TT
- "Người Trung Quốc từng năm lần xâm chiếm biển đảo của chúng ta và đây là
lần thứ sáu trong khi đất nước ta ở trong các thể chế khác nhau. Tại mỗi thời
kỳ như vậy chúng ta lại có những phương lược, sách lược khác nhau".
Đây là điều mà
trung tướng Phạm Văn Dỹ, chính ủy Bộ tư lệnh Quân khu 7, nhận định trong chương
trình trò chuyện “Cà phê buổi sáng” phát trên Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM
sáng 7-6 cùng với sự tham dự, phỏng vấn trực tiếp của phóng viên Tuổi Trẻ.
Trung tướng Phạm Văn Dỹ - Ảnh: Hoàng Điệp |
Trung tướng Phạm
Văn Dỹ nói: Động cơ của Trung Quốc là rất rõ, bởi độc chiếm biển Đông là mục
tiêu nhất quán của Trung Quốc. Nếu lúc đầu động cơ của họ đơn giản chỉ là tài
nguyên thì bây giờ còn là câu chuyện hàng hải, quân sự, thương mại trên biển
Đông.
Người Trung Quốc
từng năm lần xâm chiếm biển đảo của chúng ta và đây là lần thứ sáu trong khi
đất nước ta ở trong các thể chế khác nhau. Tại mỗi thời kỳ như vậy chúng ta lại
có những phương lược, sách lược khác nhau.
Lịch sử cho thấy kể từ lần thứ nhất năm 1946, trong tình thế đất nước
ta ngàn cân treo sợi tóc trước sự trở lại của người Pháp và đó cũng là lúc Liên
Hiệp Quốc yêu cầu người Trung Quốc đến giải giáp quân Nhật. Lúc đó, khoảng
trống có lợi cho Trung Quốc, họ ra đòn.
Họ cũng tranh thủ
chiếm luôn đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) và đảo Ba Bình (thuộc quần đảo
Trường Sa). Năm 1949, Trung Quốc giải phóng thì họ rút ra, nhưng họ đã lộ rõ ý
đồ chiếm các đảo của Việt Nam.
Lần thứ hai vào năm
1956, sau hiệp định Genève, người Pháp phải rút đi, quân đội chưa mạnh, Mỹ chưa
can thiệp, họ ra đòn. Khi ấy quân đội Việt Nam cộng hòa chưa có tàu nên Trung
Quốc chiếm gần như toàn bộ phần phía đông của quần đảo Hoàng Sa.
Lần thứ ba là năm
1959 họ ra đòn nhưng không thành công. Trung Quốc mang quân qua chiếm nốt phần
phía tây của quần đảo Hoàng Sa nhưng quân đội Việt Nam cộng hòa đã có mặt ở đó.
Lần thứ tư là năm
1974, người Mỹ rút hạm đội 7, quân đội giảm quân số ở Hoàng Sa từ một tiểu đoàn
xuống một trung đội địa phương, họ tiếp tục ra đòn (Trung Quốc mang quân tấn
công phần phía tây quần đảo Hoàng Sa đang do quân đội Việt Nam cộng hòa quản
lý).
Ngày 14-3-1988, lúc
ấy quân đội chúng ta vẫn đang làm nhiệm vụ thời chiến ở biên giới Tây Nam và
phía Bắc. Và lúc đó, chúng ta cũng bị cấm vận bốn bề họ lại ra đòn (Trung Quốc
đã đưa quân vào chiếm đảo Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa).
Và bây giờ, là lúc
mà khoảng trống quyền lực đã được tạo ra bởi Ukraine và nhiều khu vực khác trên
thế giới. Các cường quốc khác như Mỹ, Nga... đang bị phân tán thì họ lại ra
đòn.
* Theo ông, việc
Trung Quốc ra đòn lần này có phải là để thử phản ứng của chúng ta và dư luận
thế giới về biển Đông?
- Trong các hành
động đó, xét về mặt chiến lược là sự nhất quán, còn trong từng giai đoạn, từng
tình huống cụ thể, như tình huống hiện nay họ phải thử phản ứng của tất cả như
Mỹ và các nước đang có tranh chấp với họ; ASEAN, cộng đồng quốc tế nói chung và
cả nhân dân yêu chuộng hòa bình Trung Quốc.
Tùy theo mức độ
phản ứng và hiệu quả sự phản ứng, họ sẽ tiến tới các bước tiếp theo là độc
chiếm hoặc phải dừng lại, đó là chuyện sẽ diễn ra trong thời gian tới.
Nếu cuộc chiến năm
1979 xảy ra bởi có sự căng thẳng về bang giao giữa hai nước thì lần này không
có dấu hiệu gì báo trước bởi trong giai đoạn này quan hệ giữa hai nước vẫn tiến
triển rất tốt kể cả quan hệ cấp cao giữa hai đảng, hai nhà nước và quân đội.
Nhưng Trung Quốc tận dụng khoảng trống quyền lực do thế giới tạo ra để ra đòn.
Điều này, nói dân dã là “chơi không có đẹp”.
Việc tận dụng
khoảng trống quyền lực là điều tuy chúng ta không ngạc nhiên về mặt chiến lược
nhưng với Trung Quốc bên cạnh việc họ chà đạp luật pháp quốc tế, những ký kết
với ASEAN thì họ chà đạp luôn cả tình cảm, sự chân thành và thiện chí mong muốn
hòa bình của Việt Nam.
Như vậy, dã tâm của
Trung Quốc đặt cho chúng ta một áp lực lớn, thách thức lớn về vấn đề chủ quyền
và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia nhưng rõ ràng qua việc làm của họ, chúng
ta cũng phải rà soát lại tất cả từ kế sách giữ nước đến quan hệ kinh tế, vấn đề
an ninh quốc phòng, bang giao, ngoại giao và cả quan hệ song phương giữa Việt
Nam với Trung Quốc.
Tất cả những nỗ lực
đó, Đảng đã tính toán từ lâu trên tất cả quyền lợi của dân tộc cũng như quan hệ
đối ngoại đối với Trung Quốc, bởi nguyện vọng của chúng ta là hòa bình cho Việt
Nam và hữu nghị với cả Trung Quốc cùng bạn bè trên thế giới.
* Là một vị tướng,
ông có thể nói gì với nhân dân về sự chuẩn bị của Việt Nam?
- Một trong những
yêu cầu của người cầm súng ngày nay đó là trí tuệ. Không chỉ có lòng dũng cảm
mà được. Tôi nhớ hình ảnh anh Sáu Tòng (trong tác phẩm Đất rừng phương Nam)
lòng yêu nước luôn có thừa nhưng cung tên không chống lại được súng đạn.
Bây giờ cũng thế,
bên cạnh những vũ khí trang bị hiện đại mà chúng ta có được, sản xuất được, mua
được giống như các quốc gia khác nhưng quan trọng nhất là con người phải điều
khiển được, sử dụng được những trang thiết bị hiện đại ấy để nó cùng với con
người biến thành sức mạnh chiến đấu hiệu quả trên chiến trường nếu chiến tranh
xảy ra. Và điều đó đặt ra người lính phải có hàm lượng trí tuệ nhất định.
TP.HCM nhiều năm
qua đi đầu quân khu trong việc vận động bà con đưa những người con trai, con
gái là những thanh niên trí thức trẻ gia nhập quân đội.
Những người lính ấy
sẽ góp phần đưa quân đội ta trở thành chính quy, tinh nhuệ và một số quân binh
chủng trực tiếp đi vào hiện đại để đảm bảo sức sẵn sàng chiến đấu của Quân đội
nhân dân Việt Nam chúng ta.
Quan trọng nữa,
những người lính ấy sau thời gian phục vụ trong quân ngũ sẽ về lại địa phương
trở thành lực lượng tiên tiến ở địa phương, họ trở thành quân dự bị có chất
lượng cao trong công nhân, công chức...
Và cũng chính những
người này, với độ tin cậy và chính trị cao, họ sẽ tham gia xây dựng Đảng ở địa
phương, đó là kế sâu gốc bền rễ chúng ta đang làm.
3 phương án có thể Trung Quốc sẽ làm
Việc người Trung Quốc ra đòn lần này,
nếu thuận lợi họ sẽ làm những gì họ cần làm, họ khoan thăm dò và khai thác
dầu ngay trong nhà của ta. Còn nếu không được họ có thể có các phương án
khác. Chúng ta có thể dự kiến thấy những phương án này.
Thứ nhất: Rút giàn khoan. Đó là hồng phúc của hai dân tộc. Điều này cũng có thể
xảy ra bởi có thể người ta nghe ra lẽ phải và đối mặt với sự thật, chúng ta
không mong gì hơn điều đó. Và chúng ta đang dàn xếp với họ để phát triển kinh
tế và bang giao, ổn định khu vực.
Thứ hai: Cũng có thể họ sẽ tạo nên trạng thái dằng dai, trong quá trình dằng dai
đó họ chờ đợi chúng ta bộc lộ sơ hở, và họ chờ chúng ta sa vào bẫy đối đầu,
xung đột quân sự. Nếu chúng ta nổ súng trước thì đó là cái cớ để họ đi những
bước tiếp theo rất phiêu lưu. Họ sẽ kích hoạt thùng thuốc nổ không chỉ ở Việt
Nam và Trung Quốc mà trên toàn biển Đông, mà điều đó không ai muốn. Và chúng
ta đã giữ trong thế chủ động, khôn khéo và cả sự dũng cảm đầy chiến lược nữa.
Sự khôn khéo ở đây không phải là lấp liếm sự thật, cũng không đánh lừa ai mà
khôn khéo để không mắc bẫy của người Trung Quốc.
Thứ ba: Nếu vì lý do nào đó hoặc ngông cuồng, sự phiêu lưu nào đó mà họ lấn tới
thì chúng ta phải tăng áp lực đấu tranh và đến chừng mức nào đó họ dùng bom
đạn thì chúng ta cũng dùng bom đạn, điều đó không có gì phải bàn. Mỗi quốc
gia, dân tộc đều có quyền tự vệ thiêng liêng của mình. Và chúng ta đang mong
chờ ở phương án thứ nhất, chúng ta làm tất cả những gì có thể làm trong giải
pháp hòa bình. Bởi điều đó không chỉ riêng cho chúng ta mà cho cả nhân dân
Trung Quốc.
|
HOÀNG
ĐIỆP lược ghi và thực hiện