22 novembre 2019

ĐỘC QUYỀN THANH NIÊN ĐỂ GIỮ ĐỘC TÀI


Phạm Trần

Đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam đã nổi tiếng “cái gì cũng ăn, việc gì cũng phải có tiền”, nay lại độc quyền nắm Thanh niên để tiếp tục độc tài.
Việc này tuy không mới, nhưng đã được tái khẳng định trong dự Luật Thanh niên (sửa đổi), và được Quốc hội thảo luận ngày 21/11 (2019). Tuy nhiên Quốc hội đã, hoãn biểu quyết đến kỳ họp sau (kỳ 9). Vậy là thêm lần nữa, đảng CSVN đã chà đạp lên Hiến pháp 2013. Vì, trong khi ra Luật để hợp pháp hóa quyền  lập hội, hội họp và biểu tình của các tổ chức của nhà nước thì đảng lại không cho phép dân làm những việc này.

Những hoạt động của các Tổ chức do đảng thành lập gồm Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và những Tổ chức khác trong Mặt trận Tổ quốc như Hội Nhà báo, Hội Nhà văn, Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh v.v… đã chứng minh cho chính sách kỳ thị này.

Vì vậy đảng duy nhất cầm quyền Cộng sản đã vi phạm Điều 25 Hiến pháp, theo đó:”Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”

VI PHẠM CHỒNG CHẤT

Trước hết, hãy gạt sang một bên chuyện nhắc lại cũng bằng thừa là  Việt Nam Cộng sản chưa bao giờ dám cho dân có các quyền “tự do ngôn luận, tự do báo chí”. Nhà nước, qua các Tổ chức và cơ quan Đảng, đã nắm hết báo, đài  để độc quyền thông tin. Tư nhân không được quyền ra báo, lập đài nên những cái loa tuyên truyền của đảng, nếu cứ vẫn cảng cổ nói bừa rằng Việt Nam có tự do báo chí là những con người mắc bệnh tâm thần nặng.

Vì vậy các quyền khác  gồm hội họp, lập hội, biểu tình , dù đã viết trong nhiều Hiến pháp, vẫn chỉ là những món hàng trang trí giả hiệu. Lý do, vì bao năm qua, Quốc hội vẫn chưa có Luật để thông qua.

Lý do thì vô kể, nhưng cơ bản của sự chậm trễ làm luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ chế xét các Dự thảo Luật trước khi đem vào nghị trình họp, và phía Chính phủ  thường đưa ra là : “còn nhiều ý kiến khác biệt”, hay “đề nghị” hoặc “xin” hoãn lại kỳ họp sau để bổ túc. Thậm chí còn có những cái mồm loa mép dải từ phía Lãnh đạo đảng và nhà nước cho rằng đó là những vấn đề “rất nhậy cảm”, và “cần nghiên cứu kỹ lưỡng” để kéo dài thời gian hoãn như trường hợp của hai Luật lập hội và biểu tình.

QUYỀN ĐẢNG PHẢI ƯU TIÊN

Nhưng khi thấy Luật nào đem lại quyền lợi cho Đảng  thì các Bộ, ngành liên hệ, Tác giả của dự Luật, lại sốt sắng làm nhanh như trường hợp của Luật Thanh niên (sửa đổi).

Lý do sửa đổi vì Luật Thanh niên (LTN), ra đời lần đầu năm 2005, có nhiều điều không còn phù hợp với tình hình hiện nay.  Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nói trước Quốc hội ngày 15/11 (2019):”Sau 13 năm triển khai… bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật Thanh niên đã bộc lộ một số tồn tại và bất cập. Một số quy định của Luật khó áp dụng, thiếu đồng bộ với các chính sách khác, như chưa có sự rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của thanh niên; quy định về trách nhiệm của Nhà nước còn chung chung, chưa cụ thể; thiếu nguồn lực thực hiện Luật.” (Cổng thông tin Quốc hội)

Nhưng  “sửa đổi” có đem lại dân chủ và quyền tự quyết  cho Thanh niên không, hay chỉ củng cố mục đích cốt lõi là Đảng phải nắm Thanh niên để “quản lý”, và Thanh niên phải phục vụ Đảng và có nhiệm vụ bảo vệ Xã hội chủ nghĩa, lối nói ngụy trang về Chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh.

Bằng chứng này đã ghi trong Điều 32, của Dự thảo sau cùng, quy định “quyền được “tham gia quản lý nhà nước, giám sát và phản biện xã hội”,  nguyên văn:.

1. Thanh niên được tham gia ý kiến trực tiếp hoặc thông qua tổ chức thanh niên với các cơ quan nhà nước về các vấn đề kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng; tham gia vào xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật theo quy định của pháp luật.
2. Thanh niên được tham gia giám sát, phản biện xã hội trong quá trình xây dựng và thực thi các chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
(TNCSHCM)

Như vậy, Thanh niên không được quyền nói trái chiều với nhà nước mà chỉ được góp ý kiến để “xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa”  đã có sẵn do đảng CSVN lãnh đạo.

Ngoài ra, nếu muốn giám sát hay phản biện lại những  việc làm của nhà nước mà mình không tán thành thì việc này phải qua trung gian Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh do đảng lập ra.

Nhưng Dự Luật lại không có điều nào ràng buộc TNCSHCM phải trung thực và minh bạch chuyển giao ý kết luận giám sát hay ý kiến phản biện. Bởi vì, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh gồm hầu hết là con ông cháu cha, được chính thức coi là đội ngũ “kế thừa”, “những hạt giống đỏ” của đảng. Khoản 1, Điều 50 của LTN, quy định :”Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị - xã hội của thanh niên Việt Nam, giữ vai trò nòng cốt trong phong trào thanh niên; tổ chức hướng dẫn hoạt động của thiếu niên, nhi đồng, phụ trách Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh.”

Do đó, TNCSHCM là tổ chức có nhiều quyền hành, tương đương với Mặt trận Tổ quốc, tổ chức ngoại vi lớn nhất và quan trọng nhất của đảng. Điểm khác biệt là chỗ TNCSHCM là nơi cung cấp đội ngũ lãnh đạo kế thừa cho đảng. Trường hợp của Ủy viên  Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng là tỷ dụ điển hình.
  Ông Thưởng từng là Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh năm 2006.
 
TUYÊN TRUYỀN VÀ TIÊU TIỀN

Luật mới quy định nhà nước “quản lý Thanh niên” từ Trung ương xuống cơ sở. Ngân sách nhà nước và địa phương đài thọ mọi chi tiêu của TNCSHCM và các Tổ chức Chính trị và Xã hội khác. Một bộ phân cán bộ, đảng viên ăn lương từ tiền đóng thuế của dân cũng được phân phối giúp việc các tổ chức Thanh niên và các Tổ chức khác.



Dó đó, Thanh niên phải biết “ăn cây nào rào cấy ấy”, như Quy định trong Điều 33 LTN mới, theo đó: 


1. Thanh niên có trách nhiệm phải gương mẫu thực hiện các quy định của pháp luật; tham gia tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước.

2. Thanh niên phải tích cực tham gia đấu tranh với các hoạt động có âm mưu gây phương hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc.

Như vậy, Thanh niên có phải là “tay sai”, hay là những kẻ “chạy cờ” hoặc là “nộ bộc” của đảng ?

Nhưng trong Luật mới, như viết trong Điều 49, lại lươn lẹo giấu bàn tay của đảng trong các tổ chức Thanh niên và các tổ chức khác.

Điều này viết nguyên văn:


1. Tổ chức thanh niên là tổ chức tự nguyện của thanh niên nhằm đoàn kết, tập hợp thanh niên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên; phát huy vai trò của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

2. Tổ chức thanh niên bao gồm: Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và các tổ chức khác của thanh niên được thành lập theo quy định của pháp luật.

Nếu là “tự nguyện” thì tại sao lại có chuyện rân ran trong nội bộ Thanh niên rằng : muốn có việc làm, không bị làm khó khi thi tốt nghiệp ra trường thì học sinh và sinh viên phải làm 2 điều: tham gia các tổ chức của đảng; học chuyên cần về  Chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh, cộng thêm với việc gọi là “ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Cũng vì vải thưa không che được mắt Thánh nên tính tay sai, chạy cờ hiệu của các Tổ chức chính trị-xã hội do đảng thành lập và nuôi ăn bằng tiền mồ hôi nước mắt của dân đã lộ ra giữa bàn dân thiên hạ trong nhiều dịp. Bằng chứng này đã được xác nhận qua lời tuyên bố của bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương tại Hà Nội ngày 14/03/2019.

Bà Mai nói với Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam rằng:” Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam là cánh tay nối dài của Đảng, làm công tác đối ngoại cho Đảng trên mặt trận văn học nghệ thuật; trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh chống diễn biến hòa bình, chống tự suy thoái, tự diễn biến trong đời sống xã hội.” (theo TTXVN, Thông tấn xã Việt Nam)

Bên cạnh nhiệm vụ làm công cụ cho đảng, các Tổ chức ngoại vi của nhà nước còn tiêu phí tiền mồ hôi nước mắt của dân không tiếc tay.

Theo tin của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR, Viet Nam Institute for Economic and Policy Research
) đưa ra năm 2018 thì Tổng kinh phí hàng năm chi cho các tổ chức này được là khoảng 14.000 tỉ đồng.
Viện này nói thêm rằng :”Nếu tính cả đất đai, nhà cửa, xe cộ và các tài sản khác thì chi phí toàn hệ thống của các tổ chức hội đoàn này hàng năm dao động từ 45.600 đến 68.100 tỷ VND, tương đương 1-1,7% GDP (Gross Donmestic Products, Tổng sản lượng nội địa).”


Theo thống kê của Việt Nam thì trong năm 2016, “ngân sách nhà nước cũng đã chi chi ra tới 1,6 nghìn tỉ đồng chỉ riêng cho 7  tổ chức chính trị - xã hội gồm Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên CS HCM, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Tổng liên đoàn Lao động và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.” (theo báo Giáo Dục, ngày 06/09/2018).


Với số tiền khổng lồ như thế, có ai biết các Tổ chức này đã làm gì cho dân, hay chỉ là những kẻ ăn hại đái nát trong nhiều chục năm nay ?

DỰ LUẬT VỀ HỘI

Ngoài ra với sự kiện nhà nước làm luật chỉ để bảo vệ quyền lợi của đảng, cũng đã hiện ra mánh khóe đánh tráo khái niệm về hội để gây khó khăn cho ai muốn lập Hội ở Việt Nam.

Điều này thể hiện trong Dự thảo Luật về Hội, hoàn tất từ năm 2016, nhưng bị giữ lại cho đến ngày nay.

Những mánh khóe hợp thức hóa các Tổ chức có sẵn của đảng đã được ghi trong Điều 2 nói về “ Đối tượng áp dụng”, nguyên văn như sau:


1. Luật này áp dụng đối với hội, công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, hoạt động và quản lý nhà nước về hội.

2. Luật này không áp dụng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam.

Ngoài ra, Dự Luật cũng có những hạn chế ghi trong Điều 9 về “ Các hành vi bị nghiêm cấm”, gồm:

1. Cản trở hoặc ép buộc cá nhân thực hiện quyền lập hội.

2. Can thiệp trái pháp luật vào tổ chức, hoạt động của hội hoặc thông qua hoạt động hội để vụ lợi.

3. Làm phương hại đến chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích của Nhà nước; đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; truyền thống văn hóa và bản sắc dân tộc; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

4. Gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

5. Tuyên truyền trái chính sách, pháp luật của Nhà nước; gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của đất nước, danh nhân, anh hùng dân tộc.

6. Rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Nhưng cũng rất mập mờ và tùy tiện để loại bỏ những ai nhà nước không muốn cho lập hội, khi không định nghĩa rõ thế nào là “phương hại đến chủ quyền, an ninh quốc gia”,  “Gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc”, hoặc  “Tuyên truyền trái chính sách, pháp luật của Nhà nước.”

Thứ ngôn ngữ chụp mũ, gắp lửa bỏ bàn tay của Dự Luật về Hội, tuy chưa được trình ra Quốc hội, đã cho thấy tính độc tài, độc quyền và phản dân chủ của đảng CSVN cũng từng được bịa ra để đàn áp, bỏ tù những nhà hoạt dộng dân chủ và dân quyền ở Việt Nam. 
Quan trọng hơn, thêm  lần nữa, bản thảo của Luật này cũng trắng trợn chà đạp lên quyền dân ghi trong Điều 25 Hiến pháp 2013. -/-


Phạm Trần

(11/019)