Một đoạn tường chia cắt thủ đô Berlin. Ảnh chụp năm 1986. Noir/wikipedia.org |
Cách nay 30 năm một sự kiện xảy ra tại Đông Âu gây chấn động toàn cầu. Bức
tường Berlin, biểu tượng cho cuộc Chiến tranh Lạnh sụp đổ, báo hiệu cho sự tan
rã hoàn toàn của khối cộng sản toàn trị, do Liên Xô đứng đầu. Sự kiện Bức tường
Berlin sụp đổ có ý nghĩa gì với lịch sử Việt Nam đương đại ?
RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà văn Nguyên Ngọc, một trụ cột của cao
trào Đổi mới văn nghệ Việt Nam trong những năm 1987-1989, nhân chứng lịch sử
của thời điểm bước ngoặt này.
Theo nhà văn Nguyên Ngọc, sự kiện Bức tường
Berlin sụp đổ chấn động này đã làm cho người Việt Nam phải suy nghĩ rất nhiều.
Tuy nhiên, tình hình Việt Nam trước đây và hiện nay khác xa với Đông Âu. Bởi
chế độ cộng sản tại Việt Nam ''ăn sâu, trộn lẫn với chủ nghĩa yêu nước trong
một thời gian rất dài''. Tìm được con đường thoát khỏi một chế độ như vậy là vô
cùng khó. Để tìm ra được một kịch bản khả dĩ giải thoát cho Việt Nam, cần trở lại
với sự lựa chọn gốc : văn minh hay chuyên chế, hướng về các nền dân chủ phương
Tây hay ngả sang các thể chế độc tài – toàn trị.
Bức tường Berlin sụp đổ, những biến chuyển trong khối cộng sản toàn trị
trước và sau biến cố lịch sử này dường như, với nhà văn Nguyên Ngọc, vẫn là câu
chuyện của Việt Nam hôm nay. Thời gian 30 năm như ngưng đọng. Việt Nam vẫn đứng
trước thách thức chọn đường thoát, như 30 năm về trước.
***
RFI : Ông nhận định ra sao về sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ ngày
09/11/1989 ?
Nhà văn Nguyên Ngọc : Đối với Việt Nam cũng như đối với thế giới, đây
là một sự kiện rất lớn. Nó chấm dứt một chế độ đã kéo dài cả thế kỉ. Tôi cũng
có ở Liên Xô không lâu trước khi Bức tường Berlin sụp đổ. Và tôi cũng có ở một
số nước Đông Âu. Thì tôi nghĩ rằng đã có những dấu hiệu là chế độ này không tồn
tại lâu dài nữa đâu. Cho nên đến cái ngày nó sụp đổ, thì cũng là bất ngờ, nhưng
đối với riêng tôi cũng là tất yếu thôi. Tôi cũng có
ở Đức, ngay Berlin, phía đông Berlin. Tôi thấy rằng đối diện với Tây Berlin,
với Tây Đức, một chế độ như vậy không thể kéo dài.
Còn riêng đối với Việt Nam, sự chấn động đó, theo tôi, nó làm cho Việt Nam,
cho người Việt Nam phải suy nghĩ rất nhiều. Tôi nghĩ rằng sự thay đổi ở Việt
Nam cũng sẽ là tất yếu. Nhưng chưa biết sẽ diễn ra theo kịch bản nào. Đang rất
khó chọn kịch bản nào. Nhưng thể nào cũng phải chấm dứt chứ.
RFI : Theo ông, vì sao lại khó ?
Nhà văn Nguyên Ngọc : Hiện nay
ở Việt Nam, có nhiều người suy nghĩ về điều đó rồi, nhưng cũng thường nói với
nhau là : chưa thấy kịch bản. Tôi thì tôi thấy thế này. Ở Việt Nam, có chỗ khác
thế này : Ớ các nước Đông Âu, sau khi quân đội Liên Xô đánh Đức ở các nước đó,
rồi áp đặt chế độ cộng sản vào các nước đó, cho nên khi họ rút xe tăng đi, thì
chế độ cộng sản cũng đi theo luôn. Nhưng ở Việt Nam, ''cộng sản'' gọi là nội
sinh. Và có thể nói là nó chui được vào trong chủ nghĩa yêu nước, nó lẫn lộn
với chủ nghĩa yêu nước. Cho nên nó sâu đậm hơn rất nhiều. Nó ăn sâu, trộn lẫn
với chủ nghĩa yêu nước trong một thời gian rất dài. Qua hai cuộc chiến tranh.
Tôi cũng có sống cuộc chiến tranh thứ nhất, cuộc chiến tranh chống Pháp.
Theo tôi, nó hoàn toàn là cuộc chiến tranh yêu nước, mặc dầu đã mượn chủ nghĩa
cộng sản về để làm việc này rồi… Ảnh hưởng của Liên Xô và Trung Quốc sau năm
1950, sau khi giải phóng biên giới với Trung Quốc và ông Mao Trạch Đông đã
xuống đến Hoa Nam rồi, thì tác động của Liên Xô, Trung Quốc đến Việt Nam ngày
càng đậm. Làm biến dạng tính chất của cuộc chiến tranh đi.
Nhưng ở Việt Nam hai cuộc chiến tranh ở Việt Nam rất khó ở chỗ chủ nghĩa
yêu nước vẫn còn, vẫn có trong đó, nó lẫn lộn với chủ nghĩa cộng sản, mặc dù
cái chủ nghĩa cộng sản càng về sau càng bộc lộ rõ rệt hơn. Cái phần đó nặng
hơn, nhiều hơn. Cho nên việc gỡ ra ở Việt Nam, khó khăn hơn rất nhiều. Nó ăn
quá sâu trong mấy mươi năm, trong gần một thế kỉ (tính đến nay).
RFI : Trước
khi Bức tường Berlin sụp đổ, chính quyền Việt Nam cũng tiến hành ''Đổi mới''
song song với quá trình Perestroika ở Liên Xô. Việc Bức tường Berlin sụp đổ,
rồi sau đó tác động dây chuyền đến việc Liên Xô tan rã, có tác động cụ thể gì
đến tiến trình thay đổi tại Việt Nam ?
Nhà văn Nguyên Ngọc : Lâu nay tôi vẫn thường nói thế này. Cái 1986, cái
(mốc) mà Việt Nam gọi là ''Đổi mới'', tức là cái đảng Cộng Sản Việt Nam cởi
trói cho xã hội, theo tôi không phải như vậy. Thực ra, nó đã bí bức đến cái mức
mà người ta tự phá trói người ta đi ra. Với các tác động của sự sụp đổ của Liên
Xô, của việc Bức tường Berlin sụp đổ, người ta càng cảm thấy không thể sống
trong một cơ chế như thế nữa. Vào cái năm đó, tôi bảo là không có sự cởi trói
đâu ! Không có chuyện cởi trói cho Dân đâu ! Mà là Dân tự phá trói, người ta đi
ra. Trước hết là trong đời sống, trong nông nghiệp, rồi đến trong xã hội, trong
văn học nghệ thuật, đời sống tinh thần cũng thế… Nhưng ở Việt Nam lại có một
chỗ khác, như điều mà tôi nói vừa nãy : cái ''cộng sản'' nó lẫn lộn vào trong
chủ nghĩa yêu nước. Còn một điều này nữa : Trong thực tế, những người cộng sản
đầu tiên người ta cũng xuất phát từ chủ nghĩa yêu nước, người ta đi mượn một hệ
thống lý thuyết để mong giải phóng dân tộc.
Thế nhưng, anh đã mượn rồi thì anh mắc nợ, rồi từ chỗ mắc nợ rồi anh vùng
vẫy, rồi anh muốn thoát ra, nhưng mà vùng vẫy mãi cũng không được, không thể
thoát được. Vì thoát ra thì làm sao ? Anh đã chọn con đường bạo lực để giải
phóng dân tộc. Thì để… anh phải mượn, mà anh mượn thì anh mắc nợ. Anh mắc nợ
thì anh vùng vẫy mãi không ra…. Cái này có lẽ chỉ có văn học mới có thể nói
được thôi…
Ở Việt Nam, chúng tôi thấy có một chuyện thế này : Lúc đó chỉ có một người
duy nhất thấy không thể làm như thế được, không thể chọn con đường đó được (con
đường bạo lực cộng sản). Người đó là Phan Châu Trinh. Vì ông Phan Châu Trinh,
ông ấy đặt vấn đề khác : Độc lập mà không phát triển, thì không để làm gì cả !
Phát triển thì nhất định phải hướng về phương Tây…. Chúng tôi rất muốn là tìm
hiểu vì sao Phan Châu Trinh lại có thể sáng suốt đến mức như thế ? Ông thấy con
đường phát triển duy nhất là phải hướng về phương Tây. Phải trở nên văn minh.
Sở dĩ Việt Nam mà bị nô lệ là vì Việt Nam quá ư lạc hậu so với đối thủ của
mình. Muốn thoát ra khỏi tình trạng thê thảm đó, thì phải hướng về nền văn minh
của phương Tây.
RFI : Xin cảm ơn nhà văn Nguyên Ngọc.