21/11/2019
Thượng tướng Phan Văn Giang - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam. |
Tại hội nghị rút kinh nghiệm về công tác
quản lý, bảo vệ chủ quyền biển đảo năm 2019 vào ngày 20/11, Thứ trưởng Bộ Quốc
phòng, Thượng tướng Phan Văn Giang, cho rằng Việt Nam đã “theo dõi, nắm chắc
tình hình” và “kịp thời tham mưu đề xuất” với các lãnh đạo Đảng và Nhà nước để
đưa ra “các phương án đấu tranh phù hợp, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo”,
đặc biệt trước hành vi xâm phạm của tàu Hải Dương Địa chất 8 vào vùng đặc quyền
kinh tế của Việt Nam.
Theo Bộ Quốc phòng, phía Việt Nam đã có
“kế hoạch hiệp đồng” trong việc đối phó với Trung Quốc trong sự kiện này.
Cụ thể, Bộ Quốc phòng cho biết đã phối
hợp với Tổng cục Chính trị tổ chức các đoàn kiểm tra công tác sẵn sàng chiến
đấu của các đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ trên thực địa, phối hợp với Ban Tuyên
giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông để “đẩy mạnh công tác thông tin,
tuyên truyền về biển đảo, không để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá,
xuyên tạc làm mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội”.
Ngoài ra, Bộ này cũng khẳng định đã
“kiên trì đấu tranh ngoại giao ở các cấp” và chuẩn bị nhân lực và phương tiện,
“tạo nên sức mạnh tổng hợp trên các mặt trận”.
Sự kiện tàu thăm dò Trung Quốc công khai
hoạt động trong khu vực gần bãi Tư Chính, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt
Nam, trong nhiều tháng liền, bắt đầu từ đầu tháng 7, đã đẩy căng thẳng trong
mối quan hệ giữa hai quốc gia cao đến mức đỉnh điểm kể từ sau sự kiện giàn
khoan Hải Dương HD-981 vào năm 2014.
Đây cũng là lần đầu tiên Hà Nội chính
thức lên tiếng phản đối nhiều lần trước sự xâm phạm của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến trong
công luận cho rằng phản ứng của Việt Nam chưa đủ mạnh để đẩy lùi hành vi hung
hăng của Trung Quốc.
Tàu Hải Dương Địa Chất 8 chỉ tự rút lui
vào cuối tháng trước sau khi đã “hoàn tất nhiệm vụ”.
Tại cuộc họp hôm 20/11, Bộ Quốc phòng
Việt Nam cho rằng cần phải nâng cao chất lượng việc đánh giá, dự báo tình hình
và không để bị động về chiến lược trong thời gian tới. Đồng thời, cần phải đầu
tư thêm cho việc sản xuất quốc phòng, xây dựng công trình phòng thủ, lực lượng
dân quân, tự vệ biển, “thế trận chiến tranh nhân dân” để có thể đối phó với mọi
tình huống.