiện nay
vẫn được thực thi từ nguồn ngân sách nhà nước và sự đóng góp to lớn của xã hội.
Nhưng hiện
nay, nhất là ở các thành phố lớn, nhà nước đã có chủ trương và vận động người
dân thay đổi tập quán mai táng, từ việc chôn dưới đất đến hỏa thiêu trong những
“Đài Hóa thân” đã được xây dựng tiện lợi, vệ sinh, hiện đại và không kém sự
trang nghiêm thành kính.
Hãy trở về lòng đất như mọi người dân bình thường,
đừng để sự cách biệt giữa cán bộ, dù là “cao cấp” với người dân tiếp tục đến
tận thế giới bên kia!
|
Thay đổi này
từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc tốn quá nhiều đất đai cho người đã
khuất, nhất là ở các đô thị, chưa kể việc xây dựng mồ mả, tập quán cải táng...
cũng là những khoản kinh phí rất lớn đối với mỗi gia đình. Thực tế sự thay đổi
như vậy đã được người dân chấp nhận và bắt đầu trở thành một tập quán mới
trong xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại.
Vậy mà nay
Hà Nội lại quyết định xây dựng một nghĩa trang lớn ở ngoại thành với “tổng
diện tích nghĩa trang là 120 ha, gồm khu an táng 72 ha và khu đệm cây xanh cảnh
quan trên 47 ha. Nghĩa trang Yên Trung sẽ có 2.200 - 2.500 ngôi mộ; mỗi ngôi có
khuôn viên 25 - 35m2. Khu vực cảnh quan có sức chứa 5.000 người”.
Chỉ có
khoảng 2.500 ngôi mộ nhưng mỗi mộ phần chiếm đến 25-35m2. Quy mô như
vậy, nói không quá, như một khu lăng mộ của quan lại thời phong kiến! Trong khi
đó người dân thường khi yên nghỉ chỉ cần “hai met đất” cũng rất khó khăn! Chưa
kể đến việc để dành đất cho người chết thì hơn 100 gia đình hiện sinh sống tại
khu đất quy hoạch nghĩa trang buộc phải di dời đi nơi khác.
Sao lo cho
người sẽ chết “an nghỉ” mà lại làm người sống không thể “an cư”?
Giai đoạn
một của dự án “xây dựng đường kết nối, khu dịch vụ, nghỉ lễ, khu tưởng niệm
và an táng. Các khu còn lại sẽ được đầu tư khi có nhu cầu”. Tức là khu vực cảnh
quan cây xanh sẽ xây dựng sau.Như vậy, nếu cho rằng nghĩa trang mới xây dựng
theo mô hình “công viên nghĩa trang” thì yếu tố công viên - cảnh quan là thứ
yếu, và trong khi chờ đợi “có nhu cầu” thì mới xây dựng, diện tích 47 hecta
dành cho cảnh quan sẽ được quản lý và sử dụng thế nào để không bị lấn chiếm, sử
dụng sai mục đích, thậm chí thay đổi cả quy hoạch?
Tại những
quốc gia khác, nghĩa trang nhà nước chỉ dành cho những lãnh tụ có cống hiến to
lớn, những danh nhân văn hóa, khoa học, những anh hùng xuất chúng... Tại
đó, những ngôi mộ trang nghiêm và giản dị của những nhân vật được nhân dân yêu
kính không lúc nào không có hoa tươi, kể cả khi người đó đã qua đời hàng trăm
năm... Còn phần lớn các quan chức và “người có công” khi mất được đưa về mai
táng trong nghĩa trang gia đình hoặc nghĩa trang của tư nhân, hoặc hỏa táng...
Họ trở về bổn phận là một công dân bình thường vì chức vị của họ khi còn sống
là để phục vụ nhân dân.
Hãy trở về
lòng đất như mọi người dân bình thường, đừng để sự cách biệt giữa cán bộ, dù là
“cao cấp” với người dân tiếp tục đến tận thế giới bên kia!
Đừng để
người dân đặt ra câu hỏi: xây dựng nghĩa trang vì ai, vì người sẽ mất hay vì
“người còn sống”?!
Nguyễn Thị
Hậu