21 mars 2020

Chúng ta đang trả giá!


Nhiều con rạch hầu như đã trơ đáy

Hạn - mặn ở vùng ĐBSCL ngày càng khốc liệt. Ngoài nguyên nhân do biến đổi khí hậu, các nước phía thượng nguồn như Trung Quốc… giữ lại nước bằng các đập thủy điện, thì nguyên nhân còn do chính quy hoạch, tầm nhìn của chính chúng ta!


Ở rừng U Minh Thượng và U Minh Hạ, trước đây “tài sản” quý nhất chính là lớp than bùn được hình thành do hoạt động đứt gãy địa chất Rạch Giá - mũi Cà Mau xảy ra cách đây trên 4.000 năm. Đĩa than bùn cao hơn mặt đất, có tác dụng giữ nước rất lớn. Như tài liệu nghiên cứu đất than bùn ở Indonesia cho thấy, khả năng giữ nước của lớp ít phân hủy là 500-1.000% trọng lượng khô (tương đương 1 gam của lớp ít phân hủy có thể giữ từ 5-10 gam nước).

Vào mùa mưa, nước tích lũy trong đĩa than bùn. Suốt mùa khô, mực thủy cấp trong địa than bùn vẫn cao hơn mặt đất bên ngoài và nước từ đó sẽ thấm ra, cung cấp cho xung quanh. Do đó, đĩa than này một thời gian dài chính là nơi điều tiết nước và đóng vai trò đẩy xâm ngập mặn vào mùa khô. Nếu giữ nước ngập trên 0,2 mét quanh năm thì quá trình phân hủy tự nhiên bằng với lượng chất hữu cơ của thảm thực vật đóng góp vào (như lá cây rụng, cành khô…). Như vậy, nếu có xảy ra cháy rừng thì lớp than bùn chỉ bị cháy một lớp mỏng bên trên, không ảnh hưởng đáng kể đến khu rừng.

Vì lý do đó, thời chiến tranh nhiều lần Mỹ dùng bom Napal để đốt rừng U Minh không thành công. Sử dụng biện pháp hóa học để tiêu huỷ, cũng không đem lại kết quả “mong muốn” như trên rừng đước… Có thể nói, do thiếu hệ thống kênh đào, lớp than bùn dày là 2 yếu tố quan trọng tạo ra sinh thái đặc thù của U Minh, tạo nên sự oanh liệt của vùng đất này.

Nhưng sau năm 1975, hàng loạt con kênh được xẻ ngang, dọc trong rừng nhằm giữ nước chữa cháy, tạo tuyến giao thông… Nhưng tác động? Nước tích trong đĩa than bùn bị rút tràn xuống các con kênh, khiến mực thủy cấp bình quân cả khu vực giảm mạnh vào mùa khô. Chúng ta cứ nghĩ đào kênh để giữ nước mà không ngờ lại khiến mực nước hạ xuống.

Cộng thêm việc người dân trong vùng đệm đang có khuynh hướng gia tăng tỉ lệ đất nông nghiệp, nuôi tôm… khiến nước từ vùng lỏi mất nhanh. Thảm xanh tại vùng đệm giảm sút, gây nên tình trạng gia tăng nhiệt độ càng khiến nước trong vùng lỏi mau bốc hơi.

Và chính những lý do này đã khiến những năm qua, xảy ra các vụ cháy ở U Minh trong nhiều ngày chỉ vì một mồi lửa nhỏ, mất hàng ngàn héc-ta rừng… vì ẩm độ giảm, lượng chất hữu cơ khô tích luỹ lớn trở thành nguyên liệu cháy.

Vẫn có ý kiến cho rằng, trước đây người ta vẫn xẻ kênh như người Pháp đã hoạch định hệ thống kênh đào cho U Minh gần như hoàn chỉnh vào năm 1940. Nhưng thực ra, người Pháp làm vậy là với mục tiêu phân nhỏ vùng U Minh để kiểm soát an ninh, chứ không phải để giữ nước chữa cháy! Và tác động nguy hiểm không kém của các con kênh còn là chuyện hệ sinh thái bị chia cắt, động vật bị co cụm theo tiểu vùng, người dân càng dễ vào rừng xâm hại…

Nhưng tác động tiêu cực nhất của việc đào hàng loạt kênh thoát nước, rửa phèn, thoát lũ... ở vùng ĐBSCL trong những năm trước đây, là khiến nước tiêu thoát rất nhanh! Và giờ, ở miền Tây, hạn hán và xâm ngập mặn mỗi năm một tăng. Nước ngọt không giữ được, nên hạn hán. Và những con sông đổ ra biển thiếu nước ngọt, nên nước biển mang dòng mặn tràn vào, ngày một sâu, là điều dễ hiểu.

Và vì sao cứ khi có dự báo hạn hán, đâu đâu cũng nghe phát động nạo vét kênh mương, đào thêm kênh thủy lợi. Để nước càng rút mau thêm, hạn càng thêm hạn?


Lúa chết khô vì hạn - mặn
Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, hiện tượng khí hậu thay đổi khiến quả đất bị “hâm” nóng lên mỗi năm một cao thêm, tác động dây chuyền là nhiều nước phải đối mặt với hạn hán gay gắt. Và nguyên nhân khiến quả đất bị hâm nóng chính vì những hoạt động của con người như phá rừng,.. Cộng thêm nguồn nước dần cạn kiệt vì con người khai thác nhiều nước, phục vụ việc mở rộng sản xuất nông nghiệp...

Tại vùng ĐBSCL, nguồn nước ngọt được cung cấp chủ yếu từ sông Mêkông. Thời gian qua, một số ý kiến đã cho rằng, hạn hán gay gắt xảy ra trong những năm gần đây ở vùng ĐBSCL chính từ tác động của hàng loạt con đập lớn nhỏ phục vụ thủy điện, nước tưới tiêu… được xây dựng trên sông Mêkông, tại các nước phía thượng lưu như Trung Quốc, Thái Lan, Lào… Như các đập nước của Trung Quốc, vừa qua giữ đến 22 tỉ m3 nước!

Vùng ĐBSCL là nơi chịu tác động trực tiếp phía thượng lưu và điều này nằm ngoài tầm kiểm soát của Việt Nam. Giả như chỉ cần một cái đập mới được xây lên phía thượng lưu là ảnh hưởng ngay đến nguồn nước ở ĐBSCL.

Tiến sĩ Dương Văn Ni, Trường đại học Cần Thơ, cho biết, ngoài biến đổi khí hậu, những đập nước phía thượng lưu sông Mêkông thời gian qua đã gây tác động chính là thay đổi quy luật ngập, hạn, dù khách quan cho thấy tổng lượng nước đổ về ĐBSCL hàng năm không giảm mạnh. Giả như khi mùa mưa bắt đầu tại Trung Quốc, thì do qua nhiều con đập giữ nước, đến ít nhất 1 tháng sau nguồn nước này mới tràn về ĐBSCL. Và theo đó, khi nguồn nước đầy, các con đập được xả đồng loạt khiến nước lũ ở ĐBSCL lên rất nhanh.

Ở hầu hết các lưu vực sông thì các dòng chảy tự nhiên đều bị thay đổi ở phạm vi nào đó nhằm đáp ứng nhu cầu định cư, nước tưới, kiểm soát lũ hoặc tạo ra năng lượng. Từ đó đã phát sinh một số ý kiến cho rằng phải có kế hoạch quản lý và phát triển bền vững các đập, công trình tưới trên cơ sở đối thoại và thảo luận giữa các bên…

“Nhưng chính chúng ta cũng đã tự gây hại”- ông Ni khẳng định. Nước vào mùa lũ thực ra mang nguồn phù sa, thủy sản dồi dào, giúp đẩy xâm ngập mặn ra khỏi đồng bằng. Theo ông, nhưng chính vì quan niệm lũ là thiên tai, phải “tống” đi càng sớm càng tốt trong thời gian qua đã phát sinh hàng loạt công trình đê bao khép kín phía các tỉnh thượng nguồn ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp. Do vậy, thay vì nước lũ được tràn đầy đồng như trước đây, thì nay chúng bị co cụm lại theo các dòng sông và lại theo sông Mêkông rút nhanh về các tỉnh phía hạ nguồn.

Và hàng chục năm qua, các tỉnh phía hạ nguồn cũng ào ạt gia tăng hệ thống kênh, mương, nạo vét sông rạch để thoát lũ nhanh. Hệ quả là nông dân phải gánh khi bắt đầu vào mùa khô: nước đã khan hiếm lại càng rút nhanh hơn khiến hạn hán gay gắt. Và khi dòng chảy yếu đã khiến xâm ngập mặn ngày càng tăng là lẽ đương nhiên.

“Trước đây, ở Đồng Tháp có vùng Láng Biển nước tràn lênh láng hàng ngàn héc-ta. Vào mùa khô, nước ở nơi này vẫn lênh láng. Nhưng rồi hàng loạt kênh rạch tiêu úng, xổ phèn… ra đời, khiến 10 năm qua nơi này chỉ còn trong ký ức”- ông Ni dẫn chứng. Trước đây, khi ĐBSCL chưa đào kênh rạch nhiều, khá nhiều nơi vẫn bị… ngập vào mùa khô.

Ông Ni cho rằng, điều cứu vãn trước mắt là nên có kế hoạch khai thác các tiểu vùng đê bao khép kín, biến nơi đây thành các “hồ” trữ nước vào mùa khô với điều kiện phải đảm bảo lợi ích của người dân trong và ngoài các tiểu vùng.

Đê bao có thể trở thành 1 hồ chứa nước ngọt quý giá, phân phối lại nước sản xuất, sinh hoạt cho các vùng khác. Dĩ nhiên, ở tiều vùng trong đê bao khép kín này, chấp nhận thiệt hại đôi chút về sản xuất nông nghiệp trong vài tháng, nhưng bù lại ta khuyến khích người dân ứng dụng các mô hình sản xuất phù hợp như nuôi trồng thủy sản…

Hiện nay, cả vùng ĐBSCL không quy hoạch được một nơi nào thực sự gọi là nơi trữ nước trong mùa hạn, trong khi điều kiện từ các tiểu vùng đê bao khép kín có sẵn!

Mỗi hệ sinh thái có một cách quản lý khác nhau và chúng ta phải phân biệt điều đó bằng những phương pháp tiếp cận hệ sinh thái. Chúng ta đã đối xử tàn bạo với thiên nhiên, và giờ đã phải trả giá!


Hồ Hùng