18 novembre 2019

Bolivia cắt quan hệ với Venezuela, trục xuất các bác sĩ Cuba


Như Ngọc
 
Tổng thống lâm thời Bolivia Jeanine Anez

Tổng thống lâm thời Bolivia Jeanine Anez hôm thứ Sáu (15/11) đã ra lệnh trục xuất các bác sĩ Cuba về nước và cắt quan hệ ngoại giao với chính quyền xã hội chủ nghĩa tại Venezuela. Chính phủ lâm thời Bolivia cáo buộc hai đồng minh của cựu Tổng thống Evo Morales đã bị lật đổ đang xúi giục biểu tình chống chính quyền mới tại Bolivia.


Theo DW, bà Jeanine Anez hôm 15/11 nói rằng chính phủ lâm thời Bolivia do bà lãnh đạo sẽ cắt quan hệ ngoại giao với chính quyền xã hội chủ nghĩa của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và ra lệnh cho đội ngũ y tế Cuba phải rời Bolivia trong bối cảnh có các cáo buộc Caracas và Havana can thiệp vào chính trị nội bộ của La Paz. 

Quyết định nêu trên của chính phủ tạm quyền theo đường lối cánh hữu bảo thủ đã đảo ngược hoàn toàn chính sách ngoại giao của Bolivia sau khi ông Evo Morales từ chức. Cựu Tổng thống cánh tả này trong gần 14 năm cầm quyền tại Bolivia đã xây dựng mối quan hệ thân cận với các chính phủ xã hội chủ nghĩa cùng chí hướng tại Mỹ La-tinh, trong đó có Cuba và Venezuela.

Sau áp lực của người biểu tình và quân đội, ông Morales tuyên bố từ chức hôm Chủ Nhật (10/11) và sau đó đã lên chuyên cơ của Mexico tới tị nạn tại quốc gia đang do phe cánh tả cầm quyền. Cựu Tổng thống Morales bị cáo buộc đã đắc cử nhiệm kỳ thứ tư trong cuộc bầu cử tổng thống Bolivia hôm 20/10 với “những bất thường đáng kể”.

Ông Morales cũng bị phe đối lập và người dân phản đối vì đã không tuân thủ cuộc trưng cầu dân ý với kết quả không cho phép ông ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ thứ tư.

Trong khi đó, ông Morales – tổng thống người bản địa đầu tiên của Bolivia – đã gọi vụ lật đổ ông là một cuộc đảo chính của cánh hữu có sự hậu thuẫn của nước ngoài. Cuba và Venezuela cũng đồng tình với khẳng định của ông Morales về việc ông bị lật đổ trong một cuộc đảo chính.

Ngoại trưởng lâm thời Bolivia Karen Longaric hôm 15/11 nói rằng các nhà ngoại giao Venezuela và các quan chức Cuba đang kích động biểu tình chống chính phủ lâm thời và ra lệnh cho họ phải rời khỏi Bolivia.

Sau khi 4 bác sĩ Cuba bị bắt giữ, chế độ Havana cho biết 700 thành viên của phái đoàn y tế của họ tại Bolivia sẽ di dời nhưng phủ nhận việc họ có bất kỳ vai trò nào trong các cuộc biểu tình ủng hộ ông Morales.

Cuba sở hữu dịch vụ ngành y khá phát triển và nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế. Nước này từ lâu đã gửi hàng chục nghìn nhân viên y tế tới hàng chục quốc gia trên khắp thế giới để đổi lấy ngoại tệ.

Trước khi chính phủ lâm thời Bolivia quyết định trục xuất các nhân viên y tế Cuba, các chính phủ tại Brazil và Ecuador vài tháng gần đây cũng có hành động tương tự trong bối cảnh có nhiều lo lắng về việc chương trình y tế của chế độ Havana chỉ là vỏ bọc cho việc can thiệp chính trị. 


Bất ổn chính trị tại Bolivia vẫn chưa có hồi kết


Tổng thống lâm thời Bolivia Jeanine Anez, trước đó là Phó Chủ tịch Thượng viện đã lên cầm quyền vào thứ Ba (12/11) sau khi hàng loạt các quan chức khác từ chức. Bà Anez hôm thứ Sáu (15/11) nói rằng ông Morales có thể quay lại Bolivia nhưng sẽ phải đối mặt với công lý vì những cáo buộc về gian lận bầu cử và tham nhũng.

Tuy nhiên, bà Anez nhấn mạnh rằng ông Morales không thể là ứng viên tổng thống cho cuộc bầu cử mới tương lai.

Trong khi đó, ông Morales từ Mexico đã tuyên bố rằng ông vẫn là tổng thống hợp pháp của Bolivia vì Quốc hội nước này chưa chính thức chuẩn thuận đơn từ chức của ông.

Tòa án Hiến pháp Bolivia ủng hộ tuyên bố nhậm chức của bà Anez bất chấp việc bà này chưa được Quốc hội phê duyệt. Quốc hội Bolivia vẫn do Đảng Phong trào Tiến lên Xã hội chủ nghĩa của ông Morales nắm đa số.

Chính phủ lâm thời đang tìm cách đàm phán một thỏa thuận với Đảng Phong trào Tiến lên Xã hội chủ nghĩa để tổ chức các cuộc bầu cử mới nhằm chấm dứt khủng hoảng chính trị tại quốc gia 11 triệu dân này. 


Như Ngọc