Tôi học cấp III ở Trường PTTH Hà Nội-Amsterdam và tốt nghiệp cử nhân kinh
tế Đại học Ngoại thương. Thế hệ của tôi là thế hệ chứng kiến Việt Nam mở cửa;
HIV/AIDS tràn vào (1989); tiếng Anh lên ngôi, tiếng Nga thoái trào (đầu những
năm 90); Internet vào Việt Nam (1997); báo điện tử xuất hiện (VnExpress 2001);
mạng xã hội bùng nổ (Yahoo!360, giữa năm 2005)…
Hơn ai hết, tôi thấy thế hệ của tôi, những bạn bè sống quanh tôi luôn dằn
vặt với hai câu hỏi lớn: Đi (du học) hay ở lại Việt Nam? Học xong trở về Việt
Nam hay kiếm đường ở lại nước ngoài?
Rất nhiều người đã từng hỏi tôi hai câu ấy. Trong số đó có T. T. Hồng – nếu
bạn nào tình cờ xem một kênh truyền hình có tên VietNamNet TV vào những năm
2005-2006 thì có thể còn nhớ cô gái dẫn chương trình có phong cách rất Tây này.
Hồng là một biên tập viên truyền hình, một nhà báo có tài, và Hồng từng dằn vặt
dữ dội với câu hỏi lớn “Đi hay ở”, “Về hay ở lại”. Khoảng cuối 2006, Hồng nhận
được học bổng đi Anh học thạc sĩ, và từ đó cô không trở về Việt Nam nữa; nói
đúng hơn, trong mắt tôi, cô chỉ về như một khách trọ, mỗi lần về vài tuần rồi
lại bay đi ngay.
Trước khi quyết định tìm đường du học, Hồng từng hỏi tôi hai câu hỏi ấy, và
tôi trả lời: “Gì cũng được, nhưng không kỳ vọng, không thất vọng, không nản”.
Tôi nói thế, bởi tôi biết Việt Nam dưới chế độ cộng sản là xứ sở vô địch về
bỏ lỡ cơ hội, về vùi dập nhân tài và bóp chết ước mơ của người trẻ.
Tôi biết đã có bao nhiêu thanh niên Việt Nam du học, mê say với những kiến
thức mình thu nhận được ở trời Tây, rồi ôm cả một bầu trời mơ ước, hy vọng về
Việt Nam, những mong có thể “áp dụng kiến thức mình học được”, “xây dựng lại
ngành của mình”, “thay đổi đất nước”…
Tôi biết họ đã vỡ mộng nhanh như thế nào, chỉ sau vài tháng.
Trước Hồng, anh trai tôi, một bác sĩ nhi khoa, trước khi từ châu Âu trở về
Việt Nam còn đi mua ít đồ chơi để “về tặng bệnh viện”, vì anh thấy bên đó, các
bệnh viện nhi đẹp quá, nhiều đồ chơi cho bệnh nhân quá, như vườn trẻ (điều đó
giúp các bé giảm rất nhiều nỗi đau, nỗi sợ). Anh mua cả thùng sách chuyên môn,
hàng trăm cuốn, trị giá vài ngàn euro, về nước. Anh ôm một trời khao khát, hy
vọng, đam mê nghề…
Tiếc rằng, thực tế Việt Nam không có gì đáp lại tấm lòng của những bác sĩ
yêu nghề, yêu con người, như anh. Cũng may, cả anh và T. T. Hồng bạn tôi đều
không ai cảm thấy sốc hay đau khổ khi trở về nước, đối diện với thực tế phũ
phàng và đáng ngán ngẩm.
Cho nên tôi luôn thấy quan niệm của mình – “gì cũng được, nhưng không kỳ
vọng, không thất vọng, không nản” – là một quan niệm đúng, thậm chí còn là một
cách để mình tự vệ trong hoàn cảnh Việt Nam.
* * *
Câu chuyện của T. T. Hồng, của anh trai tôi, là vào thập niên 2000. Bây giờ
đã là cuối thập niên 2010, và dường như xung quanh tôi, chẳng còn nhiều người
dằn vặt vì hai câu hỏi kia nữa. Câu trả lời đã quá rõ ràng, với số đông: Có cơ
hội là đi khỏi Việt Nam, và tìm đường ở lại nước ngoài. Đừng về. Về làm gì?
Nhưng so với thập niên trước, thập niên này lại có thêm sự xuất hiện của
một “cộng đồng” nho nhỏ, là những nhà hoạt động dân chủ-nhân quyền. Họ ra nước
ngoài chủ yếu theo các học bổng ngắn hạn do các tổ chức quốc tế cung cấp, học
về xã hội dân sự. Họ không hẳn là du học sinh, theo nghĩa họ không tham gia vào
thế giới học thuật, hàn lâm của các trí thức; họ là nhà hoạt động.
Và tôi không biết họ có đối diện với hai câu hỏi lớn kia, như thế hệ của
tôi từng dằn vặt không.
Có một điều tôi biết chắc chắn: Việt Nam vẫn không hề thay đổi, Việt Nam
vẫn nằm dưới chế độ cộng sản, và vẫn là xứ sở vô địch về bỏ lỡ cơ hội, về vùi
dập nhân tài và bóp chết ước mơ của người trẻ.
Đối với những du học sinh tràn đầy tâm huyết trở về năm xưa, thể chế ở Việt
Nam dội nước lạnh vào họ, gò nặn cho họ vào guồng, gọt họ tròn như bi, đặt họ
đối diện với bao nhiêu thứ tồi tệ và đáng chán nản. Không biết nịnh sếp thì về
Việt Nam sẽ biết nịnh. Không biết đấu đá, tranh giành thì về Việt Nam sẽ biết
đấu đá, tranh giành. Muốn phục vụ, cống hiến thì về Việt Nam sẽ hết muốn, hết
ước mơ luôn.
Đối với những nhà hoạt động trẻ thời nay, tình hình còn thảm hơn. Việt Nam
đón nhận họ với hàng chục nhân viên an ninh tại sân bay, câu lưu, thẩm vấn, đe
nẹt và không quên dạy đời họ. (Thật khủng khiếp, khi những con ếch ngồi đáy
giếng, nhìn thế giới bằng cặp mắt hằn học và “cảnh giác với thế lực thù địch”,
lại có thể lải nhải răn dạy những thanh niên yêu nước, đầy nhiệt huyết đổi thay
và hội nhập). Và cuộc sống của họ sau đó sẽ là những ngày tháng đối diện với
việc bị truy đuổi, mất nhà cửa, thất nghiệp, bị theo dõi, canh giữ, nặng hơn
thì bị đánh đập, bắt bớ, tù đày…
Đó là những gì đang và sẽ xảy đến với Đinh Phương Thảo (Thảo Gạo) kể từ hôm
nay, 15/11/2019, khi cô trở về nước sau gần bốn năm ở nước ngoài, tham gia vận
động nhân quyền cho Việt Nam.
Tôi nhìn thấy tất cả những điều ấy, và bình thản. Nhưng không thể không có
chút buồn.