13 novembre 2019

ĐÃ ĐẾN LÚC


Thái BáTân
 
Cũng phải có ai đấy
Chịu trách nhiệm chuyện này.
Chuyện thuyền nhân di tản
Mấy mươi năm trước đây?

Thường chiến tranh, loạn lạc
Mới bỏ nhà ra đi.
Tại sao ta, “giải phóng”,
Hàng triệu người ra đi?

Ra đi bằng mọi giá,
Mọi lúc và mọi nơi.



Hàng chục vạn người chết,
Bỏ mình giữa biển khơi.

Một bi kịch vĩ đại.
Một nỗi đau tột cùng.
Nạn nhân một chế độ
“Vinh quang và anh hùng”

Một tội ác rùng rợn,
Không phải do chiến tranh,
Mà tội ác diệt chủng
Của một thời hòa bình.

Đã đến lúc lịch sử
Phải phán xét chuyện này.
Chuyện thuyền nhân di tản
Mấy mươi năm trước đây.
_______


BALLAD VỀ CÔ BÉ VÀ NHỮNG VIÊN SỎI


Ngày ấy, sau "giải phóng",
Vì đói khổ, buồn phiền,
Có một gia đình nọ
Lên tàu đi vượt biên.

Không cần biết chi tiết,
Chỉ cần biết cả nhà
Chết hết, may còn lại
Cô bé và người cha.

Người cha và cô bé
Lênh đênh giữa biển trời
Ròng rã sáu tuần lễ,
Sáu tuần, chỉ hai người.

Cuối cùng cô bé ấy
Cũng đến được đất liền,
Tất nhiên ở nước khác,
Ở nước khác, tất nhiên.

Có điều bố cô chết
Để cô được tự do.
Bố cô đã lấy máu,
Lấy máu mình nuôi cô.

Được tự do, cô bé
Hàng ngày ra biển ngồi.
Nghịch ném những viên sỏi,
Mắt nhìn xa, xa vời.

Cô còn bé, thậm chí
Không biết rằng người nào
Đã gây nên điều ấy,
Làm gì và vì sao?

Vì sao bố cô chết,?
Và vì sao việc cô
Phải uống máu người bố
Mới tìm được tự do?


*
Câu chuyện này có thật,
Được chiếu trên ti-vi.
Cứ hỏi biển thì biết.
Biển kia, đang thầm thì.

Biển thầm thì thương xót,
Xót thương một kiếp người.
Một kiếp người bé nhỏ
Phiêu diêu giữa biển đời...


Hà Nội, 11. 7. 2012