19 novembre 2019

THẾ LÀ CHẾT "MỘT ĐỜI NGƯỜI" LẪN "MỘT RỪNG CÂY", CÁI GIÁ CHO NHỮNG PHÁT NGÔN SIÊU NỊNH


Thái Bá Tân


Xưa yêu Trần Long Ẩn
Vì bài “Một Đời Người”.
Nay nghe ông ấy phát
Vớ vẩn và buồn cười.

Ông, ngày xưa từng học
Trường Văn Khoa Sài Gòn.
Tức nhờ cái trường ấy
Mà thành danh, thành khôn.


Thế mà nay, thật tởm,
Bỗng quay sang lu loa,
Phải xóa hết những cái
Thuộc Việt Nam Cộng Hòa,

Xóa Phạm Duy, Nhạc Trịnh.
Xóa sách Nguyễn Hiến Lê.
Chỉ chừa Trần Long Ẩn
Và chủ nghĩa Mác-lê.

Còn hơn cả cộng sản
Về sự ngu, ông này
Đáng bị cộng đồng mạng
Ném đá mấy hôm nay.

Thế là coi như hết
Bài hát “Một Đời Người”.
Và cũng coi như chết
“Một Rừng Cây” một thời.


NGHĨ VỀ NHỮNG PHÁT NGÔN.

Bài viết của một Facebooker.


Nói cho khách quan, nhắc tới phát ngôn của nhạc sĩ Trần Long Ẩn về âm nhạc miền Nam trước 1975 trong Hội nghị giao ban quý III/2019 của Hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật TP.HCM ngày 10/11, mà bỏ qua những nhận xét tương đồng về quan điểm chính trị của "nhà nghiên cứu văn học Mai Quốc Liên", chỉ chĩa mũi dùi vào ông Ẩn là điều rất bất công. Nên xin được mạn phép giới thiệu đôi lời về vị trí thức nhà nước này:


- Ngoài danh xưng "nhà nghiên cứu văn học", ông Liên còn được các đồng nghiệp gọi là nhà thơ với tập thơ viết khi đã đủ độ chín của tuổi tác và nghề nghiệp: "Vị mặn của biển". Cảm nhận cá nhân khi đọc độ chục bài trong tập thơ, thấy nó giản dị, hiền lành đầy tính hiển ngôn và thiếu vắng nghệ thuật tu từ một cách trầm trọng. Được ưu điểm là dễ hiểu như đọc báo tường chào mừng ngày lễ kiểu Hôm nay mùng tám tháng ba, chị em phụ nữ đi ra đi vào.


- Là người từng bút chiến với giáo sư Huệ Chi về vài vấn đề học thuật trên lập trường macxit, nhiều chỗ, giọng điệu mạnh mẽ, phân biệt bạn thù địch ta và cảnh giác cao độ với các thế lực thù địch, hành văn na ná như những bài viết trên báo quân đội nhân dân khi đấu bút với bọn phản động của đại tá Minh.


- Là Tổng biên tập Tạp chí Hồn Việt nhưng lại duyệt đăng bài viết của một cây bút giấu mặt với bút danh Bích Châu, vùi dập thô bạo nhà văn Đà Linh khi ông ấy đã nằm xuống, trong bài viết đăng số tháng 11/2014, đến nỗi người vợ đau khổ của Đà Linh đã phải thốt lên đầy u uất: “Thoát tục trần gian mong về cõi Phật, ôm theo bao nỗi đau, rũ bỏ sân si, để lại đời những ước vọng... vậy mà vẫn chưa yên, thật đáng sợ!” (Xin mở ngoặc: Đà Linh là người có công trong việc xuất bản Bóng đè- Đỗ Hoàng Diệu, Ba người khác- Tô Hoài, Thơ- Trần Dần. Giá trị của những cuốn sách này, tự bạn đọc đánh giá, vì nó đã quá nổi tiếng, không cần phải pr).

Sơ lược vài nét về ông Mai Quốc Liên như vậy để quý anh chị cảm nhận mức độ bảo thủ trong phát ngôn của ông này. Điều tôi muốn nói, là về những phát biểu của ông Trần Long Ẩn, Chủ tịch HVN thành phố Hồ Chí Minh, tức là người đứng đầu khối văn bút hội nhóm được nhà nước bảo trợ.

Trước hết, phải xác nhận, thời thanh xuân của lứa tuổi sinh đầu thập niên 70 thế kỷ trước, ở miền Bắc, không ai không thuộc ít nhất vài câu trong bài hát "Một đời người một rừng cây". Nhiều bạn bè tôi đã sống bằng tinh thần câu hát Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai. Ai cũng một thời trẻ trai, cũng thường nghĩ về đời mình.... Những câu hát đó, cùng các sáng tác của nhóm Những người bạn đã thổi một luồng gió mới lạ vào không khí âm nhạc miền Bắc thập niên 90. Với tôi, bài hát "Đi qua vùng cỏ non" còn mang một kỷ niệm riêng tư rất xúc động. Tới giờ, tôi vẫn yêu thích những bài hát hài hòa tình cảm công dân và cá nhân này. Nói thế, để khẳng định rằng, ông Trần Long Ẩn là một tên tuổi trong làng âm nhạc Việt Nam, chinh phục được một bộ phận công chúng nhất định chứ không phải vô danh. Nhưng, bằng vào phát ngôn vừa rồi, thật lòng, trong vị trí một người nghe nhạc, tôi thấy thất vọng. Thất vọng vì, đất nước thống nhất đã gần nửa thế kỷ, nhưng tầm nhìn của ông vẫn chưa vượt thoát khỏi những chiến hào định kiến đầy thù hận sân si.

Xin phép được tách từng nội dung trong câu nói của ông nhạc sĩ này để diễn dịch theo ý hiểu của cá nhân tôi.

Thứ nhất, ông Ẩn chua chát cho rằng, "nhạc cách mạng đã rút lui vào hoạt động bí mật". 
Tất nhiên, trong vai trò của người định hướng tư tưởng, rõ ràng, thất bại. Nhưng theo tôi, đó là một sự thất bại đáng mừng cho xã hội, bởi người ta khước từ nhạc cách mạng chính là khước từ thứ âm nhạc cổ động tuyên truyền, chứng tỏ gu nhạc của công chúng đã thay đổi và bung phá khỏi các khuôn mẫu loa phường báo mậu dịch sau hàng thập kỷ bị kìm kẹp. Không phải tất cả các tác phẩm thời VNCH đều xuất sắc. Nhưng ít nhất, đó là thứ âm nhạc tự do vượt khỏi giới hạn định hướng tư tưởng. Sự chìm lấp của nhạc giải phóng để hồi sinh âm nhạc VNCH cũng cho thấy sự bế tắc trong sáng tác của các nhạc sĩ Việt Nam hiện đại khi giới trẻ tiếp cận với âm nhạc thế giới, tự lựa chọn dòng nhạc cho mình chỉ bằng một cú click chuột, nên nếu sáng tác của anh không đủ hay, sẽ bị thải loại. Lớp người lớn tuổi hơn thì lại thích nghe những ca từ giai điệu của âm nhạc miền Nam trước 1975 chứ hiếm ai còn mặn mà với dòng nhạc thúc giục hi sinh.

Ông Ẩn tiếp tục bức xúc: "Đại đoàn kết dân tộc là chủ trương hết sức vĩ đại, đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, nhưng đoàn kết luôn có nguyên tắc tôn trọng độc lập tự do, tôn trọng lịch sử cách mạng Việt Nam, không thể nhân danh hòa hợp dân tộc để coi như ngang nhau được".

Một người làm nghệ thuật mà phát ngôn câu này không chỉ thể hiện sự ấu trĩ, hận thù về chính trị, mà còn cho thấy sự bất lực, hằn học về lĩnh vực sáng tác. Xin hỏi ông, Đã gọi là đoàn kết, là hòa hợp dân tộc mà còn phân biệt, chia rẽ, ngay cả sản phẩm tâm hồn cũng không thể coi ngang nhau thì hòa hợp nỗi gì? Những sản phẩm âm nhạc nói riêng và văn học nghệ thuật Việt Nam Cộng hòa nói chung, xét cả về nội dung và nghệ thuật, đang đứng ở đâu trên bản đồ văn nghệ Việt Nam và trong lòng người đọc, cần gì tới chuyện các ông sắp chỗ? Vậy tiêu chí "ngang nhau" là xét về giá trị tác phẩm hay mục đích tuyên truyền? Tác phẩm sống lâu hay chết yểu trong lòng người nghe chả thế lực nào hậu thuẫn nổi. Có chiếu vào khung giờ vàng mà người ta không thích nghe thì cũng tắt TV.

Còn nữa: "Chúng tôi đề xuất phải hết sức thận trọng với trang sử đen tối của miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ là bị xâm lược. Văn học, nghệ thuật độc hại của nó xuyên tạc đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ở miền Nam và hiện nay không thể tẩy xóa. Vậy mà đồng thời, phong trào cách mạng ở miền Nam trong văn học, nghệ thuật rất dữ dội, rất lớn thì không biểu dương, không tôn vinh, không học tập, không nhân rộng mà lại đòi xóa nhòa không còn khái niệm âm nhạc cũ trước giải phóng nữa”.

Trang sử miền Nam đen tối, do ai và vì đâu? Kể từ khi Chu Ân Lai can thiệp vào Hội nghị Geneve thì đất nước này đã bước vào thời kỳ đen tối rồi. 21 năm máu đổ 2 miền không đen tối thì sáng sủa vào đâu? Và suốt 21 năm sau đó, ai ném bom khủng bố các nhà hàng, khách sạn? Ai pháo kích vào các khu dân cư, đặc biệt là khu gia binh? Ai nã đại bác đêm đêm dội về thành phố? Ai làm nên những "người chết hai lần thịt da nát tan?". Và rốt cuộc, ai xâm lược ai? Trong "những trang đen tối" đó, Tổng hội sinh viên của ông Ẩn đứng ở đâu? Làm những gì?

Suốt 21 năm tồn tại của thể chế dân chủ đầu tiên trong lịch sử dân tộc, người miền Nam căng mình tự vệ, phải chống chọi với đối thủ bên kia vĩ tuyến 17, vừa phải cảnh giác với chính những đồng bào nội gián trong lòng chế độ để gìn giữ bình yên. Âm nhạc là điệu tâm hồn của họ. Là tình yêu quê hương đất nước thời lửa khói. Là lời khắc khoải dịu dàng về tình yêu lứa đôi. Là âm hưởng vui tươi về một cuộc sống thanh bình nơi thôn dã. Là những trang quân sử hào hùng viết bằng bao máu xương người trai chiến tuyến. Là triết lý về thân phận quê hương, thân phận con người. Là khúc hoan ca về một cuộc sống no lành, hạnh phúc. Nó là nhật ký tâm hồn người miền Nam, tính từ vĩ tuyến 17 trở vào. Vậy, nó độc hại ở chỗ nào? Xuyên tạc ra sao? Bao nhiêu triệu mạng người đổi lấy đất nước thống nhất. Vì lẽ gì cứ phải hát những khúc ca sắt máu, chém giết, giục giã căm thù khi lòng người vẫn đầy ly loạn?

Hãy hình dung, trước 1975, dân số miền Nam chưa tới 2 chục triệu người, mà đã sản sinh ra biết bao nhạc sĩ, không ít người trong số đó là những tên tuổi lẫy lừng trong làng âm nhạc Việt Nam hiện đại:

Châu Kỳ- Minh Kỳ- Mạnh Phát- Trúc Phương- Lam Phương- Hoài Linh- Lê Dinh - Anh Bằng - Hoàng Thi Thơ - Duy Khánh - Hoài An - Phạm Mạnh Cương- Tuấn Khanh - Y Vân - Dzũng Chinh - Anh Việt Thu - Anh Việt Thanh- Lê Trực - Phạm Thế Mỹ- Trầm Tử Thiêng- Trần Thiện Thanh- Minh Duy- Hoàng Nguyên- Hoàng Phương- Hoàng Trang- Văn Phụng- Phạm Duy, Trịnh Công Sơn- Thanh Sơn- Lê Uyên Phương- Nguyễn Văn Đông- Trịnh Lâm Ngân- Nhật Ngân- Từ Công Phụng- Ngô Thụy Miên- Anh Thy- Bảo Thu- Bắc Sơn- Bằng Giang- Diên An- Dương Thiệu Tước- Đinh Miên Vũ- Đỗ Kim Bảng- Hàn Châu- Hồng Vân- Hùng Cường- Huỳnh Anh- Lê Mộng Bảo- Mặc Thế Nhân- Ngân Giang- Nguyễn Hữu Thiết- Song Ngọc- Trần Quang Lộc- Vinh Sử....

Đó mới tính âm nhạc. Còn văn chương, hội họa, điện ảnh....chưa thể nào kể hết nhân tài. Trong khi đó, những tên tuổi Văn Cao, Đoàn Chuẩn....ở miền Bắc thế nào, không cần nhắc lại.

Giả dụ, trên các phương tiện truyền thông cả lề đảng lẫn lề dân và cả các trang nhạc trên mạng internet bỗng dưng một ngày biến mất tác phẩm của những tên tuổi vừa kể bên trên, thì âm nhạc Việt Nam còn lại những gì? Nhạc giải phóng liệu có đủ lượng rating để mà ăn quảng cáo? Nói cho công bằng, nhạc đỏ tuy là công cụ định hướng, tuyên truyền nhưng đặt vào hoàn cảnh ra đời, nó ít nhiều cũng được sáng tác từ nhiệt huyết cách mạng và lý tưởng của nhạc sĩ. Nó đã là hồi kèn xung trận cho biết bao thanh niên trai tráng miền Bắc vượt Trường Sơn chẳng tiếc máu xương và đã hoàn thành sứ mệnh. Tới bây giờ, dòng nhạc này được gọi bằng cái tên "nhạc cúng cụ". Cố ý đôn nó lên, cũng chả kích hoạt được tình cảm của ai ngoài mấy bác cựu chiến binh chưa dứt hết niềm tự hào chiến trận.

Nghệ thuật vốn chẳng phải điều gì cao siêu. Nó chỉ đơn giản là kết nối những trái tim con người gần lại. Khúc hát của kẻ chăn tằm hái dâu, khúc hát của gã nông phu nôm na mà thành ca dao dân ca vỗ về, làm giàu có tâm hồn bao thế hệ. Thì nhạc VNCH cũng vậy thôi. Cho nó là sang trọng hay rẻ tiền, bổ ích hay độc hại là tùy vào cảm nhận, tầm nhìn của cá nhân và cộng đồng. Nó cứ mặc nhiên tồn tại. Mặc nhiên chiếm cứ hồn người. Muốn tiêu diệt, thì hãy làm ra những ca khúc đủ níu tai thính giả. Bằng không, mọi kêu gào, mọi văn bản, luật lệ chỉ là thứ gây cười rồi ném vào sọt rác. Trái tim con người không cần chỉ thị. Yêu là yêu thôi.