25 novembre 2019

Đôi điều về chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh


Thiện Tùng

 25/11/2019



Cựu Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh cùng vợ, bà Trần Thị Hiệp ( bà Tư Bóng,  vợ sau ông Hạnh, chuyên nghề bán vé số), nhỏ hơn ông 33 tuổi. Trước năm tháng cuối đời, ông Hạnh cùng bà Hiệp sống tại một căn nhà tuềnh toàng trong khu nghĩa địa ấp Gò Me, xã Tân Hiệp, huyện Châu  tỉnh Tiền Giang.


Cựu Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh cùng vợ, bà Trần Thị Hiệp, trước ngôi nhà trong nghĩa trang. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)
 Nguyễn Hữu Hạnh, chuẩn tướng quân đội VNCH mất ngày 29.9.2019, thọ 95 tuổi . Sau khi ông qua đời, có một số người cố thổi phòng công trạng của ông đối với Cách mạng để rồi phiền trách lãnh đạo Việt Nam “được chim quên ná, được cá quên nôm”.


Được biết, ông Hạnh sinh ngày 26/8/1924 tại xã Phú Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang). Năm 1945, ông tốt nghiệp Trung học chương trình Pháp tại Mỹ Tho với văn bằng Tú tài bán phần (phần 1) .



Không thể xếp Nguyễn Hữu Hạnh vào nhóm được Cách mạng cài cấm vào lòng chế độ Việt Nam Công hòa (VNCH) như những điệp viên Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Đặng Trần Đức…. Chuẩn tướng Hạnh chỉ có thể xếp vào nhóm “hai mang” xuất hiện ngày càng nhiều thời VNCH, khiếnTổng thống Nguyễn văn Thiệu cay cú gọi số nầy là bọn “Ăn cơm Quốc gia thờ ma Cộng sản”.



Có lẽ do không tường tận, Nguyễn Thông viết trên Facebook: “Ngay sau ngày cụ chuẩn tướng quân đội Sài Gòn nửa Cộng sản mất, tôi nhận được cuộc điện thoại…”- kiếm một tí Cộng sản trong người Nguyễn Hữu Hạnh cũng không chớ làm gì có đến một nửa Cộng sản như Nguyễn Thông nói!.



1/ Ông Hữu Hạnh chống Cộng bằng binh nghiệp



Nghe những người đồng niên với ông Hữu Hạnh và qua kiểm chứng trên Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia), người viết có cảm nhận, suốt cuộc đời ông Hạnh sống bằng nghề binh nghiệp. Đối với ông Hạnh, yêu bản thân là chính, vấn đề nước non, dân tộc ông xếp vào hàng thứ yếu:



-  Đầu năm 1949, thi hành lệnh động viên, ông nhập ngũ vào Quân đội Liên hiệp Pháp (Pháp-Việt), theo học tại trường Võ bị Địa phương Nam Việt Vũng Tàu (Cap Saint Jacques), mãn khóa cùng năm, tốt nghiệp với cấp bậc Chuẩn úy. Khi ra trường, ông được điều đi phục vụ tại một đơn vị Bộ binh giữ chức vụ Trung đội trưởng dưới quyền Thiếu úy Đại đội trưởng Dương Văn Minh - khởi đầu của mối quan hệ thân tình của ông với tướng Dương Văn Minh về sau này.



- Giữa năm 1950, ông được thăng cấp Thiếu úy tại nhiệm. Cuối năm 1951, ông được thăng cấp Trung úy làm Đại đội trưởng Bộ binh.



- Năm 1952, khi tách quân đội Liên hiệp Pháp-Việt, thành lập Quân đội Quốc gia, ông Hạnh được thăng cấp Đại úy và được cử giữ chức vụ Tham mưu trưởng Phân khu Sài Gòn-Chợ Lớn.



- Đầu năm 1954, ông Hạnh học khóa liên đoàn trưởng Liên đoàn lưu động (GM) tại Hà Nội. Khi mãn khóa, ông được nâng cấp lên thiếu tá.



- Đầu năm 1954, với cấp bậc thiếu tá trung đoàn phó trung đoàn 11, ông nhận tiểu khu Long Xuyên (nay là An Giang) do Pháp giao lại.



- Đầu năm 1955, ông Hạnh được gọi về làm tham mưu trưởng cho ông Dương Văn Minh để nhận lãnh phân khu Sài Gòn - Chợ Lớn (gồm Rừng Sác, tỉnh Chợ Lớn, Gia Định, Tây Ninh và thành phố Sài Gòn), phần đất cuối cùng mà Pháp giao lại. 



- Năm 1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống đổi tên Quân đội Quốc gia thành Quân đội Việt Nam Cộng hòa và mở chiến dịch tiêu diệt lực lượng vũ trang của các Giáo phái. Tháng 9 cùng năm ông Hạnh giữ chức vụ Tham mưu trưởng Chiến dịch Hoàng Diệu đánh quân Giáo phái Hòa Hảo. Sau đó, đến Chiến dịch Thoại Ngọc Hầu đánh quân Giáo phái Cao Đài, ông được thăng cấp Trung tá, dưới quyền Đại tá Dương Văn Minh.



- Đầu năm 1957, ông được chỉ định làm tham mưu trưởng Liên Quân khu Thủ đô (sau đổi thành Biệt khu Thủ đô).



- Tháng 8 năm 1958, ông Hạnh được cử đi du học lớp Chỉ huy Tham mưu cao cấp tại trường Fort Leavenworth, Tiểu bang Kansas Hoa Kỳ với thời gian 42 tuần. Cuối tháng 7 năm 1959 mãn khóa học về nước, trở về làm trong Bộ tham mưu của ông Dương Văn Minh tại Bộ tư lệnh hành quân. 



-  Đầu năm 1962, ông Minh gửi ông Hạnh đi học khóa tình báo, chiến thuật, chiến lược và phản gián tại Fort Hollabird - Maryland (Mỹ). Ông Hạnh không phải chuyên viên tình báo nhưng học để mở rộng kiến thức về tham mưu.



- Năm 1963, ông Hạnh được thăng lên cấp đại tá, làm tham mưu trưởng Quân đoàn 4 và Vùng 4 chiến thuật (từ Long An đến Cà Mau).



- Tháng 7 năm 1964, làm chỉ huy phó trường Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt.



-Tháng 7 năm 1967, làm tư lệnh phó Sư đoàn 21 Bộ binh Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại Bạc Liêu.



-  Năm 1968, làm tư lệnh biệt khu 44 (tỉnh Hà Tiên, Châu Đốc, Kiến Phong và Kiến Tường).



-  Năm 1969, một lần nữa, ông được điều động trở lại Bộ Tư lệnh Quân đoàn IV giữ chức vụ Phó Tư lệnh dưới quyền Thiếu tướng Nguyễn Viết Thanh. Ngày Quân lực 19 tháng 6 năm 1970, ông được thăng cấp Chuẩn tướng tại nhiệm.



- Trung tuần tháng 5 năm 1972, ông thuyên chuyển ra Bộ tư lệnh Quân đoàn II, giữ chức vụ Phó Tư lệnh do Thiếu tướng Nguyễn Văn Toàn làm Tư lệnh. Giữa năm 1973, thuyên chuyển ra Quân đoàn I giữ chức vụ Chánh Thanh tra Quân đoàn.



- Ngày 15 tháng 5 năm 1974, ông nhận được quyết định về hưu do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ký khi ông mới 48 tuổi. Lý do là ông đã phục vụ trong quân đội quá thời gian quy định (trên 20 năm). Ý đồ sâu xa của Tổng thống Thiệu là loại bỏ bớt những người ngả theo tướng Dương Văn Minh – lực lượng thứ ba “Ăn cơm Quốc gia thờ ma Cộng sản”.



- Ngày 29 tháng 4 năm 1975, ông trở vào quân đội trong chính phủ Dương Văn Minh với chức vụ phụ tá tổng tham mưu trưởng.



2/ Vì sao ông Hữu Hạnh lại có cảm tình với “Việt Cộng” ?



Từ năm 1960 đến sau nầy, tôi chẳng lạ gì đối với ông chuẩn tướng Hạnh. Vì tôi hoạt động Cách mạng trong tầm “phủ sóng” của ông – khu Trung Nam bộ (đông sông Tiền) gồm các tỉnh Kiến Phong, Kiến Tường, Mỹ Tho, Long An, Gò Công, Bến Tre. Sau chiến tranh tôi gặp chuyện vãn thân mật với ông Hạnh nhiều lần, phải nói ông là con nhà Nho giáo, lịch thiệp, hiền hậu, nói năng thận trọng nhưng cỡi mỡ.



Trong chiền tranh, Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa gọi lực lượng Cách mạng miền Nam là “Việt Cộng”; gọi giới lãnh đạo miền Bắc VN là “Cộng sản Bắc Việt”. Ngược lại, phía Cách mạng gọi VNCH là “Ngụy quân, Ngụy quyền”; gọi quân đội Mỹ và quân đội đồng minh của Mỹ tham chiến ở Nam VN là “quân xâm lược”. Chuẩn tướng VNCH Nguyễn Hữu Hạnh có cảm tình riêng với “Việt Cộng” (lực lượng CM MN) chẳng qua là lợi dụng qua lại với nhau theo kiểu “có đi có lại”. Số là:



Cha Nguyễn Hữu Hạnh là ông Nguyễn Hữu Điệt, theo ông Hạnh sống ở Cần Thơ.  Nghe chú Điệt bịnh, Ông Nguyễn Tấn Thành có biệt danh là “tám Vô Tư” đến thăm. Hạnh và Thành là anh em chú bác ruột, khi tâm sự Hạnh nói: “Ba em ao ước khi chết được đưa xác về chôn ở quê nhà xã Phú Phong . Nhưng ngặt nỗi xã Phú Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho nằm trong vùng ‘Việt Cộng’ kiểm soát làm sao em có thể đưa ba em về đó được!”. 



Sau đó, ông Thành đem chuyện nầy nói với Bảy Rết, cán bộ binh vận. Ông Rết về  trên báo rõ việc nầy.



Do ông Thành (tám Vô Tư) làm trung gian, một kịch bản được 2 phía thỏa thuận trong bí mật. Quên ngày, tôi chỉ nhớ khoảng tháng 10/1963, ông Điệt qua đời, kịch bản mật nầy mới lộ ra: Lịnh ngừng bắn cả khu vực rộng lớn quanh xã Phú Phong trong 3 ngày (tính từ ngày chôn đến ngày mở cửa mã). Quan tài ông Điệt đi đường bộ theo lộ Lộ 4 (nay là Quốc lô 1) rẻ vô lộ Đông Hòa vào thị tứ Vĩnh Kim rồi xuống đò theo Rạch Bà Hào về xã Phú Phong. Chuẩn tướng Hạnh đưa tang và dự lễ mở cửa mã cho cha bằng chỉ 1 chiếc trục thăng bay lượn trên không” (Có lẽ Hạnh “ngại” không đi dường bộ?).



Thế là từ đó Chuẩn tướng Hạnh có cảm tình với “Việt Cộng”. Ông được “Việt Cộng” gắn mật danh là S7 hoặc Sao Mai, nhưng hầu như “Việt Cộng” không giao được (ông Hạnh không nhận) nhiệm vụ gì có thể ảnh hưởng đến vị trí của ông. Ông và ông Thành giữ liên lạc với nhau đến tận cuối năm 1974.



Theo Bảy Rết kể lại, chuẩn tướng Hạnh nói: “Càng hiểu về cách mạng, tôi càng tìm cách giúp đỡ theo khả năng, nhất là theo yêu cầu của bác Tám” – Đúng là ông Hạnh chỉ là cảm tình viên đối với Cách mạng  bắt nguồn từ việc phía Cách mạng giúp ông đưa xác cha về quê chôn cất?.



Những ngày tàn của VNCH, qua đường ông tám Vô Tư, ông Hạnh cung cấp cho Cách mạng 2 thông tin ngắn gọn đáng ghi nhận và 2 góp ý đáng giá:



- Tháng 12/1974, khi Quân Giải Phóng đánh chiếm thị xã Phước Long, chuẩn bị đả viện, ông Hạnh nói: “không có quân tiếp viện”.



- Khi Quân Giải Phóng đắn đo trong việc chọn điểm tấn công khởi đầu chiến dịch Tây Nguyên, ông Hạnh nói: “Buôn Mê Thuột bỏ ngõ; Quân VNCH không có chuẩn bị, khi thất thủ không có tổ chức nào ở hậu phương”.



 - Khởi đầu chiến dịch Hồ Chí Minh, các mũi tiến công của Quân Giải Phóng hướng về Sài gòn, qua ông tám Vô Tư, trổ tài tham mưu chuyên nghiệp của mình, ông Hạnh góp ý: “Quân xung kích cần tiến nhanh, đừng sợ bị phản công. Ở hậu phương nên giao cho địa phương quân”. Có lẽ từ góp ý nầy của ông Hạnh, trên đài phát thanh, trên khắp các mặt trận được khích lệ bằng  câu khẩu hiệu: “Thần tốc tiến công – Thời gian là lực lương”.



- Cũng Qua ông tám Vô Tư, ông Hạnh góp ý: Kích động binh sĩ VNCH  truất phế ông Thiệu bằng cách hài 3 tội ông ấy: (1) không thi hành hiệp định Paris, lấn chiếm vùng cách mạng kiểm soát khiến cho đối phương phản ứng. (2) Chủ trương rời bỏ Tây nguyên, giúp cho đối phương dựa vào đó làm bàn đạp tấn công xuống đồng bằng và (3) Làm Tổng thống mà bản thân và gia đình tham nhũng. Binh vận khoét sâu mâu thuẫn nội bộ VNCH, Quân Giải phóng thần tốc tiến công, khiến binh sĩ VNCH đổ hết tội lỗi cho Tổng Thiệu, thậm chí họ còn đòi “lấy tiết” ông ấy.



3/ Lực lượng thứ ba



Đứng giữa hai bên tham chiến là lực lượng “thứ ba”. Nó chỉ là cái bóng của 2 thế lực chủ chiến, hoạt động theo kiểu đu dây, chỉ cần mất một bên nó sẽ tiêu vong. Vì vậy, muốn tồn tại, nó luôn ngã về phía yếu để tạo cân bằng. Sau Mậu thân 1968, lực lượng Cách mạng suy yếu, lực lượng thứ ba nầy đôi khi nói binh cho phía Cách mạng. Vì vậy Tống thống Thiệu bực mình chụp cho họ cái mũ: “Ăn cơm Quốc gia, thờ ma Cộng sản”.



Đại tướng Dương văn Minh (Minh lớn) cầm đầu lực lượng thứ ba đã bị Tổng Thiệu cho nghỉ hưu. Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh luôn là đệ tử ruột của ông Minh, thuộc nhóm lực lượng thứ ba, Tổng thống Thiệu cũng cho Hạnh nghỉ hưu khi mới 48 tuổi. Ông Minh, ông Hạnh đã rời quân ngũ suốt thời gian dài, nhưng họ có phụng/thờ Cộng sản bao giờ đâu mà ông Thiệu nói thế ?!.



Tháng 4/1975, Tổng thống Thiệu như ngồi trên lửa: Mỹ cúp viện trợ, không có tiền trả lương cho binh sĩ… / Nhóm “Tướng trẻ đầu bò” do tướng “không quân” (1) Nguyễn Cao Kỳ cầm đầu, đang chầm hầm đảo chánh / Lực lượng thứ ba nhân cơ hội rối ren ứng lên khắp nơi / Phía Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam (đối phương) tung ra lời kêu gọi “Hòa giải, hòa hơp dân tộc”.



Ra đi là con đường tất yếu phải chọn đối với Tổng Thiệu. Nhưng cuộc chiến chưa tàn, đi phải giao quyền lại cho người khác. Giao cho ai? Quả là khó cho ông Thiệu: Không thể giao cho nhóm “Tướng trẻ đầu bò” hoặc giao cho lực lượng thứ ba do Dương văn Minh cầm đầu – toàn là những lũ “phản phúc”!. Cuối cùng Tổng Thiệu đành phải giao ghế cho giáo già mắc mờ, bị bịnh thắp khớp Trần Văn Hương.



4/ Không thành danh cũng thành người nhơn hậu



Tiếng súng trận vang đến “phủ đầu rồng”, thua cuộc là cầm chắc, chỉ còn tính ngày giờ, già Hương tỏ ra bất lực. Tướng Kỳ nèo nẹo đòi già Hương giao quyền để tử thủ. Tuy già yếu bịnh tật, nhưng già Hương vẫn tỉnh táo cân nhắc: Giao cho Kỳ tử thủ rốt cuộc cũng thua trận, máu đổ  thây phơi, nhà tan cửa nát, nhứt là Sài Gon. Cuối cùng già Hương giao ghế cho đại tướng Dương văn Minh (lực lương thứ ba) để chấp nhận “hòa giải, hòa hơp” với phía MTDTGP MN may ra còn kiếm được “chút cháo” khi tàn cuộc chiến.



Khi nắm quyền Tổng thống, Dương văn Mịnh tức tốc gọi đệ tử ruột Nguyễn Hữu Hạnh từ Cần Thơ lên Sài Gòn.



Đường 4 (QL1) từ ngả ba Trung Lương (Mỹ Tho) đến Sài Gòn bị phía Cách mạng cấm, rốt cuộc, chuẩn tướng Hạnh phải đi đường vòng theo lộ 24 đến Gò Công, qua bắc Cầu Nổi, Cần Giuộc rồi  đến Sài Gòn ngày 29/4/1975.



Hạnh vừa tới, Dương văn Minh chỉ định ông Hạnh giữ chức Phụ tá cho tân Tổng tham mưu trưởng trung tướng Vĩnh Lộc. Có lẽ là ý ông Minh, ông Hạnh tác động khiến cho tướng (Hoàng tộc) Vĩnh Lộc đào nhiệm. Khi Vĩnh Lộc đào nhiệm, Minh chỉ thị cho ông Hạnh ra lịnh cho quân đội không được di chuyển quân, chờ thương thuyết, và không được phá cầu khi chua có lịnh của Bộ Tổng tham mưu. 



Phải thừa nhận phía Mặt trận DTGP tung “hòa giải, hòa hợp dân tộc”, bầu đoàn tổng thống Dương văn Minh hứng, đưa cuộc chiến kết thúc “không làm rơi rụng một cánh hoa hồng” (lời  đoạn bài ca vọng cổ của Trần Nam Dân), tướng “Việt Cộng” Trần văn Trà nói trước bầu đoàn Dương văn Minh: “Mỹ thua Mỹ rút quân, còn chúng ta là những người chiến thắng”



Như vậy tình hình diễn biến theo hướng “Việt Cộng” và “Việt nam Cộng hòa” hòa giải, thành lập Chính phủ Liên hiệp để rồi hiệp thương tổng tuyển cử giữa 2 miền Nam Bắc, bầu ra chính phủ chính danh cho cả nước theo tinh thần hiệp định Paris. Nhưng tình hình lại không theo chiều hướng đó: Sau khi chiếc T54 tông cửa dinh Độc lập, một sĩ quan quân đội Bắc Việt Nam ( theo tập san Quân đội, người ấy tên An là phải), tuyên bố trước nội các Dương văn Minh: “Các anh đã bại trận, còn gì để bàn giao, chỉ có tuyện bố đầu hàng thôi”. Thế là dàn sĩ quan Bắc Việt buộc Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng phát trên đài phát thanh Sài Gon trưa 30/4/1975.



Vì kiếm không được “cháo”, Dương văn Minh không chấp nhận ở lại, xin lưu vong ra nước ngoài, còn chuẩn tướng Hạnh, ở lại xem như là “nhân sĩ yêu nước”, được đãi ngộ theo chế độ thiếu tướng, được chữa trị và qua đời viện cấp cao ở miền Nam (bịnh viện Thống Nhứt TP HCM).



Nói gì thì nói, nhưng phải thừa nhận một điều là ông Minh và Hạnh đã góp phần, nếu không nói quyết định, cũng nói đáng kể trong việc kết thúc cuộc nội chiến êm đẹp, tránh được máu chảy thây phơi, nhà tan cửa nát. Dầu không thành danh, hai ông cũng thành người nhân hậu.

 
Ông Hạnh và tấm bằng ghi nhận công lao trong ngày 30 Tháng Tư, 1975, do chính quyền Cộng Sản trao tặng. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)


Nếu tính công thì ông Hạnh thua xa, nếu tính chế độ đãi ngộ thì ông hạnh còn diễm phúc hơn nhiều so với Chủ tịch Mặt trận Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng MN Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch Liên minh các dân tộc vì hòa bình Trịnh Đình Thảo, bà Nguyễn thị Bình, bà Ngô Bá Thành… hay những vị cán bộ khai quốc công thần như các ông họ Trần: Trần văn Trà, Trần Bạch Đằng, Trần Độ, Trần Xuân Bách..vv. và .vv…?. Việc không cho con ông Hạnh vào Đại học vì lý do con “Ngụy quân” như tác giả Nguyễn Thông viết trên Facebook đó là việc làm ấu trĩ, không chỉ riêng đối với ông Hạnh. Vì sự phân biết ấy trái với pháp lý và đạo lý nên nó “yểu tử, sau đó nhà cầm quyền hủy bỏ nó (sửa sai).



Sau khi vợ chết, ông Hạnh có vợ khác, cất nhà khiêm tốn trong đám mã ở ấp Gò Me, sống khắc khổ,… đó là tình cảm, nguyện vọng của ông chớ nhà cầm quyền cũng thực hiện đầy đủ chế độ đãi ngộ đối với ông. Hơn nữa, 11 đứa con ông (1 đứa ở Đức, 10 đứa ở TP HCM) đâu muốn/để ông như vậy, tại ông muốn/chịu như vậy?.



Sở dĩ tôi phải viết đôi điều vế ông chuẩn tướng Hạnh  là muốn mọi người tôn trọng sự thật. Nhìn nhận vấn đề “phải trái phân minh, nghĩa tình đầy đủ” -/-



------



Chú thích



(1)  Ông Nguyễn Cao Kỳ là tướng không quân. Vì cầm đầu nhóm “Tướng trẻ đầu bò”, luôn đối chọi với ông Thiệu. Để tránh tai họa, ông Thiệu tước hết binh quyền của ông Kỳ, cho ông ngồi chơi xơi nước, trở thành tướng “không quân” – tướng mà trong tay không có quân.