Bút ký
Thiện Tùng
Thiện Tùng: Biết bao người
quên cả mạng sống, hiến dâng cả cuộc đời mình cho Độc lập, Tư do của dân tộc để,
rốt cuộc, chỉ thay đổi tập đoàn thống trị bóc lột nầy bằng tập đoàn thống trị
bóc lột khác mà thôi. Thử hỏi còn sự đau xót nào hơn?!.
Được tin người yêu chưa cưới “bỏ cuộc”
ra thành làm chiêu đãi viên, Long biếng ăn, mất ngủ, thơ thẩn như cái xác không
hồn. Cả tuần qua, dường như Long phải cố hết sức mới hoàn thành nhiệm vụ của
một hiệu thính viên minh ngữ.
Sau đôi lần Thủ trưởng gọi Long đến nhắc
nhở, phê bình mà vẫn không tẩy được nỗi
buồn như đã thấm sâu vào lục phủ ngũ tạng của Long. Đến lượt Đoàn
thanh niên “ra tay”, những chàng trai,
cô gái thay phiên nhau “dần” Long suốt buổi tối. Có lẽ do anh chị em phê phán đạt lý nhưng
không thấu tình, Long “nhợn nuốt không trôi” nên “nôn” ra tại chỗ: “…Trong xã hội, nếu mọi người đều buồn hoặc đều vui là
xã hội không bình thường, đó là điều đáng sợ!… Buồn vui là cách biểu hiện tâm
trạng từng lúc của con người. Tôi có chuyện buồn thì tôi buồn, chẳng lẽ buồn là
cái tội?… Xin cho tôi cái quyền thật thà ít nhất đối với bản thân mình!... Cả
tuần qua, tôi cố hoàn thành nhiệm vụ của
mình trong buồn khổ chưa vừa hay sao?. Tôi biết, “chỉ có kẻ rách áo mới thương
người áo rách”. Không gì hơn, tôi chỉ mong người áo lành đừng moi móc áo người
rách thêm te tua. Tôi chân thành biết ơn những ai có lời khuyên chân tình đối
với tôi, và tôi phủ định tất cả những lời đắng cay thiếu tình người. Xin hãy để
tôi yên may ra tinh thần tôi mới ổn!...”.
Bị Long chận họng, những chàng trai, cô
gái hờn mát, âm thầm quay về với chủ nghĩa “Mackeno”- mặc kệ nó.
Qua cú xốc tình đầu tan vỡ, như được tôi
luyện thêm, Long ngày một chững chạc hơn. Có điều, như chim bị ná, Long luôn
tránh né “cây cong”.
Đầu năm 1967, bên quân sự cần một hiệu
thính nam bổ khuyết cho tổ điện đài đơn vị bộ đội tác chiến. Long nài nĩ xin
được qua đó. Trong chiến tranh người ta chỉ khuyên chớ đâu có quyền can người
nhiệt tâm ra phía trước, cơ quan chuẩn thuận cho Long đi.
Trước khi lên đường, như thấy mình có
lỗi, Long đến bắt tay từ giả từng người rồi mới khăn gói lên đường. Tôi tự
nguyện tiễn Long một đoạn đến bờ kinh Năm Hang. Bất chấp tiết lạnh tàn đông,
Long bọc hành lý bơi sang kinh, lầm lì ra đi khuất dần trong sương sớm. Bất
giác tôi cảm nhận mình như Thái tử Đan tiễn Kinh Kha qua sông Dịch sang đất
Tần.
Tết Mậu Thân (1968), sau trận mưa pháo,
máy điện đài hư, Long cùng đơn vị bộ binh theo đường Trưng Trắc (Thành phố Mỹ
Tho) đánh thẳng ra bờ sông Cái, khi đến vườn hoa Lạc Hồng, đối phương chống trả
quyết liệt, Long tử thương, bỏ xác tại trận.
Cuộc chiến ngày càng trở nên phức tạp và
ác liệt, những người bạn chí thân của chúng tôi thi nhau ngã xuống. Buồn đau
mới chồng lên buồn đau cũ. Riết rồi không hơi sức đâu buồn, con người trở nên
lì lợm. Không biết xuất phát từ đâu xuất hiện câu nói xem thường về cái
chết: “Sống ở
thác về”, nhưng
về đâu thì chẳng ai lý giải. Một câu nói khác lại ra đời “Trần gian là cõi tạm” rồi lý giải: Trong chúng ta, mỗi
người ít nhất cũng đã vài chục năm sống ở cõi tạm rồi, khi nào có “trác” đòi về
cõi chính thì chẳng có lý do gì kỳ kèo?. Tuy đó là những câu nói hoang đường,
song trong bối cảnh thực tại, nó như những liều thuốc an thần hay giảm đau.
*
Hất hàm về hướng cô gái ngồi lơ đễnh
nhìn ra khoảng không, tôi hỏi Tư Mới, trưởng trạm giao liên M.55 :
– Bóng quá vậy ! khách T4 (1) hả?
– T2 đấy chớ…, đồng hương với ông đó,
nhìn và hỏi thăm tin nhà đi. Cô ả tên Hiệp, đi dự Đại hội “Anh hùng chiến
sĩ thi đua”
Miền Nam.
– Sẽ …, bây giờ bận việc – Tôi đáp và
nói thêm: Tư Mới nè, với tư cách trưởng trạm, ông mớm ý trước xem cô ấy có sẵn
lòng tiếp mình không – chiều tối tôi sẽ quay lại đây.
Cố hoàn tất công việc nội chiều hôm đó,
tôi nuốt vội cơm chiều rồi xăn xái đến chỗ Tư Mới như đã hẹn.
Là chỗ bạn bè quen biết nhau nhiều năm,
tôi và Tư Mới biết cả “ruột gan” của nhau.
Cuối năm 1960, tôi được điều về công tác ở khu Trung Nam bộ. Đến
nay (1970) đã mười năm tôi không một lần về lại quê hương và chẳng được tin tức
gì về cha tôi cả. Tư Mới biết tôi luôn khát tin cha mình, bao lần anh mách cho
tôi những người đồng hương khi họ qua trạm M.55 nầy. Trong số những người tôi
đã hỏi, không một ai nói được điều tôi cần biết!. Lần nầy cứ đến nhưng hy vọng
càng mỏnh manh. Bỡi lẽ, Hiệp còn trẻ, dáng vẻ người thành thị, khó có thể biết
cha tôi ở rừng ngập mặn ven biển – nơi “khỉ ho cò gáy” .
**
Trờ vào chòi, tôi nhận ra ngay Tư Mới và
Hiệp đang ngồi trên chiếc đệm bàng trải dưới đất uống trà, ăn đậu phộng rang.
Họ chưa kịp nói gì, tôi lẹ miệng :
– Chào Đại ca và cô Hiệp !…
– Hiệp trố mắt nhìn tôi, ngạc nhiên hỏi
:
– Xin lỗi.. Anh là … , sao biết tôi ?
– Cô không biết tôi là phải vì chúng ta
chưa hề quen biết nhau. Còn tôi biết cô mới hồi trưa nầy, do thằng cha Tư “thèo
lẽo” nầy nè – tôi vừa nói vừa vỗ vai Tư Mới.
Hiệp vội bụm miệng. Nhìn đôi mắt
him hiếp, tôi biết cô đang ém tiếng cười. Với giọng trong trẻo, cử chỉ hồn
nhiên, Hiệp nói :
– Ra là anh… Nảy giờ anh Tư nói xấu anh
em nghe biết mệt luôn.
– Thật vậy sao ? Anh Tư nói đúng đấy. Vì
tôi có tốt bao giờ .
– Anh gọi “ Tư thèo lẽo” không sợ anh Tư
giận sao ?
– Nếu giận thì cú đầu trừ đi ! Tôi vừa
nói vừa “hiến” cái đầu trước mặt Tư Mới.
Tư Mới không cú đầu mà ghị tôi ngồi
xuống cạnh anh, cùng đối diện với Hiệp và nói:
– Hắn là Sáu Tùng, thủ lĩnh đơn vị điện
đài Khu Trung Nam bộ, đồng hương với em đó. Hắn nhớ cha khóc riết ròm rĩnh … Em
làm ơn làm phước biết gì về cha hắn, nói giải khổ cho hắn đi.
– Anh Tư vui tính và tài thật !… – Hiệp
khen đùa cho vui.
– Vui tính thì có thể, còn tài về phương
diện nào ? – Tư Mới hỏi.
– Dẫn chuỵện, mở đề, gài độ…
– Tôi thọ giáo Sáu Tùng đây thôi ! Tư
Mới nói và vò đầu tôi.
Đúng như dự đoán, Hiệp không đáp
ứng được mong muốn của tôi. Ngược lại cô còn “khảo” tôi về người yêu chưa cưới
của mình.
Tôi sửng sốt khi nghe Hiệp nói người yêu
chưa cưới của cô công tác điện đài ở Khu Trung Nam Bộ, bí danh Bạch Long (còn
gọi là Long Trắng). Sự mất bình thường của tôi dù chỉ xuất hiện trong tít tắc,
vẫn không qua được đôi mắt tinh đời của Hiệp. Cô hỏi ngay :
– Sao vậy anh Sáu ?
– Ờ !… không… không sao đâu, “gang” Mỹ
nó quậy đó thôi.
– Nghĩa là sao em chưa hiểu ?
– Có gì đâu, vết thương còn miểng trong
người, thời tiết thay đổi, thỉnh thoảng nó nhói một chút vậy thôi.
Vết thương trong người tôi thì có thật,
còn sự hoành hành của nó hiện tại thì không. Tại sao tôi phải phịa như vậy với
người con gái đáng thương ? Đó chẳng qua là cớ “hoãn binh” để tìm giải pháp
tình thế tối ưu, xử lý hàng lô câu hỏi thi nhau hình thành trong đầu tôi. Chẳng
hạn như có nên cho Hiệp biết Long đã chết ? Long có bao nhiêu người yêu ? Người
nào “bỏ cuộc” ra thành làm chiêu đãi viên ? Người nào ở đây ? Chẳng lẽ Hiệp tốt
giả, xấu thật? Nếu Hiệp xấu sao được đi dự “Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua”
Miền? Sao cô ta dễ dàng lọt vào đường giao liên mật đến tận đây?.v.v…Bao sự mến
mộ, quý trọng của tôi đối với Hiệp giờ đây chỉ còn là sự ngờ vực.
Nếu chọn giải pháp phớt lờ – coi như
mình không biết gì về Long thì dễ quá?. Nhưng giải pháp ấy sẽ tịt ngòi, không
còn lý do nào tìm hiểu xem Hiệp là người tốt hay xấu. Phớt lờ cho qua chẳng khác
“thả cọp về rừng”, dưỡng hổ ắt sẽ di họa ? Ngược lại, nếu Hiệp là người tốt mà
phớt lờ thì tàn nhẫn quá ! Vậy thì giải pháp tối ưu vẫn là “giải phẩu”, tuy
nhất thời gây đau đớn nhưng trị được căn. Tôi còn đang lúng túng trong mớ “bồng
bông” ấy, Hiếp thúc :
– Vậy là anh Sáu biết anh Long em ? Nói
cho em nghe đi ! Anh ấy hiện giờ đang ở đâu?
– Cho dầu có biết tôi cũng chưa thể nói
– Tôi ra vẻ nghiêm.
– Sao vậy anh ? Hiệp lo lắng.
– Vì tôi chưa xác định rõ thân phận của
cô thế nào?
– Thế nào đối với anh Long hay đối với
cách mạng ? – Hiệp vặn hỏi .
– Cứ
cho là cả hai đi.
Đoán
biết được ý tôi, dường như Hiệp không xót ruột muốn biết tin Long nữa, nhìn
thẳng vào tôi nói :
– Cám
ơn về sự thẳng thắn của anh, Nhưng tôi phải nói và làm gì để các anh tin tôi là
người tốt và thật sự là người yêu chưa cưới của anh Long.
– Việc
ấy cô biết hơn chúng tôi.
Dường
như cố giấu buồn vào trong, Hiệp trầm tĩnh vừa cười vừa nói:
– Thật
tôi không ngờ cuộc thăm hỏi trở thành cuộc thẫm vấn,… !
Với vẻ
không hài lòng, Tư Mới xen vào :
– Khách
quan mà nói, việc đẩy đưa qua lại giữa hai người tôi thấy có cái gì đó chưa
thẳng thắn, quá đáng và cố chấp ?! Đề nghị xả căng đi.
Đánh
giá, nhận xét của cô Hiệp và Tư Mới quả là xác đáng và tôi cũng nhận ra nguyên
nhân dẫn đến tình trạng nầy phần lớn do tôi. Để cho cuộc đàm luận bất đắc dĩ
nhưng rất hữu ích cho việc riêng chung nầy khỏi bế tắt, tôi thẳng thắn xả căng
:
– Theo
thư mẹ của Long, người yêu của Long (thư không nói tên) bỏ cách mạng ra thành
làm chiêu đãi viên, tiếp xúc với những hạng người bất hảo. Long có cho tôi đọc
thư ấy và chứng kiến sự buồn khổ của Long.
Nghe
qua, cả hai ngạc nhiên, sửng sốt, trông họ như những “người từ trên trời rơi
xuống”. Sau giây phút bàng hoàng, một nụ cười tiếp sau cái thở phào nhẹ nhõm,
Hiệp đơn giản vấn đề với ba từ chẳng rõ ngô khoai :
– Ra là
vậy !
– Vậy
là sao ? Có đúng không ? Tôi vặn hỏi.
– Hiện
tượng đúng, bản chất sai – Hiệp khẳng định.
– Em
giải thích thế nào về chuyện ấy ?
–
Chuyện của em dài dòng lắm, liệu các anh có thức nổi để nghe và có tin những gì
em sắp nói không ?
– Dầu
có mệt cũng phải thức, còn việc tin hay không tùy thuộc vào sự hợp lý và tính
thuyết phục của từng sự việc cụ thể do Hiệp kể.
Đã hơn
hai muơi giờ, mọi người lần lượt tắt đèn vào mùng ngủ, lần theo ánh sáng, lũ
muỗi và đám thiêu thân đổ xô đến chỗ chúng tôi như vãi trấu. Anh Tư Mới gở đèn
treo xa hơn để kéo đám thiêu thân ra, còn lũ muỗi thì đành vậy. Dưới ánh sáng
lờ mờ, anh dùng quạt mo phe phẩy xua muỗi, khi cho mình lúc cho Hiệp. Tôi có
cảm giác như anh đang khích lệ Hiệp tự chuyện. Hiệp kể: “Đầu năm 1965, anh
Long và em cùng sinh hoạt trong một Chi Đoàn. Bọn em yêu nhau có trình báo với
Chi Bộ, Chi Đoàn và gia đình hai bên. Chúng em chưa thể làm lễ cưới vì phải
gương mẫu trong phong trào thực hiện ba khoan : khoan yêu, nếu đã
yêu khoan cưới, nếu đã cưới khoan có con. Đều là Đoàn
viên, nhưng chúng em đã phạm vào cái khoan thứ nhất, nếu tiếp tục phạm vào
những cái khoan sau thì đâu còn xứng đáng.
Không phải mình vi
phạm rồi tự biện đâu, theo em nghĩ : Đề ra cái khoan thứ nhất không ổn, bỡi lẽ
yêu là bẫm sinh vốn có của con người. Trừ người bịnh hoạn, phàm nam nữ lớn lên,
khi bước vào tuổi trăng tròn đã thấy trong lòng rạo rực yêu, nếu không được yêu
đáp lại, người ta cũng có quyền yêu đơn phương nữa kìa ! Yêu đâu phải là cái
tội ? Người ta yêu để bụng thì chẳng sao, còn tụi em “thưa thật” thì bị hành
xác. Bức bách quá, tụi em mới bỏ cái yêu vào bụng rồi hứa cho qua truông:
“Chúng tôi không yêu nhau nữa”. Thế là yên. Người ta không muốn nói thật thì
mình nói dối cho đỡ cái thân !…
Giữa năm 1965, trong
chuyến đi công tác, nhìn giò nhìn cẳng sao đó, ông Mai Tú Mính, cán bộ Thông
Tấn Xã khu Trung Nam Bộ, hỏi lãnh đạo xã xin anh Long về Khu đào tạo cán bộ
điện đài. Tụi em chia tay nhau từ đó, đến nay không một lần gặp mặt.
Vài tháng sau khi anh
Long về Khu, xét tiêu chuẩn ngoại hình, Tỉnh bí mật rút em về Tỉnh xây dựng lực
lượng công tác thành. Thế là em phải ra công khai. Khổ nỗi, em là Đoàn viên ưu
tú, đã từng xưng danh tánh trước mọi người làm sao có thể ra công khai được
! Tổ chức gọi em đến bảo: Muốn ra công khai được an toàn, phải làm hàng
loạt động tác giả để lừa đối phương và lừa cả người thân của mình. Thế rồi, Bí
thư Đảng bộ xã và một người nữa ở Tỉnh làm đạo diễn, em thủ vai diễn viên “trắc
nết và bội phản”. Phải nói vai diễn rất khó cả hình thức và nội dung, phải nhập
vai biến giả như thật.
Vì đại cuộc em bạo
dạn “bước lên sân khấu”. Cảnh một: Em tạo cớ cãi lộn với mẹ ruột
mình rồi giận hờn bỏ nhà ra đi. Cảnh hai: Sau ba tháng đào luyện
công tác thành, em đến hiệu may, thẩm mỹ viện tạo mốt, tạo dáng thời đại rồi
lộn về quê lộng lẫy như một bà hoàng. Cảnh ba: Bí thư Đảng ủy Xã
chỉ đạo cho Xã Đoàn kiểm điểm em. Vốn không biết ất giáp gì, họ tưởng em hư
hỏng thật, từ Ban chấp hành cho đến Đoàn viên, họ thay phiên nhau phê phán em
không tiếc lời.. Làm đúng theo hướng dẫn của đạo diễn, ai nói gì thì nói, em
ngồi thừ ra đó, thỉnh thoảng lấy gương, son phấn ra soi, dặm, chải chuốt, o bế
lại dung nhan. Em trêu ngươi như thế thử hỏi ai còn thương được. Cuộc họp kết
thúc với 100% phiếu thuận khai trừ em ra khỏi Đoàn và đuổi trong vòng một tuần
phải ra khỏi Xã. Đó là cái cách đi về vị trí công tác mới của em.
Vở diễn thành công
hơn em tưởng, dư luận không tốt về em lan nhanh. Làng lính sở tại chẳng những
không gây khó, họ còn chọc ghẹo em khi thấy mặt. Ngay cả mẹ ruột em cũng không
thể nói tốt cho con mình, năm tháng bà xấu hổ với xóm làng, khổ đau vì đứa con
trắc nết. Và có lẽ thất vọng vì con dâu tương lai, mẹ anh Long viết thư cho anh
ấy. Qua anh Sáu nói đại khái về bức thư ấy, em cũng đoán được phần nào nội dung
của nó – dầu có muốn, bà ấy cũng không thể nói tốt về em. Vậy là bà nói đúng về
hiện tượng, sai về bản chất. Đành rằng, có gan làm phải có gan chịu, nhưng mỗi
khi nghĩ đến nỗi khổ của mẹ mình, sức chịu đựng của em dao động đến đỉnh điểm.
Đó là tất cả những gì em muốn nói với hai anh, còn việc tin hay không tùy ở
người nghe.”
Nói đến
đó Hiệp ngưng, cúi đầu cố nuốt nỗi khổ vào trong. Hiệp buồn chớ không khóc, có
lẽ cũng chẳng còn nước mắt !…
Không
chỉ tôi và anh Mới, bất kỳ ai trông thấy Hiệp lúc nầy chắc chắn phải chạnh lòng
thương ! Tôi biết, Hiệp rất sợ va chạm vết thương vừa kéo da non trong người
mình, nhưng vì thương, vì muốn biết tin Long nên phải bươi móc nó ra để mặc cả
với tôi. Bất giác tôi cảm thấy như mình vừa gây ra một tội lỗi ghê gớm, bóp
chết những mầm sống đang hồi sinh từ thân cô gái vì nghĩa cả, lắm khổ đau!.
Theo
giao kết, giờ đây tôi phải nói sự thật về Long để đáp lại. Tôi đang đắn đo,
Hiệp nhìn tôi hí hửng nói như người vừa thắng trận:
– Đến
lượt anh Sáu rồi đó. – Nói về anh Long cho em nghe đi.
– Anh
sẽ nói về Long sau khi nghe em nói thêm đôi điều về thành tích của em trong
những năm công công tác thành .
Moi từ
giỏ xách ra gói giấy dầu nằm gọn trong bọc ny-lon, sợi thun khoanh cột túm
miệng phòng ướt, Hiệp nói :
– Giấy
đi đường em đã đưa cho anh Tư, còn gói nầy “chúng” sẽ thay lời em. Hai anh cứ
mở ra xem. Em nấu thêm ấm nước, pha trà mới “chống càn”.
***
“Chúng”
mà Hiệp nói là bản báo công của Hiệp và giấy giới thiệu Hiệp với Ban tổ chức
“Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua” Miền Nam được Tỉnh ủy duyệt và ký.
Rõ ra
Hiệp là nữ biệt động thành, chiến công của Hiệp viết tóm tắt theo kiểu gạch đầu
hàng đến sáu trang giấy đánh máy. Điều thú vị, qui mô từng trận đánh lớn dần
theo tỉ lệ thuận với thời gian và tuổi đời của Hiệp. Sắc đẹp cộng với sự lanh
lợi, khôn khéo trở thành lợi thế cho Hiệp chui sâu đánh hiễm. Tôi không thể kê
hết chiến công của Hiệp vào những trang viết nầy, chỉ vắn tắt hai trận vang
dội:
1/ Hiệp
thuyết phục được người giúp việc, đưa quả mìn giờ vào gối đầu (đặt dưới gầm
giường) vị Tỉnh phó Nội an đang say rượu nằm ngủ trong phòng. Mìn nổ, thi thể
ông ta chỉ còn là những mảnh vụn.
2/ Qua
theo dõi quy luật, sau khi xác định mục tiêu, Hiệp gói giấy cho vào giỏ xách
quả mìn ĐH10 (mìn định giờ, định hướng 10 kg). Xách giỏ vào nhà hàng, Hiệp gọi
vói ra sau: “Bà chủ đâu rồi ! Bộ hồi hôm ‘hoạt’ dữ lắm hay giờ nầy chưa
thức?”.Thế rồi Hiệp xây qua đú đởn qua lại với 7 sĩ quan Việt
Nam Cộng hòa đang ngồi chung bàn ăn uống. Hiệp để giỏ xách xây mặt mìn về hướng
các vị sĩ quan ấy, hất hàm cười nói: “Dòm chừng dùm cái giỏ, mấy
thằng choai choai vào xách, các anh phải đền cho em”. Vừa nói Hiệp vừa đi thẳng vào trong rồi lỏn ra cửa sau. Chừng hơn
một phút sau mìn nổ. Người được phân công theo dõi kết quả cho biết : 6 tử vong
tại chỗ, 1 bị thương. Gã bị thương biết mặt Hiệp, họ thông báo cho nhau ra sức
truy lùng Hiệp.
Bị
lộ,Tổ chức buộc Hiệp phải giải nghệ biệt động thành giữa năm 1970. Hiệp được
bầu chọn là chiến sĩ thi đua của Tỉnh và được giới thiệu đi dự “Đại hội anh
hùng, chiến chiến sĩ thi đua” Miền Nam.
****
Hiệp
trở lại cũng là lúc chúng tôi vừa đọc cho nhau nghe xong bản báo công của cô.
Thế là mọi nghi ngờ về Hiệp trong tôi được giải tỏa.
Kinh
nghiệm ở đời, thà đánh một cái còn dễ chịu hơn đeo đuổi ngắt véo. Sợ đối diện
với Hiệp không đủ can đảm nói sự thật về Long, trong khi cô còn đang lúi húi
pha trà, tôi gọi nói ngay :
– Hiệp
ơi!… Chỉ có chết em mới gặp được Long!…
– Anh
nói thế là nghĩa là sao? Hiệp vọt đến níu lấy tay tôi, hỏi dồn.
– Long
đã hy sinh hồi Tết Mậu Thân 1968. Biết em đau lòng, nhưng anh không thể nói khác!. Ông
Tám Chánh (Mai Tú Mính) đã viết thư báo tử gởi cho gia đình Long chừng 1 tháng
sau khi nó chết.
Như cây
tươi bị lửa táp, Hiệp gục đầu, bụm miệng ém tiếng khóc. Tôi khẻ nói: “Khóc đi em …, Khóc
cho vơi bớt nỗi đau!. Hãy vét hết những giọt nước mắt còn lại cho thằng Long”.
Dường
như không đủ sức chứng kiến cảnh đau lòng nầy, Tư Mới ra ngoài xả căng giây lát
rồi trở vào lấy ca pha cho Hiệp nước me chua với đường.
Sau hơn
mười phút ngồi bất động, Hiệp đứng dậy đi nhanh ra ngoài rửa mặt rồi trở vào ngay.
Chẳng nói chẳng rằng, Hiệp ngồi phệt xuống đệm, lấy ca nước đường+me chiếc ra
đầy một ly, ngữa mặt trút sạch vào miệng, đẩy ca nước gần lại chúng tôi nói như
ra lịnh :
– Hai
anh uống đi, em đủ rồi. Anh
Sáu nói tiếp về anh Long cho em nghe.
– Anh biết em “ngứa” đâu mà “gảy”?
– Gãy đúng chỗ người ta ngứa mới tài
chớ.
Tôi kể cho Hiệp nghe hầu như tất cả
những gì về Long mà tôi biết.
Sau khi nghe tôi kể, Hiệp nói trong
giọng mệt mõi :
– Khi em chấp nhận tự bôi lem mình cũng
là lúc em có linh cảm sẽ mất Long. Một tia hy vọng nhỏ là chúng em sẽ hàn gắn
lại khi “trắng đen” đã rõ. Giờ đây anh Long không còn nữa, tia hy vọng nhỏ ấy
cũng mất theo! Thôi thì đành chấp nhận số phận ít may nhiều rủi!…
– Võng anh đó, em lại nằm cho thư giãn
chút đi – Tư Mới bảo Hiệp.
Nằm chưa nóng lưng, Hiệp xổm dậy vói lại
:
– Hai anh không phải lo cho em. Tạo hóa
dành riêng cho em trái tim và bộ thần kinh chịu lực khá lắm. Hiện giờ nếu cách
mạng cần em làm việc gì đó dù nặng nhọc hay nguy hiễm đến bản thân thì em cũng
có thể, chớ còn tiếp tục đi dự Đại hội thi đua thì em không thể.
– Nghĩa là sao ? anh Tư Mới hỏi.
– Hai anh thử nghĩ: Em đang mang tâm sư
buồn, đến đó chỉ làm ảnh hưởng cuộc vui của người ta?
– Bộ em tính bỏ cuộc? Tư Mới ngạc nhiên
hỏi tiếp.
– Cuộc Đại hội thi đua thì bỏ, cuộc cách
mạng thì em còn phải xem xét thêm.
– Không đi dự Đại hội thi đua, em đi đâu?-
Tùng hỏi.
– Về vá lại vết rách gia đình .
– Em làm như vậy có quá đáng không Hiệp
? Tùng đặt vấn đề.
– Em cũng hỏng biết nữa. Em nhứt quyết
vậy rồi. Anh Tư giúp thủ tục cho em “đàng sau quây” nghe anh Tư ?.
Xây qua Tùng, Hiệp nói:
-Anh báo tin về anh Long nhất thời gây
cho em nhiều đau đớn. Nhưng không sao, sớm muộn gì em cũng phải một lần hứng
chịu. Nhờ anh cho biết anh Long đã chết, em mới dám gạt ra khỏi đời mình mối
tình nuôi dưỡng từ lâu.
– Còn việc anh nghĩ xấu về một người
tốt, em cũng không buồn giận anh nữa sao ?
– Anh nghi oan cho một người rồi
cũng chính anh giải oan cho người ấy, vậy là huề. Theo em nghĩ, anh hay bất kỳ
ai hiểu lầm về em đều là nạn nhân của em cả, bởi thời gian qua em cố làm cho
mọi người hiểu sai về mình, cho dầu việc làm ấy của em vì đại cuộc. Từ lâu em
tự nhủ “tôi làm ta chịu chớ trách ai” – Hiệp đơn giản.
-Qua cái chết của Long, em phải nung nấu
căm thù mới phải? Anh xem mòi em uể oải muốn bỏ cuộc – anh Mới thăm dò Hiệp.
Đắn đo giây lâu, Hiệp giải bày: “Ai bị thiệt
cũng quyết trả thù thì chừng nào mới chấm dứt chiền tranh ?!. Em tự kiểm
lại, riêng em giết hàng chục mạng người, bỏ lại bao góa phụ, con côi; còn người
ta chỉ giết có người yêu của em (anh Long) mà đi thù oán người ta coi sao
được?!. Nội chiến là nồi da xáo thịt, bất nhân, bất nghĩa. Những người cầm đầu
mỗi bên là những tội đồ. Họ luôn giành phần phải về mình, xúi giục, thậm chí
bắt buộc nhân dân chém giết lẫn nhau để tranh quyền đoạt lợi. Em không hề phản
bội, không sợ chết, em đã chán chê cuộc nội chiến nầy lắm rồi. Giết được nhiều
người là anh hùng sao? Sau khi được tin anh Long chết, em mới ngộ ra việc nầy,
quyết không đi dự Đại hội Thi đua, về quê vá lại vết rách gia đình. Còn việc
tiếp tục theo cách mạng nữa hay không em cần tính kỹ lại. Em nghĩ sao nói vậy,
xin hai anh hiểu cho”.
Những gì cần hỏi, cần nói với nhau đã
hết, tôi tạm chia tay với anh Mới và cô Hiệp, trở lại cơ quan ngay trong đêm.
Năm hôm
sau, có địp đi ngang qua trạm M.55, tôi ghé hỏi thăm về cô Hiệp, được anh em ở
đây cho biết : anh Tư Mới cạn lời khuyên mà Hiệp vẫn khư khư giữ ý.
Cuối cùng Trạm làm giấy hồi hương cho cô ấy”. Chiến tranh, chiến trường bị
chia cắt, chúng tôi bặt tin về Hiệp từ đó.
Viết từ Mỹ Tho, 14/01/2016
Thiện Tùng (Đào văn Tùng)
----------------
Chú thích
(1) Lúc bấy giờ bí số: Đông Nam bộ=T1, Trung Nam bộ=T2, Tây Nam
bộ=T3, Sài Gòn+ Chợ lớn=T4.